Chiến tranh không hao đạn, nhưng hao tài mất mạng - Dân Làm Báo

Chiến tranh không hao đạn, nhưng hao tài mất mạng

Thanh Thản Nhiên (Danlambao) - Mùa hè đỏ lửa của năm 1972 thật sôi động nhứt là vùng 1, 2 chiến thuật. Lệnh tổng động viên khẩn cấp ban ra. Các thanh niên, sinh viên trong độ tuổi quân dịch lần luợt xếp bút nghiên lên đường ra chiến trường sau thời gian thụ huấn ở các Trung tâm tuyển mộ nhập ngũ.

Năm này nơi quân trường Thủ Đức có các khoá đào tạo sĩ quan như khóa 1, 2, 3 /72 để bổ sung quân ngũ. Đặc biệt khóa 1/72 hầu hết các anh chị đã tốt nghiệp cử nhân luật, văn khoa... Không ít bác sĩ, kỹ sư, giáo sư đang hành nghề đều vào khóa 1/72 do nhu cầu chiến sự cấp bách. Bởi thế ba tiếng "tổng động viên" đã cuốn hút lớp trí thức trẻ này đều nhập ngũ tòng chinh. Chín tháng quân trường với những tuần huấn nhục đã hun đúc tình yêu non sông, đất nuớc trong lòng mình. Các anh tự ý thức câu nói "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Máu mình và máu đồng đội chiến hữu khi đánh nhau với giặc. Lúc đó giặc của các anh là ai? Có phải giặc từ phương Bắc vượt vĩ tuyến 17 ngăn đôi hai miền để họ tràn vào giải phóng miền Nam không? Câu hỏi này được trả lời đầy đủ trong lịch sử cùng mắt thấy tai nghe của đồng bào miền Nam trước và sau ngày 30/ 4/ 1975.

Nỗi đau mất nước như vết thương không bao giờ lành hay không muốn lành. Nó còn đau buốt để nhắc nhở tôi đừng bao giờ quên các chiến sĩ QLVNCH khi xưa, nhứt là trong mùa Quốc nạn. Cái tang mất nước lần nữa sắp trở về. Nhưng hiện tại thế giới đang có chiến tranh không cần tới vũ khí. Các chiến sĩ hải, lục, không quân phải ngồi bó tay, ngăn ngừa hoặc cách ly. Thời binh sao chẳng khác chi thời chiến! Rõ ràng báo chí mạng cùng các kênh truyền hình liên tục đưa tin mỗi ngày, mỗi nước có bao nhiêu người chết vì giặc... dịch và nhiễm bệnh. Con số tử vong mỗi nước tính đếm bằng đơn vị vài ngàn trở lên chứ không dưới. Uất ức thay họ không chết vì lằn tên mũi đạn, bị sụp bẫy gài mìn hay bị pháo kích mà chết vì bệnh Viêm phổi Vũ Hán. Nó chả cần chọn mặt gởi vàng ai hết, không phân biệt sang hèn. Tất cả đều thất thủ... qui tiên khi giặc Tàu này tấn công. Đích thị nó là tên giặc cộng nằm vùng ẩn náu trong cái bắt tay, cái hơi thở dịu dàng hay một tiếng ho cùng những cử chỉ xã giao của người lịch sự.

Để chống giặc bảo vệ dân lành, mọi quốc gia không trưng dụng lính tráng, chiến đấu cơ hay lính biệt kích cho rắc rối. Tất cả anh chị em không mặc áo trận, áo giáp mà thay vào đó là áo blouse trắng của người thầy thuốc. Các thiên thần áo trắng này không ở ngoài chiến địa mà phải ở trong nhà thương, tay sử dụng các thiết bị y tế cần thiết để khám đo thân nhiệt, máy trợ thở cho những người nhiễm nặng. Nước Mỹ đang căng thẳng vì số tử vong cao vượt qua Ý. Người chết hiện phải chôn tập thể ở Hart Island. Nơi đây chủ yếu giành để chôn cất người nghèo, tù nhân, người vô gia cư hay những người không được thân nhân nhận xác. Những Thiên Thần, Bồ Tát này phải khoác thêm áo giáp mỏng chống giặc virus, mang khẩu trang che mặt, mũi, mắt, tay phải mang găng và cầm lọ thuốc xịt tẩy khuẩn.

Các trường đại học y khoa ở tiểu bang Massachusetts và New York loan báo rằng họ sẽ đề nghị cho những sinh viên năm thứ 4 ra trường sớm, đưa họ vào bệnh viện để khởi sự chăm sóc cho các bệnh nhân trong khi nhu cầu cần nhân viên y tế đang lên cao.Quyết định này có thể giúp khoảng 700 sinh viên y khoa ở Massachusetts được quyền chăm sóc bệnh nhân sớm ít nhứt là 8 tuần lễ so với dự trù do tình hình đặc biệt trong đại dịch hiện nay (1). 

Augustin Valencia, y tá tại Madrid Tây Ban Nha cho biết chúng tôi đang chiến đấu cho mọi người và cố gắng không để bản thân lâm nguy. Trách nhiệm của người thầy thuốc có khác nào ý chí hào hùng của các anh chiến sĩ được động viên tinh thần "này bao hùng binh tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết chiến. Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành. Đi là đi chiến thắng, đi là mang mối thù thiên thu..." Tôi nghe mà còn chấn động tâm cang huống người chiến sĩ luôn mang theo bên mình bốn chữ "cư an tư nguy" khi rời trường, rời ngọn đồi Tăng Nhơn Phú đầy kỷ niệm. Hai hình ảnh các chiến sĩ ngoài chiến địa và người thầy thuốc trong bệnh viện tuy khác màu áo nhưng cùng trách nhiệm và bảo vệ đồng bào, đất nước “Tổ Quốc - Danh Dự - Trách nhiệm" như nhau. Bây giờ thế giới đang nguyền rũa tên giặc ghê tởm này, gọi nó bằng đủ thứ tên. Nó nhứt định không trả lời. Nó là tên giặc "Nói Không Được", nó đâu có miệng để cãi chày cãi cối với ai nhưng tất cả đều thấu đáo hồ sơ lý lịch của nó là bên Tàu. Một tên khách trú trá hình bay khắp muôn phương gieo thảm hoạ cho nhân loại. Dân chúng trốn sợ trong nhà. Kẻ đọc kinh sám hối, tụng chú cầu an dân lành, người thì than vắn thở dài. Trẻ con cũng bực bội bị ba mẹ giam lỏng. Đường phố lúc này như một thành phố chết, im vắng bóng người.

Ngoái nhìn về nước Việt Nam ta xem có khá hơn không vì ban đầu nghe nói "rất là khiêm tốn". Cũng có bệnh chớ chẳng không vì nằm sát "người lạ" kiêm sát thủ Corona Vũ Hán nói "không" thành nói phét. Nghe tin nước nào bị virus Vũ Hán sẽ được Mỹ sẽ cứu trợ thì lập tức bệnh bùng lên. Có điều kẻ ngu này thắc mắc là người bị truyền nhiễm đều do virus ở nước xa như Ý, Nhật, Hàn chớ không bị từ "nước lạ". Bây giờ Anh, Pháp, Đức cũng có bệnh chắc mai kia mốt nọ lại "chụp mũ" virus lây lan từ ba nước đó không chừng! Cũng ra biện pháp giãn cách xã hội và ông Thủ Tướng không ít lần phát loa kêu gọi "chống dịch như chống giặc" Lại nhấn mạnh thêm "Đất nước chính thức bước vào thời chiến. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài trong mặt trận phòng chống dịch". Tôi chú ý theo dõi chẳng nghe nói người ở vùng bị đi "kinh tế mới" như lúc đất nước "được giải phóng". Những người này bị trắng tay, tài sản mất hết vì nghe nhà nước khuyến khích đi sẽ được lo chu đáo thành thử cứ đi may ra sẽ thấy "ánh sáng cuối đường hầm" chăng? Họ quên câu nói của TT Thiệu vì đang túng quẫn trí. Cổng thông tin chánh phủ còn khẳng định tuần cuối cùng của tháng 3 được xác định là tuần mở màn cho cuộc "tổng tấn công mùa xuân 2020 vào Covid-19". Hàm ý so sánh với chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975. Tuyên ngôn hay tuyên bố nặng mùi súng đạn đúng y thời chiến trong trận tổng tấn công tết Mậu Thân 1968 (1).

Ông NXP còn tiếp tục thêm "cách ly toàn xã hội với tinh thần xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó" tạo ra bầu không khí băn khoăn và hoang mang. Nhưng chính quyền mỗi nơi vận dụng một kiểu. Đúng là phép vua thua lệ làng!

Chiến tranh virus đã giết chết hàng ngàn, hàng vạn dân vô tội khắp thế giới. Hẳn nhiên tài chánh quốc gia không cánh cũng đồng loạt bay ra để đoàn kết cứu trợ đồng bào hoặc nhập hàng tiêu dùng về y tế. Người viết xin lướt sơ qua các nước để xem chánh phủ "hao tài" ra sao nhé:

Mỹ và Đức tung những kế hoạch hỗ trợ kinh tế hàng ngàn tỷ đô la. Mỹ vừa đạt đồng thuận với Quốc Hội lưỡng viện về số kích cầu 2000 tỷ đô la. Đức cũng thông báo kế hoạch gần 1000 tỷ euro.

Pháp hỗ trợ kinh tế 100 tỷ euro được chánh phủ thông báo dự trù 20 tỷ để tài trợ cho các doanh nghiệp giữ lực luợng nhân viên theo chế độ "thất nghiệp bán phần" đồng thời hoãn thời hạn các doanh nghiệp phải nộp thuế và các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội. Bảy tỷ được dành để tài trợ cho các bệnh viện đang phải đối đầu với dịch Corona virus (2).

Trong cơn thập tử nhất sinh của bệnh nhân, chỉ có những Tiên thiên hay Bồ Tát áo trắng mới biết cách đương đầu với giặc dịch. Thủ Tướng Anh Boris Johnson nói ông "mang ơn cứu mạng đối với những nhân viên y tế đã điều trị cho ông trong quá trình mắc dịch Covid-19". Nước Pháp cũng thể hiện lòng biết ơn này, người dân hẹn nhau mở cửa tung hô hai tiếng Merci! trao gởi đến các chiến sĩ áo trắng khắp nơi.

Đức cũng vậy, mọi người đồng cảm căn dặn dây chuyền tối thứ bảy nhà nhà mở cửa ra balcon tung hô Danke schön! Một cử chỉ nhỏ nhưng chứa chan tình người biết ơn cả tôi trong số đó. 

Thụy Sĩ lại có sáng kiến mới lạ công phu hơn. Vào mỗi buổi tối giữa hoàng hôn đến 23 giờ, núi Matterhorn được chiếu sáng với chữ #Hope như một dấu hiệu của hy vọng và đoàn kết trong giai đoạn khó khăn này của đại dịch đã bắt đầu từ thứ ba 24/3. Một nghệ sĩ ánh sáng Gerry Hofstetter đã thực hiện cảnh ngoạn mục rất có ý nghĩa này (3).

Kết thúc gõ bài, tôi xin mạn phép mượn lời kinh thánh "Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm" để thân kính chúc tất cả mọi tấm lòng đều được như kinh cầu.

Chú thích:

(1) BBC.com
(2) rfi.fr
(3) FB "Dân Sàigòn xưa".

17.04.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo