Võ Ngọc Ánh (Danlambao) - Người Việt chỉ sợ nói, hành động về chính trị để có một xã hội tốt đẹp hơn. Ngoài ra cái gì họ cũng dám làm bất kể chuyện xấu nào.
Học sinh đánh nhau, hạ nhục lẫn nhau; giáo viên dâm ô học trò, đừng chỉ đổ thừa cho giáo dục. Thanh niên cưỡng hôn cô gái trong thang máy, cựu quan chức sàm sỡ trẻ em, đừng đổ lỗi cho cá nhân. Trẻ mới lớn đâm chết người nhắc nhở mình vi phạm giao thông, đừng biện minh do tính cách…Tại sao người Việt Nam ngày một văn minh, tiền của nhiều, học hành không ít, luật pháp ngày càng chi tiết... mà chuyện đồi bại, việc xấu ở Việt Nam cứ ngày một nhiều hơn?
Luật pháp như đồ trang trí
Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã xử phạt ông Đỗ Mạnh Hùng 200 nghìn đồng về việc ông này cưỡng hôn một nữ sinh trong thang máy.
Việc xử phạt quá nhẹ của tư pháp Việt Nam đã gây nên sự phẫn nộ trong xã hội. Đại đa số dân chúng có chung nhận xét, mức phạt như vậy không thỏa đáng, không đủ sự răn đe.
Mức phạt này chẳng khác nào nói toáng lên, mấy anh, mấy ông cứ vô tư cưỡng hôn, bóp vú, sờ chim... phụ nữ, chỉ cần chuẩn bị vài ba trăm nghìn đồng nộp phạt.
Và quả thật mức phạt không đủ làm cho người ta sợ.
Chưa đầy hai tuần sau vụ Đỗ Mạnh Hùng, ông Nguyễn Hữu Linh, cựu lãnh đạo ngành kiểm soát thành phố Đà Nẵng đã sàm sỡ, cưỡng hôn một bé gái khoảng bảy tuổi trong thang máy tại Sài Gòn.
Tư pháp Việt Nam sẽ xử phạt ông Linh thế nào đây?
Sự việc đang diễn tiến rất chậm chạp.
Ở một diễn biến liên quan, công an thành phố Đà Nẵng nhanh chóng xác định người xịt sơn lên nhà ông Linh vì phẫn nộ với hành vi của ông.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kịp thời lên án, “Hành vi xịt sơn, bôi bẩn cổng nhà ông Linh là không văn minh".
Hắn ủng hộ việc nhanh chóng truy tìm thủ phạm xịt sơn lên cổng nhà ông Linh và phát biểu của chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Nhưng hắn tự hỏi,
Tại sao những gia đình Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Đại, Nguyễn Tín, Đoan Trang, Đỗ Minh Hạnh... bị đánh, bị ném mắm tôm, nhớt thải, chất thải... nhiều lần, sao chẳng thấy cơ quan nào đến điều tra?
Gia đình nạn nhân báo chính quyền, côn an cũng chẳng thèm đến, nên khó tìm kẻ ra tay. Tuy nhiên, dân thừa biết ai là thủ phạm.
Sao chỉ nhìn thấy ông Bộ trưởng?
Nền giáo dục Việt Nam hiện nay thật đúng có rất nhiều chuyện ngao ngán. Kêu gọi ông Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ từ chức, la ó ông. Gọi dân dã chửi ông cũng không oan chút nào.
Nhưng bộ Giáo dục – Đào tạo đâu phải đến thời ông Nhạ mới hỏng. Nó hỏng bởi tổ chức và người thực sự có quyền quyết định cho việc đào tạo người Việt và triết lý giáo dục.
Bốn tháng trước, trả lời trước quốc hội về triết lý giáo dục của Việt Nam, phó thủ tướng Nguyễn Đức Đam cho biết: “Nước ta phát triển có triết lý, nền giáo dục cũng có triết lý. Chúng ta đang học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình”.
Này ông phó thủ tướng, cái ông nói là mục đích của giáo dục, của người đi học. Nó không phải triết lý ông Đam nhé!
Triết lý nó phải bao gồm được cả nội dung, hình thức, phương pháp, mục tiêu... và kết quả của một nền giáo dục.
Chẳng hạn, triết lý giáo dục của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là “Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng”.
Kinh nghiệm thực tế hơn 16 năm đi học ở Việt Nam tôi hiểu. Nền giáo dục Việt Nam chỉ cố gắng đào tạo con người xã hội chủ nghĩa và có lý tưởng cộng sản chứ chẳng có thứ triết lý nào.
Nền giáo dục này trong định hướng chính trị cao cả đã và đang rất thành công trong việc đào tạo người Việt trong hơn 60 năm qua. Đào tạo người Việt thành những con biết nghe lời và biết sợ.
Chắc chắn cái định hướng kia không phải từ bộ Giáo dục và Đào tạo, mà bởi ước muốn của ‘ông kẹ’ ngồi trên ‘ngai vàng’ đề ra cho nền giáo dục Việt Nam. Mọi tai ương bắt đầu bởi ‘ông kẹ’.
Do đó, ông Nhạ có từ chức, ông khác lên thay vẫn không giải quyết được sự bế tắc, chậm chạp của nền giáo dục nước nhà.
Hãy chửi đúng chỗ. Mà muốn chửi đúng phải chửi đảng cộng sản Việt Nam đã tạo ra nền giáo dục như hôm nay.
Ngành giáo dục – đào tạo Việt Nam muốn làm khác để tốt hơn, nhưng đảng không muốn vậy liệu có được không?
Tuy nhiên, cũng đáng buồn, những người làm giáo dục ở đất nước tự cho mình có ngàn năm văn hiến chưa bao giờ đứng lên xây dựng, hay kêu gọi cần có một triết lý giáo dục đúng nghĩa cho người Việt.
Đừng đổ thừa cho tính cách
Bạn tôi, một cô giáo dạy văn lý giải cho việc Lê Văn Hoài (Quảng Trị) đâm chết người vì bị nhắc nhở khi tham gia giao thông, “Do tính cách”.
Có thể bạn đúng, nhưng xem ra có gì đó không ổn. Tại sao người Việt rất dễ vung dao, đưa nắm đấm ra giải quyết mọi việc. Đặc biệt trong các sự cố giao thông cứ ai to mồm, bạo lực hơn người đó sẽ đúng chứ không phải ở lẽ phải.
Bởi đơn giản bao năm qua, pháp luật ở cái thể chế này đã thể hiện không mang đến cho họ sự công bằng.
Cũng người Việt mình ở trong nước ngang nhiên vi phạm luật giao thông, nhưng sang Singapore, Úc, Mỹ... lại không dám vi phạm. Bởi họ biết bên ngoài Việt Nam luật pháp đâu thể chỉ cần vài trăm ngàn cho mấy anh công an sẽ xong chuyện như ở quê nhà.
Tất cả những bất cập, chậm tiến, xuống cấp ở Việt Nam chỉ có vận động thay đổi chính trị mới giải quyết được.
Người Việt hôm nay cần hành động chính trị chứ không phải đấm đá, nhậu nhẹt, rình mò, ngang nhiên vi phạm luật giao thông... Đừng thấy cái lợi dễ dãi trước mắt để rước mối nguy về lâu dài.
11/4/2019