Nói về hai chữ “An Yên” trong ngôn ngữ thời cộng sản - Dân Làm Báo

Nói về hai chữ “An Yên” trong ngôn ngữ thời cộng sản

David Thiên Ngọc (Danlambao) - Gần đây tôi có đọc được một stt ngăn ngắn của một người là “Hội viên Hội nhà văn Tp HCM”, trên trang thơ của cô ấy có dùng hai từ “yên an”. Tôi “mỉm cười” và đành “á khẩu” vì đó là câu chữ của “một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và sắc sảo” (có người nói thế) nên vị trí của tôi chẳng là gì!... Lúc này mới có một độc giả cmt thắc mắc và nói rằng họ không hiểu hai từ “an yên” nghĩa là gì? Và rằng trong tự điển tiếng Việt họ chưa thấy 2 từ đó. Nhà thơ tác giả stt đó giải thích “an yên” trong ý nghĩa “bình yên và an nhiên”. Đồng thời cô nói thêm “là người viết không nhất thiết phải theo tự điển tiếng Việt, mà phải biết sáng tạo từ ngữ, làm mới ngôn từ và tư duy. (!!!???)

Tôi đứng trên góc độ của một nhà nghiên cứu và phê bình văn học, đồng thời nhiều năm đi sâu trong lĩnh vực “Ngôn Ngữ Học” từ những năm 70s của thế kỷ trước ở đại học Văn Khoa Sài Gòn bậc Tiến Sĩ văn chương. Tôi chỉ biết ngửa mặt cười và “khá khen cho hậu bối” đã biết “sáng tạo từ ngữ, làm mới ngôn từ và tư duy”. Một việc làm mà ít ai làm được và đứng vững tồn tại. Một điều cần nói là từ trước đến giờ tiếng Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam qua bao thời kỳ lịch sử, nước ta chưa có “Viện Hàn Lâm Ngôn Ngữ”. Do đó từ điển Tiếng Việt cũng qua bao thăng trầm... thế nhưng cũng chỉ giải nghĩa, chú thích, dẫn dụ câu từ cho sáng nghĩa của từ đang giải thích mà thôi chứ chưa hề có “phát minh, sáng tạo tùy tiện” một từ mới nào đó ra rồi đưa vào và giải thích theo cảm tính chủ quan cả! Nhất là những từ “ghép” như hai từ “an yên” nói trên.

Xét rõ về hai từ An và Yên thì từ nguyên của nó là từ Hán Việt trong đó hai chữ An = 安 và Yên (cũng là) = 安 hai chữ cùng nằm trong một ngữ cảnh của nhà thơ đang dùng. Hai từ chữ Hán trên là một chữ và một nghĩa mà khi đã dùng từ này thì không dùng từ kia khi đứng bên nhau để chỉ cho một trạng thái.

Tổng quát thì chữ an (Hán tự) có 9 chữ như sau 媕 an • 安 an • 桉 an • 殷 an • 氨 an • 銨 an • 铵 an • 鞌 an • 鞍 an nhưng chỉ có một chữ an =安 tôi dẫn ở trên là chữ nhà thơ dùng và chữ yên (Hán tự) có 24 chữ yên như sau : 咽 yên • 嚥 yên • 垔 yên • 嫣 yên • 安 yên • 殷 yên • 洇 yên • 湮 yên • 烟 yên • 焉 yên• 煙 yên • 燕 yên • 禋 yên • 胭yên • 臙 yên • 菸 yên • 蔫 yên • 讌 yên • 鄢 yên • 閼 yên • 阏 yên • 鞌 yên • 鞍 yên • 𦒜 yên. Trong đó cũng chỉ có một chữ Yên = 安 trong câu chữ nhà thơ dùng thôi. Còn tất cả 8 chữ an và 23 chữ yên còn lại hoàn toàn không có nghĩa trong ngôn từ nhà thơ diễn giải. Với dẫn chứng trên thì ta đã thấy rõ hai từ “an yên” mà nhà thơ đã sáng tạo trên rồi. Nếu người có chút hiểu biết về ngôn ngữ học thì có thể đọc là “an an” hoặc “yên yên” cũng đều được cả mà không sai tí nào nhà thơ ạ! Dùng hai từ ghép an yên nó khập khiễng vô cùng chưa nói sai và “phản ngôn ngữ học nữa”. Xin lỗi nếu trong các bài thi hay tiểu luận, luận án mà dùng từ này thì tôi dứt khoát cho thí sinh, sinh viên hay NCS đó về học lại ngay.

Tôi xin mạn phép nói thêm về căn bản chữ Hán để bổ sung thêm cho sáng nghĩa chữ An, Yên nói trên.

Chữ Hán trong các loại chữ thường gặp có hai loại.

Chữ tượng ý: Ví dụ 

Chữ An=Yên=安 gồm hai phần.

Phần trên là bộ Miên = 宀 có nghĩa là “lợp, trùm, nóc nhà” chỉ cái mái nhà lợp trùm lên trên cái nhà.

Phần dưới là chữ Nữ=女 (bộ Nữ) là người con gái.

Ở đây chữ AN thuộc về chữ tượng ý. Ý chữ AN gồm bộ miên che chở bên trên chữ NỮ. Có ý nghĩa người con gái được che chở thì AN.

Chữ Thu 秋= Mùa Thu. Nhưng bên dưới chữ Thu có chữ Tâm=心=Lòng. Thành ra chữ sầu=愁=Buồn rầu. Trong ý nghĩa nỗi lòng mùa thu là buồn bã.

Thứ 2 là chữ tượng hình: Ví dụ

Chữ Mộc=木= cây (có hình tượng một cây (thực vật)

Chữ Bản=本=Gốc. Cây ở phần mặt đất là nét ngang dưới cùng thành ra chữ Bản là gốc.

Tôi nhớ từ thời tôi còn là SV ở Đại Học Văn Khoa SG có một câu chuyện mà GS LM Thanh Lãng (Đinh Xuân Nguyên) kể ví von cũng nhằm dạy chúng tôi rằng: “ có một nhà văn người Pháp thuộc hàng có tầm cỡ cũng sáng tạo ra một từ mới mà đa số độc giả, nhà văn, nhà nghiên cứu... cho là từ phản cảm, tối nghĩa và ông ta đưa vào tác phẩm văn chương của mình. Nhưng khi từ mới đó đến tay vị viện sĩ viện trưởng viện hàn lâm ngôn ngữ Pháp thì vị viện trưởng tuyên bố thẳng thừng rằng: NÓ VÀO THÌ TÔI RA”. Nó là cái từ mới và ra là ra khỏi (từ chức) Viện Hàn Lâm Ngôn Ngữ Pháp ngay. Từ đó chúng tôi thường đùa với ý nhắc nhở nhau “nó vào thì tôi ra” trong suốt 4 năm Đại Học và 2 năm Cao Học,

Như vậy cái “sáng tạo từ ngữ, làm mới ngôn từ và tư duy” của nhà thơ kia thì tôi chẳng biết phải nói sao chỉ còn “cúi lạy xin bái phục” xin tôn làm sư phụ mà trong hơn 50 năm qua chưa có người thầy nào của tôi sánh được chứ đừng nói chi hàng học trò như tôi.

Nếu cụm từ ghép “An Yên” được sử dụng trong văn chương của nhà thơ hội viên hội nhà văn Tp HCM và được hội nhà văn cho xuất bản phát hành thì loại văn chương ấy là loại văn chương gì? Câu trả lời dành cho ngài chủ tịch hội nhà văn Tp HCM. Và tôi cũng dí dỏm rằng nếu có viện hàn lâm ngôn ngữ VN và cho cụm từ “An Yên” này vào thì “nó vào tức khắc tôi ra”, tôi nguyện gác bút không bao giờ dám nghiên cứu ngôn ngữ học VN nữa.

Trung tuần tháng 12/2018 trường ĐHSP Đà Nẵng cũng có một buổi hội thảo bàn luận về ngôn ngữ học. VN có viện ngôn ngữ học chứ chưa có “Viện Hàn Lâm Ngôn Ngữ Học”. Qua cuộc hội thảo này tôi cũng chỉ thấy các vị “ngôn ngữ học” ấy bàn thảo qua loa gọi là... chẳng có trọng tâm, mục đích nghiên cứu cụ thể gì trong lĩnh vực ngôn ngữ học, hầu như họ chưa hoặc không biết nghiên cứu về các góc độ đa chiều phong phú về ngôn ngữ học trong đó có khía cạnh ngôn ngữ học lý thuyết và ngôn ngữ học ứng dụng. Do vậy sau khi tan cuộc hội thảo trên thì tất cả những ý tưởng, nhận xét quá non cạn trên cũng bay theo gió theo mây mà không lưu lại một chút gì nơi góc não bé nhỏ của các vị gọi là “thức giả csVN”. Có lẽ nền văn hóa VN trong đó có khoa Ngôn Ngữ Học đã băng hoại, xuống cấp trầm trọng tỉ lệ thuận theo nền đạo đức, chính trị VN thời cộng sản, hướng sự tiến hóa xã hội theo chiều ngược lại mà tôi phải dùng từ “hỗn man và ô hợp”. Tất cả mọi giá trị đã băng hoại trong thế rơi tư do và chạm đáy. Cái bức tranh với gam màu u tối đen đúa của ngành giáo dục và y tế VN hiện thời là minh chứng, cho dù là kẻ thất phu với cặp mắt thường cũng trông rõ từng nét mà không hề sai lệch.

Mọi giá trị với đà phát triển mạnh theo kiểu “chính phủ kiến tạo”, 63 tỉnh thành đều là những đầu tàu, mọi bộ ngành đều là một mũi xung kích trong trận chiến phá nát giang sơn, mỗi hội đoàn là một cánh tay đắc lực của ban tuyên giáo thi nhau “sáng tạo từ ngữ, làm mới ngôn từ và tư duy” một cách vô tội vạ mà từ đứa trẻ chăn trâu lên đến hàng gọi là thức giả cũng chỉ biết nhìn mây trời chứ nào hiểu được... tất cả những sự việc trên đã tạo nên một nền văn hóa XHCN hỗn man, ô hợp tôi chưa muốn nói là rừng rú thì đúng “nó vào thì tôi ra...” mà “xăng có thể cạn, lốp có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Ngày 16 tháng 4 năm 2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo