Thủy điện Việt Nam: Tai họa khôn lường - Dân Làm Báo

Thủy điện Việt Nam: Tai họa khôn lường

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Nhà cầm quyền CSVN và bọn tư bản đỏ hoang dã đã nói không với môi trường, cũng như luôn coi thường sinh mạng của người dân không bằng nguồn lợi bán gỗ và bán điện, nên đã tích cực phát triển những nhà máy thủy điện lớn, nhỏ, công cũng như tư, một cách ồ ạt, hỗn độn và chụp giật trong hai, ba thập niên trở lại đây, khiến một phát kiến kỹ thuật có lợi cho nhân loại khi khéo léo khai thác nguồn nước, đã trở thành một đại họa cho người dân Việt Nam vì mất nước trong mùa khô, ngập úng trong mùa mưa và thấp thỏm, ghê gớm hơn cả là những trái bom nước đã và đang treo lơ lững trên đầu. Tất cả bị gây ra chỉ vì một chính sách phát triển duy ý chí, thiển cận, nếu không muốn nói là quá dốt nát và bởi lòng tham không đáy...

*

Nhân loại đã biết cách khai thác sức nước, ứng dụng vào sinh hoạt cuộc sống cách đây hàng ngàn năm, chẳng hạn như người Hy Lạp biết lợi dụng dòng chảy của nước làm quay bánh xe nước để nghiền lúa mì và bắp thành bột từ hơn 2000 năm trước. Giữa các năm 1700-1800 một kỹ sư quân đội Pháp là Bernard Forest De Bélidor trong tác phẩm Architecture Hydraulique (Kiến trúc Thủy lực) đã nêu việc khai thác sức nước thành một triển vọng hiện thực nhằm phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau trong cuộc sống con người, trước mắt đã phát minh ra một loại turbin nước thay thế cho bánh xe nước và sáng chế này chính là nguồn cảm hứng tiên khởi cho lý thuyết khai thác thủy điện với turbin nước. 

Trên nguyên tắc, thủy điện là một hệ thống liên kết, gồm một con đập đắp chắn ngang một con sông lớn thành một hồ chứa nước lớn sau lưng nó và tạo ra được một mức chênh lệch cột nước hữu dụng phía trước đập. Nước trong hồ được dẫn qua kênh dẫn dòng, hay ống thủy áp đến các turbin nước của nhà máy điện, trong tình trạng áp suất thủy lực được đẩy lên mức tối đa bởi sự chênh lệch độ cao của cột nước và khẩu độ của kênh dẫn, nên làm quay cánh quạt của turbin và sản xuất ra một năng lượng cơ học. Năng lượng cơ học được chuyển thành động năng làm quay rotor máy phát điện và sản xuất ra điện năng. 

Năm 1878, Lord William George Armstrong ở tại Cragside - Northumberland, Anh Quốc, đã sử dụng nước hồ trong điền trang, sản xuất ra điện qua một turbin nước và thắp sáng được một ngọn đèn, được coi là cơ sở thủy điện đầu tiên của thế giới. Tại Hoa Kỳ, máy phát điện hoạt động bằng turbin nước, sử dụng thắp sáng hạn chế xuất hiện tại Grand Rapids - Michigan năm 1880. Trạm phát điện Schoelkopf Power Station số 1 ở gần Niagara Fall hoạt động năm 1881 và trạm thủy điện Appleton có công suất phát 12,5KW ra đời tại Wisconsin năm 1882. Sự xuất hiện của kỹ thuật dòng điện xoay chiều đã cho phép sự truyền tải điện đi xa hơn, giúp việc khai thác điện năng thủy lực bùng nỗ, cũng như được thương mại hóa, đánh dấu bằng nhà máy thủy điện Redland, công suất 250KW được thiết lập tại California năm 1893. 

Tổng quát sau hơn 150 năm lịch sử, ưu điểm và nhược điểm của thủy điện mang lại và ảnh hưởng lên sinh hoạt đời sống của con người đã là những điều không còn tranh cãi. 

Về ưu điểm thủy điện được coi là một nguồn năng lượng xanh, khi hoạt động không thải ra các chất gây ô nhiễm, đặc biệt là Carbon Dioxide vào bầu khí quyển (Nonpolluting). Nó chỉ cần có sức nước chuyển động là hoạt động, là một nguồn tài nguyên tái tạo, do đó về lâu dài nó có chi phí sản xuất điện năng rẻ nhất so với các hệ thống khác. Thủy điện còn có ưu điểm vượt trội về tính linh hoạt trong sản xuất, lưu lượng nước có thể điều chỉnh, thậm chí lưu trữ tùy nhu cầu, tức có thể tích nước, xả nước để phát điện lên lưới tùy theo mức tiêu thụ điện năng trong từng thời điểm khác nhau, do đó về hữu ích thứ cấp các hồ chứa thủy điện còn có thể thực hiện được vai trò điều tiết nguồn nước cho vùng hạ du trong mùa khô, hoặc mùa mưa. 

Về nhược điểm, có quá nhiều hậu quả về môi trường trong việc làm ngập nước các khu vực rộng lớn khi đắp đập, ngăn sông làm hồ chứa, làm thay đổi lưu lượng nước, ngăn chận và thay đổi dòng chảy tự nhiên của các con sông. Những nhà máy thủy điện lớn có thể phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái dòng sông và những khu vực chung quanh, từ việc trầm tích tích tụ sau đập tạo ra các khu vực bị oxide hóa (Oxygen-Starved Zones), những thay đổi nhiệt độ và tính chất cơ, lý, hóa của nước, trước và sau khi đi qua turbin phát điện, làm hủy hoại, thay đổi môi trường sống, tạo ảnh hưởng tiêu cực trầm trọng lên các hệ thực vật, động vật bản địa và xói lở lòng sông, bờ sông, hay thu hẹp dần dòng chảy phía hạ lưu. 

Từ thập niên 60, 70 trong hậu bán thế kỷ 20 trở đi, áp lực bảo vệ môi trường khiến tốc độ phát triển thủy điện trên thế giới đã được xem xét lại cẩn thận hơn. Các nguồn năng lượng thủy điện cung cấp không đáng kể so với sự tổn thất môi trường đều bị loại bỏ. Tại Hoa Kỳ, thủy điện từ tỷ lệ 75% trong cán cân năng lượng quốc gia năm 1940, đã lần lượt giảm xuống còn 10% năm 1997 và 7% trong các năm đầu thế kỷ 21. 

Trong vùng Châu Á gió mùa và điều kiện rừng mưa nhiệt đới (Rainforest) việc phát triển các nhà máy thủy điện, nếu không được cân nhắc cẩn thận sẽ còn đem lại những hệ lụy nặng nề hơn, không những cho môi trường thiên nhiên, mà còn tác hại trầm trọng nhiều mặt cho cộng đồng dân chúng quần cư trong khu vực. 

Trên góc độ của những nhà lâm học, sự phát triển thủy điện ồ ạt và việc phá rừng vô tội vạ trong vùng tiếp thủy với các con sông có liên quan với nhà máy thủy điện, luôn là một tai họa khủng khiếp nhưng cận kề, một đe dọa tiềm tàng nhưng rất dễ xuất hiện, gây ra do sự không kềm chế được dòng chảy bề mặt của sông, suối trong lưu vực vào mùa mưa lũ, hay khi mưa bảo vũ lượng tăng cao đột ngột. Ảnh hưởng trực tiếp là bờ sông, suối, núi đồi quanh vùng tiếp thủy rất dễ sạt lở, lưu lượng nước về hồ chứa dễ dàng tăng rất nhanh chỉ trong một thời gian rất ngắn, trong khi thượng lưu đập ngăn nước bị bồi lấp dần, đưa đến sự giảm thiểu khả năng tích nước phòng lũ của hồ chứa, đồng thời gây áp lực tràn qua cao trình và nguy cơ vỡ đập, khiến các nhà máy thủy điện thay vì tích nước, cắt lũ như công năng trên lý thuyết, phải xả lũ để cứu đập, nên đã trực tiếp tạo ra các trận đại hồng thủy, lũ chồng lũ nặng nề cho vùng hạ lưu. 

Nhà cầm quyền CSVN và bọn tư bản đỏ hoang dã đã nói không với môi trường, cũng như luôn coi thường sinh mạng của người dân không bằng nguồn lợi bán gỗ và bán điện, nên đã tích cực phát triển những nhà máy thủy điện lớn, nhỏ, công cũng như tư, một cách ồ ạt, hỗn độn và chụp giật trong hai, ba thập niên trở lại đây, khiến một phát kiến kỹ thuật có lợi cho nhân loại khi khéo léo khai thác nguồn nước, đã trở thành một đại họa cho người dân Việt Nam vì mất nước trong mùa khô, ngập úng trong mùa mưa và thấp thỏm, ghê gớm hơn cả là những trái bom nước đã và đang treo lơ lững trên đầu. Tất cả bị gây ra chỉ vì một chính sách phát triển duy ý chí, thiển cận, nếu không muốn nói là quá dốt nát và bởi lòng tham không đáy. 

Một trong những ưu điểm lý thuyết của thủy điện là hồ chứa nước phải có khả năng tích nước cao hơn dung tích hữu ích phát điện, nhằm mục đích điều hòa lưu lượng dòng chảy trong mùa khô qua cửa xả đáy, trả bớt nước cho dòng chính và cắt lũ qua hồ chứa giữ nước phòng lũ để điều tiết thích hợp lưu lượng nước xuống hạ du trong mùa mưa. Tuy nhiên đa số những nhà máy thủy điện đang hoạt động tại Việt Nam khi thiết kế và xây dựng đều bỏ qua vai trò thiết yếu này, hoặc làm lấy có, cắt xén tối đa dung tích phòng lũ (Flood Prevention Volume of Revervoir), chỉ tập trung vào mục tiêu tích nước phát điện, nhằm vừa hạn chế tối đa vốn đầu tư ban đầu và vừa thu lợi nhuận tối đa khi khai thác. Do đó vào mùa mưa, lũ lụt đã hoành hành rất dữ dội trên nhiều nơi, bởi "té nước theo mưa" là các nhà máy thủy điện đã đồng loạt xả lũ thoải mái, với lưu lượng cho phép đến 8.000m3/s, để bảo vệ đập và đúng quy trình điều hành, do đây cũng là thời điểm xả lũ của các đập thủy điện bên Lào và Tàu cộng. 

Trong điều kiện địa hình, địa mạo chật hẹp, sông, suối đều ngắn và có độ dốc rất lớn, thủy điện bậc thang lại xây dựng chi chít, san sát, bất kể điều kiện kỹ thuật, nguồn nước, cảnh quan, chỉ cốt tranh giành, chiếm đoạt, vơ vét thủ lợi, nên bức tranh toàn cảnh hiện tại của thủy điện Việt Nam, vừa nham nhở, vừa có những chuyện như đùa, bên cạnh muôn vàn câu chuyện thương tâm mà người dân cùng khổ, thấp cổ bé miệng, đã và đang phải chịu đựng. 

Tại Quảng Trị, đập thủy điện Dakrong vỡ chỉ sau khi bàn giao và chính thức hoạt động được 5 giờ đồng hồ. Tại Kontum, đập thủy điện Dak Mek cũng vỡ 109m thân đập, khi bị chiếc xe tải chở đất đá va đụng vào. Tại Sapa, khi phá núi để xây dựng thủy điện Nậm Toóng, thì đất đá cũng đổ xuống vùi luôn một phần nhà máy thủy điện Sử Pán 2 ở liền kề một bên. Có nơi một phụ lưu nhỏ cũng phải cỏng đến 3-6 nhà máy, nước mới qua turbin nhà máy ở trên dòng, lại phải xuống ngay hồ chứa nhà máy ở dưới dòng, chỉ cách đó khoảng 5km, như tình trạng sông Nho Quế, sông Miện ở Hà Giang. Đặc biệt chỉ một khúc sông Nậm Mô dài 1km tại huyện Kỳ Sơn ở Nghệ An, cũng đã có tới 3 nhà máy thủy điện đang hoạt động và 1 nhà máy khác đang chuẩn bị xây cất! 

Tình trạng mong manh do kỹ thuật xây cất gian dối, điều kiện khai thác chồng lấn phản khoa học, vượt xa khả năng thực tế của sông suối, nên thủy điện Việt Nam đã tạo ra hai thái cực tương phản tuyệt đối cho diện mạo hệ thống sông ngòi và sinh hoạt, cuộc sống của người dân. 

Mùa khô thủy điện tích nước để phát điện nên hạ du cạn dòng, trơ đáy. Sông, suối thiên nhiên trở thành sông, suối chết. Có nhà máy chỉ biết chạy theo lợi nhuận, như thủy điện Nậm Mô tích hết nước vào ban ngày, xả hết nước vào ban đêm, trong mục đích khai thác tối đa công suất sản xuất điện vào giờ cao điểm, nên đã phá hủy hoàn toàn cảnh quan và môi trường sống nông nghiệp dọc sông Lam dưới hạ du. 

Mùa mưa thủy điện liên tục xả lũ dây chuyền, từ nhà máy này xuống nhà máy khác, để bảo vệ tài sản cho chủ đầu tư. Sức nước vừa cộng hưởng hai cao độ chênh lệch thiên nhiên và nhân tạo, vừa hoành hành trên một khoảng cách quá ngắn, nên lũ lên rất nhanh, rất mạnh, gây ra sự tàn phá và các tổn thất rất lớn cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng, do họ không thể chạy đua kịp với lũ. 

Đại nạn lũ chồng lũ vì thủy điện xả lũ hiện nay ở Việt Nam đã là một chu kỳ bắt buộc, phải tái lập hàng năm, chỉ khác nhau ở mức độ tổn thất nặng, nhẹ, nhờ mưa nhiều hay ít và thời gian mưa tập trung kéo dài trong bao lâu, cũng như hoàn cảnh, cường độ tương tác trong cùng thời điểm đang diễn ra tại Lào và Tàu cộng như thế nào. 

Tuy vậy và đáng sợ hơn cả, cuối cùng nhiều tai nạn vỡ đập thủy điện tới mức thảm họa cũng sẽ xảy ra, dù chế độ cộng sản có thừa dã tâm sẵn sàng gia tăng tần suất xả lũ với lưu lượng xả lũ tới mức cực đại, bất kể tổn thất cho vùng tích lũ, phân lũ bị chỉ định dưới hạ lưu, cũng như dù có hay không các tác động gia trọng vào thảm họa ít, nhiều, bởi Lào và Tàu cộng. Sức chịu đựng của bà mẹ thiên nhiên Việt Nam đã đến giới hạn sau cùng, việc rừng bị hủy diệt gần như triệt để, khiến tác dụng xâm thực, bào mòn và xói lở lưu vực vì dòng chảy tự do bề mặt, lũy kế trong hàng chục năm qua đã tới mức báo động, cộng vào đó là thói tắc trách khinh thường mọi khuyến cáo khoa học, đại nạn tham nhũng và hành vi chiếm đoạt, đục khoét diển ra khắp nơi, mọi mặt, bởi mọi cách, bằng mọi mức độ trong xây dựng, đã và đang đặt một số đập thủy điện Việt Nam vào tình trạng chỉ mành treo chuông. 

Ngày 13/9/2016, nhà máy thủy điện Sông Bung 2 tại Quảng Nam, có công suất thiết kế 100MW, mới nghiệm thu xong và đang tích nước vào hồ chứa, thì bị vỡ đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy phát điện, cuốn trôi nhiều công nhân, phương tiện và gây sạt lở nhiều nơi ở hạ lưu. Nguyên nhân được cho là do mưa lớn vì ảnh hưởng bảo, lưu lượng nước đổ về hồ chứa rất lớn, đến 560m3/s nên gây tai nạn (dù lúc này mực nước hồ chứa vẫn còn nằm dưới cao trình nhận nước của đập). Tháng 11/2017 kết luận điều tra kỹ thuật mới thừa nhận do việc tính toán chưa phù hợp (?) nên công trình thiếu cốt thép và chất lượng béton không đủ tiêu chuẩn, 40% mẫu khảo sát không đủ cường độ chịu nén, 86% không đủ cường độ chịu kéo và 100% không đủ tiêu chuẩn cement trong một đơn vị thể tích cụ thể. 

Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 cũng ở Quảng Nam, có công suất thiết kế 190MW, xây dựng năm 2005, hoạt động năm 2010. Do khu vực nhà máy nằm trên đới đứt gãy Trà My - Trà Bồng đang hoạt động, nên đã liên tục gây ra nhiều trận động đất cường độ từ 3,2 độ Richter trở lên. Tính đến tháng 4/2012 đã có tới 80 lần động đất quanh nhà máy, khiến thân đập ngăn sông bị chuyển vị theo cả hai chiều đứng và ngang, gây ra hơn 30 vết nứt, nhiều vết nứt rộng hơn 6 li đưa đến hiện tượng nước hồ chứa thẩm lậu qua đập hàng trăm lít mỗi giây?! Chỉ trong tháng 8/2018 cũng đã xảy ra 9 trận động đất tại Sông Tranh 2, có cường độ 2,5 - 3, 9 độ Richter, khiến cuộc sống người dân ở đây luôn luôn như trứng để đầu đẳng trong một cơn ác mộng dài, liên miên và không có dấu hiệu chấm dứt, hoặc mọi thứ sẽ hoàn toàn sụp đổ một khi đập thủy điện bị vỡ. 

Tháng 7/2018, ba nhà máy thủy điện lớn trên sông Đà, gồm Lai Châu (1.200MW), Sơn La (2.400MW), Hòa Bình (1.920MW) và hai nhà máy thủy điện Bản Chát (220MW), Huội Quảng (520MW) trên sông Nậm Mu, phụ lưu của sông Đà, đều đồng loạt xả lũ với lưu lượng tối đa, khiến hạ du trung du và châu thổ đồng bằng Bắc phần bị ngập nặng trên diện tích rộng, từ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cay, Yên Báy, đến Hà Nội, Quảng Ninh. Bờ sông Đà sạt lở kéo theo hàng chục ngôi nhà ụp xuống sông Đà hiến tặng cho Hà Bá. 

Trên căn bản đây là hệ thống thủy điện bậc thang có hạng lớn của thế giới, có vị trí như mái nhà của đồng bằng sông Hồng đang nằm dưới mực nước lũ, đặt trong bối cảnh rừng bị hủy diệt, mưa bão ngày càng nhiều, càng lớn, địa chất khu vực vẫn tồn tại các hoạt động khó lường, cũng như hoàn cảnh đặc thù địa chính trị (Geopolitics) với Tàu cộng - có 47% lưu vực sông Đà nằm trên lãnh thổ Tàu, nên đây cũng là nguy cơ "bom nước" với xác suất cao. 

Trong đó, thủy điện Sơn La vừa là một công trình lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, như đập chính dài 1km, cao 138m, diện tích lòng hồ 224km2, dung tích hồ chứa gần 10 tỷ m3 nước, vừa là một ẩn số rập rình tai họa cho đồng bằng Bắc phần. 

- Thủy điện Sơn La xây dựng trên 1 trong 7 đới đứt gãy ở vùng tây bắc Việt Nam, có nguy cơ phát sinh động đất, nhiều điểm chỉ cách trung tâm công trình chỉ từ 6 - 32km. Các kết quả đo đạc từ năm 1990 tới năm 2003 ghi nhận đã có 1.089 vụ động đất trong vùng bán kính 200km quanh thủy điện Sơn La, có vài trận động đất cường độ lớn hơn 5 độ Richter. 

- Thủy điện Sơn La khởi công tháng 12/2005, đến tháng 9/2008 có ba vết nứt thân đập chính được phát hiện, vết dài nhất là 31,5m, sâu nhất là 6m và rộng nhất là hơn 1li. Có ý kiến cho rằng đập Sơn La là đập béton trọng lực (Gravity Dam) có khả năng kháng chấn cao, chưa có đập ngăn nước nào thuộc loại này trên thế giới bị vỡ, nhưng thực tế trận động đất Jiji cường độ 7,3 độ Richter xảy ra năm 1999 tại Đài Loan đã phá hủy đập ngăn nước Shihgang, thuộc loại béton trọng lực, dài 352m, cao 25m, diện tích hồ chứa 0,645km2 và dung tích tích nước 3,4 tỷ m3 nước. 

- Sông Đà phát nguyên từ đất Tàu, dài khoảng 980km, trên lãnh thổ Việt Nam dài 543km, lưu vực rộng gần 53.000k2, trở thành phụ lưu chính, cung cấp hơn 31% lượng nước cho sông Hồng và cũng là thủ phạm gây ra những trận lũ lớn cho vùng hạ lưu sông Hồng. Hậu quả từ việc Tàu cộng không chịu bạch hóa kế hoạch khai thác sông Đà ở đầu nguồn, đồng thời khi Việt Nam xây dựng ba hồ chứa nước bậc thang Lai Châu 1,2 tỷ m3, Sơn La 9,4 tỷ m3 và Hòa Bình 1,6 tỷ m3 trên dòng chính sông Đà, đã trao lợi thế hoàn toàn cho Bắc Kinh, có thể ngăn nước để ngăn chận tính khả thi kinh tế khi khai thác thủy điện, hay xả nước trong mùa lũ tạo ra hiệu ứng sụp đổ dây chuyền như quân bài domino, khi có một đập ngăn nước nào đó ở thượng nguồn bị vỡ và tác động trực tiếp lên hệ thống thủy điện bậc thang trong vùng tây bắc Việt Nam. 

Tháng 9/2018 đến lượt hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Cả (sông Lam) cũng xả lũ đồng loạt gây lũ lụt khủng khiếp cho người dân trong hai huyện Tương Dương và Con Cuông ở hạ du thuộc tỉnh Nghệ An và tin đồn đập thủy điện bị vỡ, khiến người dân trong khu vực ảnh hưởng hoảng hốt đổ dồn hết lên núi để lánh nạn. 

Sông Lam chỉ dài khoảng 400km cùng các phụ lưu đầu nguồn đã phải gánh chịu 33 dự án thủy điện, trong đó chỉ tính đoạn sông Lam trong huyện Tương Dương đã có sáu nhà máy thủy điện đang hoạt động, lớn nhất là Bản Vẽ (320MW), Khe Bố (100MW) có tổng dung tích hai hồ chứa lên đến hơn 3 tỷ m3 nước và chưa tính đến thủy điện Nậm Mô (120MW) do Việt Nam liên doanh với Lào cũng đang chuẩn bị xây dựng trên dòng chính bên phía đất Lào. 

Đáng chú ý trong tháng 9/2011 một quả núi phía nhà máy thủy điện Bản Vẽ bất ngờ bị sạt lở, vùi lấp toàn bộ đường vào nhà máy và đe dọa chôn vùi luôn cả nhà máy. Tháng 3/2013 xuất hiện một đoạn nứt gãy dài hơn 30m dọc theo sườn núi phía vai phải thân đập, chỉ cách về phía thượng lưu đập chính 100m, uy hiếp thân đập và cửa nhận nước của hồ thủy điện Bản Vẽ. 

Do đó, khi mưa lớn và lũ bên Lào đổ về các hồ chứa nước bậc thang trên sông Lam, có lẽ thảm cảnh lũ chồng lũ cũng chỉ như nốt dạo đầu cho một tai ương, không khác gì mấy đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy của Lào trong một tương lai không xa. 

08.09.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo