Tổ chức đại diện người lao động: vẫn chỉ là ước mong! - Dân Làm Báo

Tổ chức đại diện người lao động: vẫn chỉ là ước mong!

Bùi Thiện Tri (NĐ ĐL VN)
- Cho đến hết ngày 31/12/2020, số lượng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 được ban hành mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay thay vì phải ban hành trên 20 văn bản theo kế hoạch. Thậm chí, nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và một số nghị định khác còn chưa được công bố dự thảo để lấy ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 03/12/2019, ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã ký Lệnh số 08/2019/L-CTN về việc công bố Bộ luật Lao động đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019 (Bộ luật Lao động năm 2019), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Nội dung thay đổi quan trọng nhất trong Bộ luật Lao động được ban hành lần này, theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), là khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Giám đốc ILO Việt Nam giải thích: “Tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động năm 1998 của ILO. Tự do hiệp hội giúp cải thiện quá trình thương lượng tập thể, cho phép người lao động được hưởng lợi ích công bằng hơn và cho phép doanh nghiệp thỏa thuận những cải thiện năng suất cần thiết.”

Theo đó, Bộ luật Lao động năm 2019 có một chương riêng về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bên cạnh tổ chức Công đoàn (chương XIII). Chương này thay cho chương quy định về Công đoàn cơ sở trong Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, luật mới chỉ quy định khung về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, quy định chi tiết sẽ do Chính phủ ban hành.

Ngày 06/01/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 24/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, bộ luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Theo danh mục này, Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động (khoản 4 Điều 172; khoản 2 Điều 176; khoản 2 Điều 174) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan trình hoặc ban hành trước ngày 15/9/2020.

Sáng ngày 11/3/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức họp bàn đôn đốc việc xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Bộ luật Lao động 2019. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp, cùng dự có các Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Quân cùng lãnh đạo các đơn vị. Bộ trưởng yêu cầu, trước hết để thực hiện đúng cam kết trước Quốc hội, trước Chính phủ, khi Bộ luật Lao động có hiệu lực vào ngày 01/01/2021, các văn bản dưới luật, các Thông tư do Bộ chịu trách nhiệm xây dựng cũng đồng thời được ban hành, không để tình trạng Bộ luật phải chờ Nghị định, Thông tư. "Bộ luật Lao động đi vào vận hành sẽ mở đường xây dựng một quan hệ lao động mới, một thị trường lao động mới đồng bộ, hội nhập và lành mạnh, đảm bảo sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý nhà nước..." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Với những động thái và tuyên bố rất mạnh mẽ và tích cực của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam về việc sớm đưa Bộ luật Lao động năm 2019 đi vào cuộc sống, các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự, những nhà quan sát và hoạt động xã hội ở trong và ngoài nước cũng như đông đảo người lao động Việt Nam tràn trề hy vọng từ ngày 01/01/2021 khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, người lao động sẽ chính thức được thành lập các tổ chức đại diện cho mình tại cơ sở, thay vì chỉ được lựa chọn tham gia vào tổ chức Công đoàn như lâu nay. Đây được xem là quy định tiến bộ, đột phá trong Bộ luật này, và thực hiện đúng cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết, gồm: EVFTA và CP-TPP.

Tuy nhiên, cho đến hết ngày 31/12/2020, số lượng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 được ban hành mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay thay vì phải ban hành trên 20 văn bản theo kế hoạch. Thậm chí, nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và một số nghị định khác còn chưa được công bố dự thảo để lấy ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó đồng nghĩa Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2020 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện theo đúng yêu cầu. Cam kết của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trước Quốc hội, trước Chính phủ rằng khi Bộ luật Lao động có hiệu lực, các văn bản dưới luật, các Thông tư do Bộ chịu trách nhiệm xây dựng cũng đồng thời được ban hành, không để tình trạng Bộ luật phải chờ Nghị định, Thông tư đã không thành hiện thực.

Để tìm câu trả lời về nguyên nhân của sự chậm trễ ban hành các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung quan trọng của Bộ luật Lao động năm 2019, tác giả đã tìm hiểu thêm các cam kết về lao động của Việt Nam trong các Hiệp định EVFTA và CP-TPP.

Tham gia CP-TPP, Việt Nam có thời gian 3-5 năm để đáp ứng các điều kiện về lao động theo cam kết. Theo đó, nếu Việt Nam có vi phạm các cam kết chung liên quan tới lao động, các nước không áp dụng các biện pháp cắt giảm ưu đãi thương mại trong thời hạn 3 năm từ ngày hiệp định có hiệu lực. Nếu Việt Nam có vi phạm với quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể, các nước không áp dụng biện pháp đình chỉ ưu đãi thương mại trong thời gian 5 năm đầu. Trong thời gian năm thứ 5 đến năm thứ 7 CP-TPP có hiệu lực, các bên sẽ rà soát về các vi phạm của Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội.

Về lao động trong EVFTA, các bên cam kết tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến điều kiện trong nước. Ngoài ra, các bên tái khẳng định cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các Công ước của ILO đã được phê chuẩn. Tuy nhiên, Việt Nam dự kiến phê chuẩn Công ước 87 về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức vào năm 2023.

Phải chăng Chính phủ Việt Nam đang tận dụng khoảng thời gian không bị chế tài đối với các vi phạm các cam kết chung liên quan tới lao động trong các Hiệp định thương mại tự do nói trên ít nhất cho đến năm 2023 để trì hoãn việc thi hành trên thực tế các điều khoản trong chương XIII của Bộ luật Lao động năm 2019 về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở? Nếu vậy thì mong ước của người lao động Việt Nam được thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện tại cơ sở do chính mình lựa chọn vẫn còn khá xa vời.

Hà Nội, ngày 04/01/2021

Tài liệu tham khảo:









Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo