Những chiến dịch bí mật của Mỹ và Do Thái đánh phá chương trình hạt nhân của Iran - Dân Làm Báo

Những chiến dịch bí mật của Mỹ và Do Thái đánh phá chương trình hạt nhân của Iran

Trúc Giang MN (Danlambao) - Nhờ có sự giúp đỡ của Bắc Hàn và Trung Cộng, Iran quyết tâm thực hiện vũ khí hạt nhân để được tồn tại trong trận chiến với Do Thái. Cựu Giám đốc tình báo Mossad của Do Thái là ông Meir Dagan không đồng ý một cuộc chiến tranh quân sự với Iran, cho rằng như thế sẽ không ngăn chặn được chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran, mà trái lại nó có thể dẫn đến thảm họa do một cuộc xung đột lớn trong vùng, kéo cả thế giới Á Rập Hồi giáo vào cuộc chiến. 

Chủ trương nầy được Mỹ ủng hộ, nhưng các thành viên trong nội các của Thủ tướng Panjamin Netanyahu phản đối nên ông Meir Dagan bị bãi nhiệm.

Trước hết, Mỹ đánh phá chương trình hạt nhân của Iran bằng ba chiến dịch: Ám sát các khoa học gia hạt nhân Iran, lập mưu trao tài liệu giả mạo cho Iran bằng Chiến dịch Merlin, Chiến dịch Olympic Games đánh phá hệ thống máy tính của Iran bằng cách cài virus Stuxnet để phá hoại các máy ly tâm. 

Chiến dịch ám sát các khoa học gia nguyên tử Iran 

1. Đánh bom giết chết nhà khoa học Mostafa Ahmed-Roshan 

Ngày 11-1-2012, vào buổi sáng, một người đi xe moto đã gắn một quả bom nam châm vào chiếc xe Peugeot 405, chiếc xe phát nổ làm chết tại chỗ nhà khoa học hạt nhân Mostafa Ahmed-Roshan, 2 người khác trong xe là vợ và con gái bị thương nặng. Tài xế chết sau đó tại bịnh viện. 

Người Iran khiêng quan tài
Mostafa Ahmadi Roshan,
được cho là bị Mossad ám sát
ngày 11-1-2012
Ahmed-Roshan, 32 tuổi, cũng là giáo sư trường đại học Allameh Tabatabai, hiện là phó giám đốc trung tâm Natanz, làm giàu chất Uranium, một cơ sở rất quan trọng đối với ngành công nghệ hạt nhân của Iran.

Trung tâm Natanz hiện có 8,000 máy ly tâm làm giàu Uranium, mỗi máy cao 1.8m, đường kính 10cm.

Sau cái chết của Roshan, chính quyền Iran khẳng định Hoa Kỳ và Do Thái đứng sau hành động giết người nầy.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton tuyên bố: “Tôi khẳng định rằng, Hoa Kỳ không can dự vào bất cứ hành động khủng bố nào trong nước Iran cả”.

Thủ tướng Do Thái, Shimon Peres cho biết: “Theo hiểu biết của tôi, thì Do Thái không can dự vào việc tấn công nầy”

Phát ngôn viên bộ quốc phòng Do Thái phát biểu: “Tôi không biết ai ra tay đối với nhà khoa học Iran nầy, nhưng chắc chắn là tôi không có một giọt nước mắt nào cả”.

Thế nhưng trên trang Blog của mình, ông Richard Silverstein, một chuyên viên phụ trách về các vấn đề an ninh Iran, viết như sau: “Theo nguồn tin đáng tin cậy của tôi, thì Mossad và tổ chức MEK đã thực hiện cuộc tấn công giết người nầy”. 

MEK (viết tắt từ một tên khác là Mojahedin-e-Khalq Organization) một tổ chức chống chính quyền ở Iran là Thánh Chiến Nhân dân (People's Mujahideen).

2. Cái chết của nhà khoa học Darioush Rezaeinejad 

Ngày 23-7-2011, khoa học gia hạt nhân Iran, Darioush Rezaeinejad, 45 tuổi, bị bắn chết trong khi ông ta và vợ đậu xe chờ rước đứa con ở trường mẫu giáo. Hung thủ đi xe mô tô đã vọt mất liền sau đó.

Cũng như thường lệ, chính quyền Iran cáo buộc Do Thái và Hoa Kỳ đứng sau vụ ám sát đó. 

3. Tình báo Mossad và phiến quân MEK đứng sau các vụ ám sát ở Iran 

Ngày 10-2-2012, lần đầu tiên các quan chức Hoa Kỳ xác nhận, những vụ tấn công ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran, là do nhóm phiến quân MEK thực hiện. Nhóm nầy được tình báo Mossad tài trợ, huấn luyện và trang bị vũ khí.

Kể từ năm 2007 đến nay, có ít nhất là 5 khoa học gia hạt nhân Iran bị ám sát dưới nhiều hình thức.

Chính quyền Obama biết rõ chiến dịch nầy, nhưng khẳng định không nhúng tay vào. Ngoài các vụ ám sát, Mossad và MEK cũng liên quan đến một vụ nổ long trời lở đất vào ngày 12-11-2011, phá hủy trung tâm nghiên cứu phát triển hỏa tiễn ở Bin Kaneh, làm thiệt mạng thiếu tướng chỉ huy trưởng trung tâm và hơn 10 khoa học gia khác. Iran bị một cú thiệt hại quá nặng nề.

4. Lời thú tội của một thành viên MEK 

Majid Jamali Fasha bị kết án tử hình ở Iran.
“Tôi tên là Majid Jamali Fashi. Cách đây 3 năm, tôi tiếp xúc lần đầu tiên với Mossad tại Istanbul, Thổ Nhỉ Kỳ. Tôi được yêu cầu cung cấp tin tức về một số nơi ở Tehran. Tôi đã viết ra 30 trang, và đến giao cho toà lãnh sự Do Thái ở Istanbul. Sau đó, tôi được huấn luyện ám sát, tập dượt bắn súng, chạy trốn, dùng quần áo và mỹ phẩm để hoá trang. Khi trở về Tehran, tôi được cấp bom, súng đạn, 2 điện thoại vệ tinh và một chiếc Honda 125 phân khối.

Ngày 12-2-2010, qua 2 chiếc điện thoại, tôi nhận lịnh đánh bom giết khoa học gia Ali Mohammadi. Tôi dựng chiếc Honda có gắn bom, sát bên cạnh chiếc xe của Ali Mohammadi, khi ông từ trong nhà ra đến chiếc xe, thì tôi dùng remote control kích nổ. Tôi được thưởng trước 120,000 USD”.

5. Iran bại trận trong cuộc chiến gián điệp với Mỹ 

Kể từ năm 2005, cơ quan phản gián Oghab-2 của Iran, có nhiệm vụ bảo vệ bí mật tất cả những hoạt động có liên quan đến chương trình hạt nhân của nước nầy, bao gồm tên tuổi các nhà khoa học, các cơ sở, kế hoạch chương trình... Thế nhưng Oghab-2 đã thất bại trong nhiệm vụ. 

Thiếu tướng Ali Reza Asgari
Tháng 3 năm 2007, thiếu tướng Ali Reza Asgari, thứ trưởng quốc phòng, thuộc hàng lãnh đạo Vệ binh Cách mạng, đã đào thoát sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Đó là, trong chuyến công tác đến Damascus, Syria, ông để vợ ở lại đó, rồi thuê xe chạy đến biên giới, đưa hối lộ 1,500USD cho biên phòng để vào Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7-2-2007, mà không cần giấy thông hành. Báo cáo cho biết, đã có 2 người đặt phòng cho ông để ở 3 đêm tại khách sạn Ceylan Hotel. Đến ngày 9-2 thì ông biến mất. Tờ Sunday Times cho biết, tướng Asgari là một kho tàng quý báu của tình báo Hoa Kỳ. Iran cho rằng Asgari bị bắt cóc và bị giết, họ đã khai tử ông. Hoa Kỳ cũng thừa cơ hội, khai sanh cho Asgari, với cái tên và lý lịch khác.

Cũng trong năm 2007, khoa học gia nguyên tử Ardeshir Hassanpour bị chết một cách bí ẩn mà không tìm ra thủ phạm.

Kế đến, tổng thống Obama công khai tuyên bố một cơ sở bí mật về hạt nhân ở Fordo. Thế là bí mật của Iran đã bật mí trước công luận.

Hoa Kỳ còn biết được biện pháp bảo vệ bí mật, là Iran đã chuyển 75% chương trình làm giàu Uranium ở cấp thấp (Low Enriched Uranium-LEU) sang Nga, rồi sau đó đưa sang Pháp để chuyển đổi thành năng lượng hạt nhân.

Như vậy, xem như Iran bị thảm bại trên mặt trận gián điệp với Do Thái với Hoa Kỳ. 

Chiến dịch Merlin (Operation Merlin) 

1. Mỹ cung cấp tài liệu giả mạo về hạt nhân cho Iran

“Tổng thống George W. Bush khăng khăng cho rằng Iran không được phép phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng tại sao sáu năm trước đây chính CIA đã trao cho người Iran bản thiết kế chế tạo bom nguyên tử?”

Đó là đoạn trích từ cuốn sách có tên là “State of War: The Secret History of the CIA and the Bush Administration” xuất bản năm 2006, tác giả là James Risen, phóng viên của tờ báo New York Times.

Cuốn sách nói về Chiến dịch Merlin (Operation Merlin), một chiến dịch bí mật của Cơ quan Tình Báo Trung Ương (CIA - Central Intelligence Agency) khởi đầu dưới thời Tổng thống Bill Clinton, mục đích cung cấp cho Iran một tài liệu thiết kế có nhiều sai sót để làm trì hoãn chương trình hạt nhân của nước nầy.

Khoa học gia hạt nhân người Nga đào tỵ sang Hoa Kỳ thực hiện công tác chuyển giao tài liệu đó cho người Iran.

Chiến dịch Merlin được Tổng thống Bill Clinton phê chuẩn và chính quyền Tổng thống Bush thực hiện.

2. Kế hoạch của Chiến dịch Merlin

Người Nga đào tỵ là một kỹ sư hạt nhân đã bí mật trở thành công dân Mỹ, không làm gì hết mà mỗi tháng lãnh 5,000 đô la.

Vào tháng 2 năm 2000, ông được cấp tiền đến một khách sạn sang trọng ở San Francisco, California, ở đó các nhân viên CIA hướng dẫn thực hiện kế hoạch. Ông sẽ đóng vai một người Nga thất nghiệp, tham lam, sẵn sàng bán tài liệu thiết kế kỹ thuật TBA-480 của Nga cho ai trả giá cao nhất.

Tài liệu là một kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, có thể cung cấp hàng loạt vấn đề cần thiết mà Iran rất mong muốn có được.

Vai trò cụ thể của người Nga nầy là mang tài liệu đến thủ đô Vienna của Áo (Austria) để giao cho khoa học gia hạt nhân người Iran đang làm việc tại đại bản doanh của Cơ quan Nguyên Tử Năng Lượng Quốc Tế (International Atomic Energy Agency-IAEA) tại Vienna, qua sự sắp xếp của những người trung gian trong việc mua bán.

3. Nỗi lo âu của viên kỹ sư Nga

Viên kỹ sư Nga nầy biết được tài liệu mà ông sẽ bán cho Iran là giả mạo, đã được sửa chữa tạo ra những sai sót.

Ông lo ngại rằng chuyên gia hạt nhân người Iran đang làm việc ở IAEA có thể phát hiện ra những điểm sai sót và sẽ thanh toán ông. Một điều nữa là sự lật lọng trong ngành tình báo có thể xảy ra, đó là CIA có thể kết tội ông về việc ăn cắp tài liệu cơ mật của quốc gia và bán tài liệu cho ngoại quốc, nếu có trục trặc xảy ra thì ông là con vật hy sinh. Hơn nữa, nguy hiểm của công tác tình báo tại một quốc gia khác là nước Áo, có thể bị tình báo Áo bắt giữ vì những áp lực ngoại giao quốc tế trong trường hợp vụ việc bị đổ bể.

Những nhân viên CIA thấy rõ sự lo lắng của ông nên đã thuyết phục, trấn an, cho rằng đây là một việc hết sức đơn giản, ông chỉ đóng vai người đưa thơ, giao hàng xong là hết chuyện. Việc làm nầy là một công tác thăm dò, Mỹ chỉ muốn biết chương trình hạt nhân của Iran đến giai đoạn nào mà thôi.

4. Viên kỹ sư quyết định đi nước đôi

CIA được báo cáo là sẽ có một quan chức cao cấp Iran đến Vienna để thăm những nhân viên của họ đang làm việc trong IAEA, do đó CIA cử người Nga nầy thực hiện công tác vào thời điểm đó. Viên kỹ sư Nga quyết định đi nước đôi để được an toàn đối với hai bên, Mỹ và Iran.

Ở Vienna, ông ta mở phong bì ra và chêm vào đó một mảnh giấy cảnh báo người Iran là hãy thận trọng khi xử dụng tài liệu nầy.

Trên đường phố mùa Đông ở Vienna, ông dễ dàng tìm thấy địa chỉ là số nhà 19 đường Heinstrasse. Đó là một tòa nhà 5 tầng sơn màu xanh. Tên người thuê nhà chỉ có một dòng đơn giản “PM/Iran”.

Dường như có một sự tình cờ ngẫu nhiên, một người Áo ở gần đó mở cửa phòng giúp ông. Căn phòng trống trơn. Người Nga đặt phong bì vào đó và thở phào nhẹ nhõm vì không cần phải nói chuyện với ai và cũng không có người Iran nào nhìn thấy mặt ông ta.

Mọi việc được sắp xếp gọn gàn chu đáo và bí mật giữa hai bên, người mua, kẻ bán tài liệu mật của an ninh quốc gia. Ông cảm thấy an toàn, nếu như vụ việc bị đổ bể thì tình báo Áo, tình báo Nga và tình báo Iran cũng không tìm ra chân dung của tên gián điệp đôi của ông.

Ông Nga về Mỹ cũng không gặp một trở ngại nào về việc đi nước đôi của gián điệp hai mang như ông.

Chỉ vài hôm sau, cơ quan an ninh Mỹ thông báo rằng quan chức cao cấp Iran đã đột ngột thay đổi lịch trình thăm viếng, tức tốc trở về Tehran.

5. Tác động ngược của Chiến dịch Merlin

Abdul Qadeer Khan
Mỹ đã đưa tài liệu có nhiều sai sót cho Iran nhưng nước nầy không bị sập bẫy, trái lại sử dụng những điểm đúng của tài liệu để gia tăng tốc độ, làm cho chính quyền Mỹ phải ngạc nhiên. Đó là Iran đã mua được những bí mật từ khoa học gia hạt nhân hàng đầu của Pakistan là Abdul Qadeer Khan (A.Q. Khan).

Hồi năm 2003, Muammar Gaddafi của Libya từ bỏ chương trình nguyên tử và đã khai báo với Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc Tế (IAEA) là đã mua tài liệu và máy ly tâm của A.Q. Khan, Pakistan.

Ngày 31-1-2004, Abdul Qadeer Khan bất ngờ bị cách chức và đặt dưới sự điều tra về tội bán tài liệu bí mật về vũ khí hạt nhân của Paskistan. Ngày 4-2-2004, A.Q. Khan xuất hiện trên truyền hình thú nhận đã chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Iran từ năm 1989 đến 1991, giao cho Bắc Hàn và Libya từ 1991 đến 1997. Sau đó A.Q. Khan bị quản thúc tại gia suốt 5 năm.

Chiến dịch Olympic Games (Operation Olympic Games)

Vào ngày 5-6-2012, một tài liệu có tiêu đề “Đối đầu và che đậy: Những cuộc chiến bí mật và năng lực xử dụng sức mạnh Mỹ của Obama” (Confront and Conceal: Obama’s Secret Wars and Surprising use of American Power) của tác giả David E. Sanger, đã làm chấn động thế giới và gây sóng gió trên chính trường Mỹ, do có nội dung tiết lộ chiến dịch của Mỹ phối hợp với Do Thái nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran. Chiến dịch có tên là Olympic Games (Operation Olympic Games).

1. Chiến dịch mang ý nghĩa quyết định: hoà bình hay chiến tranh ở Trung Đông

Vài ngày trước khi rời Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Bush có cuộc nói chuyện với tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, nội dung là Tổng thống Bush đề nghị Tổng thống Barack Obama duy trì hai chương trình bí mật, là kế hoạch tấn công mạng (Cyber attack) máy tính vào cơ sở hạt nhân của Iran và chương trình xử dụng phi cơ không người lái tấn công khủng bố Al-Qaeda ở Pakistan.

Tổng thống Obama đồng ý và tích cực tiến hành hai chương trình bí mật đó.

Trong mục đích tiêu diệt chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran, Do Thái không ngừng thôi thúc và thuyết phục Hoa Kỳ về một cuộc tấn công quân sự vào Iran.

Chiến dịch Olympic Games của Hoa Kỳ có hai mục đích: làm tê liệt chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời ngăn chặn Do Thái tấn công quân sự vào nước nầy, có thể dẫn đến một cuộc chiến trong khu vực mà Hoa Kỳ bắt buộc phải can dự, mặc dù không muốn.

Mỹ quan niệm rằng cuộc tấn công quân sự không đạt được kết quả mong muốn khi Iran đưa chương trình hạt nhân xuống những hầm ngầm bí mật dưới lòng đất, như Syria và Bắc Hàn đã từng làm, và hiện tại Trung Cộng đang có một Vạn Lý Trường Thành ngầm vô cùng to lớn ở dưới lòng đất, dài 4,800 km.

Vì thế, chiến dịch Olympic Games mang ý nghĩa quyết định: hoà bình hay chiến tranh ở Trung Đông.

Chiến dịch nầy rất quan trọng vì nó có tác dụng trực tiếp, nhanh chóng và có hiệu quả hơn những biện pháp cấm vận kinh tế, tài chánh và ngoại giao chống lại Iran.

Lợi thế của chiến dịch là rất khó phát hiện ra ai là thủ phạm của cuộc tấn công, vừa đạt được mục đích, vừa tránh được tai tiếng và phản ứng của các quốc gia “thù địch” đối với Hoa Kỳ.

Ở nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bush, tướng 4 sao TQLC James Cartwright cùng với các quan chức tình báo, đệ trình lên tổng thống một chương trình phức tạp, hoạt động như một vũ khí tấn công mạng vi tính, mục đích là xâm nhập, chiếm lấy quyền điều khiển hệ thống máy tính để phá hủy máy ly tâm làm giàu chất Uranium của Iran.

2. Tình báo Do Thái tham dự chiến dịch Olympic Games.

Đơn vị 8200 (Unit 8200) của tình báo Quốc Phòng Aman đóng vai trì chủ yếu trong việc thi hành chiến dịch. Tổng thống Bush quan niệm rằng, sự tham dự của tình báo Do Thái sẽ ngăn chặn được cuộc tấn công quân sự của Do Thái nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Vũ khí tân công là con sâu máy tính (virus, worm) Stuxnet do Mỹ và Do Thái thực hiện, đó là một phần mềm độc hại (Malware, viết tắt từ chữ Malicious Software) và độc đáo đã thành công trong việc làm nổ tung và tê liệt khoảng 5,000 máy ly tâm tại Natanz.

3. Vũ khí tấn công mạng lợi hại nhất

Hồi tháng 6 năm 2010, Iran là nạn nhân của một cuộc tấn công không gian mạng (Cyber attack) do sâu máy tính Stuxnet xâm nhập vào hệ thống máy tính, chiếm quyền kiểm soát làm tê liệt khoảng 5,000 máy ly tâm tại cơ sở Natanz.

Điểm đặc biệt của Virus Stuxnet là xâm nhập vào hệ thống vi tính mà không cần phải qua Internet.

4. Kế hoạch tìm “kẻ dẫn đường”

Việc cài con sâu Stuxnet vào hệ thống máy tính ở Natanz không qua Internet cần phải có một chương trình gọi là “người dẫn đường” (The beacon) tức là cài con sâu vào máy computer trong Natanz thông qua cổng USB. USB viết tắt của Universal Serial Bus là những cổng để nối các thiết bị vào một máy computer.

Công việc rất đơn giản vì chỉ cắm thẻ nhớ (Flash drive) vào cổng USB là xong ngay, nhưng rất khó tìm người thực hiện việc đó. Thẻ nhớ (Flash drive) là một thiết bị chứa dữ liệu được nối kết với máy tính qua cửa USB. Một thẻ nhớ trên thị trường có thể chứa từ 64 Gigabytes đến 512 GB. (Hãng Kingston).

Một danh sách chuyên gia làm việc ở Natanz được liệt kê ra, ngay cả những chuyên viên kỹ thuật của công ty phần mềm Siemens của Đức cũng được nêu lên.

Mỹ không muốn tiếp cận với chuyên viên người Đức ở công ty Siemens để tránh phiền phức với đồng minh Đức, nhưng tình báo Mossad đã thực hiện được việc đó.

May thay, họ chọn được một người thích hợp.

Siemens vô tình giúp cho “kẻ dẫn đường” thông qua công tác cập nhật và kiểm tra định kỳ hệ thống vi tính của khách hàng Iran. 

Sâu Stuxnet vào máy qua cổng USB. Trước hết, nó tìm các chương trình diệt Virus để gỡ bỏ hay phá hỏng, kế đến ghi lại hoạt động của nhà máy hạt nhân Natanz.

Bài báo của tờ Business Insider đánh giá rằng Iran phải mất ít nhất hai năm để phục hồi chương trình tinh lọc uranium trở lại trạng thái bình thường như trước kia. Sâu Stuxnet làm tê liệt trên 60,000 máy tính (Computer), nhưng chính phủ Iran tuyên bố không có thiệt hại nào đáng kể cả. Không có quốc gia nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó.

Theo nguyệt san Atlantic thì chiến dịch Olympic Games là một sự kiện đáng chú ý nhất từ sau Thế Chiến 2 đến nay. Tờ New Yorker cũng đánh giá chiến dịch nầy là vũ khí tấn công mạng đầu tiên có sức phá hoại khủng khiếp nhất của Mỹ đối với một quốc gia khác. Tờ Washington Post cũng có bài ca ngợi con sâu máy tính Stuxnet.

Cơ quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (National Security Agency-NSA) đã quen thuộc với không gian mạng trong các vấn đề thu thập tin tức tình báo, thi hành các hoạt động bí mật, tuy nhiên chưa có ý tưởng tạo ra một thứ vũ khí tấn công phá hoại như con sâu Stuxnet nầy.

Hồi năm 2012, tình báo Tel Aviv khẳng định, Iran có thể sản xuất 4 trái bom hạt nhân trong một thời gian ngắn, nhưng chính giới Mỹ cho rằng họ còn một chặng đường rất dài để sản xuất vũ khí hạt nhân.

5. Khoa học gia Iran biến mất một cách bí ẩn 

Trong khi các phiên bản của con sâu máy tính đang tàn phá tại Natanz thì Shahram Amiri – nhà khoa học người Iran đã biến mất khỏi Ả-rập Xê-út.

Trong khi con sâu máy tính Stuxnet tàn phá các máy ly tâm ở Natanz thì nhà khoa học người Iran Shararm Amiri đã biến mất ở Saudi Arabia, đến sống ở phía Nam Hoa Kỳ.

Một sĩ quan tình báo tiết lộ, trước khi Amiri đào thoát sang Saudi Arabia, CIA đề nghị ông mang gia đình theo, nhưng ông muốn đi một mình.

Sau thời gian trải qua những cuộc phúc trình, thẩm vấn của CIA, Amiri bắt đầu nhớ gia đình, nhớ đứa con trai 7 tuổi. Ông gọi điện về Iran thì được biết gia đình ông bị áp lực rất nặng, họ sẽ không làm hại đứa con trai, nếu ông chịu thú nhận là đã bị Mỹ bắc cóc.

Đầu tháng 4 năm 2012, Amiri ngồi trước Webcam kể lại chuyện bị Mỹ bắt cóc. Ông cho biết đã bị đánh thuốc mê và sau đó bị tra tấn.

Sau 2 tháng không thấy đài truyền hình Iran phát hình, Amiri tự thú với nhân viên CIA về việc webcam. CIA quyết định dùng YouTube để phản công. Ngay sau khi truyền hình Iran phát sóng webcam, thì trên YouTube của CIA, Amiri phủ nhận tất cả những gì đã nói ở webcam.

Ba tuần sau đó, truyền hình Iran lại phổ biến một webcam thứ hai, trong đó Amiri nhắc lại việc bị bắt cóc và cho biết những gì trên Youtube là bị ép buộc.

Sau đó Amiri cho nhân viên CIA biết là ông muốn trở về Iran. CIA cảnh báo hậu quả của những kẻ đào thoát trở về, nhưng ông cho biết, chỉ cần thấy mặt đứa con trai trong 5 phút thôi, ngoài ra những việc khác không quan trọng.

Quy định của chương trình tái định cư Mỹ ghi rõ, nếu kẻ đào ngũ muốn trở về thì chính phủ không có quyền giữ lại.

Đến tháng 7 năm 2012, Amiri đi taxi đến tòa đại sứ Pakistan ở thủ đô Washington, sứ quán nầy đại diện cho quyền lợi Iran ở Hoa Kỳ. Ngày 15-7-2012, Amiri đáp xuống sân bay Tehran và được nồng nhiệt tiếp đón của gia đình và nhân viên chính phủ.

Chỉ vài ngày sau đó, Shaharm Amiri biến mất. Phe đối lập ở Iran cho biết Amiri bị bắt giữ về tội làm gián điệp cho Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết họ sẽ không có một hy vọng nào được nghe tin tức về Amiri một lần nữa.

6. “Sự cố” ngoài tầm kiểm soát của chuyên gia Mỹ 

Virus Stuxnet xâm nhập vào và nắm quyền điều khiển hệ thống máy ly tâm ở Natanz, sau đó, một trục trặc xảy ra khiến cho con sâu Stuxnet phát tán rộng rãi, hoành hành trên toàn thế giới. Đó là viên kỹ sư ở Natanz dùng máy tính xách tay của ông, đã làm việc trong chương trình, nối kết vào Internet. Virus Stuxnet như con thú hoang sổng chuồng, nó tự nhân bản với tốc độ chóng mặt, trên hàng triệu máy tính ở Iran, Ấn Độ, Indonesia và nhiều quốc gia khác. 

Ngay sau đó, một buổi họp khẩn cấp tại Nhà Trắng, những người có trách nhiệm như Leon Panetta (CIA), Michael Morell và tướng 4 sao James “Hoss” Cartwright báo cáo lên Tổng thống Obama. Tướng Cartwright, Phó Chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, chỉ huy trưởng Bộ Tư Lệnh Không Gian Ảo (United States Cyber Command- USCYBERCOM), cho biết: Chúng tôi nghĩ rằng Do Thái đã thực hiện một số sửa đổi trong mã nguồn của con sâu Stuxnet”. Nhưng sự thật là do viên kỹ sư Iran đưa Malware vào internet.

Câu hỏi được đặt ra là chiến dịch nầy có nên chấm dứt không?

Bên trong CIA và NSA (National Security Agency) cũng diễn ra những cuộc họp bàn về con sâu Stuxnet. Chỉ vài tuần sau, những tin tức của vụ việc bắt đầu xuất hiện, đầu tiên là trên những trang báo về khoa học kỹ thuật, sau đó là những tờ báo lớn, đầy rẫy những giả thuyết cho rằng đó là những âm mưu của giới tội phạm Nga, của tin tặc Trung Cộng, Do Thái và dĩ nhiên là có tên Hoa Kỳ trong đó.

Thực tế, thế giới chưa phát hiện ra dấu vết nào cho thấy Do Thái và Mỹ là tác giả của virus vô cùng độc hại đó.

Những quốc gia có vũ khí hạt nhân 

Đầu năm 2019, thế giới có 13,865 đầu đạn hạt nhân thuộc quyền sở hữu của 9 quốc gia, bao gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Cộng, Ấn Độ, Pakistan, Do Thái và Bắc Hàn. 

Nga và Mỹ đã cắt giảm, Nga còn 1,600 đầu đạn, Mỹ còn 1,750. Trung Cộng khoảng 290, Ấn Độ khoảng 130 đến 140, Pakistan có khoảng 150-160, Do Thái từ 100-200, Bắc Hàn khoảng 10-20 đầu đạn hạt nhân. 

Ba quốc gia gồm Ấn Độ, Pakistan, Do Thái không ký tên vào Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty) nhưng không có ai phản đối cả, vì họ không hiếu chiến, không dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa và gây chiến với quốc gia nào khác. 

Kết luận 

Các chiến dịch đánh phá chương trình hạt nhân khiến cho Iran đi chậm lại trên con đường sản xuất vũ khí hạt nhân. Các đồng minh của Mỹ ở Liên Âu như Anh, Pháp, Đức không sốt sắng dàn quân ra thị oai để buộc Iran phải chấn dứt ý đồ sản xuất vũ khí nguyên tử. Có lẽ họ cho rằng chủ trương Make America Great Again là chuyện riêng của Tổng thống Trump và người Mỹ. 

17.07.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo