Từ thảm sát Mỹ Lai 16/3/1968 đến thảm sát Cai Lậy 9/3/1974 - Dân Làm Báo

Từ thảm sát Mỹ Lai 16/3/1968 đến thảm sát Cai Lậy 9/3/1974

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Trong trung tuần tháng 3 này, nhiều hệ thống truyền thông quốc tế như VOA, RFA, đến báo chí tuyên vận cộng sản Hà Nội ở trong nước, đều có các hoạt động nhắc nhở lại ký ức người Việt, phối hợp với buổi lễ tưởng niệm 50 năm ngày đã xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai được chính phủ cộng sản Việt Nam tổ chức tại Quảng Ngãi, trong cả một khu được tái dựng, bảo trì kỹ lưỡng, gọi là khu chứng tích Sơn Mỹ, với cả nhà bảo tàng lưu giữ những hiện vật tố cáo tội ác của giặc Mỹ.

Với bản tính ngay thẳng tôn trọng sự thật của người lính Mỹ, như phi công trực thăng Hugh Thompson Jr, nhiếp ảnh viên quân đội Ronald L. Haeberle, binh nhì Ronald Ridenhour và một xã hội yêu chuộng công lý như Hoa Kỳ, bên cạnh đó là sự nhanh nhạy không bỏ lở cơ hội khai thác triệt để của hệ thống truyền thông theo khuynh hướng tự do (Liberal), nặng về thiên tả, như Time, Life, Newsweek, CBS/TV đang mưu toan lèo lái công luận Hoa Kỳ chống lại chính phủ ở Washington trong vấn đề chiến tranh Việt Nam và sự phụ họa cuồng nhiệt của bọn phản chiến tả khuynh – yêu cộng, nhưng không muốn chung sống với cộng, tôn thờ make love not war và đắm chìm trong rượu với marijuana – vụ thảm sát Mỹ Lai nhanh chóng trở thành thảm họa cho nước Mỹ và là một vết nhơ khó lòng tẩy xóa của quân đội Hoa Kỳ. Đại đội C (Charlie), tiểu đoàn 1, sư đoàn 23 bộ binh Hoa Kỳ, khi hành quân vào thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, quận Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trong ngày 16/3/1968, đã tàn sát đến 347 thường dân Việt Nam (chỉ có khoảng 4 - 5 du kích lẫn lộn trong đám đông), dù đã không có xảy ra giao tranh với lực lượng Việt cộng trong vùng.

Sự việc chính thức bị vở lỡ vào tháng 11/1969. Các phiên tòa quân sự của lục quân Hoa Kỳ kéo dài từ tháng 3/1970 tới tháng 12/1971 mới kết thúc giữa các tranh cãi không dứt về tội giết người, nhiệm vụ của người lính trên chiến trường và trách nhiệm của cấp chỉ huy trong một cuộc chiến tranh không có giới tuyến rõ rệt. Có 26 quân nhân bị buộc tội giết người có chủ ý, tòng phạm hay cố ý che giấu tin tức, bằng chứng tội ác. Trong đó Thiếu úy William L. Calley Jr bị án chung thân, nhưng chỉ ngồi tù ba năm rưỡi tại Fort Benning – Georgia và đã được Tổng thống Richard Nixon ân xá tháng 9/1974. 

Tháng 8/2009 trong dịp nói chuyện tại Kiwanis Club of Greater Columbus ở tiểu bang Georgia, cựu quân nhân William L. Calley đã chính thức lên tiếng xin lổi các nạn nhân Việt Nam về hành vi 40 năm trước của mình… "Không một ngày nào mà tôi không cảm thấy ân hận về những gì đã xảy ra hôm đó ở Mỹ Lai. Tôi cảm thấy ân hận trước những người Việt Nam đã bị thiệt mạng và với gia đình của họ, với các quân nhân Hoa Kỳ có can dự và với gia đình của họ. Tôi rất xin lỗi…" ("There is not a day that goes by that do not feel remorse for what happened that day in My Lai. I feel remorse for the Việt Namese who were killed, for their families, for American soldiers invoved and their families. I am very sorry" – An Emotional William Calley says He is Sorry, Dick’s World: News and views about West Central Georgia, East Central Alabama, 12/2013).

Mọi góc cạnh của Mỹ Lai đều đã được bạch hóa – dù có vài chi tiết vẫn còn bị Hà Nội thổi phồng theo quán tính tuyên truyền - Nỗi đau của dân làng Mỹ Lai là có thật. Sự trả giá trước quân luật Hoa Kỳ và trước tòa án lương tâm của những người lính can phạm tuy chưa đủ (?) nhưng vẫn là có thật. Hoạt động tưởng niệm nạn nhân của những người dân Quảng Ngãi là chính đáng. Tất cả phải nhằm đến mục đích soi rọi lại quá khứ để tự vấn, tiếc thương, hối lổi và tránh những sai lầm tương tự khác ở tương lai, dù chiến tranh vốn là mất mát, tàn bạo và đôi khi còn là bất nhân.

Có một nỗi đau khác, một vụ thảm sát khác, cũng không kém phần thương đau, tàn khốc, xảy ra trong tháng ba, sau 6 năm của sự kiện Mỹ Lai, nhưng tới giờ này kẻ thủ ác – cũng giống như trong rất nhiều vụ thảm sát khác - đều đã và đang giả ngơ, phủi tay như kẻ bàng quang, hay chối bay, chối biếng, giở trò đổ tội, lưu manh gắp lửa bỏ tay người và phá hủy, phi tang mọi dấu vết ghi lại chứng tích tội ác, đó là vụ cộng sản pháo kích ngày 9/3/1974 giết hại rất nhiều học sinh vào giữa giờ ra chơi, trong một trường tiểu học tại tỉnh Định Tường, thuộc quân khu IV của VNCH.

Từ sau tháng 1/1973 khi hiệp định ngừng bắn Paris có hiệu lực và trước đó hơn nửa năm, phần lớn lực lượng chủ lực bắc quân ở quân khu IV, đều đã rút qua bên kia biên giới Việt - Miên, hay lui về ẩn náu trong các vùng mật khu, chỉ tham chiến khi có chiến dịch lớn, nên cường độ chiến sự tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong các năm 1972 đến 1974, ngoài vài chiến dịch yểm trợ cho chủ trương lấn đất, giành dân hậu hiệp định ngừng bắn, đa số chỉ còn giới hạn trong phạm vi nhỏ, hoặc trung bình, có tính chất gây rối, phá hoại trị an, kinh tế của chính phủ VNCH như tấn công hệ thống các đồn bót lẻ trên các vùng xa xôi, đào đường, đắp mô, pháo kích, khủng bố cá nhân và trà trộn hoạt động kinh tài, thu thuế. Các lực lượng QLVNCH tại quân khu IV hoàn toàn ở thế thượng phong, duy trì được sự kiểm soát và làm chủ được tình hình trên các vùng lảnh thổ trách nhiệm. Đáng kể, hai tỉnh An Giang và Gò Công đã được bạch hóa 100%, loại trừ triệt để những cơ sở nằm vùng và không còn xảy ra bất kỳ các hoạt động quân sự nào của bắc quân.

Trước tình hình bất lợi đó, Hà Nội đã chủ trương phải đẩy mạnh những biện pháp khủng bố kinh điển, vừa dể thực hiện bởi các lực lượng du kích nằm vùng, vừa nhằm mục đích tạo ra hiệu quả duy trì được sự hiện diện của Hà Nội qua bối cảnh bất an trong cộng đồng và nguy cơ áp lực của chiến tranh vẫn đang còn tồn tại. Bắc quân tổ chức nhiều vụ pháo kích bừa bãi vào những khu quần cư dân sự tại một số tỉnh như Long An, Định Tường, Kiến Tường, Vĩnh Long và Phong Dinh, gây nhiều tổn thất về sinh mạng và tài sản của dân chúng. Dã man tàn bạo nhất là hai vụ pháo kích bằng súng cối 82li, nhắm vào trường tiểu học Song Phú, trong xã Ba Càng, thuộc quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long vào tháng 5/1972 và vụ pháo kích cũng bằng súng cối 82li, nhắm vào trường tiểu học cộng đồng Cai Lậy, trong địa phận quận lỵ Cai Lậy, thuộc tỉnh Định Tường.

Phóng ảnh báo Hòa Bình – Saigon, số ngày 10/3/1974.
Tại trường tiểu học cộng đồng Cai Lậy, sự việc xảy ra lúc 2 giờ 55 trưa ngày 9/3/1974, Việt cộng đã dùng súng cối 82li tác xạ vào sân trường, giữa lúc học sinh đang giờ ra chơi. Hậu quả rất khủng khiếp, có đến 32 học sinh bị giết chết, 55 học sinh khác bị thương, trong đó có 1 cô giáo.

Chính phủ và lực lượng QLVNCH trong vùng đã nhanh chóng cô lập, bảo vệ hiện trường, tổ chức sơ cứu, tải thương nạn nhân về trung tâm y tế toàn khoa Mỹ Tho chữa trị và thông báo khẩn ngay sau đó, đến ủy hội quốc tế kiểm soát ngừng bắn đóng tại khu vực Mỹ Tho - Định Tường (International Commission of Control and Supervision – ICCS) để tường trình về việc vi phạm hiệp định ngừng bắn Paris hết sức tàn bạo, dã man, của phe cộng sản và đề nghị điều tra. VNCH cũng đưa ra kháng nghị với phái đoàn Hà Nội ngày 11/3.

Ngày 10/3, một phái đoàn điều tra của ICCS gồm 6 nhân viên, với 3 người Indonesia và 3 người Iran, đến hiện trường xảy ra vụ bắn phá. Hai phái đoàn cộng sản trong ICCS là Ba Lan và Hungary, từ chối tham gia vào cuộc điều tra. Đây cũng là cách hành xử chức trách thói thường của những phái bộ cộng sản trong ủy hội quốc tế kiểm soát ngừng bắn ICCS, luôn từ chối tham gia điều tra những sự việc vi phạm hiệp định của phía cộng sản, dựa vào việc viện dẫn quy tắc của ICCS chỉ cho phép ủy hội hành động mỗi khi có yêu cầu từ cả hai phía VNCH và cộng sản (?).

Tại hiện trường vụ thảm sát là sân trường tiểu học cộng đồng Cai Lậy, các điều tra viên của ICCS đã thu lượm một trong vài vật chứng có giá trị tố giác tội ác của Hà Nội rất mạnh mẽ là một đuôi đạn súng cối loại 82li, do Trung cộng sản xuất và là loại vũ khí chỉ có duy nhất các lực lượng Việt cộng mới xử dụng.

Khi hình ảnh thi thể những nạn nhân, đuôi đạn súng cối 82li, vết tích nhiều mảnh đạn gây loang lổ trên vách tường lớp học gần điểm nổ, do phái đoàn VNCH trưng ra trong cuộc họp báo đặc biệt, tố cáo tội ác giết hại thường dân của cộng sản, Hà Nội và chính phủ mạo danh cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam, đồng loạt phản đối, ồn ào chụp mũ, cho rằng đây là hành động man rợ của chính quyền Nguyễn văn Thiệu, vừa ăn cướp, vừa la làng, khi đã pháo kích vào trường học rồi đổ tội cho Việt cộng, trong âm mưu đánh lạc hướng dư luận đang lên án Hoa Kỳ và ngụy quyền Sài Gòn, đã và đang vi phạm hiệp định ngừng bắn ngày càng trầm trọng (?) và đòi thành lập tổ điều tra mới.

Các tranh chấp giằng co nhằm kéo dài thời gian, trong âm mưu “để lâu cứt trâu hóa bùn" sở trường của cộng sản, đến cuối tháng 3 mới ngã ngũ. Cộng sản vừa có đủ thú tính dã man để tàn sát các học sinh tiểu học vô tội, lại có thừa táng tận lương tâm để đấu lý, biến một bi kịch đau thương thành những cuộc hội họp vô nghĩa và nói láo triền miên (Tragedy Degenerates Into Polemics). Ngày 30/3, ủy hội trung ương ICCS tại Sài Gòn, mới thành lập được một tổ điều tra do một Đại tá Ba Lan làm trưởng đoàn gồm bốn bên Indonesia, Iran, Ba Lan, Hungary và các bên Việt Nam tham gia, xuống khảo sát hiện trường thảm sát Cai Lậy.

Các lập luận do phe cộng sản đưa ra để chạy tội, phủ nhận vai trò thủ ác và vu cáo ngược lại cho phía VNCH, gồm các điểm chính sau:

1. Tại sao nói sự việc là do cộng sản thực hiện, nhưng lại đi phong tỏa hiện trường, ngăn cấm cha mẹ, thân nhân học sinh, hàng xóm ở kế cận nơi tai nạn, tới giúp đở, sơ cứu người bị thương. Các lực lượng an ninh VNCH đã ngăn cản những phóng viên quốc tế, quốc nội, không cho vào khu vực để làm phóng sự, hay chụp hình, trong khi nếu sự việc là có thật, lẽ ra phải để cho truyền thông phanh phui, đưa ra công luận của thế giới?. Lúc truyền thông được phép vào quan sát thì khu vực hiện trường đã dọn dẹp sạch sẽ, không còn gì để chụp hình?!

Nói như vậy thì nguyên tắc căn bản, đầu tiên trong mọi công tác điều tra là phải triệt để bảo toàn nguyên vẹn hiện trường, càng nhiều càng tốt, bỏ đi đâu?

2. Pháo binh của ngụy quân đóng chung quanh khu vực Cai Lậy thường hay bắn phá bừa bãi vào các khu đông dân?.

Cai Lậy là một thị trấn rất nhỏ, nằm cặp dài theo quốc lộ 4 một đoạn chỉ có khoảng 500m. Đây là quận lỵ hoàn toàn do VNCH kiểm soát, các vị trí pháo binh và trường học rất gần nhau, nên việc vu cáo QLVNCH bắn phá trường học – một hành vi chụp mũ rất quen thuộc của cộng sản - vừa vô lý về lý do (tại sao phải tấn công vị trí do mình kiểm soát) vừa mâu thuẩn về khoảng cách (tầm bắn tối thiểu của đại bác 105li cơ hữu của pháo binh QLVNCH là 10km). Trong khi các thôn, ấp, ngoại thị của Cai Lậy, đều là hang ổ của du kích, cơ động tỉnh VC là các đơn vị trà trộn, nằm vùng, thường xuyên thực hiện các hành vi khủng bố viên chức hạ tầng VNCH, đắp mô, phá đường giao thông, tấn công đồn bót nhỏ và trang bị súng cối 61li, 82li, có tầm bắn 2 – 3km là vũ khí cơ hữu của các lực lượng này.

3. Theo tài liệu của chính phủ lâm thời miền Nam thì khi phái đoàn điều tra ICCS xuống hiện trường, đã không thu được vật chứng nào, như mảnh đạn, đuôi đạn như VNCH tố cáo. Hố đạn pháo lại nhỏ, không phù hợp với sức công phá của đạn cối 82li, hơn nữa căn cứ của cộng quân gần Cai Lậy nhất cũng cách xa quận lỵ 4km, ở ngoài tầm bắn của súng cối. Lời khai của hiệu trưởng trường học và quận trưởng Cai Lậy có nhiều mâu thuẫn, trong khi phái đoàn điều tra bị nhiều thường dân giả dạng (?) hăm dọa, tấn công, nhất là đối với nhân viên cộng sản người Ba Lan, Hungary, nên kết luận là không thể có vụ nổ của đạn cối 82li?.

Cộng sản chờ gần đủ một tháng mới đồng ý điều tra (từ 9/3 đến 30/3) mà đòi hỏi hiện trường ngoài trời phải không suy suyển, hố đạn pháo phải mới, rộng, còn mùi thuốc súng (?) và phải thu được mảnh đạn, đuôi đạn của quả đạn cối 82li bắn vào sân trường. Lời khai của một nhân viên dân sự (hiệu trưởng) phải chính xác về kiến thức quân sự, cũng như sự xác nhận của quận trưởng ở Cai Lậy không có vùng do cộng sản kiểm soát, lại có nghĩa là không có hoạt động đánh phá của loại hình chiến tranh nhân dân, tức trà trộn, đánh lén là sở trường của lực lượng cộng sản nói chung và rất đắc dụng ở quân khu IV nói riêng. Trường hợp các thân nhân nạn nhân tập trung hô đá đảo, hăm dọa và muốn hành hung nhân viên cộng sản cũng là lẽ thường. Đối với bọn người giết người mất nhân tính, sẳn sàng lươn lẹo, chối bỏ leo lẻo và lưu manh tàn ác khi kéo dài sự đau khổ của người dân để phi tang chứng cớ tội ác, thì phản ứng như vậy cũng đang còn quá nhẹ.

4. Để chạy tội trước lịch sử, cộng sản Việt Nam đã xử dụng trang mạng Wiki để múa gậy vườn hoang, ngụy tạo lịch sử theo hướng có lợi cho Hà Nội.

Trong vụ thảm sát Cai Lậy, lối viết lịch sử kiểu "cả vú lấp miệng em" được phía cộng sản áp dụng triệt để, nhưng do không thể có các chứng cớ có đủ thuyết phục để phủ nhận tội ác, nên bọn tay chân bồi bút của Hà Nội đã vô liêm sỉ tới độ lưu manh, xử dụng vài đoạn ngụy biện, vu khống, chụp mũ, đánh bùn sang ao, để chối tội, đánh lạc hướng nội vụ trong công hàm ngày 10/5/1974 của Hà Nội, được công điện số 6213, May 1974 của tòa đại sứ Hoa Kỳ - Sài Gòn trích dẩn khi giải trình sự vụ gởi về Washington, mà Wiki lại lấp lững cho đó là "Tài liệu giải mật của bộ ngoại giao Hoa Kỳ năm 2005", với dụng ý mập mờ, đánh lừa công luận ngộ nhận như là một sự công nhận thực tế từ phía Hoa Kỳ. Trong khi công điện 6213 chỉ là báo cáo tình báo gởi bộ ngoại giao Hoa Kỳ và thông báo tới các quốc gia Indonesia, Iran, trong ủy hội quốc tế kiểm soát ngừng bắn tại Việt Nam (ICCS), về các tin tức tình báo ghi nhận luận điểm Hà Nội sẽ viện dẩn để phản đối cuộc điều tra của phái đoàn Indonesia và Iran trong vụ thảm sát Cai Lậy.

5. Phản bác của tay chân cộng sản trên Wikipedia tiếng Việt, còn khiến cho nỗ lực tẩy xóa tội ác của Hà Nội càng trở nên thô bỉ hơn, khi trích dịch bài viết Cai Lay Tragedy Degenerates Into Polemics, của John Spragens Jr, theo kiểu chặt đầu, cắt đuôi và chuyển ngữ sai lạc với nguyên nghĩa, hay tự thêm thắt vào. 

- The absence of the communist delegations, plus the 15 to 20 hour interval between the explosion and arrival of the investigators, takes some of the proof power from the prize exhibit allergedy discovered by the ICCS team at the site: the tail fins of a Chinese made mortar shell of a calibre (82mm) used only by PRG forces.

Sự vắng mặt của các đoàn phía cộng sản, thêm vào đó là khoảng thời gian 15 đến 20 giờ, từ khi xảy ra vụ nổ, đến khi có sự xuất hiện của các điều tra viên, có vài bằng chứng có giá trị cáo buộc mạnh mẽ đã được ICCS thu lượm tại hiện trường là đuôi đạn súng cối 82li do Trung cộng sản xuất và chỉ có duy nhất các lực lượng Việt cộng mới xử dụng.

Wikipedia Việt dịch sai nguyên nghĩa, cắt bớt và tự thêm chi tiết mới: Tại hiện trường phái đoàn ICCS, Iran và Indonesia tìm ra một thứ được coi là bằng chứng, đó là đuôi một quả đạn cối 82li của Trung quốc (cộng), nhưng thứ này dường như được lấy từ một triển lãm về những chiến lợi phẩm QLVNCH thu được (the prize exhibit) hơn là lấy tại hiện trường?!! 

– Saigon wants the inquiry limited to the school grounds, whereas the PRG wants it to include the surrounding area. The PRG hopes for evidence to show that ARVN forces were engaged in shelling the area (Some Cai Lay residents have said – without offering concrete evidence – that they believe it was short round from ARVN artillery that hit the school). The RVN believe the real PRG aim in pushing a wide area inquiry has to do with its recent territorial advences in the area – they would like an ICCS witness to their gains.

Sài Gòn muốn giới hạn cuộc điều tra trong phạm vi trường học, trong khi cộng sản muốn bao gồm luôn khu vực chung quanh. Phe cộng sản hy vọng sẽ có bằng chứng cho thấy lực lượng QLVNCH can dự vào việc phá hủy khu vực (Một số cư dân Cai Lậy đã nói – không đưa ra bằng chứng cụ thể - rằng họ tin đó là phát đạn đã do pháo binh QLVNCH bắn vào trường). Chính phủ VNCH tin rằng thực sự phe cộng sản thúc đẩy cuộc điều tra ra phạm vi rộng có liên quan đến các xác định mới đây về lảnh thổ trong khu vực – bọn họ muốn có một xác nhận của ICCS về lợi ích của họ.

Wikipedia Việt dịch và diển sai nguyên tác: Phía Sài Gòn muốn cuộc điều tra giới hạn trong các sân trường, trong khi chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam muốn điều tra ra cả các khu vực chung quanh. Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam hy vọng tìm thấy bằng chứng cho thấy các lực lượng VNCH đã tham gia bắn phá khu vực này (Một số cư dân Cai Lậy đã kể lại – mà không thể đưa ra bằng chứng cụ thể - rằng họ tin đó là một phát đạn từ pháo binh quân VNCH đã bắn vào trường). Phía Sài Gòn từ chối cho phép điều tra chung quanh, với lý do một cuộc điều tra diện rộng sẽ khiến ICCS trở thành nhân chứng cho những cố gắng để minh oan của chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam?!!

Phóng ảnh báo Pacific Stars and Stripes, Wed, 4/1/1974.
Sau ngày 30/4/1975, cũng như số phận những chứng tích khác ghi nhận tội ác của Hà Nội tại miền nam Việt Nam, tấm bia kể tội cộng sản trong sân trường tiểu học Cai Lậy, đã bị "chính quyền cách mạng" đập bỏ, nhằm phá hủy "sự ngụy tạo lịch sử, đổ vấy trách nhiệm cho chính quyền cách mạng" của bọn Mỹ - Ngụy và tay sai. Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ, Hà Nội há không biết giá trị của câu tục ngữ này hay sao? Tấm bia Cai Lậy (hay một trăm, một ngàn tấm bia đá kể những tội ác khác của cộng sản), dù trong nhất thời có bị bạo quyền phá sạch, nhưng tội ác thảm sát các học sinh tại trường tiểu học cộng đồng Cai Lậy trong ngày 9/3/1974, vẫn còn mãi trong tâm hồn người Việt miền Nam, vẫn làm ray rứt lương tri người Việt Nam mãi mãi, một khi đảng cộng sản Việt Nam, chính quyền cộng sản Hà Nội và những kẻ thủ ác giết người vô tội, vẫn hèn hạ ngụy biện, quanh co chối tội, không có đủ can đảm, chính trực, thành tâm hối lổi như những cựu chiến binh Hoa Kỳ đã hành xử trong vụ Mỹ Lai, chỉ với thiện chí hàn gắn nỗi đau đồng loại và mục đích trả những bất nhân của chiến tranh về đúng vị trí của nó, chỉ còn là quá khứ trên những trang lịch sử.

03/2018.


___________________________________

Chú thích:

* Có rất nhiều hình ảnh thương tâm, rất dễ tìm thấy trên Net.

My Lai Massacre : Soldiers, Việt Nam, Army and Viet, JRank Articles.

The Department of State Bulletin, Vol LXX, No 1814, April 1, 1974.

Nguyễn đức Phương, Chiến tranh Việt Nam toàn tập 1963 – 1975, 2001.

John Spragens Jr, Cai Lay Tragedy Degenerates Into Polemics, American Report, April 15, 1974.

Nhật báo Hòa Bình - Sài Gòn, số ngày 10/ 3/1974.

Pacific Stars and Stripes, Wed, 4/1/1974.

Chính phủ cách mạng lâm thời, Qui est l’auter du Massacre de Cai Lay, 5/1974. 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo