Bàn về Tự do - Dân Làm Báo

Bàn về Tự do

Albert Einstein * Nguyễn Ước (Danlambao) dịch - Tôi biết rằng thật vô vọng khi tiến hành việc tranh luận về những phán xét mang tính giá trị nền tảng. Thí dụ, nếu có người nào đó chấp nhận, như một mục đích, sự tận diệt loài người khỏi địa cầu, thì ta không thể dựa vào nền tảng lý lẽ nào để phản bác quan điểm đó. Nhưng nếu có sự đồng thuận về các mục tiêu và các giá trị nhất định thì ta có thể tranh cãi đầy lý lẽ về các phương thế chúng ta có thể dùng nhằm đạt những mục đích ấy. Vậy chúng ta hãy nêu lên hai mục tiêu có thể được đồng thuận bởi hầu hết những người đang đọc các dòng này.

1/ Mọi hàng hóa mang tính công cụ dùng để duy trì sự sống và sức khỏe của toàn thể loài người nên được sản xuất bằng sức lao động tối thiểu nhất có thể được. 

2/ Sự thỏa mãn các nhu cầu thể lý, quả thật là điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho cuộc sinh tồn vừa lòng đẹp ý, nhưng trong tự thân nó, nó không là điều kiện đủ. Để mãn nguyện, con người còn phải có khả năng phát triển các sức mạnh trí tuệ và nghệ thuật tới bất cứ mức độ nào phù hợp với cá tính và năng lực của mình. 

Trong hai mục tiêu ấy, cái thứ nhất đòi hỏi sự tăng tiến của mọi am hiểu liên quan tới những định luật của tự nhiên/thiên nhiên và những định luật của các diễn tiến xã hội, nghĩa là sự tăng tiến của mọi nỗ lực khoa học. Vì nỗ lực khoa học là một tổng thể tự nhiên nên các thành phần của nó hỗ trợ nhau theo cách thức bảo đảm rằng không một ai có thể đoán trước được. Thế nhưng tiến bộ của khoa học vốn tiền giả định một khả năng truyền đạt mọi kết quả và mọi phán xét mà không bị cấm cản, nghĩa là sự tự do diễn đạt và giảng dạy trong mọi cảnh vực của nỗ lực trí thức. Bằng từ ngữ tự do, tôi hiểu các điều kiện xã hội theo cung cách rằng sự diễn đạt các ý kiến và các xác quyết về các vấn đề tổng quát và đặc thù của trí thức sẽ không gây nguy hiểm hoặc bất lợi trầm trọng cho người diễn đạt chúng. Sự tự do truyền đạt này là cái không thể thiếu cho sự phát triển và mở rộng tri thức khoa học, một đánh giá có hàm ý rất thực dụng. Nhưng những định luật tự thân chúng không thể bảo đảm sự tự do diễn đạt; để mọi người có thể trình bày quan điểm của mình mà không bị phạt thì phải có tinh thần bao dung trong tất cả người dân sống trong xứ sở. Một lý tưởng như thế thì mang tính tự do ngoại tại (ở bên ngoài bản thân), không bao giờ sở đắc trọn vẹn, nhưng phải không ngừng tìm kiếm nó nếu muốn tư tưởng khoa học cùng tư duy có tính triết học và có tính sáng tạo nói chung, được tăng tiến cao và xa hết mức có thể được. 

Nếu mục tiêu thứ nhì, tức khả năng phát triển tinh thần của mọi cá nhân, được bảo đảm, thì loại tự do thứ hai - tự do hướng tới tương lai - là cần thiết. Con người không nên phải lao động để sở đắc những cái cần thiết cho cuộc sống tới độ không có thời giờ và sức lực dành cho những hoạt động cá nhân riêng tư. Không có loại tự do thứ hai - tự do hướng tới tương lai - thì loại tự do thứ nhất - tự do diễn đạt - thành vô dụng đối với bản thân mỗi người. Thăng tiến trong công nghệ hẳn sẽ cung cấp khả năng cho loại tự do (thứ hai) này nếu giải quyết được vấn đề phân phối lao động một cách hợp lý. 

Phát triển của khoa học và của các hoạt động sáng tạo tinh thần, nói chung, còn đòi hỏi một loại tự do khác mà ta có thể đặc tính hóa nó là tự do nội tại (ở bên trong bản thân). Nó là tự do của tinh thần hàm chứa trong sự độc lập tư tưởng, không bị cấm đoán bởi những thành kiến độc đoán, xã hội và bởi những thông lệ cùng tập quán nói chung có tính phi triết học. Tự do nội tại này là tặng phẩm không thường xuyên của tự nhiên và là mục tiêu đáng trọng cho mỗi cá nhân. Cộng đồng cũng có thể làm cho sự thành tựu này tiến xa hơn, hoặc ít nhất, không can thiệp vào sự phát triển của nó. Như thế, nhà trường có thể can thiệp vào sự phát triển của tự do nội tại qua ảnh hưởng chuyên quyền và qua việc đặt lên vai thanh thiếu niên các gánh nặng lớn lao; mặt khác, nhà trường có thể ưu đãi sự tự do này bằng cách khuyến khích tư duy độc lập. Chỉ khi nào tự do ngoại tại và tự do nội tại được theo đuổi một cách có ý thức và liên tục, thì mới có khả năng phát triển tinh thần và toàn hảo tâm linh, và như thế, mới cải thiện được cuộc sống nội tâm và hướng tới tương lai của con người.


Nguồn: Bài On Freedom, trong cuốn Ideas and Opinions của Albert Einstein, Crown Publishers, Inc, New York 1982, 1954 pp. 31-32 

Nguyên thủy, đươc in trong cuốn Freedom, Its Meaning (Tự do, ý nghĩa của nó), Ruth Nanda Anshen biên tập, Nxb New York: Harcourt, Brace anh Company, 1940. James Gutmann dịch. 

Người dịch:




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo