Hoàng Diệu (Danlambao) - Mấy tuần qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói chung và các trang mạng xã hội nói riêng đã xuất hiện nhiều, rất nhiều ý kiến bức xúc và lo lắng trước đề xuất của Bộ giao thông vận tải về việc thu phí bảo trì đường bộ đối với các loại xe cơ giới. Theo đó, hàng triệu xe cơ giới từ chiếc xe gắn máy cà tàng đến những chiếc xe 4 – 5 chổ ngồi trị giá bạc tỷ cho đến các loại xe vận tải khác lại phải gánh thêm một loại phí vô cùng lớn. Điều đáng nói ở đây là thu như thế nào? Thu bao nhiều và thời điểm thực hiện khi nào thì hợp lý…?
Lâu nay tất cả mọi người dân Việt Nam, nhất là cán bộ công chức mà là cán bộ có chức có quyền đều để đầu cửa miệng câu nói: “Lấy dân làm gốc” rồi thì học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vậy thử hỏi một chủ trương lớn của Nhà nước khi đưa ra phải hợp lòng dân thì chủ trương đó mới khả thi. Cái gì mà được nhân dân đồng thuận cao thì chủ trương, chính sách đó đều mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, Bộ giao thông vận tải đưa ra chủ trương thu phí bảo trì đường bộ lúc này là lúc mà nhân dân, doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn khi đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó nước ta không là ngoại lệ. Theo tôi, đây là một chủ trương thiếu xem xét, nghiên cứu thực tế của Bộ giao thông vận tải mà đứng đầu là ông Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Nói rằng, thu phí bảo trì đường bộ là để hạn chế phương tiện cá nhân, chống ùn tắc giao thông… thế thử hỏi người dân ở các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa mấy khi có ùn tắc giao thông. Điển hình như Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía nam, nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp và hệ thống cảng thuộc loại nhiều nhất nhì cả nước mà có ùn tắc đâu!? Các tỉnh như Tây bắc, miền núi lấy gì mà ùn với tắc. Bộ giao thông vận tải không thể lấy việc ùn tắc của hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để áp dụng cho cả nước. Mặt khác, có người cho rằng đã có xe ô tô là người giàu, SAI BÉT. Theo quy định về thời gian sử dụng xe ô tô dưới 9 chổ ngồi thì không hạn chế thời gian sử dụng, miễn sao cơ quan đăng kiểm đã kiểm định đủ tiêu chuẩn lưu hành thì xe đó được lưu hành, trong khi đó loại xe này có nhiều chiếc giá tiền chưa bằng 1/2 chiếc xe gắn máy tay ga, nhưng người ngồi trên chiếc xe đó có nhiều cái lợi cho sức khoẻ, không phải dầm mưa dãi nắng, ô nhiểm không khí. Nếu một người biết quý sức khoẻ và giá trị của con người thì không thể đưa ra một cái lý là hạn chế phương tiện cá nhân. Hạn chế phương tiện cá nhân là bắt người dân Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đồng đồ đá thôi. Lại nói rằng hạn chế phương tiện cá nhân để dùng phương tiện công cộng, thử hỏi phương tiện công cộng hiện nay ở Việt nam đã phục người dân được như thế nào. Ông Đinh La Thăng từng tuyên bố: Mỗi tuần đi xe buýt một lần, thử hỏi từ ngày tuyên bố với bàn dân thiên hạ đến nay ông đã đi xe buýt được mấy lần?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm, cái gì có hại cho dân thì dù rất nhỏ cũng phải hết sức tránh” . Các ông bà đưa ra việc thu phí bảo trì đường bộ lúc này để rồi ngày 1 tháng 6 tới đưa vào thực hiện thì rõ ràng các ông bà này chẳng thể là công bộc của dân được.
Một bà bán rau tằn tiện mãi mới mua được một chiếc xe gắn máy độ 2 – 3 triệu đồng để hàng ngày chở rau bán kiếm cơm nuôi con cũng phải đóng phí, mà họ có đi đâu xa từ ruộng đến chợ, từ chợ đầu mối đến chợ nông thôn cũng giống như anh đi xe xịn ngày ngày rong ruổi trên mọi nẻo đường, hay anh có chiếc xe ô tô đáng giá vài chục triệu dùng để đi làm và lâu lâu chở vợ con về thăm nhà độ 100km, một tháng đi chưa nổi 1000 km cũng đóng phí giống anh mỗi tháng đi năm bảy ngàn km thì thật là vô cùng bất hợp lý.
Theo tôi, việc thu phí là đúng, để mỗi người chúng ta đều chung tay xây dựng hệ thống giao thông tốt, nhưng việc thu phí như thế nào cho hợp lý, thời điểm thu phí lúc nào là vấn đề cần bàn, hơn thế nữa là việc đóng phí Bộ giao thông vận tải có đảm bảo đường sá tốt hơn không? Giảm ùn tắc được không? Hay lại là tiền của dân đem vứt qua cửa sổ, bao nhiêu con đường đầu tư hàng tỷ đồng chưa làm xong đã xuống cấp, đã sửa chửa: Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, quốc lộ 51 là những ví dụ. Mặt khác, Bộ giao thông vận tải không thể cào bằng như vậy được. Kinh tế nước ta chậm phát triển so với các nước trong khu vực một phần cũng do những con người làm việc thiếu cân nhắc và cào bằng như thế này đây. Phải chăng đây là một tiêu chí của “Định hướng xã hội chủ nghĩa”?