Chân dung Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà qua từng phát ngôn - Dân Làm Báo

Chân dung Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà qua từng phát ngôn

Mẹ Nấm (Danlambao)
- Miền Trung Việt Nam đang trải qua những ngày đau buồn khi phải gánh chịu hàng loạt mất mát từ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng để mất rừng khiến thảm họa xảy ra. Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, người có trách nhiệm bảo vệ môi trường lại có những phát ngôn hết sức bất nhất.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai về nguyên nhân mất rừng, ông Trần Hồng Hà nói:  

"Chúng ta phải hiểu mất rừng còn rất nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta phải quản lý. Với tư cách là người làm quản lý môi trường, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Quốc hội xem xét, rà soát từng mét vuông đất nếu có việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng. Sắp tới, đối với rừng phòng hộ đặc dụng, những nơi nào không còn rừng nhưng chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con người thì chúng ta phải thu hồi lại rừng. Và phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất tự nhiên” (1)

Ngoài chuyện giảm nhẹ, né tránh chất vấn rằng thủy điện có liên quan đến nạn phá rừng, Trần Hồng Hà nói rằng chuyện phá rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên là tất yếu vì "không thể không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng:

"Tất nhiên phải có những đánh giá về chuyển đổi mục đích rừng. Chúng ta không thể không chuyển đổi mục đích nếu như hiện nay dân số tăng trên 100 triệu dân, chúng ta không có không gian phát triển đô thị, không gian bố trí dân cư" (2)

Rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên ở Việt Nam đã bị tàn phá ra sao?

“Năm 2019, Việt Nam đã đạt 14,6 triệu ha đất có rừng với độ che phủ ước đạt gần 42%. Song trên toàn lãnh thổ quốc gia, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ 0,25%” - ông Oemar Idoe, Trưởng nhóm các dự án môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp về hội nhập kinh tế khu vực (Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ), nhận định. (3)

Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng. 

"Rừng nhiệt đới có nhiều tầng, có cây 40-50m, dưới còn có thảm thực vật và các tầng cây khác. Nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các lá cây, thậm chí không rơi được xuống đất. Còn khi nước mưa xuống đất, đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) sẽ giữ nước tới 80-90% và ngấm dưới đất tạo thành mạch nước ngầm. Còn nước mặt 10-20% là lượng nhỏ, ít có khả năng gây lũ ống, lũ quét cho con người. Cũng theo ông, với các loại rừng khác, chỉ có tác dụng cản lũ và giữ nước khoảng 20-50% so với rừng tự nhiên." (4)

Khái niệm rừng nguyên sinh theo Wikipedia “là rừng trong quá trình phát sinh chưa bị tác động của con người. Rừng nguyên sinh có thể là bao gồm rộng hơn của khái niệm rừng nguyên thủy mà ở giới hạn hẹp hơn về thời gian nguồn gốc thì rừng nguyên thủy chính là những khu rừng được hình thành có lịch sử cổ đại lâu đời mà chưa từng bị tác động khai phá của con người.

Rừng bị biến đổi chịu tác động từ con người được gọi là rừng thứ sinh, đã trải qua những đợt đốn chặt, phá rừng, cháy rừng, dù đã phục hưng phần nào trên giai đoạn của diễn thế sinh thái phục hồi non trẻ.

Như vậy, muốn giữ rừng nguyên sinh thì chỉ cần không cấp phép cho dự án phá rừng, không tác động vào rừng bằng mọi giá chứ làm sao phục hồi rừng nguyên sinh?

Ông Trần Hồng Hà với cương vị bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nói câu trước đá câu sau. 

Ông thừa nhận con người là nguyên nhân làm mất rừng, nhưng lại né tránh vấn đề mất rừng là do phê duyệt dự án.

Tại Việt Nam, do nhu cầu cần đất để làm thủy điện, sân golf, xây dựng khu nghĩ dưỡng, nên việc chuyển đổi mục đích dụng rừng và đất lâm nghiệp diễn ra ồ ạt ở nhiều địa phương.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%. (4)

Ông Trần Hồng Hà nói: “không thể không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng” tức là ông cổ vũ phá rừng rồi trồng lại chứ gì nữa, vậy thì bảo vệ rừng nguyên sinh kiểu gì?

Ông Trần Hồng Hà chính là cá nhân phải chịu trách nhiệm về những dự án phá rừng hiện tại để làm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái như Bà Nà, Tam Đảo, Lũng Cú.. kể cả sắp tới là rừng Cần Giờ.

Đây là vị bộ trưởng đã từng có những phát ngôn bất nhất trong vụ Formosa đầu độc 4 tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam từ năm 2016.

Tham khảo:




13.11.2020

Mẹ Nấm
danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo