Hãy yên lòng rồi sẽ qua! - Dân Làm Báo

Hãy yên lòng rồi sẽ qua!

Thanh Thản Nhiên (Danlambao) - Khi không tôi lại siêng gỡ lịch mỗi ngày. Lúc trước chuyện vặt vãnh này trong nhà ưu tiên nhường cho tôi, không ai dành. Nhưng tôi hay quên và lười, chờ gom 1, 2 tuần mới tiện tay gở xuống. Còn bây giờ hết đông qua, xuân tới rồi hè sang hình như khắp mọi nhà ai cũng muốn giống tôi, cũng bị ăn không ngồi rồi. Hết đi ra lại đi vào trong khuôn viên mấy chục hay mấy trăm thước vuông của bốn bức tường. Người có việc quan trọng trong nghề nghiệp mới phải rời nhà.

Tự ví như thân bị quản thúc, đầu hàng do một con vật vô hình, nhỏ xíu nên nhiều người tức bực sanh ra trầm cảm đưa tới chán đời. Họ không ngừng ám ảnh bởi virus Vũ Hán. Mọi công ăn việc làm phút chốc như tê liệt khắp thế giới, không bệnh cũng có bệnh theo tâm sinh lý mỗi người. Đó là "phản ứng phụ" dù chưa uống thuốc trị bệnh virus. Đứng than thở hay nôn nóng cũng không tới đâu. Xin hãy đợi và thêm chút kiên nhẫn chờ vì dục tốc bất đạt! Cứ nghĩ thuốc trị bệnh sắp có rồi để hy vọng sống vui khoẻ. Tôi tự an ủi vì chúng ta còn diễm phúc được quây quần ấm cúng bên cha mẹ con cái trọn vẹn trong những ngày này hơn kẻ khác. Họ là ai thì ai cũng rõ. Đó là những chiến sĩ chống giặc không biên giới. Con giặc chẳng đứng trước mặt nhưng các anh hùng áo trắng, áo xanh trong chiến trường... bệnh viện phải luôn đối đầu để cứu bệnh nhân xui xẻo chạm nó đâu đây. 

Bổn phận người mang danh "lương y như từ mẫu" đang ở tuyến đầu là thế. Còn nơi hậu phương chúng ta phải làm sao để vơi bớt gánh nặng của 2 chữ "nhà thương". Bệnh không ai muốn nó tới nhưng đôi khi vẫn gặp nếu không đóng cửa phòng thân. Đóng bằng cách nào? Hơn bốn tháng nặng nề trôi qua, mọi nhà đều có ít nhiều kinh nghiệm. Vấn đề không phải là đóng và mở cửa. Nó còn nhiều lý do bị chi phối bởi chữ "nghiệp" nữa. Có câu nói "Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa". Đem virus Vi Cô ra mổ xẻ để thấy câu trả lời. Nhiều người quá lo sợ dịch viêm phổi lại sanh bệnh khác. Họ bị khủng hoảng tinh thần mọi mặt, bệnh tâm khởi phát khi bệnh thân chưa hoặc không tới. Có ông chồng bị cuồng chân trong nhà nên nổi khùng đốt nhà đã xảy ra rồi. Trong tiệm bánh mì gần nhà tôi hai tháng trước có một tên cực đoan hay kỳ thị chi mà vào tiệm ho sặc sụa rồi đi tới lui đưa lưỡi liếm lên khắp vách rồi đi ra. Hai cô bán bánh có con dâu tôi trong đó hoảng hồn trốn chạy sau bếp. Tiệm vắng khách vì còn cách ly, cấp tốc đóng cửa tẩy trùng. Lúc đó dịch chưa tới cao điểm nên chưa bố trí người gác cửa, kèm luật giãn cách gắt gao với xịt thuốc rửa tay cho khách hàng như bây giờ. Một bệnh tâm lý khác là người dân cứ nghe hay đọc tin "chiến sự" chết nhanh và quá tải. Không bị bệnh trầm kha kéo dài hàng tháng hàng năm nhưng lại ra đi "bất tử" như vậy nên lây bệnh khủng hoảng cho người xung quanh. Bạn bè than không dám coi tin tức nhiều quá phát bệnh theo. Cứ làm kẻ "ngu si hưởng thái bình" đi! Tôi đồng ý lý luận này. Đọc tin nào "nặng ký" kèm hình ảnh thảm sầu lập tức tôi cho lướt sóng, lướt mạng gấp.

"Mắt thấy hình sắc bên trong chẳng có, tai nghe chuyện đời tâm chẳng hay". Kinh điển nhắc nhở nhưng nào dễ hành trì theo là bởi "mắt ưa xem huyễn cảnh hàng ngày. Tai thích tiếng mật đường dua nịnh. Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh, lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go". Thật đúng, đôi khi chuyện không phải phạm vi mình, nó là chuyện của người lớn hay của thiên hạ mà ta cứ thích xen, xía vô. Thật thú vị!

Lướt sơ những căn bệnh tưởng này ta tìm cách đối trị nó. Đối trị ra sao? Có hai cách: Tự lực và tha lực. 

Tự lực: Tuy dễ mà khó. Cứ đọc sách, coi phim hài. Được cười to sảng khoái là khoẻ vì "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", khoa học chứng minh tôi chỉ lập lại. Cười phát ra tiếng là mình đang tống chất độc nội kết gồm sân, si, sầu muộn, lo lắng ra ngoài ta sẽ cảm nhận bớt nặng nề trong lòng. Bị hạn chế đi lại thì ta tìm cách thư giãn chỉ coi phim vui. Phim ảnh đã tung ra nhiều thể loại cho ai thích môn nào thì chọn. Tôi xin trích dẫn một vài phim trên báo theo đường link cuối bài:

- Phim dành cho khán giả thích được chăm sóc, âu yếm. 

- Dành cho khán giả chỉ muốn xem phim hài "chỉ có hài". 

- Dành cho khán giả vừa mê phim hài vừa mê phô mai, vừa mê ca hát v.v...

Trên đây là món giải trí lúc trước ta bận rộn, ít thời giờ xem hay đọc, bây giờ đem ra áp dụng. Đi chợ tôi thường để cuốn sách trong bóp đọc lúc chờ xe hoặc đi đoạn đường dài. Bây giờ tha hồ nghiền ngẫm trong mùa "gỡ lịch" này. Hay là chúng ta lôi vải ra may khẩu trang. Việc này cần thiết vì xứ tôi chưa bán, có thì hiếm, mắc mà mang rất ngộp thở trên 10 Euro lận ở tiệm thuốc tây. Tôi hỏi siêu thị họ bảo chờ vài tuần mà chúng ta hiện đang cần. Thôi tự lực cánh sinh vì nhà có đủ đồ nghề. Cần và đủ đã có, dư nữa là khác vì ngày dài lê thê. Lại lôi chổi ra quét dọn nhà cửa coi chỗ nào quá bê bối, xịt thuốc tẩy trùng cho yên bụng, ngủ ngon. Lau chùi bàn thờ kỹ hơn một chút. Mình cứ tưởng tượng sắp "ăn tết" lần nữa để hăng hái làm việc như ngày xưa mong tết trong lúc lối xóm mở cho nghe nhạc xuân lồng lộng "Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, mùa đông nào nhung nhớ". Bây giờ mùa Đông và Xuân của năm 2020 thật thê thảm, ai cũng nhớ đời. Mọi người chẳng còn lòng dạ nào ngắm hoa xuân hay ngắm anh đào nở của xứ Phù Tang nữa. Ai có khiếu may vá hoặc thích nấu ăn làm bánh, lợi dụng dịp không may bất đắc dĩ này họ chế tạo khẩu trang giúp từ thiện theo khả năng và hoàn cảnh mỗi người, vừa lợi lạc người khác, cho mình giết bớt thời giờ. Hoặc chăm sóc chậu kiểng, bình hoa kỹ hơn. Lo gieo trồng hoa quả nho nhỏ vì tới mùa rồi nếu chúng ta có được sân vườn lý tưởng. Có cư dân bên Tây Ban Nha dắt "thú cưng, lạ" để né lệnh ở nhà. Một chàng khác thì bưng chậu cá đi dạo ở thành phố nhỏ miền Bắc cũng của nước này. Rồi có người thì dắt gà đi dạo cũng vì muốn trốn những ngày dài nhất. Tất cả đều bị cảnh sát "hỏi thăm sức khoẻ" và phạt cảnh cáo (1).

Thật đáng phục vì trong cái khó ló cái khôn là đây. Nhưng thời gian cấm cung trong nhà có hai vấn đề bi quan và lạc quan: bi quan vì trong gia đình người chồng là kẻ lo về tài chánh bây giờ ngồi bó gối thì mọi êm ấm lúc trước giờ như có chiến tranh nóng, lạnh đưa tới cãi cọ từ nhỏ tới lớn. Lúc chưa thành chồng vợ họ ao ước "một túp lều tranh hai quả tim vàng". Sau bao năm sống chúng thấy khắc khẩu quá, cơm canh nguội lạnh không ai muốn ngồi chung. Dù có thuộc lời dạy của cha mẹ đôi bên "chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa một đời không khê", nghe xong bỏ qua tai mới ra thế. Bây giờ gặp cảnh trốn giặc nữa thì xung khắc càng thường xuyên hơn. Nhưng nói đi phải nói lại. Cũng nhiều gia đình luôn an lạc nên chồng hoặc vợ hy sinh bớt lo cho mình họ cứ "hạ mình xuống rồi kẻ khác sẽ kéo mình lên". Đây là câu trong Thánh kinh tôi nhớ không biết đúng chăng? Mong các bạn chỉnh dùm, rất cám ơn. Vợ chồng gắng tìm mọi cách để gia đình trên thuận dưới hoà thì đây là lúc họ biết thương nhau hơn. Nhìn con cháu có mặt bên ông bà, thấy chúng cười nói ngây thơ để quên đi việc bên ngoài là niềm an ủi cho tuổi già xế bóng. 

Tha lực:

Không thể tự lực ta đi tìm tha lực vậy. Ở Nhật người dân đã có cách phản ứng với đại dịch Covid-19 thật độc đáo. Đó là chia xẻ hình ảnh trên mạng về một sinh vật kỳ bí trông giống nàng tiên cá, với niềm tin nó sẽ giúp họ ngăn cản dịch bệnh. Amabie, hầu như đã bị quên lãng qua nhiều thế hệ. Nó là một yokai đem lại điềm lành (yokai có nghĩa là một nhóm các linh hồn siêu nhân nổi tiếng trong truyện cổ Nhật Bản) Trong gần 174 năm qua, Amabie không phổ biến cho lắm. Nhưng khi virus corona quét qua Nhật Bản, hình ảnh của nó gần đây xuất hiện trở lại. Đem hy vọng rằng những người chia xẻ bức hình sẽ giúp đại dịch này chấm dứt. Mọi người ở Nhật bắt đầu bán khẩu trang và nước rửa tay sát trùng có hình ảnh Amabie (2).


Người Việt chúng ta từ ngàn xưa đã biết cách trừ tà ếm quỷ thường xuyên đâu chỉ đợi có tai ương. Ở làng quê nhà nào cũng treo bùa Bát Quái ngay cửa ra vào tượng trưng cho kiến chiếu yêu loại ma quỷ không được bước vào nhà dân. 

Cầu đến chư Phật, Bồ Tát: Hạnh nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát là cứu giúp chúng sinh khi Ngài nghe tiếng kêu cứu. Ai là con Phật hay con Chúa đều nương nhờ tha lực của các Ngài khi chúng ta bị dồn đến bước đường cùng ngỏ tận. Dành một khoảng thời gian tịnh tâm nghĩ tới đấng cứu thế của mình thì trong lòng thật sự bình an, bớt hoảng sợ, giúp ta giảm bệnh tưởng tượng. Có niềm tin mãnh liệt cũng là liều thuốc đánh tan con bệnh thân và tâm khi chúng chờ ta đầu hàng là chúng chạy tới. 

17.05.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo