Tất cả các đấng mày râu cúi đầu ngoan ngoãn.
Chỉ có chị em Hai Bà dũng cảm đứng lên trả thù nước - Thơ Việt Nam thế kỷ mười lăm
Từ trên mình những thớt voi sẽ đưa họ vào trận chiến, hai chị em Bà Trưng nhìn lướt qua đám đông bên dưới. Hàng vạn quân lính người Việt với ánh mắt tự hào xen lẫn sợ hãi ngước nhìn Hai Bà. Sợ hãi vì họ biết rằng, trong 150 năm kể từ khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam, chưa từng có ai dám dấy binh chống lại họ; giặc Tàu có quân đông lại tinh nhuệ và vũ khí tốt hơn. Cũng tự hào vì họ chiến đấu cho nước nhà tự do, và họ dưới sự lãnh đạo của hai bậc anh thư vĩ đại nhất mà Phương Đông từng biết đến. Trưng Trắc, người chị, giơ cao gươm lên thề báo thù:
Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này. (1)
Mang theo trong lòng lời thế này, tám vạn quân người Việt lao vào trận chiến.
Hai nữ kiệt không ai ngờ này, Trưng Trắc và Trưng Nhị, sinh ra tại một huyện nhỏ ở miền bắc Việt Nam vào khoảng năm thứ 14 sau Công Nguyên. Cha Hai Bà là Lạc tướng người Việt, còn mẹ Hai Bà rắt căm ghét giặc Tàu và không sợ nói thẳng ra như thế. Hai Bà lớn lên chứng kiến cảnh dân mình bị giặc Tàu đô hộ bất công và tàn bạo. Tuy cha Hai Bà qua đời lúc họ còn rất bé, nhưng Hai Bà không bao giờ quên giấc mơ của cha về một nước Việt Nam tự do.
Mẹ Hai Bà, Bà Man Thiện, là một phụ nữ can đảm phi thường. Trong xã hội Việt Nam truyền thống, phụ nữ có nhiều quyền hơn phụ nữ ở Châu Á hay Châu Âu. Họ có thể thừa hưởng tài sản và trở thành người lãnh đạo chính trị, quan tòa, thương gia, và chiến sĩ. Nhưng các thái thú người Tàu đưa phụ nữ ở Việt Nam trở lại thời kỳ lạc hậu khi tước đoạt ở họ những quyền tự do truyền thống. (Bạn có biết về tục bó chân của người Tàu?) Bà Man Thiện đã thách thức người Tàu khi bà quyết định không tái giá, mà ngược lại dốc lòng dành toàn bộ công sức dạy dỗ hai con gái về binh pháp: binh lược, võ thuật và cung kiếm. Bà biết mai này cuộc binh đao sẽ diễn ra.
Trưng Trắc rất có thể chỉ là thiếu nữ khi Bà yêu và kết hôn với Thi Sách, con trai trẻ của một Lạc tướng huyện. Cùng với Trưng Nhị, họ chống đối ách cai trị của giặc Tàu và bí mật mưu đồ phục quốc. Trưng Trắc được cho là người có "can đảm và dũng lược", và sử sách Trung Quốc viết rằng Thi Sách là người nghe lời vợ, chứ không phải ngược lại. Người ta đều cho hai chị em niên thiếu đã kêu gọi các Lạc tướng gia nhập để chống giặc Tàu. Khi viên thái thú Tàu biết được kế hoạch của Hai Bà, hắn hành hình dã man chồng Bà Trưng Trắc rồi bêu xác ông ở cổng thành nhằm răn đe những ai phản loạn.
Tuy nhiên ý đồ của hắn chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Thay vì khiếp sợ, Hai Bà Trưng lại càng căm phẫn trước vụ hành hình và trước bao cảnh cai trị càng ngày càng bạo ngược của giặc Tàu cho nên Hai Bà quyết định đã đến lúc khởi binh chống lại. Hai Bà kêu gọi dân chúng hãy can đảm cùng nhau đứng lên với họ. Tám vạn nam nữ tình nguyện gia nhập đoàn quân cách mạng; hầu hết họ ở độ tuổi hai mươi! Trưng Trắc thậm chí từ chối mặc tang phục để tang chồng để không làm mất nhuệ khí của ba quân.
Từ trong những nghĩa quân tự nguyện này, Hai Bà Trưng chọn ra ba mươi sáu phụ nữ trong đó có người mẹ già của Hai Bà làm nữ tướng và giúp họ cầm quân. Vào năm 40 sau Công Nguyên, sau 150 năm đô hộ của giặc Tàu, Hai Bà Trưng lãnh đạo dân chúng trong cuộc khởi nghĩa dân tộc chống lại bọn giặc xâm lăng. Hai Bà mỗi người mỗi vẻ vẹn toàn-Trưng Trắc là người giỏi về binh lược còn Trưng Nhị xông pha dũng cảm trên trận mạc - và cùng với những quân sĩ chưa qua rèn luyện, kỳ diệu thay Hai Bà hạ được sáu mươi lăm thành trì mà giặc Tàu đã chiếm đóng và đuổi chúng ra khỏi Việt Nam. Câu chuyện về Trưng Trắc và em mau chóng lan ra khắp nơi, thậm chí vua Tàu khi nghe đến cũng phát run. Sử sách viết, "Một phụ nữ dũng cảm lãnh đạo một nước còn non yếu. Đến hoàng đế nhà Hán nghe đến còn khiếp sợ thay."
Sau chiến thắng oanh liệt này, Hai Bà Trưng lập ra quốc gia mới trải dài từ phương nam của nước Việt đến tận miền nam Trung Hoa. Dân chúng tôn Hai Bà lên làm đồng nữ vương và Hai Bà liền đảo ngược lại những chính sách bất công của người Tàu. Hai Bà thiết lập một chính quyền đơn giản hơn theo những giá trị Việt Nam truyền thống, và Hai Bà cũng xóa bỏ những sưu cao thuế nặng bọn giặc xâm lược đã áp đặt mà dân chúng thảy đều căm ghét. Trong ba năm kế tiếp, Hai Bà Trưng trị vì đất nước mới giành được độc lập trong lúc vẫn không ngừng chống lại lực lượng quân Tàu tức tối.
Không may, nước Việt tự do không tồn tại lâu. Quân đội Trung Quốc có đông quân, nhiều vũ khí, và từng trải chinh chiến. Vào năm 43 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng đánh trận cuối cùng. Mấy ngàn người lính Việt bị người Tàu bắt và chặt đầu ở gần Hà Nội ngày nay, và hơn vạn người bị bắt cầm tù. Thay vì đầu hàng và chấp nhận bại trận, Hai Bà chọn một lối thoát mà người Việt cho là danh dự hơn rất nhiều: tuẫn tiết. Nhiều câu chuyện lưu truyền rằng Hai Bà gieo mình xuống dòng sông, còn những câu chuyện khác cho Hai Bà thực sự bay về trời.
Suốt trong 950 năm về sau, huyền thoại Hai Bà Trưng đã khích lệ vô vàn những thế hệ người Việt trong cuộc đấu tranh bất tận của họ chống lại giặc Tàu; trong những năm đen tối ấy rất nhiều các cuộc khởi nghĩa do phụ nữ lãnh đạo! Câu chuyện về Hai Bà được truyền miệng từ đời này sang đời khác cho đến lúc Hai Bà thực sự được tôn thờ là nữ thần.
Ở Việt Nam ngày nay, vẫn còn nhiều thứ thường nhắc nhở về Hai Bà. Truyện, thơ, nhạc, kịch, bích chương, tượng đài, và cả tem bưu chính về Hai Bà vẫn tiếp tục khích lệ người Việt. Đường phố đặt tên Hai Bà ở thủ đô, ở thành phố Hồ Chí Minh, và rất nhiều đền thờ thiêng liêng được dựng lên để thờ Hai Bà, trong đó có đền thờ Hai Bà Trưng nổi tiếng ở Hà Nội. Chính phủ Việt Nam tuyên bố Hai Bà là những vị anh hùng dân tộc, và hằng năm vào ngày lễ Hai Bà Trưng vào tháng Ba, nhân dân Việt Nam đều làm lễ tưởng niệm công lao và khí phách của Hai Bà Trưng.
Trong suốt 150 năm, chưa từng có ai ở Việt Nam có đủ can đảm để đương đầu với giặc Tàu. Mãi cho đến khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống Tàu thì nhân dân Việt Nam mới bắt đầu chiến đấu cho tự do của mình. Trong hàng bao thế kỷ huyền thoại anh hùng của hai thiếu nữ can trường này đã khích lệ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại sự đô hộ của ngoại bang. Người lính ra trận mang theo hình ảnh Hai Bà để họ được truyền thêm sức mạnh. Và cũng nhờ Hai Bà Trưng, Việt Nam hiện nay có lịch sử trường tồn về những anh thư nổi tiếng. Nhiều người tin rằng nếu như Hai Bà không kêu gọi nhân dân khởi nghĩa chống Tàu thì sẽ không có nước Việt ngày hôm nay.
Chú thích:
(1) Theo tác phẩm " Thiên Nam Ngữ Lục".
Nguồn:
Dịch từ tác phẩm tiếng Anh "Girls who Rocked the World" của hai tác giả Michelle Roehm McCain và Amelie Welden, nhà xuất bản Aladin/ Beyond Words, New York, 2012, trang 7-11.