Nguyễn Công Bằng (VDF) - Năm mới: Trường mới! Ngày 07-02-2019, Nhà văn Tưởng Năng Tiến đã đại diện bà Kim Bintliff và Hiệp hội Thiện nguyện ViDan Foundation chính thức trao tặng ngôi trường mới cho bà con đồng bào gia đình nghèo ở làng Anlung Raing, tỉnh Pursat. Kể từ nay, các cháu bé đã có được một ngôi trường đúng nghĩa, thoát khỏi cảnh phải ngồi bẹp để học chữ.
Nhà văn Tưởng Năng Tiến (bên phải) và hai Thầy giáo cùng một số học sinh trong ngày trao tặng trường Lung Raing.
Đó là món quà Tết lớn nhất, vui nhất và ý nghĩa nhất. Công trình xây dựng ngôi trường được sự bảo trợ của bà Kim Bintliff ở Houston, Texas – một vị ân nhân luôn sẵn lòng chia sẻ với những đồng bào đang sống cảnh tha hương lạc xứ, đặc biệt là những trẻ thơ kém may mắn.
Anh Ngô Văn Ly, nhà văn Tưởng Năng Tiến và Thầy Trần Đông Xuân
cùng một số học sinh mừng ngôi trường mới
Trường Lung Raing khởi đầu từ thiện chí của một người Việt rất quan tâm đến lớp trẻ: Thầy Trần Đông Xuân. Hơn mười năm trước, được sự tín nhiệm và đề nghị của mấy chục gia đình có con nhỏ, người thanh niên có được trình độ văn hóa cao nhất ở đây đã sẵn lòng trở thành vị Thầy giáo đầu tiên của làng nổi Anlung Raing. Điều đáng trân trọng nhất là Thầy Xuân đã dùng chính căn nhà bè của mình để làm nơi dạy chữ trong hơn 10 năm qua.
“Lớp học” cũ của Thầy Trần Đông Xuân ở làng Lung Raing.
Trước khi có ngôi trường nổi mới, Thầy giáo và đám học trò cùng ngồi bẹp trên sàn nhà: để dạy và để học. Không có sách giáo khoa, Thầy khòm lưng viết bài học cho từng đứa học trò. Cùng lúc, đám học trò ngồi bẹp quây quần chung quanh Thầy trả bài, tập đọc, tập viết…
Trước và sau giờ học, sàn nhà bè này cũng là “sân chơi” duy nhất cho đám học trò.
Lớp học bất thường đáng tội nghiệp này kéo dài hơn mười năm, cho đến khi ViDan Foundation biết được và vận động tài chánh xây dựng một ngôi trường nổi. Tháng 02-2019, ngôi trường mới với bàn ghế mới, bảng đen mới… trở thành ngôi trường đầu tiên của làng Lung Raing.
Ngôi trường nổi mới của làng Lung Raing
Tháp tùng nhà văn Tưởng Năng Tiến chuyến này có chị Tôn N. Như Hạnh – một cựu đồng nghiệp ở California. Được chứng kiến tận mắt sự khốn khó của số đồng bào đang sống vất vưỡng ở đây, đặc biệt là đám trẻ thơ kém may mắn, chị Như Hạnh đã hăng hái đóng góp gần một ngàn mỹ kim, phụ giúp với chương trình trợ giúp quý Thầy giáo, các thiện nguyện viên, và quà tặng cho tất cả trẻ em của làng.
Chị Như Hạnh thay mặt nhà văn Tưởng Năng Tiến và anh Butmao Sourn (Chủ tịch hội Minority Rights Organization) trao tặng cho các cháu học sinh tập vở, bút viết và quà kẹo trẻ thơ.
***
Song song với chương trình trao tặng Trường học mới, nhà văn Tưởng Năng Tiến và phái đoàn đồng thời đã chuyển tặng 150 phần quà Tết (mỗi gia đình $15 USD) cho 100 gia đình ở làng Anlung Raing và 50 gia đình ở ấp Tà-Cua. Ngân khoản $2.250 USD quà tặng này cũng là món quà đặc biệt của bà Kim Bintliff – người bảo trợ xây dựng ngôi trường Lung Raing.
Nhà văn Tưởng Năng Tiến đang thăm hỏi và phát quà Tết cho đồng bào.
Từ nhiều năm qua, hoàn cảnh chung của số đồng bào đang tạm cư ven bờ Biển Hồ hay dọc bờ sông Mekong đã mỗi ngày một khó khăn hơn. Nguồn mưu sinh chính yếu là đánh bắt cá đang cạn kiệt, và nhiều làng nổi đang bị giải tỏa dần bởi chính quyền địa phương. Do vậy, bất cứ sự trợ giúp vật chất, tài chánh nào trong thời gian này đều là niềm vui to lớn đối với những gia đình khốn khó. Món quà mười lăm mỹ kim ở ngày mồng 2 Tết Nguyên đán được đón nhận nồng nhiệt.
Một cụ già bán khô cá (đổi gạo sống qua ngày) đến nhận quà hiện kim.
***
Từ lớp học miễn phí cho trẻ Việt ở Siem Reap, ở Kampong Chhnang đến những ngôi trường mới cho trẻ ở Neak Loeung, ở Kor K’Ek (Pursat), ở làng Bến Ván, và nay là ở làng AnLung Raing, các thân hữu giàu tình thương của ViDan Foundation đã từng bước biến những ước mơ tưởng là xa xôi của đám trẻ bất hạnh trở thành hiện thực. Ước mơ được học “cái chữ”, ước mơ có một mái trường đàng hoàng… rõ ràng là những ước mơ đáng tội nghiệp ở thời đại này; vì cũng ở những lứa tuổi đó tại hầu hết nước khác, các mái trường khang trang luôn có sẵn và mở rộng cửa chào đón trẻ đến học.
Lớp học của trẻ Việt ở Cambodia không như các lớp học ở Việt Nam, và cũng không như các lớp Việt ngữ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Sự khác biệt đau lòng là các em chỉ học để được biết chữ: biết đọc, biết viết và biết làm bốn phép tính căn bản. Hầu hết các em sẽ không bao giờ có cơ hội tốt nghiệp Đại học, thậm chí Trung học… chỉ vì không có giấy khai sinh để có thể vào trường công lập bản xứ.
Đa số những đứa trẻ hiện nay là thế hệ thứ ba hoặc thứ tư. Nếu như chính sách của Vương Quốc Cambodia không có những thay đổi thuận lợi để những đứa trẻ Việt sinh ra ở Xứ Chùa Tháp có thể được công nhận mang quốc tịch Vương quốc này, hay ít nhất là được cấp giấy khai sinh chính thức để có thể vào học ở các trường công lập, thì tương lai những đứa trẻ Việt kháu khỉnh hôm nay sẽ không khác gì quá khứ và hiện tại của ông bà, cha mẹ chúng: cũng khắc khổ, nhục nhằn và rất khó để có một tương lai tươi sáng hơn.
Những đứa trẻ này tự xưng là người Việt nhưng không được Việt Nam nhận là công dân Việt, cũng không được chính quyền bản xứ xem là người Khmer gốc Việt mà chỉ là những đứa trẻ vô tổ quốc (stateless). Dù vậy, các cháu vẫn muốn học chữ Việt để giữ bản sắc, văn hóa Việt. Tinh thần đó đáng để những người Việt may mắn hơn ở khắp nơi nâng đỡ, hỗ trợ.
Xin hãy tiếp tục cùng nhau góp những bàn tay nhân ái để trong năm 2019, một ngôi trường mới nữa sẽ được thành hình ở một làng nghèo heo hút khác.
Xin cùng nhau cho các cháu một niềm hy vọng ở hiện tại: được thoát cảnh mù chữ; và một niềm hy vọng ở tương lai: được hãnh diện là người Việt Nam!
Nguyễn Công Bằng (VDF)