Cải cách cái đầu lãnh đạo trước khi cải cách sách giáo khoa - Dân Làm Báo

Cải cách cái đầu lãnh đạo trước khi cải cách sách giáo khoa

Thầy Giáo Làng (Danlambao)
- Hết hồn nhìn thấy nhóm biên soạn cuốn sách Tiếng Việt lớp một với hàng loạt chức danh, học hàm, học vị cao ngất ngưỡng như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cùng với đội ngũ hùng hậu không kém của Hội Đồng Quốc Gia Thẩm Định Sách Giáo Khoa, thế mà cho ra đời cuốn sách Tiếng Việt lớp một chi chít lỗi, dạy trẻ em mánh mung, lươn lẹo, cổ xúy bạo lực, nội dung nhảm nhí, cưỡng ép từ ngữ tạo ra những con chữ vô hồn, ngọng nghịu, những mẫu văn vô cảm, những câu truyện ngụ ngôn của các tác giả lừng danh thế giới bị vo tròn bóp méo không thương tiếc.

Mời các ngài về thăm quê em xứ Bãi Xàu, ghé qua gia đình cô Hai Trường Tháng. Trường Tháng đã đóng cửa, cô Hai đã qua đời, nhưng chắc chắn con cháu cô còn giữ Giáo Trình Tiếng Việt do cô và những cộng sự trong gia đình cô biên soạn, bảo đảm học trong một năm sẽ đọc thông viết thạo mà còn được rèn luyện về nhân cách, đạo đức trong từng bài học theo đúng tinh thần tiên học lễ hậu học văn, đã chứng nghiệm thành công qua mấy chục thế hệ học trò. Những tác giả này chưa ai học xong trung học thời thực dân, nhưng họ soạn sách với cái tâm và cái tầm vượt xa mấy ông bà giáo sư, tiến sĩ XHCN.


Nếu cái ngài chê giáo trình của Trường Tháng lạc hậu thì em xin giới thiệu với các ngài phương pháp làm sách giáo khoa hiện đại của bọn tư bản giãy chết. Em bị xui xẻo cùng với chúng nó giãy hơn 20 năm trong ngành giáo dục nhưng may mắn chưa chết, còn thở “hí hóp” (chữ của sách Tiếng Việt lớp một) kể chút kinh nghiệm hầu các ngài nghe chơi.

Chương trình giáo dục tại Mỹ được hoạch định ở cấp tiểu bang, do Bộ Giáo Dục tiểu bang điều hành. (Mỗi tiểu bang có chương trình và tiêu chuẩn khác nhau tùy theo nhu cầu). Trong một tiểu bang chia ra nhiều học khu. Có học khu lớn vài trăm ngàn học sinh, nhỏ vài ngàn học sinh. Có học khu giàu, học khu nghèo tùy theo địa dư và cư dân sinh sống trong học khu đó. Do vậy mỗi học khu lại có một chương trình giáo dục riêng, không học khu nào giống học khu nào miễn sao tuân thủ các tiêu chí do Bộ Giáo Dục tiểu bang đưa ra.

Bộ Giáo Dục tiểu bang đưa ra “chương trình khung” hay có thể gọi là “bộ tiêu chuẩn đầu ra” hay gì đó tùy theo ngôn từ của giáo dục nước ta, mà nguyên văn tiếng Mỹ là Texas Essential Knowledge and Skills, viết tắt là TEKS (Dùng cho tiểu bang Texas. Tiểu bang khác sẽ có tên gọi khác).

Các công ty sách tư nhân tha hồ soạn sách giáo khoa theo cái khung chương trình của Bộ GD tiểu bang đưa ra. Chính phủ không có tốn đồng xu nào để lập hội đồng biên soạn, hay hội đồng thẩm định gì ráo. Khi các học khu cần thay đổi sách (học khu không bị bắt buộc phải đổi sách mà chỉ thay đổi theo nhu cầu giáo dục và tài chánh của từng học khu) các công ty sách sẽ được mời đến để tiếp thị sản phẩm. Cuốn sách nào đạt tiêu chí “rẽ, đẹp, bền” sẽ được chọn. Ai là người thẩm định và ra quyết đinh? Xin thưa, giáo viên bộ môn là người quyết định cuốn sách nào được chọn bằng cách trưng cầu ý kiến, đa số thắng thiểu số. 

Với cách làm “rẽ, đẹp, bền” như trên đạt được nhiều cái lợi. Thứ nhất, tiết kiệm ngân quỹ vì không phải trả lương cho hàng tá giáo sư, tiến sĩ ngồi soạn sách, soạn xong rồi có hàng tá giáo sư tiến sĩ thẩm định sách, lại có hàng tá giáo sư tiến sĩ trong Bộ GD chủ trì đề án sách. Thứ hai, bảo đảm có được cuốn sách hay, vì không hay thì không lọt qua nỗi hàng ngàn con mắt và cái đầu của giáo viên bộ môn với nhiều năm kinh nghiệm chiến trường, họ biết và họ được trao quyền chọn cuốn sách nào phù hợp với học sinh của họ, hơn là những ông bà giáo sư tiến sĩ ngồi bàn giấy. Thứ ba, hạn chế tối đa tình trạng chạy dự án, chạy công trình, hay tình trạng ăn chia giữa Bộ Giáo Dục và nhà xuất bản. Đút lót cho một ông Bộ trưởng, vài ông Bộ phó thì dễ, chứ hối lộ cả ngàn, có khi hàng chục ngàn giáo viên trong học khu rất khó. Hơn nữa, luật nghiêm cấm giáo viên nhận quà cáp của các công ty sách dưới mọi hình thức.

Vào đầu năm học, nhà trường cho mỗi học sinh mượn một bộ sách (miễn phí hoàn toàn, không tốn đồng xu nào). Ngoài ra mỗi lớp học có khoảng 30 bộ sách để học sinh dùng trong lớp mà không phải còng lưng khiêng theo bộ sách mỗi khi đi học. Giáo viên cũng không bị bắt buộc phải dùng bộ sách đã chọn. Giáo viên có thể chọn tài liệu giảng dạy nào mình thấy thích hợp. Thú thật với các ngài, hơn 20 năm dạy môn hình học em chưa lần nào mở cuốn sách hình học ra coi. Bao thế hệ học trò của em cũng chưa lần nào phải đụng tới cuốn sách. Tài liệu giảng dạy em tự sưu tầm trên mạng hoặc tự “chế biến” theo kinh nghiệm đã học ở Việt Nam kết hợp những kinh nghiệm học được tại Mỹ rồi in ra phân phát cho học trò. Rồi em muốn dạy cái gì trước, cái gì sau, cái gì nhiều, cái gì ít, dạy kiểu nào là quyền của em, miễn sao theo cái khung của Bộ là được. 

Chỉ kể sơ để các ngài hiểu bọn tư bản nó làm giáo dục ra sao. Ai cũng hiểu không phải các ngài không biết làm như tụi nó mà tại vì cái cơ chế và cái tư duy cũ nó bó tay bó chân các ngài. Không thể lấy cái đầu cũ đi làm sách mới. 34 ngàn tỷ tiền mồ hôi nước mắt của dân coi như đổ sông đổ biển, nhưng nguy hiểm hơn là niềm tin của dân chúng cạn kiệt sau mỗi lần cải cách thất bại. Thôi đi, không cần cải cách sách vở nữa mà cần phải cải cách tư duy của nhà lãnh đạo trước đã. 

Trong khi thế giới đang chuẩn bị đưa người lên sao hỏa, mấy ngày gần đây các giải Nobel với những công trình khoa học vĩ đại phục vụ nhân sinh vào tay người Mỹ, người Pháp, người Thụy Điển,... thì cả nước Việt Nam đang “lên đồng” vì cuốn sách dạy Tiếng Việt lớp một. Cạn lời với nền giáo dục nước ta!

Thầy Giáo Làng



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo