Hình ảnh chị Phượng bê vác đồ đạc cho các ông TPB. Hình của. Nguyễn Tín
Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Sáng mồng 10/1/2019, hai ngày sau khi nhà cửa của chúng tôi bị phá huỷ, tôi trở về Vườn rau. Đã hẹn với lòng mình sẽ không khóc. Nhưng khi tận mắt chứng kiến cả một vùng đất thân thương giờ biến thành đống đổ nát hoang tàn, tôi không cầm lòng được.
Tôi bật khóc. Con ngõ quen thuộc, những luống rau xanh mướt, những căn nhà trọ của xóm lao động nghèo đã hoàn toàn biến mất sau chỉ một đêm. Tôi dò dẫm, bước từng bước liêu xiêu trên đống đổ nát, đôi chân run rẩy như chực ngã. Tôi không ngăn được dòng nước mắt và tiếng nấc nghẹn trong cổ họng.
Không còn phân biệt được ranh giới của những căn nhà trọ. Chỉ có con đường mòn, nhỏ xíu dẫn vào khu trọ nhà chị Phượng là tôi nhận ra. Tôi cứ đi theo hướng ấy. Thỉnh thoảng, tôi lại gặp một vài người dân Vườn rau, ngồi khóc trên đống đổ nát mà chỉ mấy hôm trước thôi, nó vẫn là ngôi nhà mà họ đi lại, cười nói, sinh sống trong ấy. Có người không khóc được, cứ đứng bần thần như người mất hồn.
Kìa chị Thuý, chị Trâm, cô Hiển, cô Lan, anh Thịnh, và chồng tôi nữa. Mới hai ngày thôi mà ai cũng hốc hác, tiều tụy thế này.
- Anh Thịnh ơi!
Tôi cất tiếng gọi. Hai anh em ồm chầm lấy nhau mà khóc.
Lúc gặp cô Hiển, chị Thuý, chị Trâm cũng vậy. Mấy chị em cứ thế ôm nhau khóc. Rồi an ủi, động viên nhau ráng vượt qua biến cố này.
Tôi tìm chị. Kia rồi. Chị đang vác những tấm nệm, giường gấp của các chú Thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà, khó nhọc bước qua đống ngổn ngang để đưa ra ngoài. Chị trông thấy tôi rồi nhưng vờ quay đi. Vì chị không muốn khóc.
Tôi mở máy điện thoại, bắt đầu phát trực tiếp trên facebook của mình. Tôi cần công luận biết và chứng kiến cảnh tượng tan hoang, đổ nát kinh hoàng do nhà cầm quyền gây ra. Không còn lại gì hết ngoài đống đổ nát khổng lồ. Trong đống đổ nát kinh khủng ấy, có khu trọ quen thuộc nhà chị, nơi chúng tôi đã gắn bó mấy năm rồi. Có cả ngôi nhà chúng tôi vừa xây xong và mới được ngủ lại một đêm duy nhất.
Không còn lại gì ngoài niềm tuyệt vọng, bất lực của người dân Vườn rau này. Không chỉ là tay trắng, mà còn là nợ nần chồng chất, nghèo túng, cùng quẫn. Nhiều cuộc đời sẽ bị huỷ hoại, không có tương lai. Có người đã phát điên phải vào trại tâm thần như anh Tám.
Và mất mát không chỉ là 468 căn nhà với ước tính gần 77 tỉ đồng. Không chỉ là, 4 cây vàng và 46 triệu đồng trong nhà dân không cánh mà bay. Sự thiệt hại về vật chất có thể thống kê được, nhưng mất mát về tinh thần, không thể đong đếm hay bù đắp được. Nhà cầm quyền khéo chọn thời điểm để gây đau thương. Tết đến nơi rồi mà.
Kết thúc cuộc livestream, tôi vẫn chưa nín được. Tôi không muốn khóc dai mà sao nước mắt ở đâu chảy ra lắm thế. Khóc nhiều, mắt tôi mờ đi, không còn nhìn rõ mọi thứ. Tôi phải ngồi một chỗ. Ngồi trên đống đồ đạc ngổn ngang nhà mình, đang chờ xe để khuân đi.
- An tâm đi nhé. Đây vừa thuê được một chỗ để đồ. Cứ về lo cho con Tôm đi. Ở đây có vợ chồng nhà này và ông Tú lo được rồi.
Tay cầm mấy vật dụng lỉnh kỉnh, chị nói với tôi. Giọng bình thản như không.
Tôi thấy ngượng. Bao giờ cũng thế, gặp chuyện gì hay vấp phải những mối lo lắng nào, chị cũng gánh vác được. Vợ chồng chị luôn mang lại cho tôi, cho gia đình tôi cảm giác bình an và ấm cúng.
Chị không nói những lời hoa mỹ. Thậm chí cách xưng hô cũng... không giống ai. Chị là chị vì hơn tuổi tôi. Nhưng bao giờ cũng chỉ xưng “đây” với “Nghiên”, gọi chồng tôi là “ông Tú” xưng “em”.
Vụ tàn phá VRLH, gia đình anh chị là một trong những nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Mười một phòng trọ và một căn nhà xinh xắn mới cất xong.
Từ một người cho thuê phòng trọ, sau ngày 8/1, vợ chồng con cái phải đi ngủ nhờ, lang thang ngoài đường cho hết ngày.
Nhưng cũng chỉ vài ngày thôi, chị lại lao vào công việc. Lại lên Văn phòng Công lý Hoà bình để tiếp tục công việc giúp đỡ các ông TPB VNCH. Vợ chồng chị đã phụ giúp các cha DCCT trong công tác này nhiều năm rồi.
Tận tuỵ, nhiệt thành, năng động, hiệu quả và không bao giờ khoe khoang về bản thân. Kể cả những công việc tranh đấu cho Tù nhân lương tâm, những đóng góp cho phong trào đòi tự do, nhân quyền, chị cũng tham gia hết mình. Và làm một cách âm thầm, không ồn ào, không cần ai ghi nhớ.
Từ hôm ấy đến nay, đã nửa tháng sau khi bị phá nhà, cướp đất, tôi cũng chưa thấy chị khóc (trước mặt tôi) lần nào.
Mấy hôm trước anh chị đến thăm chúng tôi ở nhà trọ mới, anh Thịnh chồng chị, khoe:
- Mấy hôm sau hai vợ chồng anh vào Vườn rau, tìm mấy thứ bị mất. Phượng soi đèn pin thấy đôi dép của em. Bả nói “kìa, đôi dép lê màu xanh của mẹ Tôm kia”. Thế là bả lại khóc.
Vậy là tốt rồi. Ít ra nước mắt cũng làm vơi bớt phần nào những khổ đau, phẫn uất, xót xa mà chị phải gánh chịu.
Hình ảnh hai vợ chồng thẫn thờ nhìn đống đổ nát. Hình TMCNN
Ba năm ở nhà trọ của chị là ba năm tôi cảm thấy thật sự vui vẻ, ấm cúng, bình an. Tôi là kẻ xa xứ, là kẻ “làm dâu xứ người” nhưng chưa bao giờ mang cảm giác ở trọ. Đây thực sự là nhà của tôi, là nơi tôi gắn bó. Và ngày hôm nay, cộng sản đã đập nát gia đình Vườn rau này, biến người thân của tôi là anh chị, và nhiều hàng xóm thân thương khác thành kẻ không nhà không cửa. Đẩy vợ chồng tôi và bé Tôm không còn nơi nương náu.
Nếu chị biết tôi viết về chị, chắc chắn chị sẽ không bằng lòng. Nhưng tôi cần viết, dù rất ít so với những điều cần phải kể. Để chị biết rằng, dù chưa bao giờ thổ lộ, chúng tôi luôn trân quý và biết ơn chị, biết ơn gia đình chị. Không chỉ bây giờ, mà từ cái ngày vợ chồng chị bất chấp hiểm nguy để đón hai người tù là Trí và anh Tú về cưu mang, ở ngay trong nhà của mình cho đến lúc Trí qua đời.
Chúng tôi biết ơn anh chị không chỉ vì anh chị coi vợ chồng tôi là anh em một nhà, săn sóc bé Tôm như con gái. Mà còn bởi anh chị đã dang tay ra, đón nhận các chú TPB về chăm sóc bằng cả sự nhiệt tâm, tận tuỵ.
Xin Chúa gìn giữ và ban Hồng ân cho chị. Chị Phượng.
Phạm Thanh Nghiên