Nguyễn Tường Tâm (Danlambao) - Hiện nay, mọi giới chức có nhiệm vụ hay những người quan tâm tới giáo dục đang bàn luận sâu rộng về "Triết lý giáo dục". Tôi tóm lược một số ý tưởng thích thú trong bài khảo cứu của tôi, Triết lý là gì?, mong giúp độc giả vừa giải trí vừa mở rộng tầm tìm hiểu vấn đề đang được xã hội quan tâm.
Ngôn ngữ triết học vốn rất cô đọng và chính xác, cho nên với cá nhân tôi, bất cứ nỗ lực nào viết về định nghĩa triết học theo cách tôi hiểu cũng đều trở nên dài dòng khó hiểu cho người đọc, vì vậy tôi chọn cách không tự diễn đạt một định nghĩa nào theo cách hiểu của riêng mình mà gom những định nghĩa thu thập được trong tất cả những sách hàn lâm hay phổ thông của những tác giả chuyên môn về triết phương Tây mà tôi được đọc.
Dưới đây chỉ là một vài ý tưởng trong số những ý tưởng liên quan tới triết lý mà tôi thu thập được, và hai từ "triết lý" và "triết học" tôi sử dụng không khác nghĩa nhau mà chỉ cùng một nghĩa của từ "philosophy" của phương tây.
Ý tưởng # 1: Triết gia là người yêu kiến thức (philo = yêu thích/ sophia = kiến thức (wisdom))
Theo cuốn Dialectical Materialism (A. Spirkin), (https://www.marxists.org/reference/archive/spirkin/works/dialectical-materialism/ch01.html) định nghĩa lâu đời nhất của triết học được cho là của Pythagoras. Ông nói rằng, ông không phải là một nhà thông thái (a wise man), mà chỉ là một người yêu kiến thức (a lover of wisdom), là một triết gia (a philosopher, theo tiếng Hy lạp, "philos" là yêu thích (loving) và sophia là wisdom).
Ý tưởng # 2: Giải thích các ý niệm là nhiệm vụ chủ yếu của triết gia.
Dĩ nhiên khởi đầu vào bất cứ bộ môn nào cũng cần định nghĩa những ý niệm, nhưng theo A.J. Ayer on Philosophy các nhà khoa học thực nghiệm chỉ xử dụng các ý niệm để tìm hiểu những qui luật của vũ trụ, của xã hội. Trong khi trong The visual reference guides Philosophy by Stephen Law ở mục Triết học và Khoa học trg. 18, tác giả viết, "việc giải thích các ý niệm (meanings and concepts) là một trong các hoạt động chủ yếu của triết gia", (không phải là việc của các nhà khoa học thực nghiệm).
Một lý do khác nữa khiến khoa học không khả năng trả lời được một số những câu hỏi cơ bản là vì một phần các câu hỏi cơ bản liên quan tới nội dung của ý niệm (concepts). Ví dụ trong câu hỏi "Con người có ý trí tự do hay không?" (Do human beings possess free will?) thì cái ý niệm "free will" vẫn chưa được giải thích rõ là gì. Việc giải thích ý niệm "free will" là công việc của các triết gia.
Ý tưởng # 3: Triết lý là bộ môn đặt những câu hỏi cơ bản.
Cuốn The visual reference guides Philosophy by Stephen Law viết, triết lý là bộ môn đặt những câu hỏi cơ bản (fundamental questions) về vũ trụ và cuộc sống; và thường là những câu hỏi không có câu trả lời. Ví dụ Vũ trụ từ đâu tới? Tại sao lại có vật chất (Why, indeed, is there anything at all?)
Trong đời sống thường nhật, người ta ít khi đặt ra những câu hỏi cơ bản bởi vì người ta có khuynh hướng cho những vấn đề thường nhật có tính cách đương nhiên (take it for granted.) Nhà bác học Einstein lưu ý rằng một trong những gợi hứng lớn đối với ông là sau khi đọc triết gia David Hume của tk 18. David Hume đã khiến Einstein bắt đầu đặt câu hỏi về những điều mà những người khác cho là sự thật hiển nhiên (assumed to be true.)
Không phải chỉ có các khoa học gia mới hưởng lợi khi đặt những câu hỏi cơ bản. Một số những phát triển quan trọng nhất trong lãnh vực đạo đức và chính trị cũng được đặt ra bởi những người có khuynh hướng hay đặt những câu hỏi cơ bản và trong một số trường hợp đã bác bỏ những tín điều mà hầu hết những người khác nghĩ đơn giản cho là đúng. Ví dụ, cách nay không lâu, ở khắp phương Tây, người ta coi, về phương diện đạo đức, rõ ràng có thể chấp nhận hiện tượng nô lệ (slavery); hay là vai trò của phụ nữ là chỉ ở trong nhà bếp núc, nội trợ. Những tiến bộ về chính trị và đạo đức hiện nay được mang lại bởi chính những người đã muốn đặt ra những câu hỏi về những vấn đề mà nhiều người khác coi là lẽ đương nhiên.
Ý tưởng # 4: Trong đời sống hàng ngày con người thường vận dụng khả năng triết lý.
Cuốn History of Philosophy, ở mục The Ancients, viết, Aristotle nói rằng triết học khởi đầu bằng sự thắc mắc (philosophy begins in wonders). Nếu thế triết học phải có nguồn gốc song hành cùng loài người (trg.24) Và bởi vì ai mà không thắc mắc, cho nên triết học rất gần gũi với con người chứ không phải là một cái gì xa lạ. Nhưng rất nhiều khi con người không nhận ra mình đôi khi cũng triết lý. Một điều rõ nhất là ai cũng có niềm tin triết học nhưng chúng ta có thể không nhận ra điều đó. Stephen Law trong cuốn The visual reference guides Philosophy viết, Tất cả chúng ta ai cũng có niềm tin triết học (philosiphical beliefs) mặc dù chúng ta có thể không nhận ra điều đó (Though we may not realize it, we all hold philosiphical beliefs.) Ví dụ, Có người tin rằng có thượng đế, có người không, đó là một niềm tin triết học. Người thì tin rằng con người có linh hồn bất tử (immortal souls), người chỉ tin rằng con người là thuần túy vật chất (purely material beings), đó là một niềm tin triết học. Như vậy có con người là có triết lý. Triết lý hiện diện hàng ngày trong đời sống con người.
Thêm nữa, trong cuộc sống, hàng ngày, hàng giờ, nếu không muốn nói hàng phút, con người luôn đối diện với những giải pháp phải chọn lựa, với những vấn đề cần giải đáp. Khả năng lý luận (tức triết lý) giúp người ta tìm ra sự chọn lựa hợp lý, hay câu trả lời cần thiết. Nói cách khác, trong đời sống hàng ngày con người phải luôn luôn vận dụng khả năng triết lý (lý luận) dù rằng đôi khi họ không nhận thức được rằng họ đã qua quá trình lý luận.
Khả năng lý luận là điều cần thiết, là kỹ thuật sống (life skill), cho nên trong trường học Hoa Kỳ, người ta dậy kỹ năng lý luận cho học sinh ở mọi cấp. Thêm nữa, trong chương trình đại học, ở năm thứ nhất sinh viên bắt buộc phải lấy một lớp triết học cơ bản. Trong đó người ta dậy sinh viên lý luận và những trường hợp ngụy biện (fallacies).
Ý tưởng # 5: Triết lý là những nguyên tắc hướng dẫn con người hành động.
Chính vì trong đời sống hàng ngày con người thường xuyên phải vận dụng khả năng triết lý để chọn một giải pháp, một quyết định, cho nên triết lý hướng dẫn con người ta hành động. Bởi thế, trong cuốn tập đọc 180 của Hoa Kỳ dành cho bậc tiểu học, triết lý được định nghĩa là "Những nguyên tắc hướng dẫn con người hành động" (Philosophy: The attitude or beliefs that guide how people or groups act.)
Một cuốn sách tiểu học Mỹ khác viết rằng: Triết lý là thái độ hay niềm tin hướng dẫn con người hành động. Ví dụ: Tôi sống theo triết lý sau: Tôi muốn giúp mọi người. Ví dụ 2: Trường học thay đổi triết lý giáo dục bằng cách cho phép học sinh có quyền tự do phát biểu (free speech).
Một người có những nguyên tắc hướng dẫn hành động (guides) trong cuộc sống được gọi là một người có "triết lý sống" (philosophy of life). Trong đời sống, con người cần có triết lý sống thì mới định hướng được cuộc đời, mới không phí phạm thời gian hoạch định cuộc sống. Những người không có một triết lý sống rõ ràng dễ bị lạc hướng, không biết mình phải sống ra sao, phải chọn nghề gì. Triết lý sống giúp người ta trả lời câu hỏi cơ bản "Mình sống để làm gì? Sống ra sao? Mình muốn làm gì trong tương lai?" Triết lý hành động, tức triết lý sống (philosophy of life) cũng giúp người ta làm việc có mục tiêu, có kế hoạch và tránh được những thất bại không đáng có. Hàng ngày, trên mặt báo chúng ta thấy hầu hết các chương trình về giao thông, y tế, môi trường, giáo dục v.v... tại Việt Nam bị thất bại. Sở dĩ như vậy vì giới lãnh đạo Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) thiếu một triết lý hành động, không biết đặt ra những câu hỏi cơ bản, tức là không biết triết lý. Cụ thể nhất là trong lãnh vực giáo dục, suốt từ 1954 tới nay, qua nhiều cải tổ, nhưng các giới lãnh đạo giáo dục đều nhận là thất bại vì thiếu một triết lý giáo dục (philosophy of education). Không biết đặt ra những câu hỏi cơ bản, tức là không biết triết lý, thì khó thành công. (còn tiếp)
Tham khảo:
34 cuốn sách ở phần tham khảo tại trang mạng dưới đây: