Brad Miner * Sơn Nghị (Danlambao) dịch - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô (18/5/1920 – 18/5/2020
Năm 1970, nhà bất đồng chính kiến Nga Andrei Amalrik xuất bản một cuốn sách mỏng với nhan đề, Liệu Liên Xô sẽ tồn tại đến năm 1984? Một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng khác, Natan Sharansky, kể lại rằng khi ông bị giam cầm trong nhà tù Liên Xô, năm 1984, trong một lần hỏi cung, đám mật vụ KGB đề cập đến cuốn sách của Amalrik và chúng cười chế giễu: “Amalrik đã chết mất xác từ thời nào, nhưng chúng tôi vẫn còn sống, vẫn đứng đây để hỏi cung ông.” Amalrik chết năm 1980, không sống lâu để xem lời tiên đoán của ông về Liên Xô thế nào vào năm 1984, và cũng chẳng sống lâu thêm một chút nữa để thấy câu trả lời của thắc mắc đó vào năm 1991.
Ai cũng biết lịch sử đã diễn ra như thế nào. Lời tiên đoán của Amalrik sai, mặc dù chỉ trễ bảy năm. Ông tin rằng bộ máy quan liêu cồng kềnh và độc ác của Liên Xô, sự đa dạng về sắc tộc của khối Xô-viết, sự đình trệ kinh tế và sự bất ổn xã hội sẽ quật ngã con Gấu Siberia. Tất cả xảy ra đúng như ông tiên đoán. Và ông nghĩ rằng cuộc chiến với Trung cộng là điều không thể tránh khỏi và chính cuộc chiến này sẽ làm nước Nga suy kiệt. Điều này cũng sai, tất nhiên, nhưng nếu thay thế Trung cộng bằng A-phú-hãn thì lời tiên đoán chẳng sai thực tế bao nhiêu.
Cũng như hầu hết các nhà bất đồng chính kiến, Amalrik thất vọng bởi chính sách hòa hoãn của phương Tây. Các tổng thống Nixon, Ford và Carter đều ân cần gặp gỡ nhà lãnh đạo khối Xô-viết Leonid Brezhnev, nhưng tất cả những người Nga yêu tự do (và hàng triệu triệu người dân sau Bức Màn Sắt) đều biết rằng sẽ không bao giờ có tự do ngôn luận, hoặc tự do tôn giáo, hay tự do kinh tế nếu chừng nào chủ nghĩa cộng sản còn thống trị.
Amalrik mất chỉ tám ngày sau khi Ronald Reagan được bầu làm tổng thống thứ 40 của Hoa kỳ, vì vậy ông không sống lâu để thấy một liên minh giữa Reagan và Giáo hoàng John Paul II trở thành một thế lực – kết hợp với những lực lượng mà Amalrik đã xác định trong cuốn sách trên – là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.
Câu chuyện về liên minh đó được kể lại một cách tuyệt hảo trong cuốn phim tài liệu mới của Robert Orlando, Kế hoạch Tuyệt Diệu: John Paul II, Ronald Reagan và Kết thúc Bi thảm của cuộc Chiến tranh Lạnh. Song song với nhà làm phim Orlando, Giáo sư Paul Kengor viết một cuốn sách đúc kết những cuộc phỏng vấn với các chuyên gia lần lượt xuất hiện trong cuốn phim: hai viên phụ tá Richard V. Allen và James Rosebush của TT Reagan, các nhà lãnh đạo tôn giáo như Đức Hồng Y Timothy Dolan và Giám mục Robert Barron, cũng như các nhà văn và nhà sử học Anne Applebaum, H.W. Brands, Douglas Brinkley, Marek Jan Jigakiewicz, Monika Jablonska, Stephen Kotkin, John O’Sullivan, Craig Shirley và George Weigel.
Riêng học giả O’Sullivan đã viết một cuốn sách tuyệt vời năm 2006, Tổng thống, Giáo hoàng và Thủ tướng: Ba người thay đổi thế giới, trong đó liên minh chống Liên Xô được mở rộng bao gồm Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh quốc. Bà đóng một vai trò trong Kế hoạch Tuyệt Diệu, theo nhận xét của học giả O’Sullivan, bà Thatcher là một người theo đạo Mêthôdit (một nhánh của Tin lành) và thẳng thắn phủ nhận dư luận cho rằng bà nằm trong sứ mệnh do Thiên Chúa chỉ định.
Tuy nhiên, theo nhà làm phim Orlando và GS Kengor, thì vai trò của bà nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Nếu điều này vẫn còn mông lung chưa hiểu rõ, thì chỉ vì, giống như bà Thatcher, tôi lớn lên và được nuôi dưỡng trong môi trường đạo Mêthôdit và miễn cưỡng chấp nhận một sự thật là có sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử đương thời, mặc dù tôi phải đồng ý, như John L. Allen Jr. viết gần đây, rằng chuyến tông du Ba Lan năm 1979 của ĐGH John Paul II đã “tạo ra sự sụp đổ liên hoàn và cuối cùng hạ bệ đế chế Liên Xô.” Lịch sử đã chứng minh điều đó.
Tuy vậy, bàn tay của Thiên Chúa trực tiếp đưa đẩy những sự kiện đó và sự đan kết hai cuộc đời của Ronald Reagan và Karol Wojtyla thật kỳ diệu. Từ những khởi đầu khiêm tốn, cả hai đã vươn lên và giữ vị trí lãnh đạo quan trọng nhất trên trần gian. Cả hai đều suýt chết vì những viên đạn sát thủ bắn đi chỉ cách nhau vài tháng.
Kengor và Orlando viết rằng khi các nhà sử học né tránh mối liên kết tâm linh giữa hai người đàn ông này và số phận gắn bó của cả hai, họ đã bỏ qua một thực tại rằng “cả John Paul II và Reagan đều tin tưởng vào Kế hoạch Tuyệt Diệu và cảm nghiệm được rằng họ đã được mời gọi để đóng một vai trò thiên tính.”
Còn hơn thế, tổng thống và giáo hoàng nhìn nhận vai trò đặc thù của nhau. Và cái tên gọi “thủ vai” thật quan trọng, khi cả hai bắt đầu cuộc sống trưởng thành bằng nghề diễn viên. Và chính Reagan thường nhắc đến “Kế Hoạch Tuyệt Diệu” mỗi khi nói về những gì ông và vị giáo hoàng cùng nhau thực hiện.
Kịch bản của cuốn phim được dẫn từng bước qua lời tường thuật của diễn viên Peter Reznikoff. Nhưng lõi cốt của cuốn phim là những lời bình luận của các chuyên gia, gợi nhớ đến những khía cạnh thật trong cuốn phim lãng mạn hoàn hảo mang tên Reds, năm 1981, của Warren Beatty về trí thức cộng sản trong buổi bình minh của Thời đại Xô Viết, chỉ khác là các nhân chứng trong cuốn phim của Orlando hiểu rõ ràng những sự kiện họ đề cập đến. Họ trình bày sự kiện một cách khách quan và không thoát khỏi màn sương của mẩu ký ức màu hồng xưa cũ, luôn cả sự dối trá gắn chặt với mẩu ký ức đó. Đây là một tương phản thú vị: trong cuốn phim tài liệu Orlando, họ nói về bàn tay thần bí của Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử, và hầu như ám chỉ những kẻ cánh tả già cỗi trong cuốn phim của Beatty đang loay hoay lạc lối trong màn sương dày đặc. Hoặc không chừng họ đang say liều “thuốc phiện tôn giáo” như Mác đã đừng nói.
Những kẻ cánh tả thường khẳng định rằng lịch sử đang xoay chuyển về những kết thúc tiến bộ - cứu cánh mơ ước của những nhà làm cách mạng. Kế hoạch Tuyệt Diệu thách thức chúng ta có nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa vào các sự kiện lịch sử và nhắc nhở chúng ta về những thành quả đạt được từ việc làm của những người luôn nung nấu một đức tin kiên vững, và với lòng can đảm khao khát tìm kiếm cứu cánh của Thiên Chúa.
Có phải chính niềm tin đã chấm dứt Chiến tranh Lạnh? Hãy nhìn lại Liên Xô, một trong những chế độ quân phiệt tàn bạo nhất trong lịch sử loài người, bị sụp đổ mà không tốn một viên đạn. Tám mươi triệu người đã bỏ mình trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa Phát xít. Còn Lênin, Stalin và đám tay sai đã giết chết hàng triệu người từ 1922 đến 1991, nhưng cuối cùng Đế chế Ma Quỷ đã bị đánh bại bởi một cuộc cách mạng nhung êm ả. (Mikhail Gorbachev, người đàn ông thiên định, cũng xứng đáng được ca ngợi.)
Trong cuốn phim Kế hoạch Tuyệt Diệu, tôi thật sự ngạc nhiên khi Craig Shirley cho rằng Reagan là một người “Công giáo văn hóa,*” một viện dẫn tuyệt vời… chưa cần biết điều này đúng hay sai. Và thật tuyệt vời hơn khi thấy vị đồng nghiệp, John O’Sullivan, xúc động trích lời bà xếp Margaret Thatcher khi ông phát biểu tại tang lễ của Reagan:
“Chúng tôi có một lợi thế mà Ronald Reagan không bao giờ có: chúng ta lấy ông ta làm gương.”
Cuộc đời của Thánh John Paul II cũng là tấm gương cho chúng ta noi theo. Mong rằng cả hai tấm gương soi là đòn bẩy nâng đỡ chúng ta vượt qua mọi thử thách trên đường lữ thứ.
* Công giáo văn hóa (cultural Catholic), là những người giữ đạo tùy tiện, không nhất thiết theo sát luật như những người Công giáo thuần gốc. Shirley gán cho Reagan cái tên “Công giáo văn hóa” vì Reagan theo Tin lành.
18/05/2020