Mẹ Nấm (Danlambao) – Trong suốt vài tháng qua, tình trạng trẻ em bị dị ứng, sốc Vắc-xin ComBE Five ngày càng gia tăng. Đã có trẻ tử vong sau khi chủng ngừa. Vắc-xin ComBE Five có nguồn gôc từ Ấn Độ, được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ tháng 6/ 2018 và thay thế cho Vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem của Hàn Quốc. Tuy nhiên với kết quả hiện tại, nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng, tính an toàn của vắc-xin này.
Xin gửi đến bạn đọc những chia sẻ của một bác sĩ chuyên môn nhằm làm có thêm góc nhìn về việc tiêm chủng.
Hỏi: Có nên chích ngừa cho trẻ?
Đáp: Hoàn toàn nên chích ngừa cho trẻ. Hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa bệnh đã được khoa học chứng minh. Nếu bạn lập luận rằng: Giả sử có 100 đứa trẻ, con tôi là 1 đứa trẻ không chích vắc-xin trong 99 đứa trẻ có chích vắc-xin thì con tôi sống trong môi trường ‘an toàn’ thì đó là một ý nghĩ cực kỳ sai lầm. Bởi trong đời sống hàng ngày, con bạn sẽ có khả năng tiếp xúc với đứa trẻ thứ... 101 mang mầm bệnh. Nếu vắc-xin không có hiệu quả, thì tại sao giới nhà giàu lại đáp máy bay qua Úc, Singapore, Thái Lan v.v... để chích ngừa cho con mình khi xảy ra tình trạng vắc-xin khan hiếm?
Hỏi: Tại sao tôi cho con tôi chích ngừa ‘miễn phí’ thì về bé bị ‘hành’ sốt cao, trong khi chích ngừa dịch vụ ‘đóng tiền’ thì chỉ bị sốt nhẹ hoặc không sốt?
Đáp: Hai vắc-xin miễn phí (Quinvaxem, ComBEFive) và đóng tiền (Pentaxim, Infarix Hexa) có một sự khác biệt quan trọng là thành phần ho gà toàn tế bào và ho gà vô bào.
Vắc-xin thành phần ho gà toàn tế bào là vắc-xin tinh chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ (Quinvaxem, ComBEFive).
Còn vắc-xin thành phần vô bào là vắc-xin tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn (Pentaxim, Infarix Hexa). Điều này được đăng tải trên trang web của Cục y tế dự phòng; thế nhưng Cục y tế dự phòng nhưng không viết bài lại dẫn nguồn bài viết "chuyên môn" từ báo Nhân dân!?
* Hỏi: Chương trình tiêm chủng Quốc gia có thực sự miễn phí như quảng bá hay không?
Đáp: Câu trả lời là KHÔNG. Lương trả cho nhân viên y tế được trích từ ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước lấy từ đâu? Từ thuế và phí của người dân đóng. Về mặt thuốc, các loạc vắc-xin như Quinvaxem, ComBE Five, hay các vắc-xin thế hệ cũ được viện trợ từ nước ngoài. Chính sách ngoại giao nước nào cũng vậy, “bánh ít đi thì bánh quy lại”, chẳng có bữa ăn nào miễn phí cả!
* Hỏi: Vì sao vắc-xin dịch vụ đắt tiền?
Đáp: Để trả lời cho câu hỏi này có hai lý do. Thứ nhất là do chi phí nghiên cứu và sản xuất vắc-xin. Lý do chính quan trọng hơn là do thủ tục hành chính. Các nước giàu sẵn sàng tài trợ cho các nước nghèo, chậm phát triển; thế nhưng khi vào Việt Nam để được cấp phép thông hành một loại thuốc có khi phải lót tay khoảng 50.000USD. Bạn có thể lấy dẫn chứng từ câu chuyện tại sao 20.000 viên thuốc tài trợ cho bệnh nhân ung thư phải bỏ vì hết hạn sử dụng do thủ tục hành chính.
* Hỏi: Bất cập của Bảo hiểm Y tế (BHYT) trong việc tiêm ngừa?
Đáp: Có thể chia Y học thành 3 hướng chính: Dự phòng - Điều trị - Phục hồi. Một nền y học hiện đại là nền y học chú trọng việc dự phòng, vì làm tốt việc dự phòng sẽ đỡ gánh nặng về y tế cũng như tài chính cho việc điều trị, phục hồi. Tôi lấy 3 ví dụ sau đây:
Ví dụ 1: Anh A có BHYT bị đạp đinh sét, đến cơ sở y tế:
- Chi phí điều trị: Rửa vết thương, băng bó: BHYT chi trả.
- Chi phí dự phòng: Chích ngừa bệnh Tetanos (uốn ván): BHYT KHÔNG chi trả.
Ví dụ 2: Chị B bị chó cắn, đến cơ sở y tế:
- Chi phí điều trị: Rửa vết thương, băng bó: BHYT chi trả.
- Chi phí dự phòng: Chích ngừa bệnh dại: BHYT KHÔNG chi trả.
Ví dụ 3: Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em, bệnh cúm, hen suyển, viêm gan A, B; đến cơ sở y tế:
- Chi phí điều trị: BHYT chi trả.
- Chi phí dự phòng: BHYT KHÔNG chi trả cho vắc-xin ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ em; cúm, viêm gan A, B.
* Hỏi: Hiện nay, tại sao trẻ chích vắc-xin Sởi đúng và đủ theo lịch tiêm chủng quốc gia vẫn bị sởi?
Đáp: Vắc-xin Sởi của chương trình y tế quốc gia chỉ ngừa bệnh Sởi. Vắc-xin dịch vụ đóng tiền (MMR) ngừa 1 lúc 3 bệnh/1 mũi tiêm: Sởi, Quai bị, Rubella (Sởi Đức). Vậy cần làm rõ bé bị Sởi hay Sởi Đức (Rubella).
* Hỏi: Tai biến do chích vắc-xin ai chịu trách nhiệm?
Đáp: Nhân viên y tế không ai muốn xảy ra tai biến cho bệnh nhân mà mình đang điều trị, nhất là sau vụ việc của bác sĩ Hoàng Công Lương. Hiện tại trong các buổi tiêm chủng tại các trạm y tế cấp xã, phường rất ít nơi có trang bị đầy đủ thuốc men, máy móc, phương tiện có bác sĩ chuyên khoa để cấp cứu các trường hợp sốc phản vệ. Nhân viên y tế cũng không thể làm chủ những yếu tố ảnh hưởng như: nguồn gốc, chất lượng vắc-xin, khâu bảo quản, vận chuyển, kỹ thuật chích vắc-xin, cơ địa - tiền sử dị ứng của người chích vắc-xin. Một điều quan trọng hơn là ở những nước tiên tiến, khi có tai biến vắc-xin xảy ra sẽ có bồi thường thiệt hại cho người bị nạn. Tuy nhiên ở Việt Nam chuyện bồi thường rất hiếm. Trong năm 2017 với 5 trường hợp đầu tiên bị tai biến nặng với vắc-xin ComBE Five, mỗi ca được chi trả trên 100 triệu đồng. Xin nhắc lại là tai biến nặng.
Có thể nói, khi có tai biến tiêm chủng xảy ra, nhân viên y tế rất dễ bị biến thành vật tế thần; trong khi lỗi là ở bộ máy và cơ chế vận hành.
Thay cho lời kết tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc Dân Làm Báo thế này: Không thể phủ nhận hiệu quả của việc tiêm vắc-xin trong việc phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên nhà nước cần đầu tư cho lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ cho người dân bằng việc sử dụng những loại vắc-xin có chất lượng thay vì lãng phí tiền để xây tượng đài nghìn tỷ, bắn pháo hoa, xây nhà hát giao hưởng. Được hưởng thụ một nền y tế văn minh, tiến bộ là quyền lợi của người dân chứ không phải ân huệ của một bộ máy hay tổ chức nào ban phát.
13.02.2019