Hết chiến tranh sao phải dạy “đả đảo”, “căm thù”? - Dân Làm Báo

Hết chiến tranh sao phải dạy “đả đảo”, “căm thù”?

Võ Ngọc Ánh (Danlambao) - Trước chiến tranh cha thoát ly đi làm du kích. Con về vùng tản cư tìm sự an toàn, được học hành.

Từng đêm con tránh đạn cha pháo kích từ trên núi xuống, trong căn cứ ra. Cũng lại qua màn đêm cha mò về bắn giết trong vùng tản cư. Nơi những người dân đang ngày đêm bảo vệ, dạy dỗ con. Nơi con cùng gia đình đang tìm sự an toàn.

Đâu chỉ pháo kích, phá đồn, cha còn phá cầu, phá đường, phá trường, phá tất cả những gì bên này cố gắng xây dựng lên để có một cuộc sống được bình thường.

Vì vậy, nơi con ở, dân gọi hành động của những người như cha là “giặc”.

Trường con học đem qua vừa bị cha pháo kích. Tường đổ. Mái sập. Bàn ghế gãy chỏng chơ. Nơi con vẫn nhận được bữa ăn lót dạ mỗi buổi đến trường. Con vẫn được khen, được thưởng, có bảng danh dự hằng tháng.

Cha có biết không?! Đầu tháng 3/1974, những người phe cha đã pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy, tại thị trấn Cai Lậy, tỉnh Định Tường (nay là Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). 

Ngôi trường đó đâu có may mắn như trường con học. Khi vụ pháo kích làm hơn 30 người chết và gấp đôi con số đó bị thương. Trong đó có nhiều bạn cùng học sinh, đồng tuổi như con cha à!


Khi chiến thắng, cha bắt con phải quên điều “Mỹ-Ngụy” dạy về tinh thần nhân văn, tự do, dân chủ và lấp vào đó bằng “khí thế cách mạng”.

Cha dạy con từ nay phải biết “Đả đảo Mỹ-Ngụy”, “Đời đời căm thù”. 

Cha ơi, thật không dễ “đả đảo”, “căm thù” những người, chính quyền đã từng cưu mang, giúp con tránh đạn, dạy con học, trao cho con sự an toàn, cho con không phải chịu cảnh đói.

Cha chiến thắng rồi, nhiều ngày con đến trường nhưng không phải học. Thay vào đó con phải cầm cờ đi bộ dọc theo con đường chính ở xã, ở huyện hô vang: “Đả đảo Mỹ-Ngụy”, căm thù người từng cưu mang con và tung hô đảng của cha, lãnh tụ của cha. 

Cha bảo, đó là nhiệm vụ chính trị của thời đại mới - thời đại XHCN con phải làm. 

Chiến thắng rồi, phe cha xây dựng lên không biết bao nhiêu tượng đài của “khí thế cách mạng” chỉa súng, vung gươm, tượng mạo hung hăng, mặt đầy sát khí... vào lòng người. Cha bảo, đó là những tượng đài giáo dục cách mạng.

Liệu con có thể trở thành người tốt bởi phải học, nuôi dưỡng sự căm thù, nhìn cảnh bạo lực qua các tượng đài mỗi khi ra đường không cha?! 

Cha mở ra cái thời, dân trong làng, trong xã đi làm không phải được tính lương, hiệu suất lao động, mà tính bằng điểm, sự có mặt. Để rồi đâu chỉ có cơm độn, con còn phải tập ăn bo bo. 

Con đói hơn. Quần áo con rách nhiều hơn. Cả xã hội miền Nam mọi thứ trở nên thiếu thốn hơn thời chiến tranh con sống cha à! 

Con lại phải hô cho chính mình:

“Đả đảo Mỹ-Ngụy ăn gạo bao.
Hoan hô bác Hồ ăn ‘lúa điểm’”.

Ăn ‘lúa điểm’ là “liếm đũa”. Đó là thực tế phe cha mang lại. 


Con hôm nay chẳng còn trẻ để xuống đường xuống đường hô “đả đảo”, “căm thù”. Nhưng nhìn những bảng đỏ, bang rôn ăn mừng chiến thắng lòng con đau thắt khi chế độ mà cha đã góp phần gầy dựng vẫn tiếp tục chia rẽ dân tộc này cha à! 

(Đôi dòng viết trên một ít kinh nghiệm bản thân, những chuyện trực tiếp nghe kể lại ở quê hương, nơi này nơi kia và vài tư liệu kiểm chứng trên Wikipedia).

18.04.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo