Doanh Nghiệp Việt Nam than: Khó khăn "cận kề" tín dụng "xa muôn dặm" - Dân Làm Báo

Doanh Nghiệp Việt Nam than: Khó khăn "cận kề" tín dụng "xa muôn dặm"


* Bảy tháng qua Chương Trình Phục Hồi Kinh Tế hậu CoVid chỉ giải ngân được 34%

* Gần 95 ngàn Doanh Nghiệp phá sản trong 7 tháng đầu năm 2022.

* Không được vay tín dụng ưu đãi, 541.753 doanh nghiệp nhỏ kêu cứu.

* An toàn Ngân hàng báo động: Dữ liệu của 100.000 trương mục bị rao bán trên mạng.

*

Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ (DNVVN) chiếm đa số và đóng góp rất lớn cho nền Kinh tế Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì “gần kề”, mà vốn vay ưu đãi lại “muôn trùng xa cách”. Bởi tỷ lệ tín dụng năm 2022 được Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) giới hạn ở mức 14%, thì chỉ còn lại có 4,58% cho 5 tháng còn lại. Cơ hội dành cho các Doanh Nghiệp đang chờ vượt “cửa ải” quan tham để “sờ tay” vào được gói tín dụng ưu đãi cũng mong manh như “hạt sương mai tan trong nắng sớm”.

Hôm 11 tháng 8 Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư, Nguyễn Chí Dũng xác nhận, doanh nghiệp Việt Nam trên thực tế, còn yếu về phẩm chất và thiếu về số lượng có quy mô vừa và lớn. Trong năm 2021, cả nước có 54.960 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 90,8% so với bình quân giai đoạn 2016-2020. Trong 7 tháng của năm 2022 đã có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhìn vào phẩm chất, ông Dũng nói thẳng, doanh nghiệp Việt Nam còn theo đuổi mục tiêu kinh doanh chụp giật, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại. . . [1]


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận, tỷ lệ tín dụng cho DN năm 2022 được giới hạn ở mức 14%. Tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, bằng 9,35%; đến cuối tháng 7 tín dụng chỉ nhích lên mức 9,42%. Như thế, trong tháng 7/ 2022 lượng tiền cho vay đã rất thấp. Tỷ lệ tín dụng cho 5 tháng còn lại trong năm chỉ có 4,58% tương đương 500 ngàn tỷ đồng. Nhiều ngân hàng đã hết “quota” tín dụng cho năm 2022.

Sự thể này được NHNN loan báo như lời cảnh giác cho giới Ngân Hàng và doanh nghiệp từ đây sẽ phải “ăn dè”, cố gắng xoay xở trong “quota” - còn gọi là “room” tín dụng ít ỏi; được ví như “miếng bánh” cuối cùng còn lại để “cầm hơi”.

Trong thực tế, không còn ngân hàng trung ương nào trên mặt đất này vẫn áp dụng cơ chế “room tín dụng”, nặng tính “xin - cho” như Trung cộng và Việt cộng. [2] Vì vậy, giới chuyên ngành đề nghị NHNN ngưng việc giám sát Khối NHTM bằng “room” tín dụng như hiện nay, thay bằng áp dụng Hệ Số Tỷ Lệ An Toàn Vốn Capital adequacy ratio, viết tắt là CAR, giúp giám sát cả tài sản và vốn của NHTM. Phương pháp này mang tính bao trùm hơn và cũng theo thông lệ quốc tế. [3]

Theo bản lượng giá cuối năm 2021, thì Việt Nam có 541.753 DNNVV chiếm 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động trong nền kinh tế, với tổng số vốn đăng ký khoảng 130 tỷ Mỹ kim, chiếm khoảng 1/3 tổng số vốn đăng ký của các DN. Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% cho GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động.

Đa phần trong số DNNVV không đủ điều kiện để hưởng tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trong Chương trình Phục Hồi Kinh Tế Xã Hội 347 ngàn tỷ đồng đã thông qua từ cuối tháng Giêng Năm 2022. [4]

Phía NHTM cũng có những khó khăn riêng. Nếu cấp tín dụng ưu đãi cho DNNVV, không có tài sản bảo đảm… thì rủi ro bị đẩy sang phía NHTM, nợ đang xấu sẽ xấu thêm. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu, bao gồm cả nợ tiềm ẩn trong hệ thống NHTM đã lên tới 6,3%.


Theo quy định hiện hành DN phải đáp ứng đủ điều kiện khi vay vốn, không phải cứ khó khăn là được hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây chính là điểm hạn chế của gói hỗ trợ. Khi các ngân hàng vẫn giữ chuẩn mực cho vay như hiện nay thì DNNVV không có tài sản bảo đảm sẽ không thể tiếp cận được tín dụng.

Mong mỏi từng ngày để được Chính Phủ tiếp sức sau đại dịch CoVid, nay chứng kiến thực trạng quá phũ phàng vì lúc trước CoVid, phần lớn DNNVV đóng thuế và giúp tăng trưởng đến 40% GDP. Khi lâm cơn hoạn nạn thì nhìn rõ cách thức phân bổ tín dụng ưu đãi do Chinh Phủ đang làm như kiểu “ném phao” cho “người bơi khỏe”.

Chỉ có hai loại Doanh Nghiệp nằm trong danh mục dưới đây mới được hỗ trợ 2% lãi suất để thực hiện các dự án thuộc các ngành nghề được quy định:

Hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.

Các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án được Bộ Xây Dựng quy định.

Cùng với giới chuyên ngành, DNNVV đề nghị NHNN chấp nhận cho các địa phương thành lập trở lại Quỹ Bảo Lãnh Tín Dụng (BLTD) cho DNNVV. Tổ chức này sẽ đứng ra bảo lãnh các doanh nghiệp thiếu điều kiện vay vốn nhưng cần tiền để phục hồi và phát triển. Ngân khoản của tổ chức này được hình thành từ ngân sách nhà nước của từng địa phương, với sự phối hợp của hiệp hội ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp.

Quỹ BLTD sẽ thẩm định phương án kinh doanh, khả năng phục hồi, đầu ra của doanh nghiệp, từ đó hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Định giá trang thiết bị của chính DN để dùng như tài sản thế chấp trong hồ sơ tín dụng.

Đề nghị này nếu được chấp nhận thì NHNN phải tăng “room tín dụng” và đưa ra tiêu chuẩn mới để giới NHTM theo đó mà xét từng trường hợp DNNVV xin vay vốn. Nhưng sự thật đã phơi bầy trong lời minh xác công khai của Thống Đốc Nguyễn thị Hồng hôm 11 tháng 8: “NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để đạt những mục tiêu đề ra, sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng còn lại của 14%, tức là chỉ còn 4,58%”.

Ba tháng trước, trong phiên họp hôm 11 tháng 5 năm 2022 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, trong tư cách Chủ Tịch cơ chế đảng cử này, ông Vương đình Huệ minh xác: “Theo tinh thần nghị quyết Quốc hội, đến năm 2023, nếu không giải ngân được sẽ trình Quốc hội chấm dứt chứ không có chuyện sau đó chuyển nguồn. Nó không đúng tính chất là gói kích thích kinh tế”. [5]

Trong trường hợp DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn qua tín dụng nơi NHTM thì buộc họ phải xoay sang mượn vốn nơi các công ty tài chính công nghệ Fintechs hay Ngân Hàng Số Digital Challenger Banks. Có lúc quá khó khăn nhiều công ty buôn bán vật liệu xây cất từng phải liều vay tín dụng đen để thanh toán các khoản cấp bách. (https://vanhoimoi.org/?p=14782). Thực tế này mà diễn ra ồ ạt, thì khối NHTM mất hàng trăm ngàn khách hàng từ các DNNVV.


Theo số liệu của NHNN, số công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ tài chánh trên thị trường Việt Nam liên tục tăng: năm 2016 chỉ có 40; năm 2020 lên tới 150, đến tháng 8 năm nay, số lượng này lên đến 200 công ty. Fintechs hoạt động trên nhiều lĩnh vực tài chính như thanh toán, chuyển tiền, cho vay, tài chính cá nhân… Giá trị đầu tư có thời điểm lên đến hàng hàng trăm triệu Mỹ kim. Fintechs mang đến cho DNNVV nhiều cơ hội tín dụng và dịch vụ mới, nhưng với lãi suất cao hơn gói tín dụng ưu đãi của Nhà Nước.

Khối NHTM hẳn có suy yếu vì thiếu an toàn, do hôm 10 tháng 8, Truyền hình Quốc Hội Việt Nam dẫn nội dung báo cáo của Bộ Công an cho hay, “2/3 dân số Việt Nam, trên 68 triệu người đang bị chia sẻ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau”. Trong đó còn có dữ liệu thông tin cá nhân từ 100,000 trương mục ngân hàng tại Việt Nam bao gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, mã số thẻ ngân hàng, số dư tài khoản… đang bị rao bán với giá chỉ có 500 Mỹ kim. [6]

Đúng là “thể chế” đang trở thành rào cản lớn nhất cho nhiều lãnh vực phát triển Kinh Tế, nhưng số lượng trên 6000 công chức xin nghỉ việc gần đây cũng góp phần làm trì trệ thủ tục giải ngân: trong 7 tháng năm 2022 đã qua đi, mà tỷ lệ giải ngân thuộc Chương Trình Phục Hồi Kinh Tế hậu CoVid chỉ đạt hơn 34% kế hoạch trong năm. Vào lúc Việt Nam bị 4 loại dịch bệnh bùng phát (*) đe dọa sức khỏe người dân làm xói mòn nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, thì trước đó lại có 10 ngàn Bác Sỹ và nhân viên điều trị đồng loạt xin nghỉ việc...

Nhiều thứ gộp lại đưa đến những thách thức mới khiến Chương Trình Phục Hồi Kinh Tế hậu CoVid 347 ngàn tỷ rất có thể trở thành “thử kêu bắn tịt”.

Tham Khảo:




[4] Chương trình Phục Hồi Kinh Tế Xã Hội 347 ngàn tỷ đồng



(*) Việt nam hiện bị 4 loại dịch bệnh: Đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, tay chân miệng và CoVid đang quay lại.


Trần Nguyên Thao


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo