Khổng Tử Qui Cố Hương. Tránh ra, Mao. - Dân Làm Báo

Khổng Tử Qui Cố Hương. Tránh ra, Mao.

Evan Osnos (The New Yorker) * Dĩ-Nguyên (Danlambao) dịch
  - Sống ở Bắc kinh 5 năm, tôi dọn đến một căn nhà trệt bằng gạch cạnh Miếu Khổng Tử, đền-thờ-bảy trăm-tuổi của nhà hiền triết quan trọng hàng đầu Trung quốc. Ngôi đền im vắng chung vách với căn bếp của nhà. Những cây trắc bá ngoằn ngoèo và hàng hiên bằng gỗ trừng xuống mái nhà tôi như một mối lương tâm. Sáng sáng tôi mang cà phê ra ngoài lắng nghe âm thanh đầu ngày cạnh nhà: tiếng chổi trên nền đá, tiếng vòi nước cót két, và tiếng lũ họa mi gấu ó trên cao.

Quả là một phép lạ nhỏ khi ngôi đền còn tồn tại. Khổng Tử, sinh vào thế kỷ thứ sáu Trước T.L., có một tầm vóc ở Trung Quốc tương đương như Socrates ở phương Tây. Ông đề cao nhân cách, lễ nghĩa và bổn phận. Khổng Tử giảng: “Cai trị là khi vua là vua, bề tôi là bề tôi; cha là cha, và con là con.” Khi Cách Mạng Văn Hóa bắt đầu năm 1966, Mao chủ tịch, vốn tin vào “cách mạng trường kỳ,” đã khuyến khích đoàn Vệ binh Đỏ trẻ “Phá bỏ Bốn Hủ Tục”: tập quán cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ, và tư tưởng cũ. Những người quá khích lên án Khổng Tử đã dung túng cho “yếu tố xấu, bọn hữu khuynh, quái vật, và những kẻ dị hợm.” Một cán bộ thân tín của Mao cho phép quật mồ Khổng Tử. Hằng trăm ngôi miếu bị đập phá. Đến giữa thập niên 80 thì Nho giáo bị phỉ báng đến độ sử gia Yu Ying-shih gọi nó là “một linh hồn vất vưởng.”

Tháng Chín năm 2010, chín tháng sau khi dọn nhà, một sáng khi đang ở bàn làm việc tôi nghe tiếng loa từ miếu dội ra. Một âm thanh nhức tai kèm theo tiếng chuông rền, trống, sáo và giọng ngâm nga những đoạn kinh điển của Khổng Tử và các thánh hiền cổ đại. Màn trình diễn kéo dài khoảng hai mươi phút, được lập lại mỗi giờ và suốt cả hôm sau.

Linh hồn vất vưởng đó đang được vực dậy bằng mọi cách. Khi kinh tế Trung Quốc chuyển mình với tốc độ nhanh gấp mười lần cuộc cách mạng kinh tế lần thứ nhất, người dân tìm về tư tưởng cổ đại để nối với quá khứ. Loại sách cổ điển liên tục dẫn đầu số bán, năm 2009, công ty chủ của National Studies Web, một mạng bán các ấn bản mềm về Khổng Tử, bắt đầu bán cổ phiếu ra công chúng trên sàn chứng khoán Shenzhen. Để thu hút giới doanh nhân, Đại học Bắc kinh, và nhiều đại học tên tuổi khác, mở những lớp mới cho giới doanh nghiệp trung niên, được quảng cáo là sẽ hé mở “túi khôn thương mại” của người xưa.

Nho giáo (1) không có tăng sĩ hoặc nghi lễ nhập đạo, và thường cũng không được xem là một tôn giáo, nhưng giai cấp trung lưu mới của Trung quốc xem việc tìm hiểu về triết lý và lịch sử là dấu hiệu vun bồi cho lòng yêu văn hóa nước nhà. Cha mẹ cho con theo học ở các trường tư dạy về Nho giáo; tôi đã thăm một trường cuối tuần dạy cổ văn cho các em từ ba đến mười ba tuổi bằng cách trì tụng nằm lòng mỗi đoạn văn hằng 600 lần. Du khách Trung Quốc khắp nơi đổ xô về thăm những ngôi Miếu Khổng Tử còn sót lại và điền phiếu cầu xin. “Phần lớn là cho các kỳ thi,” Anna Sun, nhà xã hội học của Đại Học Kenyon, nghiên cứu các phiếu cầu nguyện, cho biết. “Thường là cho các kỳ tuyển sinh đại học, nhưng cũng có cả TOEFL, G.R.E., và trường luật.”

Việc cầu xin đó sẽ bị Mao Chủ tịch lên án, nhưng hậu duệ của ông thì nhìn cuộc cách mạng dưới lăng kính khác. Vào thập niên tám mươi, khi Trung Quốc chuyển mình đi tìm phồn thịnh, Đảng nghiên cứu vai trò Khổng giáo trong sự ổn định của các nước Đông Á. Đã nhiều thế hệ các nhà tư tưởng Trung quốc ấp ủ mộng tìm một hướng đi tối ưu cho nền “quốc học”—một hỗn hợp giữa triết lý và lịch sử có thể giúp Trung quốc tránh được áp lực Tây phương hóa. Năm 1989 khi cuộc biểu tình dân chủ Thiên An Môn bị đàn áp đẫm máu, giới lãnh đạo cần một hệ tư tưởng bản địa có thể giúp phục hồi uy tín Đảng. Lãnh đạo Đảng cao cấp phát biểu ở các hội nghị Khổng giáo, truyền hình nhà nước trình chiếu một sê-ri về văn hóa truyền thống nhằm “tăng tự tín, tự trọng, và lòng ái quốc trong dân chúng.” Năm 2002, khi nói về mình, Đảng ngưng dùng từ “đảng cách mạng” và thay bằng “Đảng Cầm quyền.” Thủ tướng Wen Jiabao tuyên bố “Đoàn kết và ổn định là quan trọng nhất.” Tháng Hai năm 2005, Tổng bí thư Đảng Hu Jintao, trích dẫn lời Khổng Tử rằng “Thái hòa là điều trân quý.”

Từ “thái hòa” bắt đầu xuất hiện trên bảng quảng cáo, Tivi và được bộ máy tuyên truyền nhắc đi nhắc lại. Năm 2006, một nhóm sử gia, được chính phủ hỗ trợ, đánh dấu sinh nhật Khổng Tử thứ 2557 bằng cách ra mắt bản vẽ chân dung mà họ cho là “chuẩn mực:” Một nhân dáng già hiền từ với bộ râu rậm, tay khoanh ngang ngực. Hội Khổng Học Trung Quốc, do Bộ Dân Vụ tài trợ, khởi đầu một truyền thống mới chưa từng có: Vợ chồng tổ chức lễ tái thành hôn trước tượng thánh Khổng.

Là một chọn lựa dễ chịu hơn so với Mao, Khổng Tử được dùng làm biểu tượng trên diễn đàn quốc tế. Lễ khai mạc Olympics 2008 không nhắc đến vị Chủ tịch nhưng luôn luôn đề cập đến thái hòa và cổ thư. Trong thập niên vừa qua, Trung quốc đã thành lập hơn bốn trăm Viện Khổng Tử trên thế giới để dạy ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử. Nhiều trường đại học chào đón nó vì viện cung cấp tài liệu giảng dạy và tiền. (Nhiều học giả than phiền viện giới hạn sự phát biểu. Vào tháng Bảy, đại học McMaster University ở Canada đóng cửa Viện Khổng Tử sau khi một giáo sư than phiền bà bị ngăn cản hành đạo Pháp Luân Công, một phong trào tâm linh bị cấm ở Trung quốc.)

Sự phục hưng Khổng Tử còn thấy rõ hơn ở thành phố Qufu quê hương của ông, thuộc tỉnh Sơn đông ngày nay. Năm 2007, Công ty Rượu Khổng Tử đồng bảo trợ tổ chức Lễ hội Khổng Tử Quốc-tế. Hàng ngàn người tham dự chật cứng sân vận động thành phố, những bong bóng màu khổng lồ mang tên các thánh hiền cổ đại lơ lửng trên cao, và một ca sĩ hạng sao Hàn quốc trình diễn trong bộ y phục cụt cỡn. Gần hang đá được cho là nơi Khổng Tử ra đời, một quần thể công viên và viện bảo tàng trị giá năm trăm triệu đô đang được xây cất, có cả tượng Khổng Tử cao gần bằng tượng Nữ thần Tự do. Chương trình quảng cáo so sánh Qufu với thánh địa Jesusalem và Mecca và tự xưng là “Thánh Địa của Viễn Đông.” Năm vừa qua, thành phố đón chào 4.4 triệu khách, vượt qua số người đến thăm Israel.

Không ai gây chú ý đến Khổng Tử nhiều hơn bà Yu Dan, giáo sư ngành truyền thông của đại học Beijing Normal University. Bà cho ra một sê-ri ăn khách trên đài truyền hình nhà nước và là tác giả cuốn “Khổng Tử từ Trái Tim—Confucius from the Heart” (2006), được cho là có số bán hơn 10 triệu bản. Trong văn hóa đương đại Trung Quốc, bà có một vị thế tương đương như Bernald-Henri Lévy ở Pháp hoặc Dr. Phil (2) ở Mỹ. Bà coi nhẹ những chủ đề gây phản cảm cho độc giả thời nay—như nhận định của Khổng Tử rằng “khó mà tranh luận với phụ nữ và phường tiểu nhân”—và trấn an rằng “Lẽ phải mà Khổng Tử dạy ta luôn luôn là điều dễ nhất.” Giới học giả thì chế nhạo sách của bà—một nhà phê bình đến dự buổi ký sách bận một áo thun với hàng chữ “Khổng Tử quan ngại sâu sắc”—nhưng trong vòng một năm bà Yu trở thành tác giả có số thu cao thứ hai ở Trung quốc, chỉ sau Guo Jingming, tác giả của loại tiểu thuyết dành cho lứa tuổi thanh niên, mà đi đâu ông cũng phải có bảo vệ chận giữ đám đông ái mộ lại. 

Trụ sở của bà Yu Dan ở Bắc kinh là một dãy văn phòng trên tầng cao cạnh khuôn viên đại học. Người phụ tá đưa tôi vào một phòng họp hiện đại. Bà Yu Dan đến, cười niềm nỡ và gọi người phụ tá pha trà. Bà tuổi vào hạ tuần bốn mươi, gò má cao với mái tóc ngắn nghiêm nghị. Tôi hỏi lý do nào đã đưa bà đến thời cổ điển. Bà cho biết khi lớn lên, cũng như những người đồng lứa, bà lên án các tác phẩm cổ đại. “Khi tôi bắt đầu viết cuốn 'Khổng Tử từ Trái Tim,' nhiều người đã hỏi tôi, 'Tại sao phải viết nó?' Và tôi cho họ biết, 'Tôi đang chuộc lại lỗi lầm của thế hệ mình, bởi lúc trẻ chúng tôi đã nguyền rủa ông thậm tệ.'”

Bà ngừng lại, quay đầu nhìn người phụ tá, một sinh viên bậc thạc sĩ. “Bé, sao mầy ngu quá vậy!” Và tiếp, “Trà này ngâm đã lâu quá rồi!” Rồi bà quay lại tôi, nở nụ cười. “Lũ trẻ thời nay không biết tiếp khách.” Sau khi nổi tiếng bà Yu được Đảng mời tham dự các hội nghị, và bà bắt đầu trình bày hiểu biết cổ thư của mình qua góc cạnh chính trị. “Lựa chọn nhiều vô tận sẽ đưa đến hỗn loạn, vì ông sẽ không biết phải đi đâu hoặc làm gì,” bà thêm “Chúng ta phải dựa vào một hệ thống nghiêm ngặt để giải quyết vấn đề. Là công dân, bổn phận của chúng ta không cần phải là người có đạo đức toàn mỹ. Bổn phận chúng ta là làm người công dân tuân hành luật pháp.”

Confucius—hay Khổng Tử, có nghĩa là Khổng Sư Phụ—không được sinh ra trong quyền thế, nhưng phong cách khác người và tư tưởng đã giúp ông trở thành một Thái Sơn của thời cổ đại Trung quốc. Cổ thư—Luận Ngữ, Tả Truyện, Mạnh Tử, Đại Sử Ký—đầy rẫy chuyện về ông với mọi chi tiết từ thật đến huyền thoại. Thân phụ của ông, Shuliang He, là một chiến binh già—to con nhưng xấu xí— mong mỏi được một mụn con trai khỏe mạnh. Vào tuổi bảy mươi, ông lấy một nàng hầu tuổi vị thành niên, và sinh hạ một bé trai năm 551 Trước T.L. Đứa bé xấu xí như cha, mũi gãy trán vồ dị dạng nên được đặt tên Qiu, nghĩa là “gò.” (Giới ngưỡng mộ thì cho rằng đầu ông giống như một vương miện.)

Thân phụ Khổng Tử qua đời khi ông lên ba, mẹ ông bế con đi tìm sinh kế. Từ nhỏ ông đã làm việc và đắm mình vào thi phú và suy tưởng. Ông lập gia đình năm mười tám hay mười chín tuổi, nhưng trở nên nhàm chán và bức xúc vì thiếu quan hệ để thỏa mộng quan trường. Ông mở trường dạy học sinh từ mọi tầng lớp xã hội. Lúc bấy giờ là thời của chiến tranh và băng hoại, Khổng Tử lý luận rằng nghi lễ có thể giúp con người dung hợp giữa những ước vọng cá nhân và nhu cầu của gia đình và cộng đồng. Ông là người lạc quan. Ông cho rằng đức của quan như gió: “Đức của dân như cỏ. Khi gió thổi thì cỏ rạp xuống.” Rồi ông cũng được bổ làm quan, nhưng những cải cách của ông làm hàng quan lại bất an, và theo truyền thuyết thì họ lập mưu đẩy ông ra: Họ cho tám mươi cô gái đẹp đến say đắm thượng cấp của ông (suốt ba ngày) làm nhà đạo đức Khổng Tử phải bỏ đi. Bị sỉ nhục, Khổng Tử bắt đầu cuộc du hành khắp nước, vạch ra những sai trái. Gặp một góa phụ có chồng và con bị cọp vồ, ông dạy học trò rằng, “Một chính quyền áp bức thì còn tệ hơn hổ dữ.” Lão Tử, một thánh hiền cùng thời, phê bình sự quá khích của Khổng Tử là “gây náo động như thể đánh trống khua chiêng tìm trẻ lạc.” Theo Khổng Tử thì thái hòa nghĩa là đồng thuận, không phải rập khuôn. Mà đồng thuận thì trong hệ thống cần có đối lập. Quốc gia lâm nguy khi nhà vua nghĩ rằng “niềm vui nhất của vua là không ai phản đối điều vua nói.” Còn các sứ quân thì hoặc tản lờ hoặc tìm cách giết ông.

Khổng Tử không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một biểu tượng. Sử gia Annping Chin nhận xét, “Ông thích trò chuyện vì nó giúp ông suy tư, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng người khác sẽ ghi lại.” Trong tác phẩm “Khổng Tử Đích thực: Một đời Tư tưởng và Chính trị” (2007), bà viết “Khổng Tử không muốn những điều ông nói trở thành qui luật vì ông yêu ý tưởng làm người. Ông yêu những cuộc hành trình cô độc tự tìm tòi lẽ phải và khả dĩ trong vô số biến dạng của đời sống.

Sau mười ba năm lang bạt, Khổng Tử quay về với sách vở, nhìn nhận đời mình là một sa bại, rồi qua đời ở tuổi bảy mươi. Trong số ba ngàn học trò chỉ bảy mươi hai là chân đệ tử, được cho là thẩm thấu tinh hoa của thầy mà họ biên tập lại thành sách Luận Ngữ. Nguyên tắc sống của ông làm người xung quanh mệt mỏi. Đệ tử ông viết, “Khi thịt cắt không vuông vức, thầy không ăn. Khi món ăn không kèm nước chấm đúng kiểu, thầy không ăn.” Nhưng trong thời chinh chiến hay hỗn loạn, những nguyên tắc ông đề ra về y phục, quản trị, và đời sống là hứa hẹn trước mắt cho trật tự. Một thủ tướng thời sau nhận xét: “Chỉ cần nửa bộ Luận Ngữ, ta có thể cai trị đế quốc.”

Những thế kỷ tiếp theo sau đó, Khổng Tử bị chính trị lợi dụng và vùi dập. Năm 213 Trước T.L., vị hoàng đế đầu tiên của Trung quốc muốn đặt tri thức dưới quyền lực triều đình, đã hạ lệnh đốt sách, luôn cả sách Khổng Tử. Người chống lại bị xử tử hay lưu đày biệt xứ. Nho giáo được phục hưng trong triều Hán kế tiếp, và là tư tưởng chỉ đạo cho các triều đại Trung Quốc trong gần suốt hai ngàn năm sau. Ngôi miếu ở Bắc kinh kế nhà tôi được lập năm 1306, gần trường Quốc Tử Giám là nơi đào tạo quan lại cao nhất nước cho đến khi phế vua năm 1911. 

Vài ngày sau khi nghe tiếng loa ồn ào cạnh nhà, một băng-rôn được căng lên trong khu phố, cho biết ngôi miếu là “Thánh Địa của Quốc Học.” Lần đầu tiên kể từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền năm 1949, miếu tổ chức lễ mừng sinh nhật Khổng Tử. Chương trình gồm có diễn văn của cán bộ chính quyền, giáo sư đại học, và ngâm đọc của trẻ em. Tôi đoán chừng buổi lễ có lẽ là kết cuộc cho màn trình diễn âm nhạc hằng ngày, nhưng những tuần kế, nó vẫn tiếp tục theo thời khóa biểu cũ: mỗi giờ, từ mười giờ sáng đến sáu giờ chiều, tuần bảy ngày, dù mưa hay nắng. Âm thanh dội lại từ tường nhà cạnh miếu, và chuyện ban đầu mới lạ đã dần dần ăn sâu vào tâm trí của người trong xóm. Ông Huang Wenyi hàng xóm cạnh nhà, công nhân bãi thu mua đồ tái tạo, than thở “Nó vẳng trong đầu tôi cả ban tối. Giống như cảm giác lắc lư còn sau khi ngồi thuyền cả ngày.”

Mặt ông sáng lên với một ý nghĩ. “Ông nên đến bảo họ vặn nhỏ tiếng lại đi.”

“Sao phải là tôi?”

“Vì ông là người ngoại quốc. Họ sẽ lắng nghe ông hơn.”

Tôi không muốn mình bị chú ý vì than phiền nhà hiền triết lừng danh nhất của Trung quốc. Nhưng tò mò về buổi trình diễn nên tôi tìm gặp ông trưởng miếu Wu Zhiyou. Ông Wu nhìn giống một kép hát hơn một nhà tâm linh, loại kép thường đóng vai cha hiền trong các kịch-tình-cảm-nhiều-kỳ trên truyền hình Trung quốc: Khoảng giữa năm mươi tuổi, khuôn mặt rộng dễ nhìn, đôi má lúm đồng tiền tròn trịa kèm với một giọng nói oang oang quen thuộc. Trước khi được bổ về miếu, ông đã phục vụ gần cả đời cho phòng nghiên cứu của Ban Tuyên truyền thành phố và có đầu óc thương mại. Ông cho biết “Buổi trình diễn này thu hút khán giả từ mọi tầng lớp xã hội—Trung quốc và ngoại quốc, nam nữ, trí thức và ít học, chuyên gia và dân thường.”

Tôi hỏi ông có góp phần dàn dựng nó không. “Tôi là đạo diễn chính!” ông nói, mắt rực sáng lên. “Tôi giám sát mọi chi tiết. Ngay cả giọng người thuyết minh cũng là tôi.”

Màn trình diễn được thành hình trong hoàn cảnh khó khăn. Ông Wu chỉ có một tháng để chuẩn bị cho lễ mừng sinh nhật. Ông mướn một nhà soạn nhạc, tuyển vũ công từ các trường nghệ thuật địa phương, rồi tuyển chọn những đoạn từ cổ thư để giúp màn biểu diễn có ý nghĩa. “Nó phải có thăng trầm và cao điểm, như một cuốn phim hay vở kịch,” ông nói. “Nếu nhạt nhẽo quá thì không lôi cuốn được.”

Ông Wu đã thành công trong việc biến Miếu Khổng Tử thành một sân khấu phường của mình và rất hài lòng về vai trò đó. “Thời trung học cấp II, tôi luôn luôn là cán bộ tuyên vận của ban đại diện học sinh,” ông nói. “Tôi thích đọc lớn tiếng, âm nhạc, và nghệ thuật.” Thời gian rảnh rỗi, ông còn là diễn viên hài-đối-thoại, kiểu như hài-độc-thoại của Mỹ. Ông còn cả một chương trình tương lai cho miếu. “Chúng tôi đang dàn dựng một bộ cảnh sân khấu mới có tượng bảy mươi hai đệ tử bằng gốm nung. Và còn cần thêm đèn. Chừng đó thì tôi mới có thể nói là tạm xong.

Wu nhìn đồng hồ. Ông muốn tôi xem màn trình diễn lúc ba giờ. Ông đưa tôi cuốn sách viết về lịch sử ngôi miếu và nói, “Đọc xong cuốn này thì những thắc mắc của ông sẽ không còn nữa.”

Sân khấu dựng trước mái hiên phía bắc của miếu đã được lên đèn. Đoàn nghệ sĩ gồm mười sáu thanh niên nam nữ trong y phục thư sinh; mỗi điệu ca-múa được đặt tên bằng một câu trích từ cổ thư—Luận Ngữ, Kinh Nhạc, Kinh Lễ v.v. và mang một âm hưởng tích cực như “Hạnh phúc,” dựa trên hai câu “Trong họa có phước; trong phước có họa.” (Tuy nhiên màn trình diễn không nhắc đến câu sau.) Màn cuối “Thái hòa” thì nối kết Khổng Tử với Đảng Cộng sản. Tài liệu cầm tay của buổi trình diễn cho biết màn chót truyền tải thông điệp “lý tưởng và xã hội thái hòa của tiền nhân đã có ảnh hưởng tốt đến việc xây dựng xã hội thái hòa hiện đại.”

Tôi đọc cuốn sách của ông Wu đưa, những chi tiết ly chi về chuyện ngày xưa thật ấn tượng: nó ghi lại ai trồng cây nào trên khuôn viên miếu hằng bảy trăm năm trước. Nhưng còn những chuyện khác, như trong thời gian từ 1905-1982, thì thiếu vắng thấy rõ. Trong lịch sử chính thức của Miếu thì hầu như toàn bộ thế kỷ hai mươi là một khoảng trống.

Sống ở Trung Quốc nhiều năm, tôi đã quen với những khoảng trống lịch sử như không việc gì xảy ra, tương tự như những đoạn im lặng trên băng thu âm khi ban nhạc nghỉ rồi lại chơi. Một số cắt xén đó là lệnh trên: Đã nhiều năm, dân chúng bị cấm không được bàn thảo về cuộc đàn áp Thiên An Môn hoặc nạn đói trong thời Đại Nhảy Vọt, làm chết từ ba mươi đến bốn lăm triệu nhân mạng, vì Đảng không từng chối hay nhận trách nhiệm gây ra những sự cố đó. Người dân bình thường Trung Quốc cũng không có nhiều chọn lựa: Người thì chọn quên vì nghèo khó và kiếm sống; người thì chống đối, nhưng thiếu môi trường chính trị để phản kháng.

Những sách khác viết về Miếu Khổng Tử giúp điền vào những khoảng trống đó—nhất là về đêm 23 Tháng Tám, 1966, trong tuần đầu của cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Lệnh “Đập Tan Tứ Hủ” đưa đến một cuộc công kích hỗn loạn vào đủ loại quyền lực. Chiều hôm đó, một nhóm Hồng Vệ binh triệu Lao She, một trong những tác giả nổi tiếng nhất của Trung Quốc, đến trước cổng miếu.

Lúc bấy giờ ông Lao She đã sáu mươi bảy tuổi, và là một trong những cây viết Trung Quốc được kỳ vọng nhất cho giải Nobel Văn chương. Ông lớn lên trong nghèo khó, nhà cách không xa miếu bao nhiêu, là con của một vệ binh hoàng gia đã hy sinh trong một trận chiến chống lại quân đội ngoại quốc. Năm 1924, ông sang London 5 năm, sống gần khu Bloomsbury, ngẫm đọc Conrad và Joyce. Ông bận áo quần may bằng ka-ki vì không tiền mua vải tốt. Năm 1936, ông viết cuốn “The Rickshaw Boy—Cậu bé Kéo Xe,” chuyện một người kéo xe trẻ gặp cảnh bất công và trở thành một kẻ “suy đồi, ích kỷ, sản phẩm cặn bã của một xã hội bệnh hoạn.” Lao She còn sống ở Mỹ hơn ba năm—Khu Upper West Side của Manhattan—nhưng cuối cùng ông quay về Trung Quốc và trở thành một Victor Hugo của Bắc Kinh: Nhà văn tinh hoa của thành phố. Đảng gọi ông là “Nghệ sĩ Nhân dân.” Ông bất mãn khi được yêu cầu viết tuyên truyền, nhưng cũng như nhiều người khác, ông trung thành với chế độ và phê phán kịch liệt những tác giả cùng thời khi họ đi lệch đường lối Đảng.

Giờ ông là cái đích. Một nhóm Hồng Vệ binh—đa số là nữ sinh mười lăm mười sáu tuổi—giải ông qua cổng miếu và bắt quỳ trên phiến đá cạnh đống lửa, giữa những nhà văn và nghệ sĩ khác. Họ buộc tội ông dính líu với Mỹ và dự trữ đô-la, một tố cáo thường dùng thời đó.

Rồi họ hô to “Đả đảo bè lũ chống Đảng!” và dùng nịt da có khóa đồng lớn quất vào những ông bà lớn tuổi đó. Lao She chảy máu đầu nhưng vẫn còn tỉnh. Ba giờ sau, người ta mang ông đến đồn công an và vợ ông đến đem về. 

Sáng hôm sau, Lao She dậy sớm, rời nhà đi về hướng tây bắc đến một ao nước tên Hồ Thái Bình. Ông đọc thơ và viết cho đến khi chiều xuống. Rồi ông cởi áo vắt lên cây, bỏ đá đầy túi, và bước xuống hồ.

Khi người ta tìm thấy xác, Shu Yi, con ông, được gọi đến mang về. Công an tìm thấy áo quần, gậy, kính mắt, viết và tập giấy ông bỏ lại. Phán quyết chính thức cho cái chết của ông là Lao She đã “tự ý xa rời quần chúng.” Ông là một kẻ “phản cách mạng” và bị cấm không được chôn cất tử tế. Xác ông được thiêu không tang lễ. Vợ và các con bỏ kính mắt và viết của ông vào hòm đem chôn.

Tôi tự hỏi về người con ông, Shu Yi. Giờ này ông ta phải ở vào tuổi bảy mươi, hơn tuổi cha khi cha mất. Tôi dò hỏi và biết ông ở chỉ cách nhà tôi vài phút đi bộ. Ông mời tôi đến nhà. Shu Yi có mái tóc bạc và bộ mặt buồn buồn phúc hậu, và căn hộ ông ở thì hỗn độn những sách vở, cuộn giấy, và tranh vẽ. Một làn gió nhẹ từ con kênh gần đó thổi vào nhà khi chúng tôi trò chuyện. Tôi hỏi ông có biết thêm gì về cuộc tự vẫn của cha.

“Thật khó mà biết chính xác, nhưng tôi nghĩ rằng cái chết của cha là trận đấu tranh cuối cùng,” ông Shu Yi nói. “Nhiều năm sau, tôi đọc được một bài tựa đề 'Thi sĩ' mà cha viết năm 1941”—một phần tư thế kỷ trước khi mất. “Cha viết 'Thi sĩ là những người kỳ lạ. Khi người ta vui vẻ, thi sĩ có thể nói lên những điều chán nản. Khi mọi người buồn bã, thi sĩ có thể cười và nhảy múa. Nhưng khi quốc gia lâm nguy họ phải trầm mình, dùng cái chết làm lời cảnh báo nhân danh sự thật.'”

Hy sinh này là truyền thống của Trung quốc từ thế kỷ thứ ba Trước T.L., khi thi sĩ Qu Yuan trầm mình phản đối tham nhũng. Ông Shu Yi tiếp “Họ làm vậy để phản đối, cho mọi người biết sự thật là gì.” Cha tôi “thà chết hơn là quỳ lụy.”

Sau khi trò chuyện với Shu Yi, tôi trở về gặp ông Wu Zhiyou trưởng miếu, và hỏi chuyện về đêm cuối của Lao She. Ông nhún nhẹ vai nói, “Đúng đó. Thời Cách Mạng Văn Hóa có đấu tranh ở đây. Sau đó thì Lao She về nhà và gieo mình xuống hồ. Chuyện đó có thể nói là sự thật lịch sử.”

Vậy sao tài liệu của miếu không kể lại?

Ông Wu lúng túng tìm cách trả lời, và tôi chuẩn bị tinh thần để nghe một bài tuyên truyền. Nhưng rồi ông nói, “Chuyện đó bi thảm quá. Nó sẽ làm mọi người buồn lắm. Tôi nghĩ không nhắc đến trong tập sách này là tốt nhất. Chuyện xảy ra vì thời cuộc. Nó không thuộc về biên sử của Miếu Khổng Tử.

Tôi hiểu điều ông nói, nhưng giải thích đó có vẻ nửa vời. Lao She bị đánh đập ở miếu vì đó là không gian của học tập, của tư tưởng, của lịch sử; cho phép bạo hành một trong những tiểu thuyết gia lừng danh nhất của Trung Quốc, cũng như toàn cuộc Cách mạng Văn hóa, là cho phép công kích vào giá trị tinh thần của người Trung quốc. Và dù đã nhiều thập niên trôi qua, Đảng và người dân chưa bao giờ hòa giải với những mất mát trong thời điểm đó. Nếu như ai đó muốn lập bảng ghi dấu nơi tự vẫn của nhà văn ký sự thành phố lừng danh nhất của Bắc kinh cũng đã khó khăn; vì Hồ Thái Bình đã bị lấp bằng để mở đường xe điện ngầm hàng chục năm rồi. Tôi vẫn thường kinh ngạc về số lượng dĩ vãng mà người Trung quốc đã quay lưng bỏ lại: cách mạng, chiến tranh, nghèo khó, và biến động hiện nay. Ông Huang hàng xóm của tôi sống với người mẹ đã tám mươi tám tuổi. Có lần tôi hỏi cụ bà có hình ảnh gia đình không, và bà trả lời, “Bị đốt hết trong thời Cách Mạng Văn Hóa.” Rồi bà cười—loại tiếng cười trống hoác đặc biệt mà người Trung Quốc dành riêng cho những việc khủng khiếp.

Cuộc Cách Mạng Văn Hóa đã phá bỏ hệ thống tin tưởng cổ đại của Trung quốc mà cuộc cách mạng kinh tế sau đó không xây dựng lại được. Phồn vinh vẫn chưa định rõ được mục đích cuối cùng của quốc gia và cá nhân. Có một lỗ hổng trong đời sống mà người Trung quốc gọi là jingshen kongxu—“tinh thần trống rỗng.”

Hàng ngày tôi để ý thấy nhiều nhóm viên chức nhà nước từ những vùng sâu xa và học sinh quanh thành phố đến thăm Miếu. Một hướng dẫn viên trẻ tóc búi cao kiểu đuôi ngựa nói với một nhóm phụ nữ đứng tuổi. Cô ta ngửa tay lên đưa ra phía trước. “Đây là động tác bày tỏ lòng kính trọng Khổng Tử.” Các bà cố gắng hết sức để làm theo. Tôi nhận ra những khoảng trống lịch sử đó đã biến Khổng Tử trở thành một kẻ xa lạ với nhiều người Trung quốc. Thật khó mà biết đâu là chuyện thật về ông, và đâu là khởi đầu của huyền thoại và chính trị. Tác giả Annping Chin viết, “Chúng ta đổ lên ông cho mọi thành công và thất bại của Trung quốc vì chúng ta thật sự không hiểu ông.”

Trong khoảng chân không đó, một số người đã hăm hở đặt để nhà hiền triết vào những mục đính chính trị có lợi. Tháng Mười năm 2010, nhà văn đối kháng Liu Xiaobo, đang chịu án mười một năm tù vì tội lật đổ chính quyền, được trao Giải Nobel Văn chương. Việc đó làm chính quyền Trung Quốc điên cuồng. Để đáp lại, một nhóm chủ nghĩa dân tộc lập “Giải Hòa bình Khổng Tử,” và trao cho Vladimir Putin năm sau vì đã đem “an ninh và ổn định cho Nga.” Có khi chạy theo Khổng Tử còn làm người ta trở nên thù nghịch. Tháng Mười Hai năm 2010, một nhóm mười học giả cổ điển nổi danh phản đối dự định xây nhà thờ lớn ở Qufu, quê hương Khổng Tử. Họ viết, “Chúng tôi khẩn cầu các người hãy kính trọng vùng đất thiêng liêng của văn hóa Trung quốc, và ngưng ngay việc xây cất nhà thờ đạo Chúa.” Chính quyền lý lẽ rằng thành phố đã có nhà thờ xây trước đó, nhưng vì sự phản đối được ủng hộ rộng rãi từ các Hội Khổng Tử và cộng đồng mạng, công trình phải hoãn lại. 

Nhiều người cho rằng chính sách chạy theo Khổng Tử đã tới độ ngạt thở. Trên danh nghĩa ổn định chính trị, ban kiểm duyệt xóa những lời chỉ trích trên mạng, người quen dùng mạng thì cho rằng ý kiến của họ đã được “thái hòa.” Trong quan niệm của Đảng thì thái hòa theo kiểu Khổng Tử là không tương nhượng khi các luồng tư tưởng đối chọi nhau. Sau hiện tượng nông nổi Yu Dan, Li Ling giáo sư của Đại-học Bắc-kinh cho xuất bản cuốn “Chó Hoang: Tôi đọc Luận Ngữ,” trong đó ông phê bình loại “Khổng Tử chế tạo.” Ông viết “Khổng Tử là người thật đã từng sống, không phải là thánh hiền hay vua chúa… Ông không uy quyền hay địa vị—ngoài đức hạnh và học tập—và dám phê phán giới ưu tú quyền lực cùng thời. Ông du hành khắp nơi vận động cho đường lối của mình, đem trí tuệ giúp giới cai trị đương thời giải quyết khó khăn, luôn luôn thuyết phục họ làm lành bỏ dữ... Nỗi dằn vặt, ám ảnh, và nghị lực thúc đẩy ông lang lang, kêu nài cho tư tưởng của mình, như một con chó lang thang hơn là một thánh hiền.

Khi sách của ông Li ra đời vào tháng Năm, 2006, những học giả cổ điển khác như Jiang Qing, nhà tư tưởng chính trị Khổng Tử hàng đầu, lên án Li là “một tiên tri ngày tận thế cay độc không đáng trả lời.” Một trong những người bênh vực ông là Liu Xiaobo. Trước khi vào tù, Liu cảnh báo về tình trạng “Khổng Tử được tôn sùng, còn những luồng suy nghĩ khác thì bị cấm ngặt.” Không dẫn lời Khổng Tử, ông Liu viết: trí thức phải đề cao “độc lập tư tưởng và tự chủ cá nhân.”

Sống cạnh Miếu Khổng Tử càng lâu tôi càng cảm nhận được cách biệt giữa điều người ta muốn và điều miếu có thể cho được. Người Trung quốc đến miếu, Thánh Địa của Quốc Học, là để đi tìm một nối tiếp với đạo đức. Nhưng miếu ít khi mang lại cho họ điều đó; để lôi kéo lịch sử về phía mình, Đảng đã vẽ lên một chân dung Khổng Tử nguệch ngoạc. Nhiều thế hệ từ nhỏ đã lên án truyền thống đạo đức và triết lý Trung quốc, để giờ thấy Đảng hồi phục những giá trị đó một cách đột ngột mà không cho phép họ thảo luận về những gì đã xảy ra. Hu Shili, một chủ bút cấp tiến, mô tả chứng “mất trí nhớ tập thể” về cuộc Cách mạng Văn hóa. “Hồ sơ trong giai đoạn lịch sử đó là 'bí mật'” bà viết. “Thế hệ già không dám nhìn lại, còn thế hệ trẻ thì hoàn toàn không có ý niệm mơ hồ về gì về Cách mạng Văn hóa.”

Có nhiều dấu hiệu cho thấy trí thức cấp tiến không phải là giới duy nhất bực bội về chân dung Khổng Tử của chính quyền đưa ra. Tháng Mười, 2012, bà Yu Dan gặp gỡ khán giả sau buổi trình diễn opêra Trung quốc ở Đại học Bắc Kinh và bị sinh viên phản đối. Họ la to bà không xứng đáng ngồi chung với những học giả nghiêm túc trên đài. Ai đó hét lớn, “Cút khỏi đây!” làm bà vội vàng đi ra. Mùa đông năm ngoái, một tượng Khổng Tử lớn xuất hiện cạnh Quãng trường Thiên An Môn, một bổ sung đầu tiên cho khu vực nhạy cảm kể từ khi lăng của Mao được xây trong đời trước. Giới triết gia và khoa học chính trị bàn tán có phải đó là báo hiệu cho việc thay đổi chính thức cương lĩnh Đảng không. Nhưng rồi bốn tháng sau, pho tượng biến mất vào giữa đêm khuya. Nó được di dời đến một vị trí khác khiêm tốn hơn trong khuôn viên một viện bảo tàng. Lý do di dời tượng vẫn còn trong vòng bí ẩn vì Ban Tuyên truyền Trung ương cấm ngặt báo chí viết về nó. Dân chúng thì đùa: Ông thầy lang bạt từ Tỉnh Sơn đông đã bị tóm vì sống ở Bắc kinh không hộ khẩu. ♦


Dĩ-Nguyên dịch từ báo The New Yorker:

Evan Osnos January 6, 2014, The New Yorker, truy cập Dec. 2020, https://www.newyorker.com/magazine/2014/01/13/confucius-comes-home

Bảng đối chiếu tên riêng thường gặp: Pinyin--Hán Việt, Việt--Anh:

Bộ Dân Vụ: Ministry of Civil Affairs

Công ty Rượu Khổng Tử: Confucius Wine Company

Đại học Bắc kinh: Peking University

Đại Nhảy Vọt: Great Leap Forward

Đập Tan Tứ Hủ: Smash the Four Olds

Guo Jingming: Quách Kính-minh (nhà văn)

Hài-độc-thoại: Standup comedy

Hài-đối-thoại, đối-thoại-vui: Crosstalk comedy, comic dialogue

Hồ Thái bình: Lake of Great Peace, Taiping Lake

Hồng Vệ binh, Vệ binh Đỏ: Red Guards

Hu Jintao: Hồ Cẩm-đào

Kịch-tình-cảm-nhiều-kỳ: Soap opera, operatic drama, drama

Lao She: Lão Xá (老舍)

Liu Xiaobo: Lưu Hiểu-ba, giải Nobel Hòa bình 2010

Luận Ngữ: Analects

Mạnh Tử: Mengzi

Pháp Luân Công: Falun Gong

Qu Yuan: Khuất Nguyên

Shenzhen: Thẩm-quyến (thành phố)

Tả truyện: Zuo Zhuan (左傳)

Yu Dan: Vu Đan (tác giả)

Wen Jiabao: Ôn Gia-bảo

Chú thích:

(1) Còn được gọi là Khổng giáo, hay đạo Khổng, đạo Nho. Bản dịch sẽ dùng từ Nho giáo và Khổng giáo lẫn lộn.

(2) Bernard-Henri Lévy: Pháp, tác giả nhiều sách; báo Boston Globe cho rằng ông là trí thức bậc nhất của Pháp hiện nay. Dr. Phil: Mỹ, bác sĩ tâm lý học, có chương trình TV hằng tuần nhiều người xem.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo