Xem xét Dự thảo Luật An ninh mạng - Dân Làm Báo

Xem xét Dự thảo Luật An ninh mạng

Nguyễn Tường Tâm (Danlambao) - Xem xét dự thảo Luật An Ninh Mạng của Nhà Nước Việt Nam, giới luật gia dễ dàng nhận thấy giới làm luật tại Việt Nam hiện nay, về hình thức, không biết cách soạn một Dự thảo Luật. Chưa kể trong phần nội dung, những điều khoản ngăn cấm người dân có hậu quả tiêu diệt hoàn toàn quyền Tự do Phát biểu, một quyền cơ bản đã được quốc tế công nhận và Nhà nước Việt Nam ký kết tham gia trong các công ước liên quan.

Khi soạn thảo một dự luật cần phải biết "Nền tảng của Luật hình sự là gì?" Luật hình sự có bản chất khác bản Hiến Pháp. Hiến Pháp qui định những quyền tự do của người dân mà không một cá nhân nào kể cả nhà nước không được xâm phạm. Nhưng vì quyền tự do của người này lại bị hạn chế bởi quyền tự do của người khác, cũng như là mọi người đều có quyền tự do đi lại, nhưng quyền tự do đi lại của người này phải bị hạn chế bởi quyền tự do đi lại của người khác, do đó phải có luật giao thông, nếu không thì kết quả là không ai có quyền tự do đi lại cả. Tóm lại, luật, về bản chất là những qui định hạn chế một số quyền tự do của cá nhân nhằm mục đích tối thượng là toàn thể mọi người được hưởng quyền tự do ở mức tối đa nhất (không phải ở mức tự do tuyệt đối). Vì vậy, trong dự thảo luật An Ninh Mạng, về hình thức chỉ cần qui định những hành vi công dân không được thực hiện trong lúc sử dụng mạng (internet) và những hình phạt là đủ. Các nhà làm luật ở Việt Nam hiện nay không biết điều đó cho nên Dự Thảo Luật An Ninh Mạng hiện nay có những khuyết điểm quan trọng sau đây: 

I- Về hình thức. Bản dự thảo Luật An Ninh Mạng dài 27 trang với những chi tiết qui định rối rắm không nằm trong khuôn khổ luật hình sự, là luật căn bản nhằm duy trì an ninh, trật tự xã hội. 

Dự luật có 07 Chương, gồm 47 điều. Trong tất cả các Chương, điều đó chỉ có điều 8 của chương 1 là thực sự cần thiết với tiêu đề "Các hành vi bị nghiêm cấm"

Khoản 1 của Điều 8 này lại qui định liên hệ tới các khoản 1,2,3,4 của điều 15 và khoản 1 / điều 16 và khoản 1/điều 17. Thực chất thì các khoản liên quan trong các điều 15, 16 và 17 trùng hợp, lập lại nội dung của điều 8. Tất cả các khoản của các điều này có thể gộp lại thành một danh sách các hành vi bị cấm chỉ thì rõ ràng hơn và người dân cũng như những người, tổ chức liên quan dễ tham khảo hơn. Đây chính là một trong các sự rối rắm của Dự luật, chứng tỏ giới chức soạn thảo thiếu căn bản pháp lý. 

Tất cả các điều và khoản còn lại của Dự luật chỉ có nội dung điều hành hành chính của cơ quan hành pháp, không cần ghi trong một dự thảo luật hình sự. Điều hành hành chính của hành pháp thì chỉ cần một văn bản hành chánh là đủ, không cần mang ra quốc hội thảo luận. 

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm 

1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây: 

a) Soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 15; thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 16 và khoản 1 Điều 17 của Luật này; 

b) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 

c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tôn giáo; kỳ thị giới tính, phân biệt chủng tộc; 

d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; 

đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; 

e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. 

2. Thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. 

3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. 

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng. 

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. 

6. Hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của Luật này. 

II- Về nội dung. Tất cả những hành vi bị ngăn cấm qui định trong các điều khoản của Dự Luật có hậu quả là xóa toàn bộ các quyền tự do phát biểu của người dân, một quyền căn bản được Quốc tế công nhận và Nhà Nước Việt Nam cũng ký nhận trong các công ước quốc tế. 

Thêm nữa, điều 8 lại không đi kèm với điều nào qui định hình phạt. Đó cũng lại là một thiếu sót cơ bản. Những hành vi bị ngăn cấm mà không kèm theo hình phạt thì hoặc là sự ngăn cấm vô nghĩa, hoặc nhà cầm quyền có thể áp dụng hình phạt tùy tiện một cách độc đoán, đe dọa quyền tự do công dân. 

Một nội dung như thế cần được công bố rộng rãi để người dân, nhất là những luật gia nhận xét góp ý chứ không thể chỉ chuyển sang quốc hội trong một thời gian ngắn và đòi hỏi quốc hội biểu quyết thông qua. 

Tóm lại, Dự thảo Luật An Ninh Mạng, vừa thiếu tiêu chuẩn hình thức của một văn bản luật, vừa xâm phạm trầm trọng quyền tự do phát biểu của người dân, cho nên Quốc hội cần dành thời gian dài để toàn dân góp ý trước khi biểu quyết. 

Tham khảo: Luật An Ninh Mạng (https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Du-thao-Luat-an-ninh-mang-351416.aspx) 

11.06.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo