S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Cuối cùng (hay nói chính xác hơn là cuối đời) rồi tôi cũng thấy một cây hoa gạo, mọc cạnh tường thành bao quanh Cung Điện Mandalay – kinh đô cuối cùng của vương triều Miến. Có thể vì mới đầu tháng ba, chưa tới giai đoạn mãn khai, và cũng vì tôi đứng khá xa (khoảng cách là cả một cái hào nước rộng) nên ảnh chụp những cành hoa gạo trông… không rõ nét! Kể cũng hơi đáng tiếc nhưng dù sao thì tôi cũng đã nhìn được tận mắt, và (tưởng) thế cũng đã đủ vui rồi.
- Sao không đi tới gần hơn?
- Dạ, hổng dám “tới gần hơn” đâu. Theo tôi, hoa (cũng như người) nên trông từ xa thường vẫn đẹp hơn!
Ở bên này hào nước của Cung Điện Hoàng Gia là ngôi giáo đường của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý, Methodist Church. Cách đó không xa là nhà thờ Anh Giáo (St. Mary Church) nằm ngay góc đường 26th Street & 77th St. Kề bên là chùa Chà Shri Mariamman Temple, tất nhiên là nghi ngút và sực nức mùi nhang trầm Ấn Độ.
Chỉ trong vòng mươi phút đi bộ thôi mà đã có đến mấy nơi thờ phượng trang trọng của vài tôn giáo khác nhau. Ai dám nói là người Miến Điện kỳ thị tín ngưỡng? Ấy thế mà họ đối xử phân biệt tới nơi, tới chốn, và cách họ ngược đãi sắc dân Hồi Giáo Rohingya đã khiến cả thế giới đều phải hãi hùng:
Wikipedia khái quát: “Cuộc đàn áp quân sự lên người Rohingya đã kéo đến những lời chỉ trích từ Liên Hiệp Quốc; tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế; Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; và chính phủ Malaysia. Bà Aung San Suu Kyi người đứng đầu của chính phủ trên thực tế đặc biệt bị chỉ trích cho sự không hành động và giữ im lặng của mình về vấn đề này và hành động rất ít để ngăn chặn các lạm dụng quân sự.”
Mà phải chỉ là những lời chỉ trích (suông) đâu nha, sự việc đã đi xa hơn thế, và tồi tệ hơn nhiều. Tất cả những vòng nguyệt quế mà thế giới phương Tây trao cho Suu Kyi đều đã bị giật lại thẳng tay. Nhật báo Independent, số ra ngày 11 tháng 9 năm 2017, còn ái ngại loan tin rằng do cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya mà đã có 400 ngàn chữ ký yêu cầu tước bỏ Giải Nobel của Aung Sang Suu Kyi (Rohingya Muslim crisis: 400,000 sign petition to strip Aung Sang Suu Kyi of Nobel Prize).
Rồi khi mà tình cảm với phương Tây đã hết mặn mà thì Suu Kyi, và cả nước Miến, đã quay trở lại với anh nhân tình cũ – Trung Cộng. Cứ mỗi lần nhìn thấy hình ảnh nàng đứng cạnh Tập Cận Bình là lòng tôi tan nát, gan ruột muốn đứt thành từng khúc luôn.
Nói gần nói xa, chả qua nói thiệt : dù có chút chênh lệch về tuổi tác, tôi không chối được rằng đã có lúc mình phải lòng Suu Kyi. Tuy chỉ là tình yêu đơn phương nhưng giữa chúng tôi không thiếu những kỷ niệm rất… êm đềm và rất khó quên!
Năm 2015, ngay sau khi Đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) của Suu Kyi thắng cử vẻ vang là tôi bay qua Yangon tức khắc. Tôi muốn đến tận nơi để chia sẻ niềm vui lớn lao này với mỹ nhân mà mình ái mộ. Bước ra khỏi phi trường, vừa phóc lên taxi là tôi hớn hở hỏi liền:
Are you happy ?
Wait and see!
Chú tài xế trẻ xối ngay cho vào mặt tôi một xô nước lạnh.
Wait cái con mẹ gì nữa, hả Trời? Bọn quân phiệt thua đau và thua đậm. Đảng NLD của Lady nắm quyền rồi. Một thời cơ lịch sử để Burma thoát khỏi độc tài, thoát Tầu, và thoát nghèo luôn. Đất Miến hiện có đủ điều kiện để thực hiện tất cả những ước mơ này: một đảng đối lập có thực lực, một vị lãnh đạo có tâm có tầm và được quần chúng tin yêu. Đây là một cơ hội bằng vàng tụi bay phải nắm lấy ngay, đừng thờ ơ, phải chung tay nhập cuộc với mọi người đi chớ…
Bữa đó, tui nói hơi nhiều, và hoàn toàn tin tưởng vào những suy nghĩ hết sức lạc quan và chân thật của mình. Niềm tin này – tiếc thay – tôi không giữ được luôn và cũng chả nắm được lâu. Sau khi nghe người đẹp của lòng mình tuyên bố một câu nghe rất chướng (nàng sẽ “đứng trên tổng thống” luôn) là tôi bắt đầu hơi bị lăn tăn chút xíu. Tôi ngại rằng quyền lực đã khiến cho mỹ nhân Burma (người vẫn được thiên hạ xưng tụng là “biểu tượng dân chủ”) thay lòng đổi dạ.
Sau khi 6,700 người Rohingya (kể cả trẻ con) bị sát hại, và sau khi con số thuyền nhân đào thoát khỏi Myanmar lên đến hơn nửa triệu (503,698) mà Suy Kyi vẫn cứ lặng thinh thì tôi biết rằng sự nghi ngại của mình đã thành hiện thực. BBC bình luận: Myanmar's democratic transition, analysts say, appears to have stalled.
Vấn đề không chỉ “nghẽn” ở lãnh vực tự do, dân chủ, hoặc nhân quyền. Cái nghèo cũng đẩy Burma vào con đường… kẹt. Ngày 5 tháng 4 năm 2016 tôi cũng có mặt ở đất nước này. Hôm đó, theo tường thuật của nhật báo The Global New Light of Myanmar, Bộ Trưởng Vương Nghị đến thủ đô Naypyitaw để chúc mừng tân chính phủ – với một thái độ vô cùng nhũn nhặn – cùng lời “cam kết sẽ không can thiệp vào nội bộ của Myanmar” (pledging that China would not interfere in the internal affairs of Myanmar).
Tuy thế, cuối cùng, Miến Điện vẫn không thoát khỏi Tầu. Bỉnh bút của RFA, Hoàng Gia Phúc cho hay: “Ngày 17/1/2020, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức đến Myanmar - quốc gia thuộc ASEAN. RFI cho biết có hai dự án quan trọng được đề xuất trong chuyến thăm này, đó là: Bắc Kinh đề nghị xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Miến Điện (CMEC) với một cảng nước sâu 1,3 tỉ đô la tại Kyaukphyu ở bang Rakhine, mở lối vào Ấn Độ Dương cho Trung Quốc. Một dự án lớn khác có thể được bàn bạc trong dịp này, đó là đập thủy điện 3,6 tỉ đô la ở Myitsone, bang Kachin. Với chuyến thăm này của ông Tập, Myanmar thể hiện quyết tâm tiến sâu vào quan hệ với Trung Quốc trong Dự án Con đường tơ lụa mới…”
Tôi thành thực không tin rằng Burma có chút tương lai sáng sủa nào trên Con Đường Tơ Lụa Mới của Tập Cận Bình, và xem ra thì đất nước này cũng chả còn có lựa chọn nào khác nữa. Cũng y như Miên, Việt với Lào thôi. Suu Kyi của lòng tôi, và Đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (của nàng) quả đã làm cho không ít người thất vọng!
Cố nhân ơi biết chiều nay ta buồn!
Điều an ủi là, thỉnh thoảng, tôi vẫn còn bắt gặp mấy cái tuk tuk (trên mọi nẻo đường ở Miến) với chân dung nhỏ nhắn xinh xắn của Suu Kyi – dù hai bên lề vẫn không thiếu những kẻ không nhà đang nằm vật vạ khắp nơi. Hoá ra hô hào tự do, kêu gọi cải cách kinh tế – chính trị vẫn là chuyện dễ; thực hiện kìa mới gian nan.
Dân chủ, theo nhận xét của nhà báo Ngô Nhân Dụng, không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay. Ấy thế mà ở nước tôi thì ngay cả “nước sôi” cũng chưa mấy ai buồn nghĩ đến.