Nguyễn Hồn Việt (Danlambao) - Việc Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh là chuyện lớn! Chuyện lớn không thể giải quyết bằng một vài bài báo, chứ không nói là một vài ý kiến. Cả hai trường phái: Phái tin rằng Hồ là giả và phái tin rằng Hồ là thật đều cần bình tĩnh phân tích, không nên lúc thì nổi xung lên, rồi đuối lý lại quẳng nó đi. Như ông Bùi Tín, đầu tiên ông viết bài “Cuộc đánh tráo không thể có” sau đó vài ngày lại “Dù việc đánh tráo có hay không...” rồi im. Là một thái độ chưa đúng với một đề tài lớn như thế.
Có một số ý kiến thường bám vào việc “Hồ Chí Minh gặp Luật sư Loseby” để khẳng định Hồ chính là Nguyễn Ái Quốc là hơi vội vã, như ông Bùi Tín ở bài “Cuộc đánh tráo không thể có” đã viết:
“Xin hỏi tác giả Hồ Tuấn Hùng... Ông biết chăng, hồi năm 1960 ông Hồ Chí Minh mời vợ chồng luật sư Frank Loseby sang Hà Nội, khách vẫn nhận ra ông bạn cũ của gần 30 năm trước, đâu có phải là ai khác?”
Một ý kiến ở bài “Báo l’Humanité: Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù tại Hồng Kông năm 1932!” đăng trên Danlambao, Ních xanh “Song Huỳnh” viết dù hơi thô, tôi cũng xin trích ra đây để chúng ta cùng bàn luận:
“Nguồn duy nhất có thể kiểm chứng mà lợn đưa ra là một đoạn trích văn kiện ĐCS VN năm 1933: 'đồng chí Nguyễn ái Quốc, đã bị ám sát vào giữa năm 1932 trong các nhà tù địa ngục của Hồng Công' nhưng đó cũng không thể dùng làm bằng chứng vì rõ ràng Luật sư người Anh Francis H. Loseby và vợ ông đã tiếp xúc liên tục với Bác từ giữa 1931 đến đầu năm 1933 để biện hộ, giúp thoát ngục và sau đó sắp xếp cho Người rời Hồng Công... Trong trường hợp Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công thì chính luật sư Loseby đã tung tin Người đã qua đời sau khi đưa tiễn để đảm bảo an toàn.”
Có một sự lý giải về câu chuyện này khá hay và đầy đủ của tác giả Phan Châu Thành trong bài viết trên Danlambao - "Có đúng đó là cuộc đánh tráo không thể có?". Tôi xin trích:
“Câu hỏi thứ hai của ông Bùi Tín là, tại sao năm 1960 khi gặp HCM luật sư Frank Loseby vẫn nhận ra đó là “người cũ” - NAQ?
Xin thưa, như đại đa số người châu Âu bình thường ông Loseby khó mà phân biệt chính xác hai người Á châu cùng tuổi cùng giới khi ông còn trẻ và minh mẫn hoàn toàn, và năm 1960 khi đến Hà Nội, luật sư Loseby đã gần 80 tuổi sau gần 30 năm cứu NAQ ở Hongkong, chắc chắn ông chỉ có một câu trả lời: HCM chính là NAQ mà ông đã gia ơn năm xưa, nhất là nay kẻ chịu ơn ông đó đã là Chủ tịch một đất nước mấy chục triệu dân. Hơn nữa, từ trước đó vài năm, từ 1956, HCM đã liên tục chuẩn bị cho ông Loseby “nhận ra” mình bằng cách viết thư tự giới thiệu lại và thăm hỏi, gửi quà (bức tranh thêu chùa Một Cột) và gửi ảnh của mình (Chủ tịch HCM) cho Loseby, thì làm sao Ls Loseby có thể có nghi ngờ gì nữa? Và khi đã không có nghi ngờ trong lòng thì đôi mắt của ông già 80 đang vinh dự là ân nhân của chủ tịch một nước làm sao có thể nhìn ra gì khác nữa? Thực ra, có thể ông HCM đã cố tình chỉ sử dụng ông già Loseby cho mục đích đó: xác nhận NAQ là HCM. Còn nếu để tỏ lòng biết ơn cứu mạng, tại sao HCM không viết thư cho Ls Loseby từ hơn chục năm trước đó, từ 1945 chả hạn?”
Hình của "2 đôi bạn" vào năm 1931 và ngày gặp lại Loseby gặp lại 30 năm sau
Vậy “Sự thật Hồ Chí Minh gặp Luật sư Loseby” là gì?
Đọc cuốn “Vụ Án Nguyễn Ái Quốc ở Hông Kông (1931-1933) Tư liệu và hình ảnh, Nxb Chính trị Quốc gia- Bảo tàng HCM, Hà Nội 2004.” Cho biết:
1. Tài liệu đã thất lạc:
"Cho đến nay, hồ sơ gốc về việc xét xử Nguyễn Ái Quốc tại toà án Hồng Kông vẫn chưa tìm lại được. Năm 1960, sau khi thăm Việt Nam trở về Hồng Kông, Luật sư Lôdơbai đã gửi toàn bộ hồ sơ gốc vầ vụ xét sử Tống Văn Sơ cho luật sư D. N. Pơrít. Biết được Luật sư Pơrít có trong tay bộ hồ sơ đó, nhà báo Ôxtrâylia W. Bơcsét đã mượn Luật sư Pơrít với lý do để dựng một bộ phim về Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó W. Bơcsét đã không trả lại và nói rằng bộ hồ sơ đã bị thất lạc..." (trang 113).
Lời bàn: Việc mất tài liệu gốc là chuyện có thể diễn ra, xong giả định nhà báo Ôxtrâylia W. Bơcsét đã làm thất lạc là thật, thì người có được nó cũng sẽ hiểu tầm quan trọng của nó để mà đưa nó ra... đấu giá chẳng hạn! Giờ không thấy đâu, thì việc nó đã bị tổ chức nào đó cất kỹ là khả năng nhiều và rất có thể xảy ra!
Điều cần lưu ý là rất nhiều tài liệu thuộc diện “nhạy cảm” với Hồ thì lại mất rất nhiều: (Ví như bản gốc cuốn Nhật Ký Trong Tù, bản thảo hồi ký của Diệc Lan - Con gái ông Hồ Học Lãm - Chủ tịch hội Việt Minh gốc) Nó cũng y hệt như việc mất hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh ở Bộ nội vụ vừa qua vậy!
2. Hồ đã... thăm dò... làm quen!
Lời kể của Luật sư Lôdơbi về Tống Văn Sơ sau khi rời khỏi Hồng Kông năm 1933:
“...Đến năm 1956 một nhà báo Anh (đảng viên đảng CS Anh) sang thăm Việt Nam về Hương Cảng đến tìm tôi trao cho tôi 1 bức thư và hai bức ảnh của Hồ Chủ Tịch, một bức gửi cho vợ chồng tôi, một bức gửi cho con gái tôi. Trong thư Hồ Chủ Tịch nói chúng tôi gửi ảnh cho Hồ Chủ Tịch. Chúng tôi gửi thư cám ơn và gửi ảnh chúng tôi cho Hồ Chủ Tịch.” (Trang 244 - Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ Văn Phòng trung ương Đảng.)
“Từ đó, ông ấy đã gửi rất nhiều thứ cho chúng tôi...”, bà Loseby nói... Lấy từ ví sách tay, bà Loseby giở ra một trong những bưu thiếp chúc mừng năm mới mà hàng năm ông Hồ vẫn gửi cho gia đình bà...” (trang 256).
Lời bàn: Chuẩn bị dò la trước xem Luật sư Loseby có phản ứng gì không! Nếu ông thấy ngờ ngợ thì sẽ đi tiếp các bước sau! Tập dần để cho Luật sư Lôdơbi có khái niệm Tống là Nguyễn Ái Quốc, và Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ!
3. Thư Hồ mời Luật sư Loseby sang thăm “nhân dịp Tết âm lịch...”
“...Và mời ông bà sang Hà Nội chơi nhân dịp Tết âm lịch...” (Tài liệu lưu tại Bảo tàng HCM) (Trang 245)
Lời bàn: Việc mất tài liệu gốc là chuyện có thể diễn ra, song điều cần lưu ý là thư Hồ nhờ mời Luật sư Lôdơbai sang thăm được gạch chân cụm từ “...nhân dịp tết âm lịch” (Trang 245). Từ đó ta có thể suy luận “...nhân dịp tết âm lịch” là lúc văn phòng nghĩ Tết gần hết - làm như vậy cho ít người biết, cho bí mật! Có gì sơ suất thì sửa chữa trước đi, khi thật yên tâm rồi mới mời quan khách đến chứng kiến rằng: “Người cứu sống tôi đây”!
Nó cũng tương tự như 2 lần Hồ tiếp “Chị ruột” rồi “Anh ruột” lần lượt từng người một vào lúc 11g30 phút trưa 2 ngày Chủ Nhật thì cũng là - để ta có thể suy luận là lúc đó văn phòng nghỉ hết - cho bí mật!
Sau 30 năm xa cách, bây giờ Luật sư Loseby mắt đã mờ, chân đã chậm. Lại nữa ông cha ta đã nói: “khách nhớ nhà hàng, chứ mấy khi nhà hàng nhớ khách!”
Luật sư Loseby sinh năm 1883 (tiểu sử Luật sư Loseby trang 263), vậy năm 1960 ông đã 78 tuổi! Liệu có nhớ được một người khách hàng bình thường như bao khách hàng khác sau 30 năm xa cách?
Thời điểm mời thì như thế, sau khi về thì lại xảy ra việc mất tài liệu gốc.
Liệu có mất vô tư?
Việc mất tài liệu gốc là chuyện có thể diễn ra, song điều cần lưu ý là năm 1960 mới mời Luật sư Loseby sang thăm, sau đó cử người ghi lại lời kể của Luật sư Loseby, việc ghi đó chính xác đến bao nhiêu? Giờ ta khó lường! Tuy nhiên, chỉ biết rằng sau đó bản gốc hồ sơ vụ án bị mất và sau đó 1 năm vào 1961 thì bản thảo cuốn sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” ra đời! Phải chăng Hồ đã mời Luật sư Loseby sang để nắm thêm thông tin về câu chuyện xử án một người gần như Nguyễn Ái Quốc đó là Tống Văn Sơ để viết và cũng là để lượng tình hình khi nhận mình là Tống Văn Sơ? Xem có thể viết ra người ta có tin được không?
Lẽ ra Luật sư Loseby đã vì “kính trọng” một khách hàng mà nay đã làm tới Chủ tịch một nước, hiển hách như vậy thì việc mình tặng lại hồ sơ vụ án cho Việt Nam là việc rất nên, vả lại cái hồ sơ đó, cũng như bao hồ sơ khác có ý nghĩa gì lớn đối với Luật sư Lôdơbai đâu!
Tại sao không tặng lại mà lại để mất?
4. Đó chỉ là vụ án “Tống Văn Sơ, Hồng Kông” - Không phải Nguyễn Ái Quốc!
Một ý kiến nữa của Nich xanh “Song Huỳnh” là: “Nếu vẫn cho rằng Bác đã chết trong tù ở Hồng Công năm 1932 thì có hai trường hợp xảy ra:
1/ Bác đã chết trong tù ở Hồng Công, thuộc địa Anh, từ giữa năm 1932, nhưng người TQ, lúc này dưới chế độ của Quốc Dân Đảng, đã đem được Hồ Tập Chương từ TQ sang Hồng Công, lẻn vào ngục thay thế và đem cái xác ra ngoài mà không ai biết! Toàn bộ cai ngục, tòa án của người Anh cùng hai vợ chồng Luật sư Loseby, những người từng tiếp xúc gần gũi liên tục với Bác trong một năm trời hoàn toàn không biết chuyện gì xảy ra! Nếu chuyện này là thật thì người Anh từ trên xuống dưới nhất định phải là một lũ lợn.”
Xin độc giả lưu ý: Nguyễn Ái Quốc chưa chắc đã phải Tống Văn Sơ!
Theo cuốn “Nguyễn Ái Quốc & Vụ Án Hồng Kông năm 1931. Nxb Trẻ, Nguyễn Văn Khoan, 2008”
Hồ sơ lưu tại Luân Đôn - Anh: “Ngày nay, ai có dịp tới Luân đôn, thủ đô nước Anh, vào kho lưu trữ Hoàng gia tìm đến hồ sơ mang ký hiệu: “Z 225C, HE.III. Vol II 1/40- 1240 năm 1931” sẽ hiểu rõ thêm vụ án “Tống Văn Sơ, Hồng Kông” (trang 9).
“Tống Văn Sơ khi bị bắt ở Hồng Kông 1931 và Ls Frank Loseby. Ảnh chụp của cảnh sát Anh (1931), trang 31 cho thấy: Ảnh Tống Văn Sơ không giống Nguyễn Ái Quốc cũng chẳng giống Hồ!
- Hộ Chiếu năm 1930 cho biết: “Tống Văn Sơ, 31 tuổi”
Theo quyển: “Nguyễn Ái Quốc & Vụ Án Hồng Kông năm 1931. Nxb Trẻ, Nguyễn Văn Khoan, 2008”:
“...Một số ghi chép về Hộ Chiếu của Tống Văn Sơ năm 1930: Tống Văn Sơ là tên ghi trong hộ chiếu số B.98 của Tổng Lãnh sự nước cộng hòa Trung Hoa tại Singapoe cấp cho NAQ ngày 28 -4-1930, Bản gốc hộ chiếu lưu tại phòng Phủ toàn quyền Đông Dương, ký hiệu 1116, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia của thành phố Aix en Provence (CAOM), Cộng hòa Pháp.
...Nội dung như sau (tiếng Anh):
HỘ CHIẾU
Số B.98 Có giá trị 6 tháng
Tôi, ký tên dưới đây TONG LAO - Tổng lãnh sự toàn quốc nước cộng hòa Trung Hoa tại Straits Settlement - Singapo, yêu cầu tất cả các nhà chức trách có liên quan cho phép Tống Văn Sơ, 31 tuổi, công dân nước cộng hòa Trung Hoa đến Xiêm để kinh doanh được đi lại tự do...” (Người dịch: Trịnh Ngọc Thái), (trang 85)
Ghi chú ở cuối trang: “...Một số thông tin liên quan tới hộ chiếu cần được tiếp tục tìm hiểu để giải đáp như: Năm 1930, Tống Văn Sơ đã 40 tuổi, tại sao trong hộ chiếu ghi 31 tuổi?” (Phòng sưu tầm Bảo tàng HCM) (trang 86)
Nhận xét: Chính Phòng sưu tầm Bảo tàng HCM đã thấy vô lý mà thốt lên rằng: “Tống Văn Sơ đã 40 tuổi, tại sao trong hộ chiếu ghi 31 tuổi?”
Hộ chiếu năm 1930 viết: “Tống Văn Sơ, 31 tuổi, công dân nước Cộng hòa Trung Hoa đến Xiêm để kinh doanh được đi lại tự do”.
Từ tất cả những điều trên, kết luận: Đó chỉ là vụ án “Tống Văn Sơ, Hồng Kông - Không phải Nguyễn Ái Quốc!
01.09.2018