Phạm Trần (Danlambao) - Vấn đề “Có nhân quyền (hay quyền con người) ở Việt Nam hay không” đã được đặt ra ngay sau ngày Cộng sản miền Bắc đánh chiếm Sài Gòn tháng 4 năm 1975. Bởi vì không riêng người Việt Nam mà cả Thế giới đều biết Chính quyền Cộng sản đã không giữ lời hứa “không trả thù người miền Nam Việt Nam”, sau khi họ chiến thắng.
Nhưng hàng trăm ngàn quân nhân, cảnh sát, chính trị gia, trí thức, tu sỹ và thương gia đã bị đảng Cộng sản ép đi tù lao động mệnh danh “cải tạo”, và nhiều người đã chết vì đói và bệnh tật tại những trại giam nơi rừng thiêng nước độc.
Bên cạnh đó, chính quyền Cộng sản cũng đã đối xử tàn bạo với dân miền Nam qua chiến dịch đánh “tư sản mại bản” từ năm 1976, và đẩy dân thành phố đi khai hoang lập nghiệp ở những vùng đất cằn cỗi để cướp tài sản, và không ngăn cản dân miền Bắc nghèo đói di cư vào Nam lập nghiệp.
Cuối cùng, vì hết chịu đựng nổi chính sách cai trị hà khắc và kỳ thị của chính quyền Cộng sản, hàng trăm ngàn người miền Nam, sau này có cả dân miền Bắc vùng ven biển, đã liều mình bỏ nước ra đi tìm tự do bằng đường biển và đường bộ, băng qua Cao Miên đến Thái Lan. Hàng chục ngàn người, kể cả đàn bà và trẻ em đã bỏ mình vì bị Hải tặc tấn công ở Biển Đông, hay bị quân Khmer đỏ ở Cao Miên cướp giết.
Từ những vị phạm trắng trợn này, sau khi đã thống nhất đất nước năm 1976, đảng Cộng sản Việt Nam đã mở chiến dịch đàn áp Tôn giáo ở miền Nam nhằm vào Công giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Phật giáo Ấn Quang) vì không chịu gia nhập Tổ chức Phật giáo của Nhà nước, hay tham gia Tổ chức Người Công giáo yêu nước do nhà nước bao trợ.
Cùng lúc đó, những tiếng nói đòi dân chủ, nhân quyền và tự do đã bị đàn áp thẳng tay, sau khi Internet nhập vào Việt Nam từ năm 1995.
Vi phạm của Việt Nam
Vì vậy, các Tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới và các Chính phủ tây phương, tiêu biểu là Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu đã lên tiếng chỉ trích đảng CSVN vi phạm nhân quyền.
Trước hết, những vi phạm của Việt Nam được tóm tắt trong Báo cáo năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ như sau:
“Những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm: việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; bị ép buộc đưa đi mất tích; tra tấn bởi nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; những hình thức tồi tệ nhất của hạn chế tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội; hạn chế đáng kể tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; hạn chế sự tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng lớn; cấm các tổ chức công đoàn độc lập; buôn bán người; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức. Đôi khi chính quyền đã có hành động khắc phục, bao gồm việc truy tố đối với các quan chức vi phạm pháp luật; nhưng công an và các quan chức nhà nước thường vi phạm mà không bị trừng phạt.” (Báo cáo Nhân quyển năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ)
Tuy nhiên, phía Việt Nam chưa bao giờ nhận đã đàn áp nhân quyền, và tuyên bố “không có tù nhân lương tâm hay chính trị ở Việt Nam”. Ngược lại, nhà nước Cộng sản nói họ đã bắt giam và đàn áp những người bất đồng chính kiến không phải vì họ đã sử dụng quyền phát biểu mà vì họ đã “vi phạm luật pháp”!
Đối với những cáo buộc của Chính phủ Mỹ, người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: "Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt, để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước."
Freedom House - Human Rights Watch
Tổ chức Freedom House (Nhà Tự do) cũng đã có cái nhìn khác về Việt Nam: "Internet freedom declined to an all time low in Vietnam, as the government continued to impose stringent controls over the country’s online environment. In an effort to scrub any trace of critical or “toxic” speech online, the state continued mandating companies to remove content, suspended online newspapers, and imposed draconian criminal sentences for online expression. A deliberate disruption to connectivity amid a violent land dispute, as well as a reported throttling of Facebook’s local servers by state-owned telecommunications companies, further constrained internet freedom.” (Freedom House,2020)
Tạm dịch: "Tự do không gian mạng (Internet) đã suy đồi nghiêm trọng trong mọi thời kỳ ở Việt Nam, trong khi Chính phủ tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động này trên cả nước. Trong cố gắng tìm ra manh mối những quan điểm “độc hại” trên mạng, nhà nước tiếp tục đòi các Công ty cung cấp dịch vụ trên mạng phải tháo gỡ nội dung, đình chỉ báo trên mạng, và áp đặt những bản án nặng nề cho sự bầy tỏ tư tưởng trên mạng. Hành động bất ngờ cắt đứt nối kết trong một cụ tranh chấp đất đai, cũng như ngăn chặn những Công ty Facebook địa phương bởi những công ty của nhà nước là bằng chứng của kiểm soát tự do trên Internet.”
Tiếp đến, trong Báo cáo năm 2020, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) từ New York, Hoa Kỳ, viết rằng: "Vietnam continued to systematically violate basic civil and political rights in 2020. The government, under the one-party rule of the Communist Party of Vietnam, tightened restrictions on freedom of expression, association, peaceful assembly, movement, and religion. Prohibitions remained on the formation or operation of independent unions and any other organizations or groups considered to be a threat to the Communist Party’s monopoly of power. Authorities blocked access to several websites and social media pages and pressured social media and telecommunications companies to remove or restrict content critical of the government or the ruling party.
Those who criticized the government or party faced police intimidation, harassment, restricted movement, physical assault, arbitrary arrest and detention, and imprisonment."
Tạm dịch: "Việt Nam tiếp tục vi phạm có hệ thống những quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2020. Chính phủ, dưới quyền cai trị độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam, đã gia tăng hạn chế các quyền tự do phát biểu, tập hợp, hội họp ôn hòa, đi lại và tôn giáo.
Tiến tục ngăn cấm tổ chức hay hoạt động của các nghiệp đoàn độc lập, hoặc bất kỳ tổ chức hay nhóm nào được coi như đe dọa đến quyền hành của đảng CSVN. Nhà chức trách đã ngăn chặn tiếp cận với một số Websites và mạng xã hội, đồng thời áp lực những công ty làm dịch vụ mạng xã hội và truyền thông phải xóa đi những nội dung chỉ trích chính phủ hay đảng cầm quyền.
Những ai chỉ trích chính phủ hay đảng đều bị cảnh sát khủng bố, đe dọa, ngăn cấm đi lại, tấn công, bắt bừa bãi, giam giữ và bỏ tù..”
Việt Nam phản ứng
Ngay sau khi phúc trình của Human Wights Watch được truyền ra khắp Thế giới, báo nhà nước Việt Nam—qua điều khiển của Ban Tuyên giáo đảng, đã nhanh chóng phản ứng gay gắt.
Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) viết: "Thật lạ, bởi sau khi rêu rao, chống phá công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam không thành, rơi vào lạc lõng, nhiều trang mạng lại a dua theo phán xét của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) có trụ sở tại New York (Hoa Kỳ), cho rằng, Việt Nam gia tăng vi phạm nhân quyền, như: Hạn chế tự do biểu đạt; không bảo vệ được quyền riêng tư; bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ của chính phủ. Thông tin này vẫn thể hiện góc nhìn thiển cận, phiến diện một chiều, thậm chí là suy diễn, quy chụp của những thành phần bất mãn, chống đối.” (QĐND, ngày 17/03/2021)
Cùng tát nước theo mưa, Đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Vietnam, VOV) nói: "Báo cáo Thế giới năm 2021 không có gì mới. Đó vẫn là những cáo buộc vô căn cứ về cái gọi là “Việt Nam gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản”; hay cái gọi là “Việt Nam lo sợ dân chủ, truyền thông độc lập và các quyền tự do”.
Sau đó VOV vu cáo HRW: "Trong bản báo cáo này, Tổ chức Theo dõi nhân quyền tiếp tục bao che, dung túng cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội vi phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, cổ súy tuyên truyền chống phá đất nước và những thành quả đổi mới của toàn dân tộc ta, trong đó có những cái tên như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn- tự xưng là nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam; hay Phạm Thị Đoan Trang…”
“Cần khẳng định rằng ở Việt Nam hoàn toàn không có những người gọi là “nhà hoạt động và bất đồng chính kiến” bị bắt giữ và xét xử. Ở Việt Nam chỉ có những công dân vi phạm pháp luật Việt Nam bị bắt giữ, truy tố và xét xử… Rõ ràng Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang… hay nhiều đối tượng khác tự coi mình là các nhà dân chủ hay bất đồng chính kiến, vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý.” (VOV, ngày 19/01/2021)
Rõ ràng báo chí của Đảng đã gắp lửa bỏ bàn tay vu khống cho những người đã can đảm tố cáo nhà nước vi phạm quyền tự do tư tưởng của dân và chà đạp nhân quyền.
Từ nhiều năm qua cả Thế giới đã biết những phát biểu hay bài viết của Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Nhà văn Nguyễn Tường Thụy và Nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang chỉ có một mục đích duy nhất là đòi Chính phủ phải tôn trọng quyền của người dân đã được quy định trong Điều 25 Hiến pháp năm 2013. Đó là các quyền tự do ngôn luận, tư tưởng, hội họp hòa bình, lập hội và biểu tình. Vì vậy, những việc làm này không hề vi phạm luật pháp hay xúi giục ai chống chế độ như xuyên tạc của Ban Tuyên giáo.
Vì vậy báo Nhân Dân, cơ quan thông tin của Trung ương đảng và báo của Bộ Công an cũng phải nhảy vào chống HRW là bằng chứng cho thấy đảng CSVN đã bị HRW đẩy vào chân tường.
Nhân Dân nói trong số báo ngày 22-02-2021: "Xét từ cách thức tiếp cận và quan điểm của HRW (Theo dõi nhân quyền) đối với Việt Nam trong rất nhiều năm qua có thể khẳng định, tổ chức nhân danh nhân quyền này đã đi từ thái độ thiếu thiện chí đến thái độ thù địch. Bởi đến nay, bất chấp việc Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu to lớn về nhân quyền, được cộng đồng quốc tế ca ngợi và đánh giá cao, HRW vẫn là một trong năm, bảy cái “loa” to tiếng nhất, hung hăng nhất, liên tục bịa đặt, vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền”.
Cuối cùng, nhóm Dư luận viên của Báo Công an Nhân dân (CAND) cũng lên tiếng chỉ trích Freedom House: "Vừa qua, một tổ chức phi chính phủ ở bên kia bán cầu tự cho mình cái quyền được "chấm điểm" để xếp hạng về "quyền tự do" của mỗi quốc gia. Đương nhiên, cái chiêu trò chống phá kiểu này đã quá nhàm, là cái cớ để một số đối tượng phản động, sống lưu vong ở nước ngoài và một số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong nước được dịp a dua, bình phẩm trên mạng xã hội.” (CAND, ngày 22/03/2021)
Tây Nguyên - Tây Bắc
Nhưng đảng và nhà nước CSVN không chỉ chống người Kinh khi họ đòi tự do và dân chủ mà guồng máy cai trị hà khắc của đảng còn chống cà các đồng bào dân tộc thiểu số khi họ không chịu để cho chính quyền khống chế và đàn áp tùy tiện.
Đồng bào Dân tộc từ Gia Lai về Quảng Đức, gồm Bahnard, Rhade và Raglai cũng đã phải chịu nhiều đàn áp và cưỡng bách lập nghiệp từ sau ngày Cộng sản miền Bắc chiếm miền Nam.
Nhưng báo Nhân Dân đã nhanh chóng phủ nhận những cáo buộc Việt Nam kỳ thị và đán áp người thiểu số của các Tổ chức nhân quyền Thế giới.
Báo này viết: "Như một thứ định kiến đã được lập trình, cũng như mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam, mỗi khi đề cập tới cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các báo cáo nhân quyền hằng năm của một số tổ chức thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam lại đưa ra các đánh giá, nhận định hết sức u ám, bi quan, sai sự thật, thậm chí hạ thấp, xúc phạm nhân phẩm con người. Đối chứng với thực tế, không khó nhận ra đó là các nhận định đầy xấu xa, phiến diện và phi lý mà bản chất là bịa đặt, vu khống."
Sau đó, Nhân Dân khoe: "Những năm qua, Tây Nguyên đã trải qua một quá trình thay da đổi thịt mạnh mẽ, các tiềm năng được khai thác và phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, do tính chất đa dạng về xã hội, kinh tế, văn hóa,… nên tại đây, việc bảo đảm quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương hết sức coi trọng, tiêu biểu là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, bảo tồn và phát triển văn hóa, chăm sóc y tế, học tập… Và dưới sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của cấp ủy, chính quyền tại địa phương, các tầng lớp nhân dân Tây Nguyên luôn đồng lòng, nỗ lực củng cố, đạt rất nhiều thành tựu to lớn về quyền con người.” (Nhân Dân, ngày 19/10/2021)
Nhân Dân “nói vậy mà không phải vậy”, vì từ những năm 2000, đó đây đã có những Tố cáo chính quyền CSVN tăng cường kỳ thị và đán áp tín ngường của đồng bào Thượng ở Tây Nguyên. Bắt đầu cuộc xung đột là quyết định của Nhà nước đưa 3 triệu dân, phần lớn từ miền Bắc vào lập nghiệp ở Tây Nguyên, sau năm 1975.
Người Thượng coi đây là hành động “chiếm đất” của Tổ tiên họ để lại. Sau đó đến các vụ đàn áp đạo Tin lành đấng Christ của người Thượng. Nhà nước gọi là “tà đạo” vì không thuộc Tổ chức đạo Tin Lành của Nhà nước bảo trợ. Nhiều nhà thờ tư gia đã bị đóng cửa và nhiều người chống đối đã bị bắt, hay chết trong các vụ xung đột với lực lượng an ninh.
Một báo cáo phổ biến trên Internet năm 2005 viết: "Trong những tháng gần đây, chính quyền Việt Nam gia tăng sách nhiễu những tín đồ Cơ đốc ôn hòa người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhằm vào giáo dân của các nhà thờ tại gia không đăng ký.”
Báo cáo viết tiếp: "Chính quyền tuyên bố rằng những người thiểu số theo các nhà thờ tại gia độc lập hoặc không đăng ký là “Tin Lành Dega,” khẳng định rằng đó không phải là một tôn giáo hợp pháp mà là vỏ bọc cho một phong trào ly khai của người Thượng.”
Tin này được công bố, sau hai cuộc biểu tình đòi đất và chống bất công của đồng bào Thượng vào năm 2001 và 2004 tại Ban Mê Thuột làm rung chuyển toàn vùng Cao Nguyên.
Khi đó, chính quyền cộng sản cáo buộc Fulro tổ chức hai cuộc biểu tình này. Fulro là "Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức. Tên Pháp: Front Uni de Lutte des Races Opprimées”, một liên minh chính trị -quân sự của các sắc tộc Cao nguyên Trung phần, Chăm, Khmer tồn tại từ năm 1964 đến 1992.
Trong thời gian chiến tranh, Fulro đã hợp tác với Lực lượng mũ xanh Mỹ ở vùng Cao Nguyên, chuyên về chiến tranh tập kích vào các sào huyệt quân Cộng sản trong rừng sâu. Do đó, sau khi quân Cộng sản chiếm Tây Nguyên, họ đã mở chiến dịch”trả thù” người Thượng.
Bước qua lĩnh vực bào đồng bào Hmong theo đạo Tin Lành Dương Văn Mình ở vùng Tây Bắc Việt Nam, từ năm 2013 cũng đã có những xung đột về phong tục ma chay và cưới hỏi với chính quyền 4 tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Cạn. Nguyên nhân vì ông Dương Văn Mình, người được coi là nhân sỹ của người Hmong muốn hướng dẫn dân mình thay phong tục ma chay và cưới hỏi để làm theo như “người Kinh miền xuôi”.
Vì vậy người Hmong đã thành lập những khu Nhà Táng (hay còn gọi là Nhà Tang) để khăn niệm cho người qua đời và tổ chức ma chay trong vòng 24 giờ, thay vì để xác ở nhà lâu ngày như phong tục cổ truyền. Người Hmong cũng xây dựng một số nơi thờ tự theo đạo Tin lành để thờ “đấng Thiên sứ” của dân tộc Hmong, nhưng không gia nhập vào Tổ chức đạo Tin lành của nhà nước.
Nhưng đối với chính quyển địa phương thì hành động của ông Dương Văn Mình đã vi phạm luật pháp và là “tà đạo” nên bị dẹp bỏ, bắt người chống đối. Xung đột này đã khiến hàng trăm đồng bào Hmong kéo về Hà Nội hồi tháng 10/2013 biểu tình đòi được tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Đến nay tình hình đã tạm ổn, nhưng quan hệ giữa Dân tộc Hmong vùng Tây Bắc với Chính quyền vẫn không bình thường.
Như vậy, điều mà các Tổ chức nhân quyền Thế giới tố cáo nhà nước Việt Nam vi phạm các quyền con người là không oan. Có không đúng chăng là bảo rằng mọi người được đối xử bình đẳng và các quyền căn bản của người dân được Luật pháp của CSVN bảo vệ và tôn trọng. -/-
(10/021)