Anh đến thăm em đêm 30
còn đêm nào vui bằng đêm 30
anh nói với người phu quét đường
xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em
(“Anh Đến Thăm Em Đêm 30” nhạc: Vũ Thành An, thơ: Nguyễn Đình Toàn)
Có lẽ đây là lần đầu tiên, và (không chừng) cũng là lần duy nhất, đám phu phen quét đường của miền Nam nước Việt được giới văn nghệ sĩ của vùng đất này (vô tình) đưa vào tác phẩm. Ở miền Bắc thì hoàn toàn khác, với chủ trương “văn nghệ công nông binh,” lớp người khốn cùng này được nhắc nhở đều đều, cùng với rất nhiều “ưu ái!”
Chả những thế, sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng (Nam/Bắc hoà lời ca) một công nhân của Sở Vệ Sinh Thành Phố Hồ Chí Minh – bà Lê Thị Thêu – còn được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu ra ứng cử để trở thành đại biểu Quốc Hội nữa cơ.
Chỉ có điều đáng tiếc là nhân vật này hoàn toàn không có năng khiếu gì trong lãnh vực ăn mặc, cũng như ăn nói. Bà Thêu không biết ăn diện như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng chả dám ăn nói liều mạng như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, và trông nhỏ thó dúm dó chứ không được cao lớn đẫy đà như bà Tòng Thị Phóng. Có thể vì những khiếm khuyết vừa kể nên công nhân Lê Thị Thêu chỉ được ngồi ghế đại biểu chỉ trong một khoá mà thôi.
Lê Thị Thêu đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI (1976-1981)
Từ đó, không có thêm một bà (hay ông) phu quét đường nào khác được Đảng “cơ cấu” vào quốc hội nữa. Nhà Nước, tuy thế, không quên sự đóng góp và vai trò quan trọng của giới người này. Theo nhận định của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc (TPHCM) thì “đây là lực lượng quan trọng, là tai mắt đường phố, có thể góp phần giữ vững an ninh chính trị, phòng chống, phát hiện các đối tượng tệ nạn xã hội… được công an quận tập huấn một số kỹ năng như: hướng dẫn nắm bắt vụ việc, nhận diện hiện tượng, con người liên quan đến an ninh chính trị; về hoạt động băng nhóm hoặc nghi vấn đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản cũng như công tác bảo vệ hiện trường.”
Đã làm vệ sinh đường phố còn kiêm nhiệm luôn công việc của ngành an ninh tình báo, và bảo vệ hiện trường nữa thì quả là vô cùng vất vả. Để bù lại, trong dịp Xuân Kỷ Hợi vừa qua, các chị em quét rác đã được ông Nguyễn Phú Trọng ưu ái lì xì cho chút tiền sài tết. Nghĩa cử nhân ái, nhân văn, và vô cùng nhân hậu này của vị Chủ Tịch Nước – tiếc thay – đã không được tán dương mà còn có năm ba lời tiếng eo xèo:
- FB Chánh Lê: “Ôi ... những người quét rác đẹp xinh và sạch sẽ hơn cả diễn viên điện ảnh.”
- FB Trần Thị Thảo: “Chỉ nhìn qua hình là biết: 2 em lao công là diễn viên đóng thế, 2 em vừa trẻ vừa xinh bởi biết trang điểm cho làn da, rồi nâng mũi, ặp long mi giả.”
- FB Luân Lê: “Làm trò lố bịch để lừa cả ông Tổng bí thư.”
- FB Đặng Thiện Chân: “Lừa cả TBT, chúng nghĩ ông ấy già quá không biết gì kkk.”
- FB M T Vu Vu: “Đầu năm mới cụ Tổng bị chúng qua mặt.”
- …
Tôi e rằng vẫn có sự ngộ nhận rất trầm trọng, và vô cùng đáng tiếc về bác Trọng. Người không lú lẫn, và không dễ bị lừa lọc hay qua mặt như vậy đâu. Nguyễn Tiến Dân, một ngòi bút sắc sảo và khả tín, nhận xét như sau:
“Trước hết, phải khẳng đinh một điều: Nguyễn Phú Trọng, là một con người vô cùng nhân hậu. ‘Kính trên – nhường dưới’, là cái điều, ông luôn khắc sâu trong lòng. Vinh quang và thiêng liêng, có gì sánh được với Nghĩa vụ Quân sự? Ấy thế mà, ngài cũng lui xuống phía sau, để nhường nó cho những kẻ kém hiểu biết và hiếu danh khác. Không biết đi ắc ê, cũng chưa từng ngửi mùi thuốc súng. Tuy vậy, ngài vẫn giành được chức Chính ủy của toàn Quân. Không dừng ở đó, ngài còn giành tiếp được chức Chủ tịch Nước. Hiển nhiên, thâu tóm nốt quyền Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang. Quá quắt hơn, lại nhảy tiếp vào Đảng ủy Công an Trung ương, để nắm và chỉ đạo nốt công việc nội trị. Gian hùng như Lê Duẩn, cũng không có nổi 1 trong 3 cái chức ấy và suy rộng ra, trên thế gian này, cũng chưa có ai dám nghĩ, chưa có ai dám làm và chưa có ai làm được cái điều như thế.”
Một người “quá quắt” tới cỡ đó e khó mà bị đám hậu sinh lường gạt. Tui còn nghi là chính bác Trọng là là đạo diễn cái vụ gửi thư cho cô giáo cũ hồi cuối năm rồi. Còn cái vụ lì xì đầu năm nay, không chừng, cũng là sáng tác riêng của thằng chả chớ còn ai vô đó nữa.
Cả hai vụ “diễn” này tuy rất vụng và ngó hơi chướng mắt thiệt nhưng nói nào ngay thì cũng không có gì là sai quấy lắm. Bác Trọng, chả qua, chỉ sống và học tập theo gương của bác Hồ thôi:
“Một lần tôi quay cảnh ông thăm đồng bào nông dân ở Hải Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại những vũng nước lớn. Ðến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ không bị ngập. Tôi chợt hiểu: ông không đi men vệ đường bởi vì ông muốn chưng đôi dép. Vì lòng kính trọng đối với ông, không muốn rồi đây người xem sẽ nhận ra trên màn ảnh lớn diễn xuất lộ liễu, tôi tắt máy. Nghe tiếng cái Eymo 35 đang kêu xè xè đột ngột im tiếng, ông ngẩng lên nhìn tôi, nhưng ngay đó ông hiểu ra” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. California: Văn Nghệ, 1997).
Diễn là động tác tự giác, và tự nhiên, của cả nước chứ chả phải riêng ai:
“Khoảng hai trăm tù binh phi công Mỹ xếp hàng đầy hết lòng đường đi tới. Quần áo bà ba mầu xám khói nhạt. Tôi giật mình: tất cả đoàn người bị trói kia sao quá giống hệt nhau? Ở chiều cao, ở khổ người, ở dáng đi, ở nét mặt, ở tư thế và thần thái. Lầm lũi ngửng đầu nhìn thẳng vào cái không gian bao quanh đằng đằng sát khí và tiếng la ó...
Dân hai bên đường hò hét, đánh đấm, ném đá. Những cái đầu tù binh quay ngoắt tránh đá, tránh đấm rất nhanh. Những con mắt không một lúc nào cầu van, nao núng...
Ba chúng tôi đứng lặng trên hè. Tương quan sức mạnh quá chênh nhau tự nhiên làm se lòng. Đoàn tù binh đã đến đoạn cuối, chợt Tô Hoài nhào xuống đường, nhảy vội lên đấm một cái trượt vào mặt một người tù binh đi ở ngoài cùng.
Anh trở lại, tôi hỏi khẽ:
- Đánh người ta làm gì?
- Xung quanh căm thù như thế chả lẽ ba đứa mình đứng yên?” (Trần Đĩnh. Đèn Cù, tập I. Người Việt, Westminster, CA: 2014).
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng Phòng GD, Sở GD-ĐT TPHCM – cho biết: “Tính ra, thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc!” Giới giáo chức sống thảm hại đến thế thì bác Trọng tiếc gì vài dòng bút mực mà không “vẽ” một cái thư cho cô giáo cũ. Báo Giáo Dục Thời Đại mô tả đây là “Bức thư được viết tay bằng mực xanh, rất ngắn gọn, giản dị nhưng sâu sắc và ân tình như chính con người của Tổng Bí thư vậy.” Nhà báo Bùi Hoàng Tám “tám” thêm:
“Việc làm của TBT, Chủ tịch nước cũng là lời động viên, chia sẻ với các thầy, các cô, dù cuộc sống còn không ít khó khăn trong thời điểm tết đến, xuân về…khi đất nước được lãnh đạo bởi một người có nghĩa, có tình, có đạo lý thì đó là khi vận nước đang lên!”
Thật là qúi hóa!
Tương tự, bác Trọng cũng chả tiếc gì mấy đồng bạc lẻ để lì xì cho mấy cô công nhân quét rác. Từ bác Hồ đến bác Trọng, bác nào cũng chỉ lừa thiên hạ mà thôi chứ làm gì có chuyện ngược lại bao giờ. Vẫn còn giữ ảo tưởng về qúi bác thì còn bị đè đầu, cưỡi cổ là chuyện tất nhiên, không có gì oan uổng cả.