A.N.T (Danlambao) - Những ngày này, bình minh trên quê hương thân yêu, được chào đón nhộn nhịp trong tiếng còi của xe buýt, xe hơi, xe tay ga, xe số, đủ loại tranh nhau nhả khói quyện lẫn bụi đường bay mù mịt như sương ban mai lẫn trong tiếng rao hàng tạo thành một thứ âm thanh ồn ào, inh ỏi, và hỗn độn.
- Aaaai mua chuối hôn... Aaaai mua chuối hôn.
- Bánh mì... Bánh mì đi.
- Sương sa, sương sáo, chè chôi nước, chè chuối ơi....
Thả mắt nhìn mông lung những con người bê bết, lam lủ kiếm ăn, bên ly cà phê nóng thường nhật, ông Hòa kéo một hơi dài rồi thư thái nhả khói thuốc ngang đầu vài ông bạn già bên bàn cờ tướng, thỉnh thoảng địa cặp đùi thon của cô chủ trong chiếc váy chỉ vừa đủ che mông. Bộ ngực nử làm căng chiếc áo thun hồng lạt phơi bày bờ vai trắng nỏn nà.
- Còn gì bằng. Quê hương thật đúng là chùm khế ngọt, bắn mắt vô cùng.
Ông Hòa trộm nghĩ trong khói thuốc, khói ly cà phê nóng bay lên không. Vài năm sau khi nghỉ hưu, ông bàn tính với con cái và đã đi tới quyết định hồi hương về sống tại Sài Gòn. Một quyết định mà nhiều lúc ông lấy làm tiếc rẻ, đáng lẽ nên hồi hương sớm hơn chứ. Tiền hưu, tiền eo-phe, và tiền các con tiếp tế dư sức để sống thoải mái ở Việt Nam. Sáng sáng tản bộ ra quán cà phê ngắm cô chủ trẻ đôi mươi, ngồi tán dóc hàng giờ với mấy ông bạn già cùng chí hướng cũng hồi hương. Thỉnh thoảng đi cắt tóc, mát xa mặt, móc ráy tai toàn là các cô xinh xắn, ối trời, ngọt lịm như đường phèn. Buồn buồn thì đi ngủ ôm. Ôi Việt Nam, thứ gì cũng có.
Mới đó mà đã mấy mươi năm. Cuối thập niên tám mươi, ông chạy đầu chạy đuôi kiếm tiền cho con đi vượt biên. Ở với Việt Cộng có mà chết. Không nghĩa vụ quân sự, thanh niên xung phong thì cũng chết đói chết khát. Tương lai đen hơn mỏm chó. Không biết chúng nó khi sang bển có nhớ báo hiếu mình không, có nhớ tiếng Việt không hay là quên mất nguồn gốc. Ông băn khoăn lo lắng đủ điều. Khéo lo xa. Chỉ vài năm đặt chân lên đất Mỹ, thằng Công, con Hợp đã gởi thuốc men, vải vóc, thuốc lá, đủ thứ về Việt Nam cho ông sinh nhai. Chục năm sau, chúng nó làm giấy tờ bảo lãnh ông qua Mỹ. Thiên đàng Mỹ, bơ sữa vất đầy đường. Mới qua ông được lãnh eo-phe. Ông xin được một chân chạy bàn cho một tiệm ăn Việt Nam, trả tiền mặt để không phải trả thuế, vẫn giữ diện nghèo tiếp tục ăn eo-phe. Nhờ thế ông giành giụm một số tiền mua dụng cụ cắt cỏ. Ban đầu cực khổ đi cắt cỏ cho vài nhà. Sau tăng lên hàng chục căn hộ. Ông mướn người đi cắt cỏ. Còn ông thì ngồi nhà thâu tiền mặt cắt cỏ và tiếp tục ăn eo-phe. Đời ông lên hương như diều gặp gió.
Tiền bạc vô như nước, nhưng ông vẫn cảm thấy thiêu thiếu điều gì đó. Thiên đàng gì mà vắng như chùa Bà Đanh. Ban ngày con cái, hàng xóm đi học đi làm hết trơn. Tiếng Anh tiếng chị cà lăm được vài chữ, chả biết nói chuyện với ai. Lê la ra quán cà phê, dân tị nạn biết nhau quá rồi. Ngồi quán cà phê lâu một tí mà không chi tiền bo rộng rãi thì biết với chị chủ. Sớ rớ là chết. May mà có những bộ phim Tàu dài chục tập cho ông làm bạn. Giữa phim tập và karaoke với những bài bolero ướt át cũng kéo hết ngày hết năm.
- Anh, anh hút thêm điếu nữa không? Để em mồi cho nghen.
Ối trời, phim tập với karaoke làm sao bì được. Ông Hòa chợt tỉnh, trở lại với tiếng còi xe ồn ào, inh ỏi, hỗn tạp, với cặp đùi trắng, eo thon, ngực nở, với chùm khế ngọt – ăn một quả, trả trăm đô.
- Đ.M. tao bảo...
- Công an đánh người! Công an đánh người bà con ơi...
Tiếng chân người, tiếng kêu cứu, tiếng chưởi thề làm náo động một góc bên kia đường trước tiệm cà phê. Bà con tò mò bu lại càng lúc càng đông. Mấy ông Việt kiều cũng tò mò vểnh tai nghe ngóng chữ được chữ không trong tiếng ồn ào, hổn độn. Độ nửa tiếng sau, đám đông tan biến chỉ còn lại một cậu trẻ ôm đầu máu chảy dài thành một vệt đỏ lớn trên áo sơ mi, đi cà nhắc dắt chiếc xe ga đi trên lề đường. Công an công lộ đánh người có lẽ xảy ra khá thường xuyên nên tan chuyện, đâu lại vào đó.
- Thôi lỗ đầu là may rồi chớ để côn (côn đồ) an kéo về đồn thì có mà thành cái thây ma.
Một ông bạn già có vẽ nhiều kinh nghiệm về cái đám côn an buông miệng nói bâng khuơ.
- Suỵt, mày nói khẻ một chút để chúng nghe được thì phiền cả đám. Ngộ nhỡ nó tịch thâu visa, cho vào sổ đen, cấm về Việt Nam thì mệt lắm.
Tiếng rao hàng ơi ới của những người bán rong lam lũ. Những con người nào là khẩu trang, găng tay, áo gió che kín mít đi trong bụi đường và khói xe sặc sụa đến ngộp thở. Đường xá Sài Gòn trở lại bình thường như không có gì xảy ra. Đến mùa mưa, mọi nẻo đường lụt lội với đủ các thứ dơ bẩn trôi lềnh bềnh. “Ôm”, cà phê ôm, bia ôm, cắt tóc ôm, ngủ ôm... có tiền thì muốn ôm ai hay cái gì cũng được. Ở xứ này tiền là đỉnh cao, là vinh quang, là hào quang sáng chói. Tiền là pháp luật nâng đỡ, bao che người có, làm khó kẻ bần cùng. Ở xứ này con người ta sống bon chen, vội vàng, mạnh ai nấy lo miễn sao mình phẻ re là được rồi. Họ sống cho hôm nay vì ngày mai ai biết được sống chết ra sao. Và đó là tất cả là những gì ông trao đổi thiên đàng để có được. Những ngày này ông và đồng hương Việt Kiều cùng chí hướng thụ hưởng tất cả thú vui mà tiền đô mua được ở quê nhà.
Đầu mùa mưa, những ngày qua mưa như trút nước, phố phường ngập lụt, thiên hạ quần xắn lên quá đầu gối, bì bõm dắt xe lội nước. Rác rưởi và các thứ bị cuốn trôi vào cống, đổ ra biển. Quán cà phê của cô chủ vắng khách. Một vài người tới đục mưa rồi đi để lại vũng nước trên thềm. Được một ngày trời quang đãng, mấy đồng hương Việt kiều lại tụ họp uống cà phê, hút thuốc đánh cờ. Chị chủ có nước da trắng, ngực nở trong chiếc váy ngắn, áo thun hở vai ôm xát eo niềm nở mồi thuốc. Mọi thứ như không có gì thay đổi duy hôm nay thiếu một người.
Cáo Phó
Ông Nguyễn Việt Hòa,
Sanh ngày 3 tháng 2, 1945,
Vừa tạ thế tại Sài Gòn ngày 19 Tháng 6, 2015
Hưởng thọ 70 tuổi.
Để lại hai con là Nguyễn Văn Công và Nguyễn Thị Hợp.