"Đề nghị chúng ta hãy làm dân thường một vài giờ thì sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người dân dễ bị xâm hại, dễ bị xúc phạm như thế nào." - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Sinh lão bệnh tử là lẽ tự nhiên của kiếp người. Tuy thế, khi còn trẻ, tôi vẫn cứ tưởng rằng đó là chuyện của người nào khác (thôi) chớ không mắc mớ gì ráo tới mình. Tưởng vậy, tất nhiên, là Tưởng Tầm Bậy. Mấy năm nay, những năm cuối đời, tôi phát bệnh tùm lum (suyễn, thống phong, cao huyết áp...) nên mới chợt nhận ra là cái chết - ngó bộ - cũng không còn xa xôi mấy.
Từ đó, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện hậu sự với không ít âu lo. Dù gần cả đời sống ở Hoa Kỳ nhưng tôi nói tiếng Anh không được rành rẽ lắm. Cứ hình dung ra cảnh một đêm trăng ngà, trong cái nghĩa trang toàn là ma (Mỹ) đang chuyện trò rôm rả mà mình lại ngồi thu lu (ở một góc xa) thì buồn bã và cô đơn hết biết luôn.
Vậy là tôi lật đật hỏi thăm giá cả mộ phần ở quê nhà. Thằng con ông anh hồi đáp tức thì, qua email: “Hai mét vuông đất ở nghĩa trang Thánh Mẫu, phường 8, Đà Lạt hiện đang có giá là 300 triệu đồng. Chú nhắm có khả năng chôn thì hãy chết, bằng không thì thôi nhá.”
Thôi sao được, Trời. Sinh lão bệnh tử mà! Suy nghĩ cả buổi tôi mới tìm ra một giải pháp vẹn toàn. Đốt. Xong dặn con cái bỏ tro vô cái lon sữa bò mang gửi về VN đặt ké trong phần mộ của song thân.
Khoẻ!
Khỏi tốn kém cắc nào mà còn được hưởng lợi nữa nha. Lợi cái là khi tụi nhỏ đốt vàng mã cho ông bà thì làm gì mà hai người không chia cho tui chút ít. Con mà ai lại không thương chớ, kể cả cái thứ con cái hư đốn và tệ bạc như tui, đúng không?
Thiệt là một phát kiến thần tình. Ai cũng “chơi” kiểu đó thì xứ sở đỡ hao tốn đất đai, lại còn bớt được nạn ô nhiễm môi sinh vì số vàng mã mang đốt hàng năm sẽ giảm đi không ít. Cứ như thế, không chóng thì chầy, cái phố Hàng Mã ở Hà Nội sẽ đi đong là cái chắc.
Vấn nạn nghìn tỷ vàng mã mang đốt hằng năm, như thế, kể như xong. Vấn đề còn lại, nan giải hơn, là phải giải quyết dứt điểm mớ đồ mã của Đảng Cộng Sản Việt Nam kìa – một đảng chuyên làm hàng giả và làm rất khéo.
Xin nói qua về vài ba mặt hàng tiêu biểu, đã được bầy bán khắp nơi:
Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (M.T.G.P.M.N) chả hạn. Nó được nặn ra vào ngày 20 tháng 12 năm 1960, và nặn khéo đến độ khiến có người tưởng là đồ thật. Ðến khi được mang ra đốt, nó cháy như điên. Sự nghiệp cách mạng của nhiều người miền Nam cũng cháy theo (luôn) như đuốc! Đám tro tàn còn lại đã được Đảng bỏ vô Mặt Trận Tổ Quốc (M.T.T.Q) để khỏi vương vãi tùm lum.
Cái Mặt Trận này mới thực sự là một sản phẩm đặc sắc của dân làng Ba Ðình, có mặt từ tháng 9 năm 1955, tập hợp nhiều món đồ mã linh tinh khác (Hội Cựu Chiến Binh, Ủy Ban Tôn Giáo, Hội Nông Dân Việt Nam, Hội Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Công Ðoàn...) khác. So với mặt hàng chiến lược này thì những thứ đồ mã vớ vẩn như M.T.G.P.M.N, Mặt Trận Giải Phóng Tây Nguyên, Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ & Hoà Bình... đều là chuyện nhỏ, nếu chưa muốn nói là đồ bỏ, chỉ có tính cách giai đoạn mà thôi.
Điều 9 của mước C.H.X.H.X.N.V.N (2013) quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Tất nhiên là nói chơi vậy chớ không phải vậy đâu. Ai mà tưởng vậy là Tưởng Tầm Bậy, và hậu quả rất khó lường. Trong một phiên họp của M.T.T.Q, vào ngày 30 tháng 10 năm 1956, luật sư Nguyễn Mạnh Tường lỡ góp ý với ĐCSVN (“Qua Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất”) nên ông bị bị vùi dập thê thảm cho mãi đến khi nhắm mắt lìa đời.
Sáu mươi ba năm sau, sau hôm L.S Nguyễn Mạnh Tường đọc diễn văn trước M.T.T.Q, bà Nguyễn Thị Thùy Dương (một dân oan ở Thủ Thiêm) uất ức cho biết:
“Cả đêm 18 đến rạng sáng 19/6/2019, tôi thức trắng sau bao nổ lực cố gắng giành cho được 2 lá phiếu để phát biểu trong lần tiếp xúc cử tri. Mặt trận tổ quốc Quận 2 cho đến Mặt trận tổ quốc phường Bình Trưng Đông nơi tôi sinh sống nhất quyết không cho tôi đăng kí. Họ đổ lỗi lẫn nhau, họ chặn mọi con đường để tôi không thể nói.”
Nói cách khác kể từ năm 1955 cho đến nay, cái gọi là M.T.T.Q không làm gì khác hơn là mượn danh nhân dân để bịt mồm của chính họ bằng nhiều phương cách mà điển hình nhất là “tổ chức hiệp thương” (đảng cử dân bầu) - theo nhận xét của ông Hà Sỹ Phu:
“Anh nắm hết mọi sức mạnh trong tay, muốn bầy đặt cái gì cũng được, anh có dành cho nhân dân một hội đồng để giúp anh thu thập tiếng nói của dân, hay anh lại tìm cách đưa Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy sang phụ trách luôn... cho nhất quán?”
Do sự “nhất quán” này mà bi kịch Thủ Thiêm đã kéo dài gần hai mươi năm qua trong nín lặng. Cho đến khi sự việc không thể ém nhẹm được nữa, Đại Biểu Quốc Hội phải lộ diện thì họ hành sử trơ tráo đến độ khiến cho người dân phải ném giầy vào mặt.
Blogger Trân Văn kết luận:
“Hệ thống công quyền như thế chính là hậu quả của một hệ thống chính trị ‘ưu việt’ hơn phần còn lại của nhân loại. Dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng, ba đại biểu của Quốc hội đại diện cho cơ quan đại diện ‘ý chí, nguyện vọng của toàn dân’ chỉ làm được một chuyện: Mỗi năm vài lần, trước và sau các kỳ họp Quốc hội phơi mặt để dân chửi như một cách giúp họ hạ hỏa, đồng thời cũng là để xiển dương thể chế ‘dân chủ gấp vạn lần thiên hạ’. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) - tập hợp các tổ chức chính trị đại diện cho tất cả các giới, các thành phần khác nhau trong xã hội - cũng thế và cũng vì thế, mới bị cô Dương tố cáo: Cử tri muốn tiếp xúc với đại diện của mình tại Quốc hội phải... đăng ký với MTTQ và nỗ lực duy nhất của là... ngăn cản.”
Đã thế, người dân còn phải đóng thuế để nuôi dưỡng cái “lực cản vỹ đại” này. Trang Quản Lý Nhà Nước (State Management Review) tiết lộ:
“Nghiên cứu gần đây về ngân sách cho các hội, đoàn thể của Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, NSNN ước tính chi khoảng 14 nghìn tỉ đồng cho toàn bộ khối này, gấp đôi dự toán cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và gấp 5 lần cho Bộ Khoa học và Công nghệ… Nếu tính cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỷ đồng. Hầu hết các hệ thống hội đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức CTXH, được tổ chức theo mô hình hành chính, có biên chế, trụ sở, xe…”
Ảnh: báo Nghệ An |
Thế còn Quốc Hội?
Đại biểu Trần Quốc Tuấn từ tỉnh Trà Vinh cho biết ông có được nghe một chuyên gia cung cấp thông tin rằng: “nếu mỗi một phút chúng ta ngồi tại hội trường này thì nhà nước phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng, bình quân mỗi một kỳ họp như thế một ngày chúng ta mất khoảng 1 tỷ đồng.”
Blogger Trân Văn chi tiết hơn xíu nữa: “Nếu cộng thêm khoản lương phải trả cho cả các đại biểu Quốc hội lẫn hệ thống tham mưu, giúp việc và chi phí kinh tế - xã hội (bao gồm: đất đai, nhà cửa, xe cộ, các tài sản khác) dành cho Văn phòng Quốc hội và 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội, tổng chi phí hàng năm cho việc vận hành, duy trì hoạt động của Quốc hội Việt Nam có lẽ không dưới mức ngàn tỉ.”
Toàn là Đồ Mã không mà mắc dữ vậy, mấy cha? Mang đốt hết đi cho rảnh nợ. Mà dù không muốn đốt chăng nữa thì cũng đã đến lúc chúng phải cháy thôi.
17.07.2019