Võ Ngọc Ánh (Danlambao) - Để tiến lên XHCN nhanh chóng, cái tay đưa lên bóp cổ mình, đến mức không thể thở được nữa, mọi bộ phận rã rời, sắp chết đến nơi. Trong lúc chới với ấy cái tay phát hiện ra một ‘sáng kiến’ khi nó ngừng bóp cổ thì cơ thể khỏe hẳn lên. Từ đó cái tay ngưng không bóp cổ nữa và ra lệnh cho mắt, mũi, miệng, tai, chân… phải ghi ơn sáng kiến vĩ đại của nó, cũng như phải tung hô mấy ngón tay đã có công đầu. Nguyễn Văn Linh là một Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc kiểu mới hay ông là người mở đường cho công cuộc đổi mới?
Để níu giữ sự cai trị của đảng Cộng sản, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã cầu cạnh Trung Quốc trong quan hệ bang giao lệ thuộc, phục tùng. Việc quay về với Trung Quốc qua hội nghị tại Thành Đô, Trung Quốc vào tháng 9/1990 do Nguyễn Văn Linh cầm đầu xem ra không khác hành động của Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống trong lịch sử. Ba con người kia giống nhau ở mục đích cố giữ được ngai vàng cho triều đại hoặc bản thân.
Tôi tin rằng ngay sau hội nghị Thành Đô, ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó nhận thấy tương lai nước nhà và đã chua xót thót lên, “Bắt đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm” là có thật.
Ông Thạch, người có quan điểm ngoại giao phải bình đẳng giữa các quốc gia chứ không phải kiểu chư hầu, lệ thuộc của Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh.
Trước đó, dù đang nắm giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và là Ủy viên Bộ Chính trị ông Thạch vẫn không thể có mặt trong hội nghị về ngoại giao định đoạt tương lai Việt Nam với Trung Quốc.
Bởi lý do, theo ông Trần Quang Cơ, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam thời bấy giờ, Trung quốc không muốn một con người rõ ràng về ngoại giao, nghĩ về tương lai dân tộc như ông Thạch tham dự.
Đảng thuần phục để giữ ‘ngai vàng’
Theo ông Lê Đăng Doanh kể trong phần hai cuốn Bên Thắng Cuộc do Huy Đức viết: tháng 10 năm 1989, Nguyễn Văn Linh cùng đoàn tùy tùng Việt Nam sang Đức dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức. Tại Đức ông Linh đã tất bật để cứu phong trào cộng sản XHCN thế giới khỏi nguy cơ sụp đổ.
Tuy nhiên, nhân dân các nước Đông Âu và Liên Xô đã đồng loạt đứng lên gạt bỏ thể chế XHCN. Việt Nam mất hẳn chỗ dựa về chính trị, ngoại giao và cả viện trợ kinh tế. Và để tránh cho XHCN sụp đổ tại Việt Nam, Nguyễn Văn Linh đã quay lại sự thuần phục Trung Quốc để giữ đảng.
Nên nhớ, vào tháng 2/1979, Trung Quốc đã xua quân xâm chiếm trên toàn bộ biên giới phía bắc của Việt Nam khiến nhiều thành phố, thị xã, thị trấn, làng bị xóa sổ. Nhiều chục mạng người đã bị ngã xuống bởi họng súng, lưỡi lê của quân Trung Quốc.
Tuy diễn ra ngắn ngủi, nhưng mức độ tàn sát, phá hủy lớn hơn bất kỳ cuộc chiến nào trước đó. 10 năm tiếp theo quân Trung Quốc rình rập xâm chiếm Việt Nam từng thước đất… Vùng biên giới chưa bao giờ im tiếng súng, máu người Việt không ngưng đổ ra bởi Trung Quốc.
Ngày 14/3/1988, quân Trung Quốc tiếp tục tàn sát 64 người lính Việt Nam tại đảo Mạc Ga. Mở đường cho sự có mặt của quân đội cộng sản Trung Quốc tại vùng biển Trường Sa.
Tất cả những sự kiện đau thương của dân tộc trong hơn 10 năm do Trung Quốc gây nên đã bị Nguyễn Văn Linh và bộ sậu của ông lờ đi trong thái độ nhu nhược chỉ để có được tình “đồng chí” thuần phục giữ đảng.
Một con người mê muội cộng sản như Nguyễn Văn Linh nếu quả thật ông nói,“Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất Đảng”, cũng không phải quá lạ.
Phạm Văn Đồng, người suốt đời tận tụy với cộng sản Việt Nam nhận định về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sau hội nghị Thành Đô đã phải chua xót, “Đã hớ, đã dại rồi mà nói đặt sự nghiệp cách mạng lên trên hết… Với Trung Quốc, vừa qua không phải là chúng ta bình thường hóa, mà là chúng ta đã bị phụ thuộc hóa quan hệ”.
Hành động của con người mê muội cộng sản và XHCN như Nguyễn Văn Linh xem ra không khác việc Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh để giữ được ngai vàng. Khác nhau chỉ ở chổ, Linh đã, đang thắng, ‘triều đại’ vẫn đang nắm quyền nên chưa bị lịch sử luận tội.
Cộng sản ươn hèn
Từ khi Việt Nam thiết lập được nhà nước độc lập đến nay chưa bao giờ tổ quốc mất nhiều đất đai, vùng biển, hải đảo vào tay phương bắc như thời cộng sản cầm quyền. Những địa danh lịch sử, ngàn đời thuộc về Việt Nam như ải Nam Quan, thác Bản Dốc, nhiều đảo ở Trường Sa đã thuộc về Trung Quốc toàn bộ hoặc một phần.
Tín, một kỹ sư quan tâm đến lịch sử, tương lai của Việt Nam khẳng định với tôi. Việt Nam thuộc về Trung Quốc như Tây Tạng, Tân Cương là khó tránh khỏi. Năm 2020, chỉ là thời gian tương đối.
Tôi không quá bi quan như Tín, nhưng hành động và sự nhu nhược của nhà nước Việt Nam từ sau hội nghị Thành Đô đặt ra nhiều dấu hỏi.
Lịch sử dạy học trò chỉ còn vài câu nói về cuộc chiến biên giới khốc liệt năm 1979. Thậm chí còn không dám gọi thẳng, đúng tên “Trung Quốc”, nước đã xâm chiếm, giết hại dân Việt Nam.
Trước những cuộc đại hội có bầu bán, chọn nhân sự cấp cao của đảng và chính phủ luôn có quan chức cấp cao của Việt Nam thăm viếng Trung Quốc như kiểu xin ý kiến, sắc phong của ‘thiên triều’. Và cũng chỉ những ứng viên không có tư tưởng chống Trung Quốc mới được chọn vào những vị trí thuộc tứ trụ, cấp cao.
Năm nào chẳng có ngư dân Việt bỏ mạng, thương tật, thiệt hại tài sản bởi bàn tay Trung Quốc. Nhà nước Việt Nam luôn im lặng một cách nhẫn nhục hoặc phản ứng yếu ớt lấy lệ. Điều này hoàn toàn ngược với “16 chữ vàng, tinh thần bốn tốt” mà hai nước gán ghép, rêu rao.
Đến các dự án trọng điểm quốc gia được giao cho nhà thầu từ Trung Quốc một cách không bình thường. Số tiền bỏ ra thực tế khi hoàn thành thường cao hơn khi đấu thầu, chất lượng sản phẩm thấp… Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang tự biến đất nước mình thành bãi thải cho công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.
Cách buộc người khác công nhận Nguyễn Văn Linh, “người khởi xướng công cuộc đổi mới”, hay “đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đối mới, phát triển kinh tế thành công”cần hiểu đơn giản qua mẩu chuyện dưới đây:
Để tiến lên XHCN nhanh chóng, cái tay đưa lên bóp cổ mình, đến mức không thể thở được nữa, mọi bộ phận rã rời, sắp chết đến nơi. Trong lúc chới với ấy cái tay phát hiện ra một ‘sáng kiến’ khi nó ngừng bóp cổ thì cơ thể khỏe hẳn lên. Từ đó cái tay ngưng không bóp cổ nữa và ra lệnh cho mắt, mũi, miệng, tai, chân… phải ghi ơn sáng kiến vĩ đại của nó, cũng như phải tung hô mấy ngón tay đã có công đầu.
Nguyễn Văn Linh là một Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc kiểu mới, hay ông là người mở đường cho công cuộc đổi mới?
(Bài viết nhân dịp nhà nước Việt Nam kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Văn Linh 27/4.)