Nhân vụ ông Ngô Văn Tuấn bị kỷ luật, nghĩ về thân phận của những kẻ bưng bô - Dân Làm Báo

Nhân vụ ông Ngô Văn Tuấn bị kỷ luật, nghĩ về thân phận của những kẻ bưng bô

Ngàn Hương (Danlambao) - Vậy là dàn đồng ca báo lề đảng, sau khi hết lời ca ngợi trận “đánh úp, bắt sống” ông Đinh La Thăng, cựu UBBCT ĐCSVN, cựu Bí thư thành Hồ, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT, cựu Chủ tịch Tập đoàn PVN. Thì nay cũng với dàn đồng ca ấy, lại có dịp tung hô những “chiến công vang dội” của ĐCSVN qua việc thanh trừng một số quan chức và cựu quan chức trong hệ thống cai trị hiện nay. Họ coi hành động này thể hiện sự “sáng suốt và tài tình” của giới lãnh đạo chóp bu Hà Nội, đã dám “đập chuột” mà không sợ “vỡ bình”, đã dám “Ta tự đánh ta” mà không sợ mang tiếng là đấu đá nội bộ do tranh giành quyền lợi giữa các phe phái và các nhóm lợi ích.

Đa số những cái tên được điểm mặt lần này, đều đã “hạ cánh”.

Như cựu Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh, cựu Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng, cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng.

Những “tội lỗi rất nghiêm trọng” của họ gây ra, cũng xung quanh nội dung các dự án về đất đai. Chính đây là miếng mồi béo bở nhất cho các quan tham tự tung tự tác và lộng hành tại các địa phương, dưới chiêu bài “các công trình phục vụ dân sinh”, nhằm vơ vét để làm giàu bất chính. Như “quyết định giao chủ đầu tư dự án không có năng lực; phê duyệt đầu tư, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, giao chỉ định thầu một số dự án trọng điểm trái quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn...”.

Thế nhưng, sau khi bị “đưa lên thớt”, cũng có những quan chức rất láu cá, rất lẻm lỉnh, như cựu Chủ tịch Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng, người đã dám chi 65 tỷ đồng để mua ấm chén làm quà biếu nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, trong khi Vĩnh Phúc là tỉnh nghèo. Khi bị báo chí truy vấn về những sai phạm như phê duyệt dự án vi phạm pháp luật, không phù hợp với quy hoạch; giao đất không thông qua đấu giá; thanh toán trùng chi phí đầu tư gây thất thoát ngân sách tại công trình cầu - đường Nam Vĩnh Yên, có tới hai lần thanh toán tiền. Thì ông Hùng đã to mồm khẳng định: “dù 1cm đất tôi cũng không lấy”.(1)

Dư luận cho rằng, ông Phùng Quang Hùng nói rất đúng. Vì cái mà những ông ấy “ăn”, không phải là từng xentimét đất. Mà phải là hàng trăm hàng ngàn tỷ. Phải là hàng trăm héc ta đất của dân nghèo.

Cũng trong dịp đốt lò này, có 2 quan chức đương nhiệm bị “làm thịt”, là Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo, và Phó Chủ tịch UNND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn.

Anh chàng Giám đốc “mê chim” mang tên Hoài Bảo này đã được cha là ông Lê Phước Thanh, cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Nam dùng tiền thuế của dân cho đi học thạc sĩ, chuyên ngành quản trị tài chính tại Mỹ từ năm 2010 đến 2012. Sau khi về nước, ông Lê Phước Thanh đã dùng trò ảo thuật, làm cho anh chàng này trở thành nhân vật “nổi đình nổi đám”, với việc thăng tiến vù vù. Chỉ sau vài ba năm, ông Lê Phước Thanh đã cho con ông đảm nhận các chức vụ như sau: “Năm 2012, Hoài Bảo được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai. Tháng 3/2014, Hoài Bảo được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình. Tháng 4/2015, Hoài Bảo về làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Cuối tháng 9/2015, UBND tỉnh Quảng Nam công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ông Bảo trở thành Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư trẻ nhất nước”.(2)

Như vậy là cái tên Hoải Bảo được cha mẹ đặt cho với hy vọng sẽ nối nghiệp cha, sẽ là ông vua của tỉnh Quảng Nam. Và biết đâu trong một ngày đẹp trời, Hoài Bảo lại có dịp ra vũng vẫy tại sông Hồng như ông Bá Thanh và ông Phúc niểng vậy. Thì nay, với cú ra đòn của phe ông Trọng, đã làm cho Hoài Bảo “tan giấc mộng vàng”, phải chôn vùi giấc mơ và hoài bảo ấy xuống sông xuống biển.

Thế nhưng, vào đầu tháng 10/2015, sau khi vụ việc đang nóng bỏng, dư luận ồn ào về việc bổ nhiệm thần tốc và kỳ lạ này, thì đoàn công tác Bộ Nội vụ do thứ trưởng Trần Anh Tuấn làm trưởng đoàn, đã làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND và đại diện các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Nam về vấn đề Công tác cán bộ. Trong đó, có đề cập đến trường hợp ông Lê Phước Hoài Bảo, được bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư ở tuổi 30: “Tại buổi làm việc, Đoàn công tác nhận thấy, tỉnh Quảng Nam đã làm đúng quy trình bổ nhiệm nhân sự, ông Hoài Bảo đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám đốc Sở. Sau đó, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng đoàn công tác nêu quan điểm, hoàn toàn ủng hộ chủ trương thu hút nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Nam thời gian qua.

Về việc bổ nhiệm Giám đốc sau 6 tháng giữ cương vị Phó giám đốc sở, ông Tuấn cho biết, việc này không có trong quy định bổ nhiệm và không phải là điều kiện bắt buộc”.(3)

Có điều lạ lùng là, những vi phạm của các quan chức là cựu bí thư và chủ tịch các tỉnh từ xưa đến nay, đã vi phạm trong một thời gian dài, không phải do hàng chục cơ quan thanh tra và kiểm tra của các cấp đảng và chính quyền từ trung ương đến địa phương, với hàng ngàn quan chức phát hiện ra. Tất cả các vị này sau khi đã “hạ cánh”, nghĩa là đã kịp “tiêu hóa” những tài sản vơ vét mang về làm giàu bất chính. Sau đó, tất cả những vụ vi phạm này đều do báo chí, sau khi đã được ai đó "bật đèn xanh", nên đã phát hiện, và mới dám lên tiếng. Thế nhưng sau đó, các cơ quan thanh kiểm tra cũng phải sau nhiều năm “điều tra, ngâm cứu”, thì mới “nhanh chóng” phát hiện được.

Điều đó chứng tỏ những cuộc gọi là “thanh tra, kiểm tra” của nhà nước này trong những năm qua chỉ là trò hề. Họ chỉ đến những nơi “có khói, có mùi”, mục đích chính là để nhậu nhẹt, đi thư giãn và lấy bao thư, rồi “Thank you" và mang về làm báo cáo với nội dung tất cả đều "đúng quy trình".

Điều đó chứng tỏ rằng, hầu như những cơ quan thanh kiểm tra từ trên xuống dưới, với đội ngũ quân số nhiều như quân Nguyên, hàng năm nhà nước phải dùng hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân để "nuôi" những người này, hoặc là do nghiệp vụ quá yếu kém, hoặc là do các quan tham vô hiệu hóa, nên đã hoàn toàn vô tác dụng. Vậy tại các địa phương hiện nay, có cần cho tồn tại những cơ quan vô dụng này không?

Nhân vật thứ hai bị đem vào lò nướng khi đương chức lúc này, là Ngô Văn Tuấn, Phó CT tỉnh Thanh Hóa.

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 17/12/2017 đưa tin: “Cách tất cả chức vụ trong Đảng của phó chủ tịch Thanh Hoá Ngô Văn Tuấn.

Theo đó; “Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng”.(4)

Xung quanh việc nhân vật này bị kỷ luật, dư luận đang bàn tán xôn xao, là Ngô Văn Tuấn “hy sinh” vì ai?

Cái gọi là "tội trạng" của Ngô văn Tuấn, là đã phát hiện ra người đẹp Quỳnh Anh khi cô này còn tàm tạp vụ tại Sở TN&MT Thanh Hóa. Ngô Văn Tuấn đã mang Quỳnh Anh về Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa do mình làm giám đốc. Từ một người chỉ có bằng Cao đẳng Công nghệ TT tại Đại học Vinh, nhưng dưới bàn tay nhào nặn của Ngô Văn Tuấn, Quỳnh Anh được tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển, không minh bạch, không đúng chuyên ngành được đào tạo.

Nhưng sau khi “sử dụng” người đẹp này được vài năm, Ngô Văn Tuấn đã có “sáng kiến vĩ đại”, là đã “dâng hiến” người đẹp này cho Trịnh Văn Chiến, lúc ấy vừa làm Chỉ tịch tỉnh Thanh Hóa. Và cũng kể từ năm 2010, khi Quỳnh Anh được "sang tay" cho chủ mới, thì bước đường quan lộ của người đẹp này mới được thăng tiến như “cá vượt Vũ Môn”.

Chỉ trong thời gian ngắn, từ năm 2010 đến 2016, là lúc ông Trịnh Văn Chiến làm Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Quỳnh Anh vừa đi học vừa nghỉ sinh, mới ngồi vào chức Trưởng phòng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản chưa ấm chỗ, Quỳnh Anh đã được Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cử đi học lớp Cao cấp Lý luận Chính trị. Sau khi tốt nghiệp, cô này còn được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ của Sở Xây dưng được tỉnh Thanh Hóa, và được Sở XD làm quy trình để bổ nhiệm Phó Giám đốc sở này.

Không chỉ thăng tiến thần tốc trên con đường “quan lộ”, Quỳnh Anh còn sử dụng một tài sản khủng lên đến hàng chục triệu đôla. Quỳnh Anh từng sở hữu một căn biệt thự lớn 3 mặt tiền tại khu đô thị bắc đại lộ Lê Lợi (khu đô thị Bình Minh), P. Đông Hương, Tp. Thanh Hóa (hiện căn biệt thự này đã được bà Anh chuyển nhượng cho... mẹ ruột của mình) và một chiếc xe Cadillac Escalade trị giá nhiều tỉ đồng… Đây là xe sang, biển số “độc” trùng với năm sinh của bà Quỳnh Anh (30E-019.86), đăng ký của chiếc xe này còn ghi rõ bà Trần Vũ Quỳnh Anh có địa chỉ tại lô 9, LK3 - khu đô thị Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, H.Thanh Trì, Hà Nội). Trong khi địa chỉ ghi trong hồ sơ lý lịch cũng như hợp đồng mua lô biệt thự tại khu đô thị Bình Minh (Tp. Thanh Hóa) của bà này là tại số 39 Đàn Xã Tắc, phố Tây Sơn 1, P.Phú Sơn, Tp. Thanh Hóa.(5)

Con đường thăng tiến thần tốc của Quỳnh Anh, nếu không có Bí thư Trịnh Văn Chiến đạo diễn, thì tuy là Giám đốc Sở Xây dựng, nhưng Ngô Văn Tuấn làm sao qua mặt được Sở Nội vụ và Ủy ban Kiểm tra tỉnh này? Chỉ có Trịnh Văn Chiến mới có uy tín bao trùm lên tất cả mọi cơ quan ban ngành của Thanh Hóa. Ngược lại, các ban ngành của tình này cũng lấy đó làm một dịp may mắn để bày tỏ lòng trung thành với cấp trên.

Về khối tài sản khủng của Quỳnh Anh càng chứng tỏ ngoài Trịnh Văn Chiến, thì không ai có khả năng cung phụng người đẹp được như thế.

Trước sức ép của báo chí và dư luận, vào đầu tháng 10/2017, tỉnh ủy Thanh Hóa đã phải vào cuộc điều tra.

Nhân vật chủ trì cuộc họp kiểm điểm này tại Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư TU Thanh Hóa.

Kết quả cuộc họp rút lại, chỉ kỷ luật hai người:

1. Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn, bị “khiển trách” vì tội đã bổ nhiệm thần tốc Trần Vũ Quỳnh Anh, từ một chân tạp vụ, đã được thăng tiến thần tốc lên Phó phòng, rồi Trưởng phòng Nhà-đất, Đảng ủy viên Sở Xây dựng, và được quy hoạch làm Phó GĐ Sở XD.

2. Trần Vũ Quỳnh Anh, đang là một đảng viên ưu tú của ĐCSVN, lại có chân trong BCH Đảng ủy Sở Xây dựng. Đang làm quan với chức danh Trưởng phòng, được quy hoạch lên Phó GĐ Sở XD. Nghĩa là tương lai đầy màu hồng. Vinh quang đang chờ đón trước mắt. Vậy mà đùng một cái, khi biết mình đã bị lộ, liền nhổ toẹt vào mọi chức vụ và thẻ đảng, vượt trùng dương, bay sang tận New Zealand, là xứ “Tư bản giãy chết” để làm người tự do.

Vì vậy Quỳnh Anh đã bị “khai trừ vĩnh viễn” ra khỏi cái đảng mà cô ta đã ị vào và bỏ đi không thèm nói với ai một tiếng.(6)

Sau khi tỉnh Thanh Hóa diễn xong màn kịch này, hoàng loạt báo lề đảng, và các quan chức vẫn đồng loạt chĩa mũi dùi vào Trịnh Văn Chiến. Nào là “Có thể xem xét sự minh bạch tài sản của bà Quỳnh Anh”(ông Ngô Văn Khánh, Phó Chánh Thanh tra chính phủ). Nào là: “Ai, quyền uy nào mà bà Quỳnh Anh có thể dựa vào?”(ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương).

Riêng bà ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) thì nói như “chỉ mặt đặt tên” thẳng vào Bí thư Trịnh Văn Chiến: “Cử tri rất băn khoăn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy đảng các địa phương có biểu hiện "quan tâm" đến phái nữ vì muốn có thêm vợ bé, hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có. Thế nên họ chỉ đạo cấp dưới đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm "siêu tốc" vào vị trí lãnh đạo ở địa phương. "Không cần nói ra thì tất cả chúng ta đều biết"…

"Ví dụ như trường hợp ở Thanh Hóa đến bây giờ chúng tôi cũng không biết cô gái trẻ đấy đã đi đâu?”.(7)

Nhưng Bí thư Trịnh Văn Chiến, qua vụ “ăn vụng” này, đã biết “chùi mép” một cách rất kỹ càng, không để lại dấu vết.

Thủ đoạn của Trịnh Văn Chiến là không đưa Quỳnh Anh về gần mình, mà vẫn để Quỳnh Anh tại Sở Xây dựng, dùng Sở Xây dựng làm vỏ bọc, dùng Ngô Văn Tuấn làm ô dù che chở. Và tất cả mọi quyết định bổ nhiệm Quỳnh Anh đều do Ngô Văn Tuấn ký. Do đó Trịnh Văn Chiến vẫn là kẻ đứng ngoài.

Về khối tài sản của Quỳnh Anh thì tuy rằng “có thể xem xét sự minh bạch về tài sản của Quỳnh Anh”, nhưng khi được hỏi, hiện nay Quỳnh Anh không còn giữ chức vụ và không còn là công chức nữa, thì có thể kiểm tra, xác minh tài sản của bà này để làm rõ những nghi vấn được dư luận đặt ra hay không? 

Ông Ngô Văn Khánh nói: “Vì đến thời điểm này thì bà Quỳnh Anh không còn là đối tượng kê khai tài sản nữa, cho nên thẩm quyền về kiểm tra, giải trình, xem xét việc kê khai của đối tượng này không còn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng”.(8)

Tóm lại là kể cả báo chí và Thanh tra Chính phủ, dù có muốn “sờ mó” đến người đẹp Quỳnh Anh, để qua đó lôi cổ ai là người đã đưa Quỳnh Anh ‘lên đỉnh”, thì cũng hoàn toàn bó tay và bất lực.

Cứ tưởng rằng, sự hy sinh của Ngô Văn Tuấn, dùng gái đẹp như để cúc cung phụng vụ cấp trên như vậy thì thế nào cũng được chiếu cố.

Mặc dù nội bộ Thanh Hóa chỉ khiển trách Ngô Văn Tuấn, nhưng ngược lại, Trịnh Văn Chiến lại đồng lõa với cấp trên, phải cách Ngô Văn Tuấn hết mọi chức vụ trong đảng. Công việc tiếp theo là Trịnh Văn Chiến giao cho Sở Nội vụ và UBND tỉnh Thanh Hóa làm nốt công việc cách chức Phó Chủ tịch của Ngô Văn Tuấn. Như vậy trước sau gì Trịnh Văn Chiến vẫn là kẻ đứng ngoài, ngồi rung đùi nhìn ngắm đàn em đang bị nướng. Và lâu lâu bay đi với danh nghĩa là “đi công tác nước ngoài”, để kiểm tra và động viên người đẹp ráng chờ ngày đoàn tụ.

Và với đà thắng thế của kẻ đã bày mưu tính kế, đưa được một số đệ tử ruột của Ba X vào lò, nay phe ông Trọng cần phải kỷ luật thêm một số người để cứu muôn người.

Vì vậy, thân phận của những kẻ bưng bô như Ngô Văn Tuấn thật là hẩm hiu.

Trong xã hội văn minh, người ta tiến thân bằng tài năng và đức độ, đứng lên và tiến bước trên đôi chân của mình. Nhưng dưới chế độ nhà sản, thì con đường tiến thân của họ lại thường đi theo những con đường khác. Họ sẵn sàng “quỳ gối, liếm gót” quan thầy để được thăng tiến và giữ vững ghế. Đối với quan chức cấp dưới thì đã được người dân đúc kết thành một quy luật: Hậu duệ, tiền tệ (kể cả gái), quan hệ và trí tuệ. Nhưng với giới chóp bu thì sẵn sàng “liếm gót” ngoại bang để được chúng ban cho ân huệ là tiếp tục làm “thái thú” và tiếp tục đè nén bóc lột, vơ vét trên mồ hôi xương máu của dân nghèo để làm giàu bất chính.

Không chỉ các quan chức bưng bô để được thăng quan tiến chức. Mà báo chí lề đảng cũng sẵn sàng bưng bô để ăn theo. Những tờ báo mới hôm qua tung hô ca ngợi Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài bảo là “tuổi trẻ tài cao”, là "năng động, sáng tạo"...

Nay vẫn những tờ báo ấy, nhóm người ấy, lại ra sức “ném đá” những người này không thương xót.

Còn các đoàn thanh kiểm tra, mặc dù được giao nhiệm vụ là kẻ “bắt trộm”. Nhưng chính những người này đã “vận dụng sáng tạo”, thay vì bắt kẻ trộm nộp tài sản tham nhũng trả lại cho nhân dân. Thì họ lại cho rằng, quá trình bổ nhiệm và thăng quan tiến chức của nhiều “con ông cháu cha” là “đúng quy trình”. Nhờ vậy mà những Trần Văn Truyền, Ngô Văn Khánh, hay Huỳnh Phong Tranh... nhờ làm quan thanh tra mà trở nên giàu sụ.

Và sự bưng bô của những người này được mang danh là “đúng quy trình”.

18/12/2017


______________________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo