Danlambao - Ngoại mất khi Tý Quỳnh còn ở trong tù. Không còn tiếng thở dài trông ngóng mỗi khi thấy cháu mình chưa về. Những giọt nước mắt, những lời nghẹn ngào của một người bà nay đã vĩnh viễn không còn nữa. Mọi nỗi cay đắng xót xa, những giờ phút im lặng ngồi nhìn ra ngoài cửa mong tiếng chân của Tý Quỳnh trở về nhà từ đồn công an đã khép lại. Ngoại của Tý Quỳnh đã ra đi khi ước nguyện chưa thành - một lần được nhìn thấy đứa cháu ngoại thương yêu nhất của bà lần cuối.
Nếu ở trong trại giam mờ tối và ngột ngạt, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh phải chôn kín hình ảnh của 2 con, của Mẹ, của Ngoại để còn đủ tinh thần đương đầu với cai tù, thì ở nhà, Ngoại ngồi lặng lẽ nơi ngõ nhà và ôm hình ảnh của đứa cháu thương yêu của mình để đếm ngày đếm tháng. Tháng ngày nào dài hơn đối với người cháu giữa bốn bức tường câm tù và bà Ngoại già nua đang ngóng trông cuối đời hiu quạnh?
Cuộc đời của Ngoại, của Mẹ Tý Quỳnh cũng giống như của nhiều người Bà, người Mẹ khác phải trải qua những giây phút lo lắng, phập phòng, chờ đợi bởi những đứa con, đứa cháu đã có những quyết định lựa chọn dấn thân. Tiếc nuối lớn nhất của những người con, người cháu này không phải là những năm tháng bị đày đọa trong chốn lao tù mà chính là không có được khoảnh khắc ngắn ngủi, nắm tay Ngoại trước khi Bà ra đi.
Ngày hôm nay, những đứa cháu của Ngoại đã đến bến bờ Tự Do. Nụ cười đã trở lại trên môi của Nấm, hồn nhiên đã sống lại trên đôi mắt của Gấu. Chắc hẳn ở đâu đó, Ngoại đang mỉm cười và thật sự an lành nhắm mắt.
Cuộc đời Bà Ngoại của Quỳnh là một trong những mảnh đời của hàng hàng lớp lớp người Việt Nam kể từ ngày 30 tháng 4 định mệnh, đã trở thành bi kịch dài trên quê hương khốn khó.
WE - Chúng Ta Production xin gửi đến các bạn cuốn phim ngắn - Bà Ngoại Tôi, một mảnh đời Việt Nam được thực hiện bởi người làm phim Clay.
28.08.2019