Cá trong lờ đỏ hoe con mắt.
Cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô. Ca Dao
Sinh thời Lý Chánh Trung nổi tiếng là một nhân vật hoạt bát, năng nổ và khuynh tả. Tôi có ngồi nghe ông nói về dân chủ Nhã Điển (Athenian democracy) tại giảng đường Hội Hữu, ở Trường Văn Khoa Đà Lạt, chừng cỡ nửa giờ. Thay vì chỉ dậy cho sinh viên biết qua về nền móng dân chủ đầu tiên của nhân loại – khởi thủy khoảng thế kỷ thứ VI, trước Công Nguyên – ông dùng phần lớn khoảng thời gian ngắn ngủi này để chê trách cái thể chế dân chủ bất toàn của miền Nam.
Cả hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà đều có không ít khiếm khuyết (về rất nhiều mặt) nên những điều G.S Lý Chánh Trung nói không có điều gì sai cả. Nó chỉ trật ở chỗ ông đã lạm dụng khuôn viên đại học, và quyền đại học tự trị, của nửa phần đất nước (theo chủ trương pháp trị) để làm cho nó thêm suy yếu đang khi phải đối diện với kẻ thù hung hiểm từ bên kia chiến tuyến.
Sau 1975, sau khi cái mảnh đất quê hương tự do nhỏ bé này thất thủ, Lý Chánh Trung cùng với nhiều vị “nhân sỹ” khác của miền Nam (Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi …) được mời ra miền Bắc để tham dự Lễ Quốc Khánh vào ngày 2 tháng ̣9.
“Ông cho biết, phái đoàn đi đến đâu cũng được dân chúng đổ xô ra đón tiếp nồng hậu… Ông bị một chị trong Hợp Tác xã chặn lại đột ngột hỏi:
- Có phải ông là giáo sư Lý Chánh Trung phải không?
- Thưa phải.
- Thế thì hân hạnh quá được gặp giáo sư, vì tôi có được đọc bài của giáo sư viết trước đây.
Rồi Lý Chánh Trung đưa ra nhận xét: Miền Bắc dù có chiến tranh, nhưng phải nói trình độ văn hóa cao hơn ở miền Nam nhiều. Chỉ cần một người dân thường cũng có thể đọc bài của Lý Chánh Trung.” (Nguyễn Văn Lục. “Nhận Định Tổng Quan Về Thành Phần Phản Chiến & Lực Lượng Thứ Ba” – DCVOline.net October 24, 2017).
Trải nghiệm của L.S Lê Hiếu Đằng về chuyến đi này cũng thế, cũng cảm xúc rạt rào. Bài viết của ông trên báo Tin Sáng (“Những Giây Phút Cảm Động Đó”) đầy ắp những câu chữ khiến người đọc có thể rơi nước mắt:
“Những cái hôn thắm thiết, những bàn tay siết chặt tưởng chừng như không muốn rời ra, những tràng cười thoải mái, cởi mở. Tất cả tạo nên một bầu không khí thắm đượm tình nghĩa đồng bào, đồng chí.”
Bầu không khí thắm đượm tình nghĩa này – tiếc thay – không kéo dài luôn, và cũng chả kéo dài lâu. Ngay sau đó, chuyện cơm không lành canh không ngọt giữa các đồng chí vẫn xẩy ra ngày một. Vào lúc cuối đời, có lẽ, vì sợ bị chôn gần (hay chôn chung) với mấy ông cộng sản nên vào ngày 12 tháng 4 năm 2013 Lê Hiếu Đằng tuyên bố ly khai.
Ông không phải là người đầu tiên, và cũng chả phải là kẻ cuối cùng bỏ Đảng. Gần hai mươi năm trước, vào ngày 21– 3– 1990, ông Nguyễn Hộ cũng đã có quyết định tương tự cùng với những lời lẽ minh bạch và dứt khoát hơn nhiều: “Chúng tôi đã chọn sai lý tưởng cộng sản chủ nghĩa ... suốt 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục.”
Nhà thơ Hoàng Hưng bầy tỏ: “Tôi cảm phục những người xưa vì yêu nước mà theo cộng sản, nay vì yêu nước mà thoát cộng.” Cái vòng danh lợi cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào. Không bao lâu sau, sau khi L.S Lê Hiếu Đằng “thoát cộng” thì một ông luật sư khác lại “ngúc ngắc” muốn vào – theo tường thuật của nhà báo Mai Tú Ân:
“Đến lúc này thì vai trò của luật sư Hoàng Duy Hùng càng lúc càng trở nên rõ ràng là một mắt xích mới của ván bài Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc, ván bài vốn dở dang từ nhiều năm trước thì nay đã được khai thông trở lại. Và người đóng vai trò chính trong việc này là luật sư Hoàng Duy Hùng…
Các bài bản, phông tuồng đều được giăng mắc quanh ông khiến ông luôn sáng chói với những câu chuyện trời ơi đất hỡi như chuyện ông Cựu chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết cầm dù che nắng cho ông luật sư Hoàng Duy Hùng. Nào là đi trên đường phố thủ đô Hà Nội, ông ta luôn nghe thấy nhiều người dân chào ông, vì biết ông là luật sư Hoàng Duy Hùng ?”
Lý Chánh Trung sinh năm 1928, Lê Hiếu Đằng 1944, và Hoàng Duy Hùng chào đời mười tám năm sau nữa – 1962. Khoảng cách xuất hiện trên sân khấu chính trị của ba ông tuy cũng khá xa nhưng bài bản, phông tuồng thì hoàn toàn không đổi:
Hồi 1975, Lý Chánh Trung vừa ra tới Hà Nội là có người chạy vội lại hỏi ngay:
- Trong đoàn ai là giáo sư Lý Chánh Trung, cho tôi gặp mặt.
Lý Chánh Trung bèn tách ra khỏi doàn và trả lời:
- Tôi là Lý Chánh Trung đây.
- Thưa giáo sư, tôi kính phục giáo sư, vì trước đây có đọc bài của giáo sư.”
Đến năm 2020, vở diễn vẫn y chang: Đi trên đường phố thủ đô Hà Nội, ông ta luôn nghe thấy nhiều người dân chào ông, vì biết ông là luật sư Hoàng Duy Hùng?
Thiệt là thầy chạy!
Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe mấy nhân vật phản tỉnh ở VN biện minh cho “sai lầm chính đáng” của họ – khi còn trẻ người non dạ – bằng những câu chữ sau:
Tác giả Thiện Ý phản biện rằng: “20 tuổi mà đi theo cộng sản là không có cái đầu, 40 tuổi mới từ bỏ Cộng sản là quá trễ và không có trái tim.” Cứ theo như tôi biết thì Hoàng Duy Hùng không thuộc loại tiên thiên bất túc, tim gan cũng như trí não của ông đều đầy đủ cả. Cách hành sử khác thường của ông – chả qua – là thái độ của kẻ theo đóm ăn tàn, theo như cách nói của dân gian.
Thành ngữ này được một vị luật sư khác, Nguyễn Văn Đài, lý giải như sau: “Người mà theo đóm ăn tàn là loại người kém cỏi không tự biết mình là ai, không cần biết hệ lụy của việc đó sẽ dẫn mình đến đâu, cứ có tí lợi là tìm đến để nhặt nhạnh.”
FB Thảo Dân góp ý với ngôn ngữ bao dung và độ lượng hơn: “Nhìn các em, các cháu còn trẻ mà đường quang không đi đâm quàng bụi rậm, vào cái nơi bị khinh ghét, nguyền rủa, thấy thật là đáng tiếc.” May mắn là những trường hợp “đáng tiếc” như thế không nhiều. Dù hết sức nỗ lực từ nhiều năm qua, Ủy Ban Nhà Nước Về Người Việt Ở Nước Ngoài (NVNONN) cũng chỉ thu dụng được chừng năm bẩy tên vô loại loanh, quanh ở phố Bolsa, thôi: Nguyễn Phương Hùng, Hoàng Duy Hùng, Vũ Hoàng Lân, Nguyễn Ngọc Lập, Nguyễn Trường…!