Nguyễn Xuân Phúc điều hành quốc gia qua thông tin từ báo chí - Dân Làm Báo

Nguyễn Xuân Phúc điều hành quốc gia qua thông tin từ báo chí

Mẹ Nấm (Danlambao)
- Ngày 18/11, báo chính phủ đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiên cứu, xử lý thông tin báo Tuổi trẻ phản ánh các rủi ro khi vận hành các thủy điện nhỏ và vừa tại miền Trung. Câu hỏi đặt ra có bao nhiêu chỉ đạo từ ông Phúc được cấp dưới thực hiện nghiêm túc đến lúc này?
Cuối tháng 10 khi những cơn bão quét qua khu vực miền Trung, tình trạng lũ lụt, sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến gần 30 người thiệt mạng đã khiến các dự án thủy điện được quan tâm.

Ngày 10/11/2020, báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến từ PGS. TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ), đề cập đến các rủi ro khi vận hành các thủy điện nhỏ và vừa từ địa hình hẹp, dốc, dễ bị xói mòn và thường bị chia tách bởi nhiều nhánh sông của miền Trung. Nếu chèn quá nhiều thủy điện trên một lưu vực sông thì việc quản lý liên hồ chứa sẽ không làm được và tạo ra lũ dữ. (1)

Dựa trên bản tin này, Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và báo cáo.

Với cương vị là thủ tướng chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc đã chọn cách dựa vào thông tin từ báo Tuổi Trẻ để yêu cầu cấp dưới báo cáo kế hoạch thủy điện vừa và nhỏ. 
Cách điều hành, xử lý vấn đề của quốc gia thông qua thông tin từ báo chí cho thấy ông Nguyễn Xuân Phúc không và sẽ chẳng bao giờ chịu trách nhiệm với những chỉ đạo của mình.

Để thiết kế, xây dựng và vận hành một nhà máy thủy điện kế hoạch phải được lập và trình qua các tất cả các ngành có liên quan như Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương… Quan trọng hơn hết tất cả các dự án đều phải qua khảo sát, đánh giá tác động môi trường (ĐTM). 
Như vậy một công trình thủy điện không thể tự nhiên mọc lên dễ dàng để ông Phúc chỉ cần đọc báo và giao cho Bộ Công thương nghiên cứu. 

Trong gần một thập kỷ qua, các dự án thủy điện vừa và nhỏ cứ đua nhau xuất hiện. 
Các chuyện gia đã ước tính cứ một 1MW điện sẽ có 10ha rừng bị triệt hạ. 
Tính đến cuối năm 2020, cả nước vẫn còn 290 công trình thủy điện nhỏ đang vận hành khai thác, 366 dự án trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng và 67 vị trí tiềm năng đang nghiên cứu đầu tư thủy điện nhỏ. (2).

Nếu Thủ tướng chọn cách điều hành quốc gia thông qua báo chí thì tôi hy vọng báo Tuổi Trẻ hãy theo dõi kiểm chứng xem các chỉ đạo của Nguyễn Xuân Phúc đã được thực hiện đến đâu. 

Từ việc Thủ tướng chỉ đạo giảm giá thịt heo, giá điện, đến yêu cầu xử lý người tung tin đồn giả về ca tử vong vì COVID-19 đầu tiên tại TpHCM, đến yêu cầu giải ngân, không để dân đói… tất cả đều vẫn là những vấn đề còn tồn đọng, chưa được giải quyết

Những lời hứa, lời chỉ đạo phải đi đôi với kết quả cụ thể và báo chí có trách nhiệm giám sát, cập nhật thông tin cho người dân. Lời nói không đi đôi với hành động, chỉ đạo không đi kèm kết quả sẽ chỉ khiến cho nhân dân mất niềm tin vào lãnh đạo. 
Không thể đổ lỗi cho các "thế lực thù địch" khi Nguyễn Xuân Phúc chính là người "đánh trống bỏ dùi", chọn cách điều hành quốc gia qua thông tin từ báo chí.

Tham khảo:




19.11.2020

Mẹ Nấm


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo