Tổng thống Ý Sandro Pertini, ân nhân của thuyền nhân tị nạn Việt Nam
"Sứ mệnh Việt Nam" của hải quân Ý
40 năm trước, Ý đã gửi tàu chiến đến Đông Nam Á để cứu vớt thuyền nhân tị nạn Việt Nam. Sứ mệnh Việt Nam này là độc nhất. Ý là quốc gia duy nhất khi đó đã cứu giúp những người được gọi là thuyền nhân.
Trong bối cảnh của cuộc tranh luận thời sự hiện nay về cứu nguy trên biển và bế quan tỏa cảng, thì câu chuyện này nghe giống như một chuyện cổ tích: Ngày xửa ngày xưa có một vị tổng thống người Ý, ông xúc động trước số phận của những thuyền nhân tị nạn Việt Nam đến nỗi đã gửi hải quân Ý đến cứu giúp họ.
Những gì ông Rupert Neudeck ở Đức đã làm với con tàu Cap Anamur cứu người vượt biển như là một hoạt động tư nhân, thì khi đó ở Ý được làm với danh nghĩa sứ mệnh của nhà nước.
Tổng thống Pertini đã đích thân khởi xướng sứ mệnh này. Bốn mươi năm trước, các tàu chiến "Vittorio Veneto", "Andrea Doria" và "Stromboli" trong một khoảng thời gian ngắn đã nhận lệnh đi đến Đông Nam Á với nhiệm vụ cứu vớt thuyền nhân tị nạn Việt Nam, những người khi đó đang lênh đênh trên biển. Hoạt động gần 1 tháng, 907 thuyền nhân đã được cứu sống và đưa về Ý. Ngày 21/8/1979, tại lối vào cảng Venice, thủy thủ đoàn và các thuyền nhân được dân chúng hân hoan chào đón.
Đây là câu chuyện của Anna Dương, 51 tuổi. Cô hành nghề chăm sóc sắc đẹp, hiện đang làm chủ một cơ sở chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp ở Ostia gần thủ đô Rome.
Cô ấy tự hào rằng đã khá thành công. Mặc dù là một nữ doanh nhân bận rộn, nhưng Anna Dương luôn luôn dành tất cả thời gian để kể câu chuyện của mình.
"Tôi cảm ơn người Ý, thủy thủ của cuộc đời tôi. Và chính vì thế, tôi dành thời giờ kể cho bất cứ ai mà quan tâm đến câu chuyện của tôi, hồi đó Ý tuyệt vời như thế nào!"
Cô Anna Dương, một trong 907 thuyền nhân
được tàu chiến của hải quân Ý cứu vớt 40 năm trước đây
được tàu chiến của hải quân Ý cứu vớt 40 năm trước đây
Tổng thống Pertini đã can thiệp
Hồi đó là năm 1979 Anna mới mười một tuổi và phải trốn khỏi Việt Nam cùng gia đình. Giống như hàng trăm ngàn người khác bị buộc phải chạy trốn vì chế độ cộng sản tại quê hương. Kể từ đó, thế giới biết đến thuật ngữ "thuyền nhân". Họ đi bằng những con thuyền đánh cá nhỏ bé trên biển đầy hiểm nguy, đó là cơ hội duy nhất để trốn thoát khỏi Việt Nam. Ai may mắn, cập bến ở Thái Lan; ai xui xẻo, cập bến ở Malaysia. Sau chuyến đi sóng gió trên Biển Đông, gia đình của Anna được cho vào ở trong một trại tị nạn tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia. Nhưng chỉ được ở vài tuần, sau đó bị bắt buộc phải lên thuyền trở ra biển lần nữa.
"Họ kéo chúng tôi ra biển, sau đó cắt dây và để chúng tôi trôi theo dòng nước".
"Mọi người chỉ còn chờ chết mà thôi. Và vì vậy người ta phải nhớ ơn Tổng thống Sandro Pertini, một người phi thường. Ông đã làm rung chuyển tấn thảm kịch kinh khủng mà khi đó đang bị một nửa thế giới làm ngơ".
Pertini đã báo động cho Thủ tướng Giulio Andreotti và ông ta đã điều động Hải quân Ý.
Vào ngày 5 tháng 7 năm 1979 ba tàu chiến, "Andrea Doria", "Vittorio Veneto" và "Stromboli" đã rời các cảng của Ý trực chỉ Đông Nam Á.
Sứ mệnh Việt Nam là độc nhất. Đó là hoạt động nhân đạo đầu tiên của "Hải quân Ý" và khi đó Ý là quốc gia duy nhất trên thế giới khẩn trương cứu giúp thuyền nhân. Đó có lẽ là lý do tại sao một đoàn làm phim của quân đội đã đi theo trên tàu. Và Luca Ajroldi là phóng viên truyền hình duy nhất của đài RAI.
Thuyền nhân tị nạn Việt Nam trên tàu chiến
của hải quân Ý 40 năm trước đây
của hải quân Ý 40 năm trước đây
Xem clip "Sứ mệnh Việt Nam" ở đây:
Sứ mệnh cứu nguy là một cuộc chạy đua với thời gian
"Chắc chắn có sự thôi thúc của tình người khi đối mặt với những người nguy khốn. Và cũng có một sự tự hào nào đó về khả năng của họ với quân hàm cấp cao".
Trong vòng một thời gian rất ngắn, các con tàu được tu bổ, các đội ngũ được tập hợp lại, các tình nguyện viên được chiêu mộ. Francesco Serri là một bác sĩ ở Toskana và nhận được một cú điện thoại vào mùa hè năm 1979.
"Đô đốc Pons gọi cho tôi và nói: Thưa ông Serri, ông hiện có cơ hội duy nhất để trở thành bác sĩ trong sứ mệnh cứu nguy ở Biển Đông. Dĩ nhiên là tôi không ngờ và chuẩn bị gì cả, vì tôi đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình".
Nhưng Serri và nhiều người khác đã hoãn lại kỳ nghỉ của họ, thậm chí đám cưới cũng bị hoãn lại. Sứ mệnh cứu nguy là một cuộc chạy đua với thời gian. 20 ngày sau khi khởi hành, các tàu chiến Ý đã đến khu vực hoạt động trên Biển Đông.
31/10/2019