Khí tiết - Dân Làm Báo

Khí tiết

Đỗ Trường (Danlambao) - Năm Ất Sửu 1805. Gia Long niên hiệu thứ tư. Ngày 4 tháng 11. Tiết trời hanh khô, u ám giăng kín cả làng Tam Đăng, tổng An Chung thuộc huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng. Con đường vắng những bước chân. Chỉ có đàn chuồn chuồn kim chao qua chao lại trên những dậu hoa dâm bụt ven đường. Chính Ngọ, đất trời vụt sáng. Đâu đó có tiếng trẻ khóc ré lên làm Chú Khách bán thuốc rê dạo giật mình. Dường như, tiếng khóc từ ngôi nhà gianh trước mặt. Không biết đứa trẻ vừa sinh nam hay nữ, nhưng chắc chắn sau này sẽ là một quí nhân. Ngẩn tò te suy nghĩ, tính toán một hồi, rồi Khách lẩm bẩm như vậy. Một chút tò mò, Khách nhấc cánh cổng tre, lách vào, đứng giữa sân hắng giọng. Thấy mụ đỡ và người nhà ra vào bận rộn, gã định quay gót. Đột nhiên, thằng nhỏ từ trong nhà lon ton chạy ra, rồi chạy vào, kéo tay người đàn ông có khuôn mặt tưởng chừng khắc khổ, nhưng ngoái lại, toát lên nét nho nhã và tĩnh tại. Người đàn ông cúi người, kéo chốt để mở rộng cánh cửa, Khách vội xua tay:

- Mỗ tôi đi ngang, nghe tiếng trẻ khóc, nhà chắc có tin vui, vào xin gia chủ gáo nước mưa cho đã cơn khát, rồi đi ngay thôi.

- Vâng, nhà tôi vừa ở cữ, Chú cứ vào đây uống chén nước cho ấm cái bụng đã.

Bước chân vào nhà, chiếc xích đông sách được xếp ngay ngắn, treo trên cái nghiên mực dưới bàn viết, như đập thẳng vào mắt Khách. Mùi dược thảo thoang thoảng bốc ra từ căn buồng phía trong cho gã cảm giác thật dễ chịu. Nhìn cung cách pha trà của gia chủ, buộc gã phải đổi lại tư thế ngồi, và cách xưng hô:

- Thưa tiên sinh, hỏi không phải, nhà ta vừa có thêm quí công tử, hay…

- Thứ nam Chú ạ.

- Đẻ vào ngày giờ này, cậu thứ học hành tấn tới, đỗ đạt, sau này chắc chắn sẽ là quí nhân, quan lớn đấy. Mà nhìn tướng cậu cả nhà ta cũng không phải người tầm thường đâu.

- Chú cứ khen quá lời.

- Tiên sinh cứ tin một lần, mỗ tôi lấy đầu ra đảm bảo. Nhìn đôi Liễn, biết chắc tiên sinh họ Phạm, lót Văn, cậu cả tên Thanh, vậy cậu thứ này nên đặt tên Nghị. Phạm Văn Nghị… Với Âm Thổ, theo Ngũ Hành Quẻ Cát thì chắc chắn là người đại quan tiết tháo rồi còn gì nữa…

Đặt chén trà xuống khay, ông Phạm gật gù:

- Ra Chú đây rất am hiểu Kinh Dịch. Chú theo nghề này đã lâu chưa?

- Không nhiều, không nhiều, học trộm, học mót thôi… Gia đình từ Nam Hải chạy loạn sang đây, đến mỗ tôi là đời thứ ba, bà nội, và mẹ đều là người thành Nam ta. Bói toán, Kinh Dịch là nghề gia truyền, nhưng khốn khổ thay, không ai bói toán, dịch chuyển được số phận của mình. Dòng họ cứ ai dính vào cái nghề này đều chết non, chết yểu cả. Đến đời mỗ tôi, mẹ sợ quá, cấm tiệt, buộc phải đổi sang nghề bán rong, bán dạo khắp nơi. Tiên sinh yên tâm, mỗ tôi còn qua lại đây nhiều nhiều nữa…

Trời mới chớm sang thu, lá đã trải vàng lối đi. Những tia nắng sớm mai chưa thể xuyên thủng màn sương mù dày đặc. Con đường làng trước mặt mờ mờ như nét chì vẽ vội. Tiếng í ới gọi nhau đi hái, cắt rau cho kịp buổi chợ phiên làm chàng trai trẻ Phạm Văn Nghị tỉnh giấc. Ngôi nhà tre, vách đất này, thuộc làng Trầm Hương, tổng Thiện Trạo, huyện Yên Khánh, được ông Phạm thuê làm nơi dạy học cũng như ở của hai cha con. Tuy là vùng bán sơn địa, nhưng Trầm Hương khá trù phú với những cánh đồng lúa, xen những đồng rau xanh mượt chạy tận đến chân núi đá vôi. Đây cũng thuộc vùng đất phát tích của ba triều đại. Khi ông Phạm đăng lính ở miền núi Thái Nguyên, Phạm Văn Nghị trở thành người thày dạy học thay cha. Tuy vậy, Nghị vẫn cần mẫn đến thụ nghiệp từ Nguyễn tiên sinh, Quan Đốc Học tỉnh Ninh Bình.

Chỉnh trang lại quần áo, Nghị tản bộ trên đường làng, rồi quay về ruộng rau của gia đình họ Đậu đối diện với nơi ở trọ. Thói quen này có từ khi họ Đậu đến nhờ Nghị thảo cho đơn từ, trình báo nơi công đường. Họ Đậu mới từ miền Kinh Bắc chuyển về Trầm Hương được dăm năm. Nhà có trưởng nữ Đậu Thị tuổi vừa cập kê, trăng tròn. Tuy không đẹp, nhưng Thị có giọng nói ngọt ngào, với đôi mắt sắc, sâu thăm thẳm. Gặp Thị lần đầu, Nghị đã bị đôi mắt dao cau ấy, bổ đôi hồn người. Đây mới là lý do, sớm mai Nghị thường quanh quẩn ở ngoài ruộng, nơi Đậu Thị hái rau, trồng cà. Thấy Nghị siêng năng bút mực, vài lần họ Đậu đánh tiếng, gia đình trầu cau và mai mối, sẽ gả Đậu Thị cho. Tuy nhiên, lúc này ông Phạm vẫn còn nơi biên ải, nên Nghị ngỏ lời xin khất, chờ cha về. Nhưng thời gian sau đó, thấy Nghị hỏng thi, đường công danh mịt mù, Đậu Thị quay lưng, trở mặt về làm dâu phú hộ làng bên.

Nghị cắn răng kìm nén, lấy đèn sách lấp đi khoảng trống, nỗi đau. Sau khi giải ngũ, ông Phạm đã nhận ra điều đó ở Nghị. Và nhân lúc con cả Phạm Văn Thanh phải vào lính, ông Phạm cưới Trần Thị tuổi mười bảy, người cùng làng cho Nghị.

Năm sau, Nghị ở tuổi 23, ông Phạm bị bạo bệnh. Trước khi mất ông cầm tay vợ chồng Nghị dặn:

- Ta mất rồi, các con ngoài việc chăm sóc mẹ và các em, phải học hành, thi cử kiếm lấy cái công danh. Nếu sau này đỗ đạt dứt khoát phải tìm đến Chú Khách làm nghề bán thuốc rê, nhà ở đông thành Nam, mời về làm môn khách trong nhà. 

Nghị khóc như mưa, mắt hằn lên những vệt máu:

- Cha yên nghỉ, con dứt khoát thực hiện những lời cha dặn.

Với nỗ lực của bản thân cũng như sự cổ võ của người vợ Trần Thị, kỳ thi năm 1837 Nghị đỗ cử nhân, và năm sau 1838 trúng luôn nhị giáp tiến sĩ (tức Hoàng giáp). Cùng năm, Nghị được bổ vào làm Tu soạn Viện Hàn lâm. Ngay lập tức, Nghị tìm đến nhà Chú Khách, mời làm môn khách, và cùng đi nhậm chức. Không lâu sau Nghị được điều về làm Tri phủ Lý Nhân.

Là vị quan chính trực, liêm khiết Nghị được dân chúng rất kính trọng. Cuối năm ấy, Nghị thường phục, tuần tra các nơi huyện, thị. Đến Nam Xương, gần Tết thấy cảnh vẫn tiêu điều, dân chúng xác xơ. Vào huyện đường cũng không khá hơn là bao. Thấy lạ, Nghị liền lân la dò hỏi, thì được biết:

Trong huyện có một tên quan lớn, tên Sâu Thất Yểu đã trí sĩ (hưu trí) từ lâu. Yểu người Tày, thuộc phủ Thông Hóa, xuất thân từ tên gác rừng, gánh củi thuê. Năm 1789, khi Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh tan hơn hai mươi vạn quân Thanh, Yểu đăng lính Tây Sơn. Là kẻ trí trá, do vậy, khi Quang Trung lâm bệnh qua đời, Yểu liền chạy theo hàng Tả tướng quân Lê Văn Duyệt. Rồi sau đó đi theo giúp Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh đánh Thị Nại. Cảnh thấy Yểu khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nên chọn vào lính vệ trong Đông Cung. Năm Tân Dậu 1801 hoàng tử Cảnh mất bởi bệnh đậu mùa, khi mới 21 tuổi, để lại người vợ trẻ, đẹp nghiêng nước nghêng thành Tống Thị Quyên và hai con Nguyễn Phúc Mỹ Đường và Nguyễn Phúc Mỹ Thùy. Theo lẽ thường, Gia Long phải truyền ngôi cho cháu đích tôn Nguyễn Phúc Mỹ Đường, nhưng ông không làm như vậy. Ngôi báu thuộc về hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mạng). Từ đó, gây ra mâu thuẫn trong gia tộc, và bà bè phái trong triều. Bởi, có nhiều quan đại thần còn ủng hộ đích tôn Nguyễn Phúc Mỹ Đường.

Khi lên ngôi, để củng cố thế lực và diệt trừ hậu họa, năm 1824, Minh Mạng tạo ra một thảm án vô cùng ly kỳ, và bẩn thỉu. Kỳ án bắt đầu từ tên lính vệ Sâu Thất Yểu báo cho Tả tướng Lê Văn Duyệt: Nguyễn Phúc Mỹ Đường là kẻ hoang dâm vô độ đã thông gian với mẹ đẻ là Tống Thị Quyên.

Lê Văn Duyệt tấu lại với Minh Mạng. Minh Mạng sai Duyệt bắt Thị Quyên, cho dìm nước chết ngay, không cần qua thẩm tra, xét hỏi. Đích tôn Nguyễn Phúc Mỹ Đường bị giáng xuống làm thứ dân.

Là người có công, cũng là then chốt của vụ án, nên từ một tên lính vệ, Yểu được thăng vượt cấp, và được bổ nhiệm ngay ra trấn thủ vùng biên giới phía Bắc, thuộc Trấn Lạng Sơn. Từ đây, Yểu tạo lập vây cánh rất lớn. Yểu và đồng đảng nắm trọn, và kiểm soát các tuyến đường buôn bán, thông thương với Trung Quốc. Càng nhiều tiền, quyền hành Yểu càng lớn, càng xa hoa, truy lạc. Tuy ở xa, nhưng tiếng nói của Yểu rất có uy thế với triều đình. Bởi, Yểu có sự chống lưng của các thế lực phương Bắc. Lúc này, biên giới phía Bắc buôn bán khá sầm uất. Đậu Thị cùng chồng từ làng Trầm Hương lên Trấn Lạng Sơn mở thương điếm mới. Cái sự mặn mòi gái một con của Đậu Thị làm cho Sâu Thất Khiếm, con của Yểu say mê điên cuồng. Là kẻ lẳng lơ, hám tiền Đậu Thị biết, chỉ có dựa vào thế lực gia đình Khiếm thì mới có thể phát triển buôn bán, và thỏa mãn dục vọng. Vậy là, kẻ lẳng lơ, hám tiền gặp tên trọc phú lưu manh, đã buộc người chồng của Đậu Thị viết giấy ly dị, và phải về quê sinh sống. Đậu Thị về làm dâu họ Sâu một thời gian ngắn, thì mẹ chồng qua đời. Khiếm được Yểu mua cho cái chức huyện thừa ở một tỉnh xa. Ngày Khiếm đi nhận chức, Đậu Thị vẫn ở lại thương điếm Trấn Lạng Sơn. Cuối năm, Khiếm quay về đón vợ. Thật khốn nạn thay, Đậu Thị đã là vợ của Yểu, tức thành mẹ kế của mình. Khiếm uất khí, chỉ mặt Yểu và Đậu Thị chửi:

- Lũ khốn nạn. Không thể kiện, nhưng tôi sẽ từ ông.

Tuy đã hồi hưu, nhưng thế lực của Yểu, tiền tài của Đậu Thị vẫn còn bao trùm cả vùng biên ải. Nhưng tiền và lực vẫn không bịt được miệng lưỡi người đời, đi đâu cũng thoang thoảng bên tai: Nhà tôm lộn cứt lên đầu. Dưới áp lực như vậy, buộc Yểu và Đậu Thị chuyển về Nam Xương, một nơi ít người biết đến. Ấy thế, không lâu sau, Đậu Thị không những mở thêm thương điếm, mà còn kết cấu với cường hào địa phương cho vay nặng lãi, dẫn đến cướp nhà, thu đất của dân. Xã hội bất ổn, đời sống người dân điêu đứng từ đó. Quan huyện bó tay, bởi vẫn cái ô của Yểu quá lớn…

Nghe chuyện, Nghị nổi giận. Dù trời đã vào đêm, Nghị vẫn muốn tìm gặp huyện lệnh Nam Xương. Nhưng Khách can:

- Yểu là kẻ ranh ma, hắn có vỏ bọc, ô che lớn không chỉ từ triều đình, mà còn cả thế lực phương Bắc, không dễ động chạm, Hoàng giáp phải hết sức thận trọng.

Nghị bảo:

- Ta không thể không đưa đưa bọn này ra ánh sáng công đường. Ông chớ có can ngăn nhiều.

Ở lại nha huyện Nam Xương, Nghị thức cả đêm để xem lại tất cả đơn kiện Yểu và đồng đảng, mà từ bấy lâu không thể phán xử. Trời chưa sáng hẳn, Nghị đã sai lính lệ đi mời nguyên cáo đến huyện nha hỏi chuyện. Nhưng có người đến, kẻ không. Nỗi sợ bao trùm cả phủ, huyện.

Tuy nhiên, chẳng mấy khó khăn, trong một thời gian ngắn Nghị đã tìm đủ chứng cứ tội phạm của Yểu và Đậu Thị. Hôm xử ở phủ đường Lý Nhân, bọn gia đinh của Yểu chống cự quyết liệt. Nhưng Yểu và Đậu Thị cười tươi, chỉ tay vào mặt Nghị:

- Ta không nhận tội. Cái tri phủ nhỏ nhoi của ngươi, xử và bỏ tù được ta hay sao. Nhà ngươi chắc chắn sẽ phải trả giá.

Quả thật, Yểu và Đậu Thị bị tạm giam không lâu, Nghị đã dồn dập nhận được chiếu chỉ. Buộc phải thả người, nhưng Nghị tức tốc hồi kinh. Gặp Thiệu Trị, Nghị tấu trình, và vặn hỏi:

- Yểu và Đậu Thị đã phạm vào luật pháp không thể không xử để yên lòng dân. Cớ sao Bệ hạ tha tội?

Thiệu Trị bảo:

- Đạo Quang, Hoàng Đế Nhà Thanh rất quan tâm đến Yểu, và có lời thỉnh cầu. Về ngoại giao, Ta không thể chối từ.

- Thưa Bệ hạ, như vậy phương Bắc đã động chạm đến chủ quyền của chúng ta. Nếu bệ hạ không trị tội Yểu, sau này sinh ra nhiều tên Yểu khác, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Thiệu Trị gằn giọng:

- Yểu là thằng già sắp chết, thì làm được gì. Ngươi cũng nên tha cho nó.

Nghị định nói tiếp, Thiệu Trị ngắt lời:

- Ý ta đã quyết, ngươi chớ nhiều lời. Ngươi không phải quay về phủ Lý Nhân nữa. Nay mai sẽ có chiếu chỉ, ngươi về Biên tu ở Sử quán.

Biên tu ở Sử quán, có nghĩa Nghị bị giáng ba cấp. Với Nghị cấp tước, phẩm hàm giờ chỉ là những thứ phù du, nhưng trong lòng nặng nỗi đau về đất nước, nỗi đau của những người dân khốn cùng. Thấy Nghị trầm ngâm, Khách hỏi: Hoàng giáp có tâm sự gì chăng?

- Ta muốn mang cái sở học của mình ra giúp nước, giúp dân, nhưng không được như ý, nên buồn vậy thôi. Ông theo ta đã lâu, tuổi cũng lục tuần, cần nghỉ ngơi rồi. Ta tính, sắp tới sẽ từ quan, chúng ta về quê mở trường dạy học, có lẽ giúp cho dân, cho nước nhiều hơn. Ông nghĩ sao?

Khách ngẫm nghĩ, rồi trả lời:

- Hoàng giáp nghĩ thế cũng phải. Nhưng cung mệnh Hoàng giáp chưa thể an nhàn. Mỗ tôi tuy đã lục tuần, nhưng sức khỏe vẫn còn theo kịp Hoàng giáp.

Đầu thu năm 1846, Nghị xin Thiệu Trị được từ quan về quê dưỡng bệnh.

Đêm đầu tiên, sau tám năm trở về quê hương cho Nghị cảm giác thật dễ chịu. Với ông, không nơi nào có giấc ngủ bình yên, như ở chốn quê nhà. Trời đã sang canh năm. Trăng cuối tháng nghếch lên đầu ngọn cau. Cơn gió bấc nhẹ luồn qua liếp cửa. Vậy là, trời đã chớm sang đông. Nghị dậy, châm đèn đọc sách. Bất chợt, mây từ đâu kéo đến, giăng kín cả bầu trời. Gió hú lên. Nghe có tiếng vó ngựa khua, như từ rất xa vọng lại. Cây đèn rung rinh, nghiêng ngả, tưởng chừng sắp đổ. Nghị gục xuống, chập chờn…

Khi tỉnh dậy, mồ hôi Nghị vã ra như tắm, thấy Khách đã đứng cạnh giường:

- Hoàng giáp vừa qua cơn ác mộng?

Nghị lắc đầu:

- Ta vừa có một giấc mơ kỳ lạ. Dường như Triệu Việt Vương vừa tìm gặp ta? Ngài căn dặn: Hãy đi về hướng đông nam khoảng tám mươi dặm. Nơi có con sông đổ ra cửa biển, cũng là nơi an nghỉ của cha con ngài. Nơi đó là mảnh đất lành, để mở mang bờ cõi, hưng thịnh quốc gia.

Khách bảo:

- Có lẽ, đó là cửa biển Đại Nha. Ngày còn bán thuốc rê, mỗ tôi đã đôi lần qua lại. Tương truyền, khi Triệu Việt Vương bị Lý Phật Tử truy đuổi, đến cửa biển này cùng đường, ngài và con gái nhảy xuống biển, tuẫn tiết. Ở đó, người đời sau dựng đền thờ ngài, nhưng hiện nay rất hoang vu, chỉ có những bãi lầy với sú và vẹt.

Trầm ngâm suy nghĩ, rồi Nghị quay sang Khách:

- Từ Đại An ngược lên thượng nguồn sông Cái phần lớn là đất thổ cư, chúng ta không còn nhiều để trồng trọt, canh tác. Lập ấp, di dân lấn biển, cải tạo đất đai trồng lúa nước là một thượng sách. Như trước đây cụ Nguyễn Công Trứ đã làm. Tới đây, chúng ta sẽ đi thực địa, rồi tâu bẩm với triều đình cho lập ấp trại, mở mang việc học hành. Công việc này không thể ngày một ngày hai, ta rất cần sự trợ giúp của ông.

Nghị dứt lời, Khách rót tách trà đưa đến:

- Hoàng giáp nói đúng. Tuy nhiên theo mỗ tôi, biển Đại Nha không chỉ mở mang sản xuất, an sinh mà còn là nơi lưu thông đường biển và đường thủy, quốc phòng rất quan trọng nữa. Đây là việc lớn, hệ trọng, rất tốn kém sức lực và tài lực, do vậy, Hoàng giáp cần tìm đồng sự, như bác cả Thanh, và các đồng liêu, điền chủ… Công việc chung này, mỗ tôi không từ gian nan.

Từ Tam Đăng, Khách và cả Thanh mang hàng hóa, nông cụ xuôi đường sông. Nghị dẫn đoàn tráng đinh qua đò Đống Cao, đón Giám sinh Vũ Danh Viêm đến từ Nam Chân huyện, đi bộ cùng tới cửa biển Đại Nha. Về chiều, trời mưa nặng hạt, lầy lội, mãi đến canh hai Nghị, và Viêm đến được Giáp Phú. Trời tối đen, mưa đã tạnh, nhưng gió như quất vào mặt. Tiếng người hay quỷ rít lên như tiếng mèo hen giữa bãi tha ma với những ánh sáng lập lòe, làm mọi người chờn chờn, rợn rợn. Đến gần tiếng rên như phả ra hơi lạnh, ánh sáng bay cuộn lên trong gió. Mấy tráng đinh sợ ù té chạy. Nghị gọi lại: Người, hay ma quỷ, ta cứ thẳng người mà sống, thẳng người mà đi có gì phải sợ. Rồi Nghị xắn cao quần lội thẳng xuống nơi phát ra ánh sáng và tiếng rên. Lúc sau Nghị quay lại, bảo, có thể là một sương nữ (cô gái), cần hai tráng đinh xuống giúp khiêng lên chữa trị ngay, chậm là hỏng mất. Đêm đó Nghị thức trắng, và cô gái đã được cứu sống. Tỉnh lại mới hay, cô tên Bùi Thị, người Nam Chân. Cha mất sớm, gia cảnh nghèo khó, hai mẹ con sống nương tựa nhau. Ít ngày trước, người mẹ đi bắt cáy biển, nhưng không thấy trở về. Thị đi tìm. Vật vờ, đói khát, mấy ngày sau, Thị mới hay, mẹ trúng gió đã chết. Không có người nhận, dân làng Giáp Phú đã cuốn chiếu đem chôn. Thị tìm ra mộ, khóc than vật vã mấy ngày. Tuy bất tỉnh, nhưng không hiểu hơi sức từ đâu, tiếng gào của Thị cứ rít lên như vậy.

Không còn nơi nương tựa, Bùi Thị xin theo Nghị khai hoang, lấn biển lập trại Sỹ Lâm. Và thời gian sau, Bùi Thị trở thành con dâu thứ của Nghị, cũng là người đàn bà đầu tiên đơm hoa kết trái trên trại Sỹ Lâm. Đó lànăm Nhân Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852).

Cùng với Đinh Công Mỹ và một số thổ mục, năm 1854 Cao Bá Quát khởi binh ở Mỹ Lương chống lại triều đình. Tự Đức lo sợ, liền sai Lê Duy Hiệp Tổng đốc Hà Ninh cùng Tổng đốc Bắc Ninh và Sơn Hưng Tuyên đi dẹp loạn. Hiệp người Minh Hương, sinh quán An Nhơn, Bình Định. Do vậy, Hiệp liên kết với Lê Đạt Ký quan cai phu mỏ là người của triều đình nhà Thanh cùng đánh dẹp.

Lúc này, Nghị đang lập trại Sỹ Lâm, mở mang trường học ở Phủ Nghĩa Hưng. Khi hay tin Nghị giật mình, viết ngay tấu trình lên Tự Đức, đòi trị tội Hiệp đã vẽ đường cho ngoại bang can dự vào việc nhà, dẫn đến những hậu quả khôn lường về lâu dài…

Đọc xong bản tấu của Nghị, Tự Đức liền giáng Hiệp xuống tuần phủ. Rồi quay sang hỏi Đại Học Sĩ Trương Đăng Quế:

- Sắp tới, nhân lúc chỉnh đốn quan lại, ta muốn giao cho Nghị một trọng trách trong triều. Ngươi nghĩ sao?

- Theo thần biết, hiện Nghị đang quai đê, lấn biến lập ấp trại, xây trường, mở lớp dạy học. Tìm người làm quan được như Nghị, trong triều không thiếu. Nhưng tìm một người thày, một người tìm kiếm, đào tạo nhân tài cho đất nước như Nghị, hiện nay trong triều không có người thứ hai. Mong bệ hạ suy nghĩ kỹ.

Nghe theo lời khuyên của Quế, năm 1857, Tự Đức bổ nhiệm Nghị làm Đốc Học tỉnh Nam Định. Nghị nhận chức Đốc Học không được bao lâu, Thực dân Pháp đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Mang nỗi uất ức, căm thù, ngay đêm đó Nghị ra lời mộ quân ứng nghĩa vào Sơn Trà đánh giặc, và viết “Trà Sơn KhángSớ” gửi Vua Tự Đức: “…Hạ thần là kẻ thư sinh, tuy không hiểu nhiều việc quân, nhưng khi đất nước có giặc, thường cùng các học trò là cử nhân, tú tài còn chút nghĩa khí, bàn bạc nghiên cứu cái thế của ta và địch, để nắm chắc phần thắng. Nếu Bệ hạ cho phép, chúng thần được tới chỗ quân địch, tìm hiểu hình thế, rồi bày mưu đặt kế, bẩm trình lại. Nếu được sử dụng thì chắc cũng hữu ích…”.

Nhận được lời mộ quân của Nghị, hàng ngàn học trò và tráng đinh hưởng ứng, tham gia. Từ đó chọn ra 365 nghĩa sĩ, trong đó có 5 cử nhân và 8 tú tài được phiên làm bảy đội, hợp thành ba đạo. Tiền đạo đã từng là quan Án Sát tỉnh Biên Hòa Phạm Văn Xưởng. Hậu quân là học trò của Nghị, Phó bảng Đặng Ngọc Cầu. Nghị tự thống lĩnh trung quân. Năm Tự Đức thứ mười ba, trước giờ xuất chinh, Nghị viết, ngâm bài phú làm nức lòng tướng sĩ: 

“Giận sôi tóc dựng mũ
Bút đánh há thua ai?
Mong sớm tan giặc dữ
Tờ ngọc nâng trên tay...”

Khách tiễn Nghị một chặng. Lúc chia tay thấy Khách còn ngập ngừng, Nghị hỏi:

- Chắc ông còn điều gì muốn nói với ta?

- Mỗ tôi năm nay đã bảy lăm, sức đã cạn, rất tiếc lần này, không thể theo Hoàng giáp. Nhưng có một điều, chắc chắn Hoàng giáp đã biết, nhưng mỗ tôi vẫn muốn nhắc lại. Có lẽ lẩm cẩm quá chăng?. Kẻ thù nguy hiểm truyền kiếp của nước Nam là phương Bắc, chứ không phải giặc Tây. Tây ở xa, đến rồi ắt sẽ phải đi, không thể mang nổi một tấc đất. Nhưng giặc phương Bắc nham hiểm liền kề, chúng sẽ gặm nhấm từ từ. Do vậy, dù thế nào đi chăng nữa, Hoàng giáp cố giữ đội quân cảm tử này, quay về đề phòng giặc phương Bắc.

Nghị hai mắt ngầu đỏ, nắm chặt tay Khách:

- Ta đã hiểu…đã hiểu.

Giặc tháo chạy về phương Nam, từ Đà Nẵng Nghị muốn tiến quân đánh Gia Định. Nhưng triều đình, kẻ muốn hòa, người muốn đánh. Tự Đức còn lưỡng lự, nhưng vẫn hạ chỉ, buộc Nghị phải đem quân ra Bắc. Tuy thất vọng, nhưng Nghị vẫn xin vào yết kiến nhà vua. Trước mặt Tự Đức và cả bọn chủ hòa Phan Thanh Giản, Lê Duy Hiệp…Nghị gạt nước mắt:

- Nếu bệ hạ nghe lời của bọn hủ nho mà chủ hòa, chắc chắn không bao lâu giặc sẽ nuốt gọn Nam Bộ, sau đó tấn công Bắc Kỳ.

Tự Đức trầm ngâm, rồi bảo:

- Ngươi cứ tạm mang quân ra Bắc, đốc thúc cho tốt công việc học hành, thi cử. Ta sẽ có chiếu chỉ sau.

Và đúng như Nghị tuyên đoán, không bao lâu Thực dân Pháp nuốt gọn Nam Kỳ. Năm 1873 giặc tấn công Bắc Kỳ. Đã có sự chuẩn bị từ trước, do vậy, Nghị lãnh đạo học trò và nhân dân làm nên chiến thắng Ngã Ba Độc Bộ làm cho Thực dân phải run sợ. Và ngay sau đó, Nghị cho lập căn cứ lâu dài trên núi An Hòa, lực lượng nghĩa quân lên tới bảy ngàn người, chuẩn bị tái chiếm lại thành Nam Định. Cùng lúc, tin Tự Đức đã ký “Hòa ước Giáp Tuất- 1874” với giặc làm cho Nghị choáng váng. Đêm đó, Nghị trèo lên đỉnh núi An Hòa, ngửa mặt nhìn trời xanh mà khóc. Nghe nói, tiếng khóc của Nghị rít lên, thảm hơn cả tiếng khóc của Bùi Thị ngày nào. Sáng hôm sau, mắt hãy còn sưng húp, Nghị bùi ngùi cho giải tán nghĩa quân, rồi một lần nữa viết biểu từ quan, để vào Động Hoa Lư ở ẩn.

Khi xuống đến chân núi, Nghị đã thấy Khách chống gậy đứng chờ. Nghị chưa kịp lên tiếng Khách đã hỏi:

- Hoàng giáp định gửi mình vào nơi rừng sâu thật sao?

Nghị bảo:

- Ta còn mặt mũi nào nhìn trời đất, và chúng sinh!

- Hoàng giáp, qúa lời rồi. Công việc của Hoàng giáp mấy chục năm qua, mỗ tôi đã chứng kiến, chỉ có chính nhân, quân tử mới làm được. Gần một nghìn năm, trải qua bao triều đại, và khoa cử chỉ có bốn vị Tam Nguyên. Ấy vậy, mà Hoàng giáp đã có hai học trò trong số ấy là: Vị Xuyên Trần Bích San và Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Há chẳng phải là người thày độc nhất vô nhị trong lịch sử hay sao? Niềm tự hào ấy, mỗ tôi cũng được thơm lây vậy.

Nghị lặng im, nhìn người môn khách, cũng là người bạn già đã mấy chục năm cùng chia sẻ những khổ cực, đớn đau… Nghị chưa muốn đi, nhưng chân đã vội bước. Khi ngoái lại, dường như Khách đã nhòa vào cái nắng chiều đỏ dưới chân đồi…

Nghị mất vào tháng Chạp, năm 1880, trời mưa sa không dứt. Tuy vậy, học trò, khoa bảng, chức sắc đến viếng rất đông. Tang lễ diễn rất trang nghiêm. Đột nhiên trời quang hửng nắng. Một cụ già quần áo, râu tóc một màu trắng xóa, không hiểu từ đâu tới, nghiêng người vái, đọc:

"Tích yên, nghĩa lỗ nhân can, Độc Bộ ba đào câu nộ sắc
Kim dã, nghiêm sương hàn lộ, Hoa Lư thảo thụ đối sầu nhan"

Người đời sau cảm thán mà dịch rằng:

"Xưa chèo nghĩa buồm nhân, Độc Bộ cồn cồn sóng giận
Nay băng đông sương giá, Hoa Lư ảm đạm cây sầu"

Đọc xong, cụ đi nhanh như một cơn gió, làm mọi người sửng sốt. Người bảo, là Chú Khách, người thì nói không...

*Hậu duệ của Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị:

Tết âm lịch năm 2015, tôi về Hà Nội. Sáng mùng 4 tết, tôi đi thăm Trại Sỹ Lâm nay thuộc xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Rất may, tôi được gặp ông bạn Phạm Văn Võ hậu duệ đời thứ bảy của cụ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Và là con cụ Phạm Văn Đẩu người hiện đang coi sóc đền thờ cụ Phạm Văn Nghị ở đầu làng Sỹ Lâm. Ngày 10-10-1976 đang học lớp 9 Võ phải đi bộ đội. Gần nửa thế kỷ gặp lại nhau, vui, nhưng nhìn hắn nhàu lắm. Vỗ vai bạn hỏi: Người lính trải qua hai trận chiến sinh tử với Polpot và giặc Tàu sao cằn cỗi thế này? Võ bảo: Vào bộ đội chiến đấu, học tập và tu dưỡng đạo đức hết mình, nhưng cứ động đến giấy tờ vào Đảng CS và đi học sỹ quan là không được. Bởi, địa phương không đồng ý, phê lý lịch con cháu quan lại, dù đã là đời thứ bảy. Mà đâu có phải riêng tôi, bố tôi (Phạm Văn Đẩu) cũng vậy. Ông tham gia đánh Pháp, học hành rất khá, sau này chỉ được phép là công nhân đóng gạch. Và rồi còn đời con cháu tôi nữa…

Vậy là, sau 5 năm Võ phục viên, hiện đã là một lão nông. Ấy vậy, có những lúc quẩn trí, hắn cứ réo lên ùng ục (nói như ngôn ngữ thời nay ở trong nước: Nghe phản cảm lắm): Cụ Phạm Văn Nghị ơi! Cụ đỗ tiến sĩ làm gì. Cụ làm quan làm gì. Cụ quai đê lấn biển, lập ra cái Trại Sỹ Lâm làm gì? Để liên lụy, làm khổ con cháu của cụ thế này…

Leipzig ngày 31-8-2017

(Trong truyện này, tôi có sử dụng tài liệu của nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống, và một số nhà sử học- Xin cảm ơn)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo