Có nên chấp nhận đối thoại với CS hay không? - Dân Làm Báo

Có nên chấp nhận đối thoại với CS hay không?

Đỗ Hồng (Danlambao) - Sau khi có tin cho hay Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí Thư Đảng CSVN kiêm Chủ Tịch của cái gọi là “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”- sẽ đến viếng thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Thống Mỹ Donald Trump, và tin đồn ông Trọng ngỏ ý muốn tiếp xúc với người Việt tại đây, cộng đồng người Việt tị nạn CS ở Hoa Thịnh Đốn và nhiều nơi khác trở nên xôn xao với quyết định có nên nhận lời đối thoại với tên trùm CS này hay không.

Giả sử tin đồn đó có thật, ta thử tìm hiểu xem CSVN (qua ông Trọng) muốn gì nơi người Việt ở hải ngoại, nói chung, và ở Hoa Thịnh Đốn, nói riêng. 

Theo Nghị Quyết 36 được CSVN ban hành ngày 26/3/2004, một số nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước CS là “Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước”“Hoàn chỉnh và xây dựng mới các chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động đầu tư, kinh doanh ở trong nước” (1). Rõ ràng là CSVN muốn chiêu dụ giới trí thức và đầu tư của người Việt hải ngoại mặc dù trước đó không lâu, họ gọi người Việt hải ngoại là “thành phần đĩ điếm, bám gót đế quốc, phản bội dân tộc”… Cho nên mục đích chính của cuộc tiếp xúc mà ông Trọng đề nghị (nếu có) chỉ là chiêu dụ đầu tư và “chất xám” của người Việt hải ngoại.

Ngoài ra, về mặt tâm lý, cuộc tiếp xúc (nếu có) chỉ cho bọn CS trong nước cơ hội để lớn tiếng rêu rao về cái gọi là “chính sách đại đoàn kết” hay chính sách “hòa hợp hòa giải” của chúng.

Ngược lại, một số người Việt hải ngoại cho rằng cuộc tiếp xúc sẽ là dịp để họ đặt vấn đề tự do, dân chủ, tình trạng vi phạm nhân quyền trong nước, với CSVN hay yêu cầu họ phóng thích tù nhân chính trị hoặc trả lại đất đai, nhà cửa cho dân oan… Những người này chủ trương thương thuyết sẽ giải quyết được mọi chuyện từ chiến tranh cho đến hận thù, chia rẽ.

Thực tế, lịch sử đã chứng minh hùng hồn rằng các cuộc thương thuyết với CS đã đưa đến các hiệp định Genève 1954 và Paris 1973, nhưng CS không bao giờ triệt để tôn trọng những gì họ đã đặt bút ký kết. Thậm chí, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 cũng được CSVN long trọng ký kết và chúng cũng đã vi phạm nhân quyền trầm trọng từ nhiều năm qua. Mới đây, trong khoá họp 41 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, CSVN vẫn cố tình che giấu tình trạng vi phạm nhân quyền của họ (2).

Mặt khác, trong cuộc thương thuyết (nếu diễn ra), cộng đồng người Việt hải ngoại hoàn toàn không có cái “thế đòn bẫy” (leverage) để buộc CSVN phải tôn trọng bất cứ điều gì họ hứa hẹn. Đúng như lời cố TT Nguyễn Văn Thiệu từng khuyến cáo “đừng tin những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm”. Một trong chính sách “bốn không” của ông cũng chủ trương “không thương lượng” với CS (3). Và sau này, nhiều người tán thành chính sách đó khi họ thẳng thừng bảo CSVN hãy hòa giải với đồng bào trong nước trước khi muốn hòa giải với người Việt hải ngoại.

Những ai còn có ý nghĩ thay đổi chế độ CSVN thì nên ghi nhớ câu nói bất hũ của cố TT Nga Boris Yeltsin “Cộng sản không thể nào sửa chữa, chúng phải bị đào thải” (Communists are incurable, they must be eradicated…) (4).

Điều này có nghĩa là thương lượng, điều đình, hòa giải với CSVN sẽ không bao giờ đi tới kết quả mong muốn, bởi bản chất lật lọng, gian trá của CSVN.

Đó là chưa kể đến thói lưu manh của họ sau khi tiếp xúc với cộng đồng người Việt, họ có thể tung tin giả là cộng đồng VN hải ngoại đã “qui thuận” họ và nhà nước CSVN luôn mở rộng vòng tay chào đón Việt kiều về làm ăn và hợp tác với họ.

Tóm lại, lợi và hại như thế nào trước cuộc tiếp xúc giữa Nguyễn Phú Trọng - kẻ đại diện cho chế độ CSVN độc tài - và cộng đồng người Việt tị nạn CS, chúng ta đều thấy rõ. Xin đừng mắc mưu gian của CS! 

Tham khảo:





27/9/2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo