Ngàn Hương (Danlambao) - Đúng như dự đoán của nhiều người: Màn 1 vở hài kịch vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG đã khép lại và mức án được tuyên cho các bị cáo.
Sáng nay, 28/12/2019, TAND Hà Nội tuyên án với 14 bị cáo liên quan dự án MobiFone chi 8.900 tỷ đồng... Theo đó: “HĐXX tuyên phạt Nguyễn Bắc Son lãnh án chung thân, Trương Minh Tuấn 14 năm tù”.
Cái bùa hộ mệnh cho Nguyễn Bắc Son và đồng bọn là: “Các bị cáo có nhân thân tốt, bị cáo Son là người có công với cách mạng, được tặng thưởng nhiều bằng khen trong quá trình công tác. Ông Son được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định”.
“Với số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ, gia đình ông Son đã thay bị cáo tự nguyện nộp toàn bộ số tiền này. Do đó HĐXX đánh giá bị cáo thể hiện sự ăn năn hối cải nên không nhất thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình như đề nghị của Viện kiểm sát”(1).
Điều làm cho dư luận bất bình nhất là: Tòa đã tuyên một bản án vô cùng lố bịch dành cho Phạm Nhật Vũ.
Phạm Nhật Vũ, nhân vật chính của vụ án này chỉ bị tuyên 3 năm tù, thật quá khôi hài, vở tuồng quá dở.
Đây là vụ án có một không hai trong lịch sử nền tư pháp Việt Nam. Vì các vụ đại án xử quan tham chế độ thì rất nhiều, từ Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN, đến các Ủy viên Trung ương, từ tướng tá quân đội đến tướng tá công an, đủ các ngành các cấp và các địa phương đều “vinh dự” được góp mặt trong danh sách dài dằng dặc các quan tham. Nhưng chưa có vụ án nào mà hai vị bộ trưởng cựu và đương nhiệm của một bộ, đều là cán bộ cao cấp đã bao nhiêu năm được “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM”, đã viết sách răn dạy đạo đức cho cán bộ đảng viên, là cái loa tuyên truyền, chuyên nhồi sọ và bịp bợm hướng dư luận phải cùng suy nghĩ và hành động theo đường lối của đảng, nay chính họ lại là những kẻ thoái hóa biến chất số một, là kẻ “ăn cắp vĩ đại” nhất.
Trên thế giới rất hiếm khi xảy ra chuyện hai bộ trưởng liên nhiệm cùng dính vào một vụ âm mưu, làm thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỉ đồng như trường hợp ở Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Vì vậy có người nói rằng, trong những ngày diễn ra vụ án, lẽ ra Bộ 4T phải treo cờ rũ mới đúng
Không cần phải đợi đến lúc tòa tuyên án, thì dư luận đã biết trước rằng: “Phiên tòa đã thành công tốt đẹp, các bên tố tụng đã đạt được mục đích của mình, đó là tổ chức được phiên tòa ‘thành công’ với hình thức trói tội với những bị cáo trong số 14 bị cáo của phiên tòa. Đồng thời khép lại thành công vụ án để không xảy ra “điều tội tệ” nào với những nhân vật khác chưa bị gọi tên trong cáo trạng.
Những câu hỏi quanh vụ án này chưa co lời giải đáp:
1. Kẻ chủ mưu của vụ án này là ai?
2. Vai trò của cựu TT Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Côn an Tô Lâm như thế nào?
3. Số tiền 8.000 tỷ chúng chia chác như thế nào?
Trước khi bàn về câu hỏi 1, chúng ta hãy bàn về câu hỏi thứ 2, là vai trò của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đương kim Bộ trưởng BCA Tô Lâm trong vụ án này ra sao?
Vai trò Ba Dũng?
Một chi tiết rất đáng chú ý: Trước thời điểm thực thi thương vụ đen liều lĩnh và bẩn thỉu này, Bộ Thông tin &Truyền thông (Bộ 4T) đang có Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, với hơn 10 kênh phát sóng, chiếm thị phần chỉ sau VTV. Thế thì hà cớ gì, khi ấy Bộ 4T lại tìm mọi cách chuyển đẩy VTC về Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)? Nên nhớ rằng VOV khi ấy đã có 2 kênh truyền hình là VOVTV và Truyền hình Quốc hội. Phải chăng đây kịch của bản thương vụ mua bán AVG bắt đầu dọn dẹp chuyển đẩy VTC khỏi Bộ 4T, để Bộ 4T không còn có đài truyền hình thì mới dễ bề đạo diễn Mobifone mua AVG. Vậy ai là kẻ chủ mưu? Phần lớn lượng tiền khổng lồ này vào tay bố con ai? Phiên toà có trả lời được câu hỏi này không?
Tại phiên tòa chiều ngày 18/12, Nguyễn Bắc Son khai trước tòa rõ ràng rằng ông không phải kẻ chủ mưu, cầm đầu thương vụ AVG, mọi thứ đều có sự phê duyệt và làm đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Và Nguyễn Bắc Son khẳng định: “Tôi không phải người cầm đầu” (2).
Trên trang cá nhân của mình, nhà báo Tâm Chánh viết: “Cần yêu cầu ông Nguyễn Tấn Dũng điều trần trước Quốc hội”.
Theo đó: “Toà án không thể triệu tập ông Nguyễn Tấn Dũng để làm rõ thực hư chỉ đạo của Thủ tướng cho phép Mobifone mua lại AVG. Đó phải là câu hỏi chất vấn chánh án toà án tối cao, chất vấn trưởng bạn chỉ đạo cải cách tư pháp”...
“Đáng tiếc toà án đã không thể phân xử văn bản truyền đạt ý kiến của thủ tướng cho phép Mobifone mua AVG có phù hợp pháp luật, phù hợp thể chức văn bản hành chính hay không. Nhất là logic của việc Mobifone xin chức năng làm truyền hình, logic của việc mua lại giấy phép, bộ máy và thị trường của AVG mà không phải là đầu tư mới” (3).
Thế nhưng báo Pháp Luật Tp. HCM ra ngày 27/12/2019 có bài: “Vụ MobiFone - AVG: Mổ xẻ sự chấp thuận của Thủ tướng”.
Theo đó: “Phải nói ngay đúng là Thủ tướng từng có chỉ đạo về việc mua cổ phần giữa MobiFone với AVG. Cáo trạng của VKSND Tối cao có ghi nhận: Ngày 14-12-2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2678 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến MobiFone - AVG.
Theo công văn này thì Thủ tướng “chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ TT&TT thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật”.
“Quyết định chủ trương đầu tư đó phải được ban hành theo thể loại văn bản là quyết định, có chữ ký của Thủ tướng (hoặc được một phó thủ tướng ký thay). Tức không thể chỉ là một ý kiến chấp thuận được Văn phòng Chính phủ truyền đạt qua công văn”(4).
Điều đó chứng tỏ rằng: Dù ông Trọng và Tư Sang có muốn nhân dịp này để rửa mối hận thù không đội trời chúng với Ba Dũng, nhưng các phe phải trong ĐCSVM bây giờ chỉ lo đấu đá để đưa người của mình vào BCHTƯ khóa 13,vào Bộ Chính trị, và cao hơn là vào Tứ trụ là chính, vì vậy chưa chắc họ đã mặn mà gì ủng hộ Sang và Trọng trong việc này. Hơn nữa Ba Dũng bây giờ không thể đụng vào nồi cơm của họ nữa, thì họ phải tập trung lôi kéo các phe nhóm khác vào phe mình, và lo tiêu diệt những đối thủ khác có nguy cơ cản trở các con cờ của họ mà thôi.
Vai trò Tô Lâm?
Trong 56 trang cáo trạng của Viện Kiểm Sát Tối Cao hạch tội các bị cáo, nhưng không có một dòng nào nói đến trách nhiệm của tướng Tô Lâm.
Bản chất của việc Bộ Thông Tin Truyền Thông hỏi Bộ Công an thì trách nhiệm trả lời và xác minh thuộc về Bộ Công an và tướng Tô Lâm phải chịu trách nhiệm nhưng không hề được nhắc đến.
Để đảm bảo không có thông tin nào rỏ rỉ ra ngoài, ngày 5 tháng 3 năm 2015, Thứ Trưởng Trương Minh Tuấn ký văn thư số 44/BTTTT-QLDN gửi Tô Lâm và yêu cầu Bộ Công an đưa giao dịch này vào danh mục bí mật. Tướng Tô Lâm ký văn thư số 418/BCA-TCAN ngày 9 tháng 3 năm 2015, đã đưa các giao dịch này vào dạng mật và đó là một trong những lý do để vụ việc mua bán trái pháp luật này không bị phát giác. Văn bản 418/BCA-TCAN này vi phạm quyết đinh số 961/QĐ-BCA (A11) ngày 22 tháng 8 năm 2006 quy định về các danh mục bảo mật.
Có thể nói rằng những vi phạm mà các bị cáo bị truy tố đều do Tô Lâm gây ra, nhưng các bị cáo thì đi tù, còn Tô Lâm đứng ngoài vòng pháp luật. Căn cứ theo nội dung cáo trạng truy tố các bị cáo ra tòa và nội dung các văn thư mà Tô Lâm đã ký thì ông ấy phải là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới đúng.
Số tiền 8.000 tỷ chúng chia chác như thế nào?
Thông thường thì những phi vụ mờ ám “bắt tay dưới gầm bàn” thì hai bên thường chia theo tỷ lệ 50/50, nghĩa là mỗi bên một nửa.
Nhưng trong vụ này, phía bên bán là AVG chỉ có một mình Phạm Nhật Vũ, con bên mua là Mobifone cả một bầy sâu, thì lẽ đương nhiên tỷ lệ ăn chia sẽ khác. Dư luận cho rằng Phạm Nhật Vũ cao lắm chỉ được 20%.
Nên nhớ rằng sau khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) có kết luận thanh tra chỉ ra những vi phạm nghiêm trọng của vụ mua bán này, thì Trương Minh Tuấn liền viết bài phản bác và tố cáo TTCP không đề cập đến việc MobiFone và AVG trước đó đã chính thức hủy hợp đồng, và phía AVG đã “khắc phục hậu quả”. Nghĩa là khi đã lộ tẩy, cư sỹ Phạm Nhật Vũ đã đi gom số tiền đã chia chác mang về trả lại cho Mobifone. Các quan chức chắc chắn cũng hợp tác trả lại, chỉ có phần trót tiêu xài và biếu xén cấp trên thì không thu hồi được mà thôi. Con số 1000 tỷ mà Phạm Nhật Vũ nợ chính là phần rơi vãi không thể thu lại.
Số tiền Son, Tuấn và đồng bọn khai ra thực chất chỉ là số tiền mà họ không thể hoàn lại, chứ không phải là số tiền đã nhận thực tế.
Nhưng con số khai ra đó thực ra đã có sự thống nhất với các bên liên quan như công an, tòa án, UBKTTƯ..., và họ phải phải tính toán sao cho khớp về tỷ lệ của anh này, anh kia, cho giống thật. Nếu khai đúng số thực, ví dụ Son nhận 50 triệu đô thì làm sao khắc phục được để tránh án tử, hơn nữa Son cũng đã trả lại cho Vũ nhiều rồi.
Dư luận cho rằng: Vụ AVG này là vụ án duy nhất mà nhà nước có... lãi. Tiền nổi thì nhà nước đã thu hồi 100%, là hòa vốn. Còn tiền bị cáo đóng khắc phục là tiền lãi. Ngoài ra nào tiền chạy án, tiền thuê luật sư....
Trở lại câu hỏi thứ nhất: Ai là kẻ chủ mưu trong vụ này?
Theo Kết luận của Thanh tra chính phủ thì có đến 5 bộ ngành của chính phủ thời Nguyễn Tấn Dũng liên quan (5).
Xét theo cơ chế “vua tập thể” của nhà nước này thì những chủ trương lớn đều đều phải được thông qua Bộ Chính trị.
Như việc cho Tàu khai thác bô xít ở Tây Nguyên, hay cho Formosa đầu tư vào Vũng Áng, vụ Vinashin, Vinalines, và hàng trăm dự án thua lỗ ngàn tỷ khác đều là “chủ trương lớn của đảng”. Do đó cỡ Son, Tuấn, Trà... chỉ là những con tốt thí gánh thay tội cho những kẻ giấu mặt khác mà thôi.
Điều thể hiện bản chất của loài nhà sản qua vụ này là: Luồn lách, lươn lẹo, lấp liếm, lọc lừa và lỳ lợm.
Nhờ luồn lách nên chúng mới có cơ hội chui sâu leo cao để tìm cách vơ vét. Khi bị vạch mặt thì cấp dưới đổ cho cấp trên. Trương Minh Tuấn nói: Tôi ký các văn bản đều theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son, và Nguyễn Bắc Son chỉ đạo đưa thương vụ mua AVG vào danh mục tài liệu mật. Nguyễn Bắc Son sáng chối, chiều lại khai đã nhận 3 triệu USD hối lộ.
Tóm lại: Mỗi vụ đại án mà đảng đưa ra xét xử đều phục vụ cho mục đích của đảng, việc đốt lò là phụ, mà thanh trừng phe phái là chính.
Trước thềm Đại hội 13 của ĐCSVN cận kề, các phe nhóm thi nhau hoạt động hết công suất nhằm loại bỏ đối thủ và cài người của mình vào các bộ máy quyền lực.
Vậy mục tiêu chính của vụ trọng án này là gì, và những ai sẽ liên lụy, sẽ là những con cá tiếp theo sẽ lên thớt, thì "Hạ hồi phân giải".
Ngoài vụ Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải bị đưa lên thớt nhằm dẹp đường cho Vương Đình Huệ có cơ hội tiến vào Tứ trụ, thì vụ tử tù Hồ Duy Hải bỗng dưng được hoãn bản án tử hình cũng vì mục tiêu đó. Và vụ án sẽ được xét xử lại. Vậy những ai sẽ bị lộ diện xúi dục và chỉ đạo giết một thanh niên vô tội là Hồ Duy Hải để thay cho kẻ khác?
Vì trước đây khi còn ngồi ghế Chánh án TANTTC, chính Trương Hòa Bình đã bác bỏ đề nghị tái thẩm vụ án này. Nay Trương Hòa Bình cũng đang tích cực vận động cho một suất trong Tứ trụ. Chiếc ghế mà THB thèm khát nhất là Thủ tướng chính phủ.
Nhưng xem ra trong cục diện chính trường “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay, thì đứa con rơi của anh Ba nói riêng, và phe Nam+ nói chung ngày càng yếu thế trong cuộc chiến “một mất một còn” này, vì Tư Sang vốn gốc Hà Tĩnh đã rời phe Nam+ và tình nguyện đứng về phe Bắc+ “có ní nuận và là người Bắc”.
Chúng ta hãy chờ xem các màn kịch sẽ tái diễn trong một ngày không xa.
*
Chú thích:
28.12.2019