Ng. Dân (Danlambao) - Người ta nói: “gậy ông đập lưng ông” – dùng vũ khí địch để tiêu diệt địch. Trong hoàn cảnh đất nước hiện giờ, thiển nghĩ: cũng nên.
Tết Mậu Thân năm 1968, trong lần tổng tấn công mà VC đã thực hiện đột nhập đánh chiếm bất ngờ trên toàn cõi Nam VN (VNCH). Tại mặt trận thành phố Nha Trang, qua hơn một tuần, địch đã hoàn toàn thất bại, bị giết chết phơi xác khắp nơi. Một số cán binh bị bắt, trên cánh tay áo mỗi tên đều có một băng màu đỏ với dòng chữ: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Qua điều tra khai thác, ta được biết thêm: Đây là chiến dịch “quyết tử” tổng tấn công nổi dậy để cướp miền Nam. Tất cả đều tuyên thệ nguyện một lòng hy sinh liều thân cho tổ quốc.
Trận chiến Mậu Thân 1968 thì ai cũng rõ, địch lợi dụng ngày Tết thiêng liêng sum họp gia đình cúng vái tổ tiên ông bà, vui chơi mà lơ là để chúng tạo nên chiến thắng. Và các cán binh VC không phải tự nguyện mà bị ép buộc phải lao vào lửa đạn để bắn giết, tàn sát để giành thắng lợi. Tuy nhiên đã bị thảm bại, và cái giá phải trả là quá lớn lao cho sự hy sinh liều thân.
Người viết là một quân nhân QLVNCH, trong thời gian đó, qua những lần phải quần thảo cùng địch (những người cùng giòng giống của mình), những lần vây hãm, truy tìm và cũng không tránh khỏi bắn giết, đã có lúc thật sự kinh ngạc, đau lòng khi nhìn thấy một số xác thân gục ngã trong các góc nhà, mé cửa. Và cũng bắt một số quá gan lì: bắn cho hết đạn bị thương mới chịu buông tay đầu hàng. Đa số ốm o đói khát, phần đông tuổi chưa tới đôi mươi, còn quá trẻ.
Họ là những cán binh can đảm gan dạ? Không. Chỉ là bắt buộc phải liều thân, liều mạng. Qua hỏi cung, thẩm tra tiếp xúc, cả những khi tìm hiểu rồi có dịp thân quen, vì có một số lúc đầu rất bướng, thà chết không khai, không thỏa hiệp, vì họ nghĩ lính quốc gia là tàn ác. Nhưng khi thấy được một vài cởi mở, không ác độc, có niềm tin thì trở nên gần gũi thân thiện. Nhất là được đối xử không như họ nghĩ - bị tuyên truyền là Mỹ ngụy quá tàn bạo ác ôn.
Tìm hiểu và tâm sự thì thấy thêm là đáng tội - tội nghiệp - chỉ vì ôm hận thù “kẻ xâm lăng tàn bạo”, ngụy quyền tàn ác vô cùng bất nhân làm cho đồng bào đau khổ mà ôm mối tự hào: giải phóng, diệt Mỹ ngụy tàn độc bất nhân, có chết cũng là một hãnh diện cho sự hy sinh.
Qua chung đụng, nhận xét và tìm hiểu, mình biết thêm được: Do tuyên truyền, do kích động căm thù, và nhất là do kềm kẹp, những đầu óc non tơ hiền hậu chất phác rất dễ dàng tin theo (và không cách nào khác) làm con “thiêu thân” lao vào lửa đạn. Càng không phải tự nguyện, mà hoàn toàn là sự bắt buộc - bắt buộc phải nghe và làm theo (không có con đường, lối thoát nào khác). Từ trước kia vẫn vậy, và mãi sau này vẫn vậy? Và nhờ vậy mà họ (CS) được thành công.
“Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” - Một khẩu hiệu, một quyết tâm, mà cũng là một mệnh lệnh – HCM, tháng 12 năm 1946, kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ông đã đề ra. Từ đó, biết bao là hy sinh tiếp nối: chết cho tổ quốc, chết cho độc lập, tự do dân tộc, cho ấm no hạnh phúc toàn dân (trong đó có gia đình mình) thì chết là hãnh diện, là vinh quang? Chứ bao cán binh (cả người dân) đâu có thấu hiểu được là liều thân cho đảng. Một sự lừa phỉnh tinh vi, sâu độc.
Từ sau 30/4/1975, sau khi đạt được cái gọi là “thắng lợi hoàn toàn”, thì mọi sự bắt đầu đổi khác, đã không cần che đậy, bản chất thật, bộ mặt thật đã được phơi bày: không phải yêu nước mà là bán nước. Không vì dân mà chỉ là vì đảng. Chỉ có đảng, và đảng phải là trường trị muôn đời.
Vì lợi ích trăm năm: Trồng Người – Đã qua rồi 30 năm đấu tranh hy sinh xương máu (1945 – 1975) cho độc lập tự do, ấm no hạnh phúc, đã trở thành “công cốc”, đã bị bội phản, gạt lừa (qua nhiều thế hệ). Và qua 43 năm trong yên bình xây dựng: một đất nước nát tan, tài nguyên cạn kiệt, kinh tế suy đồi, xã hội băng hoại. Đảng lần hồi dâng nạp non sông và đưa dân tộc vào nô lệ. Bao hy sinh trước đó – ròng rã mấy mươi năm - chẳng những vô nghĩa mà là một trọng tội.
Nhìn vào đất nước CHXHCNVN hôm nay, người ta đã phải ví von: có 3 thành phần hiện hữu:
-Thứ 1: Đám trưởng giả lầu son gác tía, nhà cao cửa rộng, sung sướng đủ đầy, được nuôi nấng trong những cái lồng (lồng son, hàng mã) nuôi ăn cho mập, tỉa lông cho tốt, ca hát líu lo, để làm cảnh. Thỉnh thoảng đem trưng bày giữa chợ “mãi võ sơn đông” mua vui (hay xốn mắt chướng tai thiên hạ)– trong số này, có; DLV, bò đỏ, CA đường phố v.v… Một lũ vô tích sự.
-Thứ 2: Một đàn cừu, lang thang nơi đồng cỏ để bươi quàu, gặm nhấm suốt ngày, “tự do” tung tăng nhảy nhót, cam tâm an phận thủ thường. Mặc sức mà vỗ béo (nếu chịu khó gặm nhắm cho nhiều), để chờ ngày đưa vào lò: vặt lông xẻ thịt - Người ta đã thỏa thuận nhau từ trước, số phận những con cừu.
-Và thứ 3: Một số ai đó không an tâm, trốn chạy, vượt thoát, sống bên ngoài, không có đất dung thân, luôn bị săn đuổi, truy tìm và bắt nhốt…
Một sự ví von não lòng, đau đón, xót xa!
Xin lỗi, trên đây chỉ là ví von. Đúng không thì không chắc? Với những ai bi quan, bất lực, chán chường? Tuy nhiên, người viết không nghĩ vậy. Hồn thiêng sông núi muôn đời: tổ quốc còn, dân tộc còn thì nhất định niềm tin chưa mất. Phải bất khuất, phải vùng lên. Một dân tộc trên 4.000 năm văn hiến trường tồn, vẫn luôn là thể hiện tinh thần “quất khởi”:
Biểu tình bị bắt, bị đàn áp đánh đập, vẫn biểu tình. Đấu tranh bị bắt, bị cho vào tù, vẫn không dứt đấu tranh.
Bi quan từ những đám người bàng quan vô cảm? Tầng lớp thanh thiếu niên nam nữ chỉ biết đàn đúm ăn chơi, nhậu nhẹt, lõa lồ và quậy quạng… Bất chấp cuộc đời và sẵn sàng chui lủi vào chỗ chết: ăn (đồ độc) để chết, nhậu (cho say) để chết, thất tình để chết, thua cá độ để chết. Và cả mừng vui trong chiến thắng “đoạt cúp bóng đá” cũng chết. Nỗi chết muôn nơi, mọi nẻo, chết rình rập, chết cận kề… Một đất nước, một dân tộc cứ phải luôn đi vào chổ chết – Và… chết vẫn không sợ, không màng.
Không – không thể! Không thể để cho cái chết, một sự hy sinh lãng nhách, vô nghĩa. Cũng đã qua rồi sự hy sinh vô nghĩa. Đã rất là “vô nghĩa” với bao nhiêu triệu mạng người vì lầm lạc cả tin…? Bây giờ, và hôm nay phải biết tận dụng. Phải biết trân quí của sự hy sinh, và đem đặt vào chỗ “đúng nghĩa”: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” phải được lập lại – trong thời khắc của đất nước ngày hôm nay. Ngày trước, diệt thực dân. Hôm nay, diệt lũ phản bội dân tộc non sông, diệt phường cướp nước.
Bao hình ảnh (từ những ngày qua): hàng trăm ngàn, hàng triệu tuổi trẻ (khắp nước) đồng loạt “xuống đường” chỉ vì một “vinh quang” nhỏ nhoi là đoạt cúp, mà kể cả liều chết quên mình, rồi ngẩng đầu, ngước mặt tự hào? Hào hùng có. Chí khí có! Có đáng không? Thay vì cho non sông, cho dân tộc - một dân tộc trước cảnh lầm than và nô lệ?
Hồn thiêng sông núi réo gọi, trông chờ. Một cuộc lăn xả xuống đường “để chết” có cả hàng triệu con người không biết sợ? Nếu được vận dụng, nếu biết nắm bắt (từ ai đó? Một tổ chức yêu nước thật sự nào) xoay chuyển tinh thần cho công cuộc vùng lên “đồng loạt xuống đường” vì tồn vong cho dân tộc. Niềm tin chắc chắn phải dâng cao - Niềm tin tất thắng.
Người CS từ mấy mươi năm luôn bưng bít, đầu độc để tạo dựng bao tầng lớp mê muội ngu trung. Bây giờ, thời đại hôm nay, không còn là cơ hội cho họ tiếp tục lừa bịp. Khoa học tân tiến với internet, với công nghệ 4.-5G… đã soi thủng mọi bưng bít tối tăm.
Cũng từ mấy mươi năm, vì nóng vội, nôn nóng, lắm lúc bi quan thất vọng ở tầng lớp trẻ (đã qua giáo dục trồng người?) thờ ơ cho vận nước, sa đọa ăn chơi, mất đi tính khí hào hùng bất khuất. Thiển nghĩ: chưa hẳn vậy! Chẳng qua chưa được mở lối khai đường đúng mức, chưa vượt thoát “chiếc vòng kim cô” đầu độc từ một đảng tinh ma.
Tuổi trẻ được ý thức, tuổi trẻ sẽ vùng lên. Điều này nhất định phải có, vì là ánh sang sự thật được soi rọi. Không hèn nhát, không khuất phục, không thể cúi đầu, an tâm cam chịu. Hy sinh luôn ẩn tàng, có sẵn. Phải biết đặt đúng nơi, đúng lúc: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
(Bài viết chỉ là một gợi ý đóng góp, rất mong được chiếu cố, quan tâm).
22/12/2018