Do không tu thân cho nên cán bộ quan chức đã “ăn” của dân không từ một thứ gì! - Dân Làm Báo

Do không tu thân cho nên cán bộ quan chức đã “ăn” của dân không từ một thứ gì!

Nguyễn Văn Nghệ (Danlambao) - Trong Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo dịp đầu năm học 2018-2019, Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo có kể về nội dung khắc trên tấm bia của một ngôi mộ đơn sơ ở nghĩa trang Westminster (Anh quốc): “Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ ước thay đổi cả thế giới. Khi lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra là tôi không thay đổi được thế giới, nên tôi thu nhỏ ước mơ của tôi lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi. Nhưng đất nước tôi, tôi đã không thể thay đổi được gì. Khi bước vào những năm cuối đời, trong những cố gắng cuối cùng, tôi chỉ quyết định thay đổi gia đình và những người thân của tôi. Nhưng than ôi, điều này cũng chẳng làm được và bây giờ, khi nằm trên giường bệnh, chuẩn bị lìa đời, tôi chợt nhận ra: Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình; và với sự giúp đỡ và động viên của gia đình, tôi hy vọng có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu, tôi thậm chí có thay đổi cả thế giới”.

Giám mục đã viết tiếp: “Những dòng chữ khắc trên bia mộ này có cùng ý nghĩa với câu nói các con thường nghe: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tất cả phải lấy việc tu thân làm gốc...”

Muốn tu thân, trước tiên ta phải “cách vật, trí tri” tức là phải học hỏi (học ở trường lớp, học ở trường đời…), phải có tri thức, tiếp đến là “chính tâm, thành ý” rồi mới nói đến vấn đề tu thân. Sau khi tu thân xong mới nói đến việc “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. 

Cách vật, trí tri, chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là “bát điều mục” trong Nho giáo. Vấn đề tu thân không trừ một ai trong xã hội. Sách Đại học viết: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (Từ vua cho đến dân thường đều phải lấy tu thân làm gốc). 

Nếu ai không chịu tu thân tức là chấp nhận làm thân con giun, con dế. Giám mục Đinh Đức Đạo khuyên các sinh viên, học sinh: “Vì vậy các con đừng mãn nguyện làm những con giun, con dế, nhưng hãy nuôi ước vọng cao thượng, có chí lớn, tung cánh như chim đại bàng, bay lên cõi trời mênh mông bát ngát. Mỗi khi các con luồn cúi, hay gian dối để được điểm cao, được lợi lộc ích kỷ hay các con dùng bạo lực để giải quyết vấn đề là các con trở thành con giun, con dế. Ngược lại, khi các con dám trung thực cho dù có bị thiệt thòi và dám quên lợi ích riêng của mình vì lợi ích của tha nhân là các con đang tung cánh đại bàng để bay bổng lên cõi mênh mông của Thiên Chúa” (1). 

Thượng đế (còn gọi là Ông Trời, là Thiên Chúa) là cùng đích là cứu cánh để con người hướng tới. Sách Trung dung viết: “Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân. Tư tu thân, bất khả dĩ bất sự thân. Tư sự thân, bất khả dĩ bất tri nhân. Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên” (Cho nên bậc quân tử cần phải tu thân. Muốn tu thân cần phải biết phụng dưỡng cha mẹ. Muốn biết phụng dưỡng cha mẹ, cần phải biết đến người khác (tha nhân). Muốn biết đến tha nhân cần phải biết đến Thượng đế). 

Người cộng sản luôn đề cao “tu dưỡng đạo đức cách mạng”, nhưng họ không thể “tu thân” theo đúng ý nghĩa đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam được, do họ phủ nhận thần thiêng tức là phủ nhận Thượng đế. Cụ Trần Trọng Kim viết: “Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo cộng sản đã là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa, nhất thiết nghĩ phải sùng bái những người như Các Mác, Lê Nin, Sử Ta Lin để thay những bậc thần thánh cũ đã bị truất bỏ”. Cụ Trần Trọng Kim đã nhận xét tiếp về người theo cộng sản: “Vậy những tín đồ cộng sản phải là những người cuồng tín và chỉ biết đời sống vật chất mà thôi, ngoài ra không có gì nữa. Sống có một đời rồi hết, nên ai nấy chỉ lo làm cho mình được mọi điều thắng lợi, sá chi những điều phúc họa thiện ác” và “Về đường thực tế, cái đặc sắc của cộng sản là không nhận có luân thường đạo lý, không biết có nhân nghĩa đạo đức như người ta vẫn tin tưởng. Người cộng sản cho cái điều đó là hủ tục của xã hội phong kiến thời xưa, đặt ra để lừa dối dân chúng, nên họ tìm cách xóa bỏ hết. Ai tin chỗ ấy là người sáng suốt, là người giác ngộ, ai không tin là mờ tối, là người mê muội. Vì có tư tưởng như thế, cho nên cha, con, anh em bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa cộng sản và phục tòng những người cầm quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc mà lợi cho đảng là người giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để lập thành xã hội mới theo chủ nghĩa cộng sản” (2). 

Không tu thân, con người sẽ trở thành kẻ vô liêm sỉ: “Liêm sỉ là nền tảng của đạo làm người. Ở đời còn có sỉ, thì hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm còn được, chớ liêm sỉ đã mất, nhất là sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đến vô sỉ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông, còn cái gì kiêng nể mà không dám làm”. 

“Người không có liêm đụng cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm”. Bà cựu Phó Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã thốt lên: “...Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội. Tôi càng đi càng thấy buồn, “ăn” của dân không từ một cái gì”(3). 

Ngay trong ngành giáo dục là nơi giáo dục đào tạo con người cho xã hội cũng xảy ra không biết bao nhiêu là tiêu cực: “học giả” mà “bằng thật” lan tràn; nào là tiến sĩ “giấy”, giáo sư “ma” đầy dẫy. Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 xuất hiện một công nghệ chấm thi kiểu mới mà dân gian gọi là “ Công nghệ 1.9” (một chấm chín), có nghĩa là bài làm của thí sinh đúng ra là được 1 điểm nhưng lại được chấm thành 9 điểm. 

Thi cử như vậy rất là nguy hại đến sự tồn vong của dân tộc. Ông Nelson Mandela, cố Tổng thống Nam Phi tuyên bố: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kì thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia” (4). 

Cán bộ, quan chức hãy mau tỉnh ngộ mà tu thân theo đạo đức truyền thống dân tộc, nếu không: “Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh/ Anh không biết, em làm sao biết được/ Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước/ Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu...” (5) 

Phú Lộc Tây- Diên Khánh 


_________________________

Chú thích


2- Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi (Kiến văn tiểu lục), Việt Books- 2010, trg. 114-115 



5- Bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của tác giả Trần Thị Lam - Trường Phổ thông Trung học Chuyên Hà Tĩnh.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo