Clip Trần Việt Thái - Dân Làm Báo

Clip Trần Việt Thái


Clip Trương Giang Long

Trước khi nói về clip Trần Việt Thái, xin nhắc bạn đọc DLB về clip Trương Giang Long.

Tháng 3 năm 2017, dư luận xôn xao về clip của Thiếu tướng Công an Trương Giang Long, từng là giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, Trưởng bộ môn Triết học - Xã hội học, rồi trở thành Giám đốc Học viện Chính trị công an nhân dân. Trong Clip, ông này có những phát biểu “nhạy cảm” về quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Hoa và những thông tin có thể xếp vào loại “bí mật nhà nước”. 

Không ai xác định được “động cơ” nào khiến ông làm như vậy, vô tình hay cố ý, do cá nhân tự phát hay do chỉ đạo từ trên, nếu có những thông tin nhạy cảm như vậy thì tung lên mạng làm chi, ai cả gan dám tung; nhưng rõ ràng là nội dung phảng phất những tố giác Trung Quốc, trách móc lãnh đạo, có vẻ như tự diễn biến, tự chuyển hóa, một điều cấm kỵ của đảng viên.

Chờ đến 7 tháng sau, ngày 2 tháng 10 năm 2017, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Thành đã trao quyết định nghỉ công tác, chờ hưởng chế độ hưu trí đối với Thiếu tướng Long. Một tháng sau, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. 

Ai muốn hiểu số phận ông này ra sao thì hiểu, nhưng từ đó đến giờ, ông Long coi như đã biến mất trên thị trường. 

Có thể xem lại clip này tại https://www.facebook.com/hohaibd/posts/163761368645985

Clip Trần Việt Thái

Ngày 14 tháng 8 vừa qua, chương trình truyền hình An Ninh Tivi phát đi “Buổi báo cáo thời sự chuyên đề của Bộ Công an” dài 40 phút. Người thuyết trình là TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Ngoại giao. Ngồi nghe là các công an trong một khán phòng ở trung ương và đồng thời được phát hình cho các công an ở các tỉnh.


Mặc dù nội dung bài nói chuyện của TS Thái cũng có những thông tin “nhạy cảm”, kể cả những thông tin về quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Hoa, nhưng dư luận không thấy xôn xao nhiều như sau cái clip của Trương Giang Long. Nhưng hai clip giống nhau ở chỗ khó xác định được “động cơ” nào khiến hai ông làm như vậy, vô tình hay cố ý, do cá nhân tự phát hay do chỉ đạo từ trên.

Chương trình truyền hình An Ninh Tivi không thấy nói bài nói chuyện của TS Thái xảy ra ngày nào, nhưng qua nội dung, có thể đoán xảy ra vào cuối tháng 10 năm 2019, tức là 10 tháng sau khi xảy ra mới phổ biến, khiến người ta đặt dấu hỏi về thời điểm công bố và mục đích khi công bố.

Cũng qua nội dung dài 40 phút, ta có thể thấy những gì công bố đã được cắt xén bớt, nhiều chỗ không được liên tục, phần này nhảy sang phần kia không được trơn tru, biên tập kém, có nghĩa là tuy phát ra cho công chúng, nhưng chỉ phát những gì mà thẩm quyền bật đèn xanh cho phát muốn cho quần chúng biết.

Trong phần sau đây, Phóng Viên Vỉa Hè (PVVH) ghi lại một số thông tin mà TS Thái đã xì ra trong bài nói chuyện trước đám công an “để các đồng chí có thể sử dụng để phục vụ cho công việc của mình.”

Sau mỗi đề tài, PVVH có xía vô bàn vài câu để bạn đọc góp ý thêm cho vui. Phần nằm trong ngoặc đơn là để làm sáng tỏ ý của người nói trong clip.

5 VÒNG CUNG CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC

TS Thái: Trung Quốc đang xây dựng các phòng tuyến chiến lược mới theo các hướng như sau, khi họ muốn vươn ra thế giới ngoài .

VÒNG CUNG TRONG CÙNG: Bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu và một phần Mông Cổ. Ngay khi Mark Esper nhận chức bộ trưởng quốc phòng Mỹ, việc đầu tiên là ông ta đi thăm Mông Cổ, mục đích xin bố trí tên lửa, nếu được thì tốt, nếu không thì cũng làm Trung Quốc đau đầu. Khi Nam Triều Tiên bố trí dàn tên lửa THAD của Mỹ, họ gặp rất nhiều phiền phúc do Trung Quốc gây ra, do đó nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc ở Trung Quốc phải chạy sang Việt Nam, gần Ciputra, cầu Nhật Tân.

VÙNG THỨ HAI: Miền Nam Trung Quốc với Đài Loan làm cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương. Ở đây dính tới Okinawa và dãy đảo Senkaku (Điếu Ngư). Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ Senkaku vì nó nằm giữa Okinawa và Đài Loan. Nếu Mỹ bố trí được tên lửa ở Okinawa thì nó có thể chĩa hướng Bắc (Bắc Kinh) hoặc hướng Nam (Đài Loan).

VÀNH ĐAI THỨ BA: Bắc Myanmar, Bắc Lào, Bắc Việt Nam, thành phố Tam Á của đảo Hải Nam, Hoàng Sa, Rạn san hô Scarborough, Luzon của Phipippine, Trung Quốc đã thuê 3 đảo của Luzon, và nới rộng thêm nữa về hướng Đông Bắc. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc chọn xây Formosa ở Vũng Áng đâu, vì Formosa nằm trên tuyến này. Trung Quốc xây dựng vòng đai này để canh gác giữa Đài Loan và Guam - Hawaii. Mỹ và đồng minh hay tập trận ở vùng biển này để có thể tiếp ứng Đài Loan hoặc tiếp ứng Okinawa.

VÀNH ĐAI THỨ TƯ: Từ vịnh Bengal qua kênh Kra của Thái Lan. Trung Quốc mặn mà với Campuchia vì muốn kiểm soát cảng Sihanoukville hoặc căn cứ Hải quân Riem để phục vụ vành đai này. Ở đây có Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), Trường Sa, đảo Guam. Căn cứ Hải quân Riem không quan trọng nhưng nó có đường băng 3.000 mét để dự bị phục vụ cho Trường Sa.

VÙNG CUỐI CÙNG: Maldive, Sri Lanka, Singapore, toàn bộ Indonesia, các đảo Nam Thái Bình Dương, chưa kể Úc.

Chiến tranh sẽ xảy ra quanh 5 vùng này.

PVVH: Nếu nhận định của TS Thái đúng thì Đặc khu Vân Đồn và khu công nghiệp Vũng Áng phải do Trung Quốc kiểm soát để chuẩn bị cho tuyến phòng thủ số 3. Formosa chỉ là cái cớ để Trung Quốc “mua” khu công nghiệp này, không cho người Việt ra vào. Xui một cái là Formosa làm ăn cẩu thả, vụng về thải chất độc ra tèm lem nên bị người Việt để ý nhưng không làm gì được vì Hà Kim Cự đã nhận phong bì và chia chác cho cấp trên rồi.

Và nếu nhận định của TS Thái đúng thì trước sau gì Trung Quốc cũng phải kiểm soát Đặc khu Phú Quốc để chuẩn bị cho tuyến phòng thủ số 4. Đặc khu Bắc Vân Phong có thể tốt cho Trung Quốc để dùng cho tuyến số 3 hoặc 4? 

HOA KỲ ĐỐI PHÓ RA SAO?

TS Thái: Để đối phó với 5 tuyến phòng thủ chiến lược này của Trung Quốc, Hoa Kỳ đang củng cố lực lượng với bộ chỉ huy tại Hawaii và Guam. Hoa Kỳ đã nhận được sự hợp tác tích cực của Nhật, Hàn, Đài Loan, Singapore nhưng Việt Nam vẫn còn ỡm ờ. 

PVVH: Các nước Nhật, Hàn, Đài Loan, Singapore hợp tác rất tốt với Mỹ để đối phó với các tuyến 1, 2, 3 và 5 của Trung Quốc. Nhưng với tuyến số 4 Mỹ đang cần Việt Nam hợp tác nhưng Việt Nam cứ “ỡm ờ”, ông Thái dùng từ này rất đắt, ai muốn hiểu sao cũng được. Cô gái ỡm ờ với chàng trai thì phải chăng có nghĩa là tình trong như đã mặt ngoài còn e? Sợ Bắc Kinh nổi giận? Chính sách Ba Không của Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định đu dây là khôn ngoan? Mỹ chưa trả đúng giá? Phải đảm bảo cấp visa cho toàn bộ thành viên Bộ chính trị và gia đình nếu có biến? Đảm bảo không đóng băng tài sản của họ bên Mỹ?

QUAN HỆ VIỆT - TRUNG (phút 7:00)

TỔNG QUÁT

TS Thái: Thời gian vừa qua có 3 chuyện đáng chú ý. Một, năm nay là năm kỷ niệm 40 năm chiến tranh Việt-Trung; hai, tranh chấp biển đảo; và ba, có 4 chuyến thăm cấp cao.

PVVH: Nói chuyện giữa đồng chí với nhau nên TS Thái gọi đích danh Trung Quốc, không gọi Nước Lạ. Chuyện đáng chú ý thứ ba mà ông nói đã bị cắt bớt vì đang nói chuyến thăm thứ nhất của Nguyễn Xuân Phúc thì chuyển sang chuyến thứ 3 của Võ Văn Thưởng và không có chuyến thứ 4. Tra Google thì thấy chuyến thứ hai hoặc thứ tư là của Nguyễn Thị Kim Ngân, đến Bắc Kinh ngày 10 tháng 7 và được Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư tiếp. Bà Ngân không phải là một trụ nặng ký và sau chuyến đi không có thành viên nào trốn ở lại Bắc Kinh, nhưng sao chuyến thăm lại bị cắt?

KINH TẾ THƯƠNG MẠI (phút 8:30)

TS Thái: Một, Thâm hụt nhiều hơn mấy năm trước vì Trung Quốc thay đổi thủ tục thông quan đối với hàng nông sản nhập từ Việt Nam và Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, từ 6,2 sang 7,1 tệ (thời điểm cuối 2019), tăng thêm áp lực cho đồng tiền Việt Nam, cho hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Hai, xu hướng dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang các nước khác đang tăng, đặc biệt không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp Trung Quốc nữa. Tại sao ngay cả doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn dịch chuyển? Có 3 lý do, một, chi phí lao động tăng; hai, môi trường kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn; và ba, các doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn hơn khi muốn tiếp cận thị trường các nước phương Tây. Khi doanh nghiệp Trung Quốc muốn dịch chuyển thì họ nhắm đến miền Bắc Việt Nam nhiều hơn; do đó, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh là những trọng điểm của các doanh nghiệp Trung Quốc. (phút 10:00)

Vấn đề thứ ba về kinh tế thương mại là dán nhãn xuất xứ. Trong tương lai, hàng Trung Quốc sẽ bị siết nhiều khi muốn vào các thị trường lớn trong khi Việt Nam ký rất nhiều FTA (Free Trade Agreement) với các nước. Trong tương lai, thị trường Việt Nam sẽ rất mở, do đó, nguy cơ phải xử lý những vấn đề liên quan đến ổn định an ninh kinh tế với Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức mới với Trung Quốc trong thời gian tới.

PVVH: Hình như ý TS Thái muốn nói các doanh nghiệp Trung Quốc chạy sang Việt Nam sẽ tiếp tục sản xuất nhưng sẽ dán mác làm tại Việt Nam, sử dụng nhiều công nhân mang từ bển qua, Việt Nam chỉ gặm xương, mang tiếng xuất sang Mỹ nhiều triệu USD hàng dệt may, giày da, đồ gỗ, nhưng đô la thì chui vào túi các doanh nghiệp Tàu, vậy thì phải làm thế nào, và muốn cấm thì cấm có được không, Bắc Kinh sẽ can thiệp không? Các nơi sẽ có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dọn sang là Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh; như vậy, giá đất ở những nơi đó sẽ tăng, sẽ có những màn giải phóng mặt bằng, cưỡng chế đất và… dân oan.

CHÍNH TRỊ NGOẠI GIAO QUỐC PHÒNG 

TS Thái: Vừa rồi Trung Quốc kỷ niệm 70 năm quốc khánh của họ (1 tháng 10). Từ cuối tháng 6 đến nay đã có hơn 30 cuộc giao thiệp với Việt Nam, chủ yếu về biển đảo, diễn ra vào Quốc khánh của ta và Quốc khánh của họ.

(Phút 12:30) Quan sát những phát biểu của Tập Cận Bình nhân dịp này, ta thấy có nhiều thông điệp và hàm ý. Một, nội bộ, trấn an trong nước. Hai, không từ bỏ mục tiêu chiến lược là phục hưng dân tộc. Ba, nhắm vào Mỹ và phương Tây. Bốn, sứ mạng lịch sử của đảng Cộng sản là dẫn dắt dân tộc đi tới phục hưng.

Chuyện lạ: chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa do phía Trung Quốc chủ động, họ muốn gặp ta trước khi có hội nghị Shangri-La ở Singapore. Lúc đầu chuyến thăm dự định từ 27 tới 30 tháng 5, nhưng kết thúc sớm một ngày, bỏ chuyến đi thành phố HCM, lấy lý do họ phải gặp quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan trước Shangri-La vào ngày 31. 

Trong thời gian ông Ngụy ở Việt Nam có hai điểm mới, lần đầu tiên kể từ khi ngưng viện trợ vào năm 1977 (sau 42 năm, 2 năm trước khi dạy cho Việt Nam một bài học 1979) và lần đầu tiên kể từ khi nối lại quan hệ với Việt Nam (1990, Hội nghị Thành Đô) Trung Quốc viện trợ không hoàn lại 10 triệu Nhân dân tệ (khoảng hơn một triệu đô la) gồm trang thiết bị cứu hộ cứu nạn trên biển.

PVVH: Mặc dù có chuyện lạ, lần đầu tiên sau mấy mươi năm mới viện trợ lại, mặc dù số tiền không nhiều nhưng mang tính biểu tượng cao; vậy mà đáng lẽ thăm Sài Gòn ngày 30 nhưng phải bỏ vì, theo lời TS Thái, họ Ngụy phải gặp Shanahan trước khi Shangri-La khai mạc vào ngày 31. 

Tra Google thì thấy lý do họ Ngụy cắt ngắn chuyến đi Việt Nam là không hợp lý. Cuộc gặp giữa hai bộ trưởng quốc phòng Hoa-Mỹ đã được lên lịch từ lâu, rất khó thay đổi giờ giấc bất ngờ vào phút chót đến nỗi họ Ngụy phải bỏ, không thăm Sài Gòn..

Tài liệu của Đối thoại Shangri-La và của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho thấy Shanahan phát biểu tại hội nghị lúc 8 giờ 15 sáng ngày 31, và sau đó gặp riêng trong 20 phút với họ Ngụy, bên lề hội nghị, có thể là sau khi diễn giả cuối cùng của buổi sáng ngưng nói.

Có nghĩa là nếu muốn, họ Ngụy vẫn có thể vào Sài Gòn sáng 30, cà phê với Nguyễn Thiện Nhân lai rai cho đến chiều thì bay sang Changi, ngủ lại đó rồi sáng hôm sau, ngày 31, gặp Shanahan vẫn còn kịp. Có nghĩa là lý do cắt ngắn mà TS Thái đưa ra không ổn. Lý do thực sự chỉ có cỡ như Ngô Xuân Lịch mới biết hoặc TS Thái biết những không muốn nói. 

Phải chăng trong hai ngày ở Hà Nội, mặc dù họ Ngụy có trao quà nhưng có cái gì đó khiến ông ta không hài lòng nên ông cóc thèm đi thăm thành Hồ, làm Nhân mất dịp khoe bản đồ không có Hoàng Sa Trường Sa?

TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG VỚI 6 NỘI DUNG (15:00)

TS Thái: MỘT: Thềm lục địa Việt Nam có khá nhiều tài nguyên, hầu hết tài nguyên dầu khí nằm sát bờ biển chúng ta và sâu xuống phía Nam, không nằm phía Bắc vì phía Bắc có mấy cái rãnh. Trung Quốc luôn luôn thèm thuồng. Cần phải hiểu về mặt địa chất, vùng Trường Sa hoàn toàn cách biệt vùng Bãi Tư Chính, do đó Trường Sa không dính vào câu chuyện 200 hải lý, ít nhất là về mặt cấu tạo địa chất, cho nên các ông (Trung Quốc) đừng có bịa ra, đừng có mà giải thích bóp méo luật biển.

Ngay từ những năm 1980, Đảng đã chủ trương khai thác tài nguyên; đầu tiên là Bạch Hổ, rồi Rạng Đông, sau đó là các mỏ Sư Tử. Khi dầu bắt đầu cạn, chúng ta đã tận dụng khí cho nên đã xây đường ống nối các mỏ Rạng Đông, Bạch Hổ, Sư Tử đưa vào đất liền ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau này khi chúng ta khai thác các mỏ phía dưới như Rồng Đôi, Lan Tây, Lan Đỏ, Hải Thạch, Mộc Tinh, thì khí là chính, dầu thì có nhưng không nhiều. Do đó, khi quyết định xây đường ống Nam Côn Sơn thì đây là đường ống chiến lược về an ninh năng lượng.

Trên thực địa, từ 12 tháng 6 (2019) tập đoàn dầu khí Petro Vietnam đã liên doanh với Rosneft khai thác cách phía Đông mỏ Lan Tây khoảng chục hải lý, thuộc khu vực Lô 0601. Đây là việc khoan để khai thác nhằm nối với đường khí Lan Tây - Lan Đỏ để đưa khí về đất liền. Theo kế hoạch thì đến 30 tháng 7 thì xong. Cuối tháng 6, Trung Quốc phản đối vì cho rằng chúng ta đang khai thác trong vùng có tranh chấp, chưa được sự đồng ý của họ. Họ đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 từ Hải Nam xuống, cứ chạy lên chạy xuống, có những lúc chỉ cách biển Việt Nam 32 hải lý, chung quanh khu vực Phan Thiết. Để bảo vệ chiếc Hải Dương 08, Trung Quốc cho 35 tàu gồm chấp pháp, hải cảnh, hải giám, kể cả tàu cá; hộ tống bố trí theo hình cánh cung. Họ cản phá tàu đánh cá của ta và cản phá hoạt động đi lại của các tàu khác.

Để đối phó, chúng ta cũng triển khai một số tàu gồm kiểm ngư và Cảnh sát biển ở vòng trong, còn Hải quân ở vòng ngoài; lúc cao điểm có đến 27 chiếc. 

Có những lúc Trung Quốc có những hành động mang tính bạo lực và đe dọa sử dụng vũ lực, ví dụ dùng vòi rồng, mở bạt pháo và chĩa pháo về phía tàu chúng ta, gây ra tình hình căng thẳng ở khu vực Bãi Tư Chính. Tổng cộng trong vòng mấy tháng kể từ đầu tháng 7 năm 2019, tàu Hải Dương 08 rút ra rút vào 3 lần ở khu vực.

HAI: Xác định nguyên nhân. Chúng tôi đánh giá có 4 hoặc 5 nguyên nhân như sau: (Phút 23:20) 

1. Trung Quốc phản đối Việt Nam hợp tác với bên thứ ba để khai thác vùng có tranh chấp mà không được sự đồng ý của họ. Có một điểm mới là họ không sử dụng Đường lưỡi bò, thay vào đó họ vẽ ra 200 hải lý tính từ Hoàng Sa, tức là họ vận dụng công ước UNCLOS 1982 một cách thô bạo.

2. Vừa rồi trong đàm phán COC, Trung Quốc đưa ra yêu sách buộc các nước ĐNA không được hợp tác với bên thứ ba để khai thác dầu khí trong Biển Đông. Việc cho tàu Hải Dương 08 đi qua đi lại là nhằm thực hiện yêu sách đó. Trong lúc đàm phán bản thảo COC được một năm, Trung Quốc yêu cầu các nước ASEAN tham gia đàm phán không được phát biểu ra bên ngoài, nhưng chính cái ông Vương Nghị lại tuyên bố đàm phán diễn ra tốt đẹp, đúng tiến độ, khiến cho Mỹ và các nước phương Tây hết sức bức xúc, cho rằng Trung Quốc đang thao túng các nước ASEAN, ép các nước ASEAN không được nói, còn mình thì thao túng dư luận. 

3. Kết quả hội nghị Bắc Đới Hà (11 tháng 7, 2019) rất phức tạp, liên quan đến tình hình nội bộ của Trung Quốc nên chúng tôi đánh giá rằng Trung Quốc muốn đẩy mâu thuẫn bên trong ra bên ngoài, thu hút sự chú ý của dư luận trong nước ra tình hình bên ngoài để đổ lỗi tình hình mâu thuẫn nội bộ này cho các nước bên ngoài, kể cả tình hình Hong Kong. Họ muốn thử Việt Nam sau khi thấy ép được Lô 136-03 (khu vực Bãi Tư Chính - Vũng Mây), thì họ muốn đẩy tiếp, họ cũng muốn thử Mỹ và ASEAN. Chuyện đáng nói là mặc dù khu vực này có nhiều tài nguyên, nhưng Trung Quốc có làm chủ cũng không làm gì được. Do đó, chuyện đi lại của Hải Dương 08 không phải là khảo sát địa chất, mà chúng tôi không loại trừ khả năng tàu này có thể thả vài loại thiết bị nào đó xuống đáy biển để phục vụ cho một trong những tuyến phòng thủ chiến lược nói lúc nãy. (Phút 27:25 – bị cắt để chuyển sang đề tài khác, không có các nguyên nhân và các nội dung tiếp theo)

Lần này có cái gì mới? (vì bị cắt nên không rõ phần này thuộc nội dung nào) 

Thứ nhất, khác với những lần trước, lần này Trung Quốc bố trí một lực lượng rất mạnh ở Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) để có thể phản ứng rất nhanh. Trước đây, nếu triển khai từ Hải Nam thường phải mất 48 tiếng thì bây giờ chưa đến 7 tiếng, thậm chí còn nhanh hơn Việt Nam. Nếu Trung Quốc quân sự hóa được Trường Sa thì họ sẽ dễ dàng không chế khu vực.

Thứ hai, lần này họ không dùng Đường lưỡi bò, họ vận dụng pháp lý để trông có vẻ hợp lý hơn. Vương Nghị nói tại hội nghị ASEAN: “Việt Nam có quyền có vùng đặc quyền kinh tế thì Trung Quốc cũng có quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam đổ lỗi cho Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Việt Nam cũng đang khai thác trong khu vực chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.” Như vậy, họ đã đánh tráo khái niệm.

Thứ ba, lần này họ nhắm vào liên doanh Việt Nga vốn đã hoạt động rất lâu ở khu vực này. Ngoài ra họ còn nhắm vào các đối tác khác chứ không riêng gì Việt Nam.

Bản chất của việc này là gì? Trung Quốc muốn biến những vùng không có tranh chấp thành những vùng có tranh chấp và từng bước, muốn độc chiếm khu vực này nhằm phục vụ ý đố chiến lược của họ như tôi nói.

CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ CỦA TA (29:40)

Một mặt ta kiên trì kiến quyết trên thực địa. Lần này có hai cái mới, hai chữ B: Bình tĩnh và Bình thường, trong cách ứng xử, biến nó thành bình thường.

Cái thứ hai là chúng ta đã kiểm soát tốt tâm lý của dư luận trong nước, khác với vụ giàn khoan 981 (tháng 5, 2014). Trong khi vụ 981 xảy ra ở cửa ngõ nhà mình thì vụ này nó xảy ra trong phòng khách phòng ngủ nhà mình. Nó liên quan rất sâu đến chủ quyền đất nước cho nên các nước phản ứng rất thận trọng.

Cái khác nữa là lần này chúng ta xử lý rất tỉnh táo. Nếu vụ 981, cái giàn khoan còn lù lù đó mình chưa đuổi được thì trong nước mình đã có chuyện. Lần này chúng ta làm rất chặt. Lần này có sự trưởng thành về nhận thức của nhân dân trước thách thức mới của đất nước, có sự trưởng thành về cách ứng xử của các cơ quan công quyền của chúng ta, trong bối cảnh phúc tạp mới. Chúng ta tự tin hơn, bình tĩnh hơn và tỉnh táo hơn trong cách ứng xử, vẫn giữ được ổn định. Họ bức xúc thì mình cũng phải đáp ứng ở một chỗ nào đó, chúng ta cũng có lợi trong câu chuyện ổn định. 

Bài học rõ ràng và xuyên suốt là không có thù vĩnh viễn, không có bạn vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn. 

Việc đấu tranh và xử lý của chúng ta là khá đồng bộ. Xử lý về dư luận, thực địa, ngoại giao và các kênh khác, kể cả con bài pháp lý thì chúng ta cũng treo ở đó.

PVVH: Tình hình Biển Đông có mấy chuyện lưu ý. Thứ nhất, Viện Nghiên cứu chiến lược của TS Thái nghi Trung Quốc cho tàu bè quậy ở khu vực Bãi Tư Chính nhằm mục đích quân sự, có thể đã thả máy móc xuống đáy biển để phục vụ cho 5 tuyến phòng thủ chiến lược, thay vì nhằm khai thác tài nguyên dầu khí, vì Trung Quốc chưa đủ trình độ để khai thác. Thứ hai, thật là quái lạ, không biết TS Thái nghĩ sao. Lúc đầu ông nói thái độ đối phó của ta là Bình tĩnh và Bình thường, hai chữ B. Kế tiếp ông nói, trong khi vụ giàn khoan 981 xảy ra ở cửa ngõ nhà mình thì vụ Hải Dương 08 nó xảy ra trong phòng khách phòng ngủ nhà mình. Thế là thế nào nhỉ? Kẻ cướp đã vào phòng khách phòng ngủ mà minh vẫn Bình tĩnh và Bình thường thì khi nó lôi vợ mình ra nó chích thì mình vẫn kiên trì kiên quyết Bình tĩnh và Bình thường hay sao? Thứ ba, TS Thái thở phào nhẹ nhõm vì vụ Hải Dương 08 người dân Việt Nam không ai đi biểu tình, trong khi vụ giàn khoan 981 biểu tình dữ quá, có thể gây mất ổn định. Thứ tư, khó có chuyện đi kiện Trung Quốc trước tòa án trong tài quốc tế, nói ra cho vui vậy thôi, vì “con bài pháp lý thì chúng ta cũng treo ở đó”.

QUAN HỆ VIỆT - MỸ

32:15 KINH TẾ THƯƠNG MẠI: 

TS Thái: Mỹ đang tăng sức ép mạnh, đòi ta mở cửa thị trường nông sản, đặc biệt là đậu tương, thịt bò, trong đó có nội tạng trắng, còn nội tạng đỏ chúng ta đã mở rồi, và một số loại hoa quả.

Cái khó hiện nay là Mỹ muốn chúng ta sửa Nghị định 116 về ô tô, kiểm tra theo lô, thuốc bảo vệ thực vật, mở cửa cho hàng của họ vào, mua than của bang West Virginia. Hôm trước ông Trump ông ấy buột miệng nói Việt Nam đang mua than của Mỹ, bây giờ thì mình phải mua than của họ.

Đầu tháng 11 này, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sẽ đến Việt Nam đàm phán về hiệp định TIFA (Trade and Investment Framework Agreement - Thỏa thuận về khung thương mại và đầu tư) nhằm xây dựng một khuôn khổ mới cho quan hệ kinh tế thương mại Việt-Mỹ, thay thế cho BTA (Song phương) nhỏ hẹp và lạc hâu, và thay thế cho TPP (Xuyện Thái Bình Dương) sau khi Mỹ rút ra. 

Nhân vật hiện nay có nhiều ảnh hưởng trong quan hệ thương mại là Robert Lighthizer, Trưởng đại diện thương mại, vì ông Trump chú ý đến thương mại và thâm hụt thương mại, thỉnh thoảng ông ta lại bơm vào một hai câu thì rất mệt. Chúng ta đã có cái xử lý. Vừa rồi, ông ta có những phát biểu không thuận cho mình, nhất là vấn đề mở cửa thị trường, vấn đề tiền tệ, đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ. Chúng ta đã có cái xử lý.

PVVH: Lạ thật, buôn bán Việt-Mỹ nhiều lúc đã xảy ra chỉ vì ông tổng thống Mỹ buột miệng nói, khó hiểu quá. TS Thái nói “thỉnh thoảng ông ta lại bơm vào một hai câu thì rất mệt.” Tuy TS Thái không đào sâu nhưng tra Google thì thấy VOA đưa tin Trump nói “Việt Nam là một trong 16 quốc gia sẽ bị Hoa Kỳ điều tra liên quan tới tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ, lên tới hàng trăm tỷ đôla của Mỹ”. TS Thái khuyên mọi người không nên lo vì chuyện gì Đảng ta cũng có cái xử lý.

34:30 AN NINH QUỐC PHÒNG: 

TS Thái: Xin phép các đồng chí tôi không đi sâu vào an ninh mà chỉ nói thêm một chút về cái mảng quốc phòng.

Phía Mỹ hiện nay rất kỳ vong vào cái mảng hợp tác quốc phòng. Họ đánh giá Việt Nam là một đối tác có năng lực, có tiềm năng lớn, có vai trò và có vị thế ngày càng tăng ở khu vực. Hợp tác với Việt Nam để Việt Nam mạnh lên là có lợi cho họ. Họ đánh giá rất rõ chuyện đó. Người Mỹ rất thực dụng, ở Mỹ, những vấn đề về ý thức hệ, ví dụ như chủ nghĩa xã hội chẳng qua cũng chỉ để làm màu chính trị thôi, thực ra không ai quan tâm đâu. Về dân chủ nhân quyền cũng ít người quan tâm, chính Mỹ cũng vi phạm dân chủ nhân quyền; cho nên họ cũng hạn chế nói cái đó.

Nhưng họ quan tâm đến những vấn đề có tình chiến lược và những vấn đề sát sườn đối với nhà nước của họ, ví dụ vấn đề hợp tác quốc phòng.

Chúng tôi đánh giá là trong vài ba năm tới, trọng tâm sẽ xoay quanh hai trụ cột này, kinh tế thương mại và an ninh quốc phòng, từ đó hình thành một khuôn khổ quan hệ mới, đưa quan hệ Việt-Mỹ đi vào ổn định hơn, có thể dự báo được hơn.

Thời gian gần đây, phía Mỹ phàn nàn rất nhiều liên quan đến hợp tác quốc phòng. Các ông ấy nói rằng không đọc được tư duy của người Việt. Chúng tôi trả lời là tôi ngồi đây cũng chẳng đọc nổi được với ông, ông cứ chịu khó đến đây nghiên cứu dài dài đi thì mới hiểu được lối đánh du kích của người Việt.

Một nhân tố nữa là sự cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay nó vô cùng phức tạp. Mục đích của ông Trump đánh mấy trăm tỷ thuế vào Trung Quốc không phải là ông ấy muốn lấy mấy đồng thuế mà thực chất là muốn ép các tập đoàn của Mỹ rời khỏi Trung Quốc, không ép được thì nó dùng biện pháp hành chính, nó cấm tất cả không cho vào Trung Quốc, nó đang tìm cách rồi đấy.

Bốn hướng chính mà Mỹ đang xử lý. Một là ngăn chận Trung Quốc tiếp cận với thị trường, mà các đồng chí biết rồi, trên thế giới này chưa có nước nào phát triển được mà không có Mỹ. Hai, nó sẽ chấm dứt tình trạng Trung Quốc đi trộm công nghệ. Ba, nó cải tổ các cơ chế đa phương mà Trung Quốc đã tranh thủ được, ví dụ WTO. Thứ tư, lôi kéo thêm tập hợp lực lượng, nhất là ba nước xung quanh Trung Quốc, một là Việt Nam, Việt Nam là trọng điểm; hai là Mông Cổ; ba là Triều Tiên, Mỹ hiện nay rất kiên nhẫn với Triều Tiên.

Trung Quốc đang xử lý theo 5 hướng. Một, duy trì ổn định nội bộ bằng mọi giá. Hai, đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm thị trường thay thế Mỹ. Ba, cải cách nội bộ thận trọng từng bước. Bốn, tự chủ về công nghệ và nghiên cứu phát triển. Năm, đẩy mạnh tập hợp lực lượng trong khu vực để đối phó với Mỹ.

Trong quá trình đó, chúng tôi nhận diện được cái cách ông Trump dùng người. Ông ta luôn tìm một con người mềm mỏng (như Robert Lighthizer) để đi đối thoại; nhưng mà người quyết toàn là những nhân vật diều hâu hoặc siêu diều hâu (như Peter Navarro), còn ông ta đứng giữa, điều hòa quan điểm.

Tương tự như vậy, cái ông John Bolton này thì ra đi rồi (rời chức ngày 10 tháng 9 năm 2019) là cái ông cứng rắn, còn cái ông bên phải (không thấy mặt) là một nhân vật mềm mỏng đi đàm phán để giữ cầu. Nhân tố bầu cử tới đây rất quan trọng.

PVVH: Người Mỹ “không đọc được tư duy của người Việt” bởi vì khi người Mỹ nói thì người Mỹ làm, còn khi người Việt nói thì người Việt làm ngược lại? Còn “lối đánh du kích của người Việt” phải chăng là dùng súng trường thời cướp được của Nhật bắn rớt Con ma, Thần sấm; hoặc cho máy bay núp trong mây, tắt máy, chờ B-52 bay qua xịt cho một nhát chết tươi? TS Thái đã xác nhận “trên thế giới này chưa có nước nào phát triển được mà không có Mỹ” phải chăng ông muốn nhắn với lãnh đạo Đảng nếu Việt Nam cứ sợ Tàu thì đến Tết Maroc mới giàu đẹp? 

PHẦN CÒN LẠI: (Phút 38:07) Nói về ASEAN mà Việt Nam đóng vai chủ tịch và về chuẩn bị cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc 2020-2021. Phần này chỉ có hơn 1 phút và không có gì quan trọng nên PVVH bỏ qua.

KẾT LUẬN

Giống như Thiếu tướng Công an Trương Giang Long, TS Thái là một chuyên viên nắm bắt nhiều đề tài, từ chiến lược phòng thủ của Trung Quốc sang tranh chấp Biển Đông, qua đến kinh tế thương mại và an ninh quốc phòng. 

Khác với Thủ tướng Phúc, nhiều đề tài ông Thái nói không cần nhìn giấy và nói đúng tên người nước ngoài, thay vì Cờ Lờ Mờ Vờ. Với chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Ngoại giao, ông Thái chỉ đưa ra những thông tin và nhận định mà ông được phép nói thôi chứ vai trò của không thể quyết định được điều gì, và lãnh đạo cái đảng của ông tiếp thu được bao nhiêu nhận xét, đánh giá của cái viện của ông thì cái đó lại là một vấn đề khác.

Qua bài nói chuyện được phổ biến có giới hạn này, những người ngoài đảng có thể nắm thêm một số thông tin mà truyền thông lề đảng không nói và hiểu được hướng đi của Việt Nam trong vài năm tới, nếu đảng Cộng sản vẫn còn tồn tại.

2/9/2020



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo