Duy Tính (Phapluattp) - Thanh tra Sở cho rằng thanh tra quản lý quá nhiều nên khó nắm bắt được tất cả. Liệu có sự bảo kê của cán bộ thanh tra cho hoạt động của các phòng khám?
Phòng khám đa khoa Đầm Sen vừa bị thanh tra vào chiều 20-6. Ảnh: TRẦN NGỌC
Kiểm tra tại Phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TP.HCM cho thấy cả thành phố chỉ có 10 người Trung Quốc được cấp chứng chỉ hành nghề (tám người do Sở Y tế cấp, hai người do Bộ Y tế cấp), còn lại đều làm… chui. Điều này cho thấy sự biến tướng ngày càng tinh vi của các phòng khám Trung Quốc đầu tư 100% hoặc phòng khám có người Trung Quốc làm chuyên môn và sự quản lý chưa chặt chẽ của ngành y tế.
Biến tướng nên khó kiểm soát
Kiểm tra “sơ yếu lý lịch” của Phòng khám y học Trung Quốc tại 141 Phan Đăng Lưu, phường 2, quận Phú Nhuận, BS Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Ban đầu chỉ có bà Long Bái Vân đăng ký đứng tên phụ trách chuyên môn, sau đó phòng khám này đăng ký thêm bà Châu Bích Châm từ Hà Nội chuyển vào. Như vậy phòng khám này chỉ có hai người đủ chức năng bắt mạch, kê toa…
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra ngày 18-6 của Thanh tra Sở Y tế, phòng khám có đến bốn, năm người đang hoạt động khám chữa bệnh là Trần Di, Trần Hành, Trần Phú Kiến, Dương Diễm Hồng… Nhưng những cái tên này không hề có trong danh sách đăng ký hành nghề tại TP.HCM.
Cũng theo BS Hải, TP.HCM chỉ có ba phòng khám người Trung Quốc đầu tư và năm phòng khám có người Trung Quốc làm chuyên môn. Vì sao chỉ có mấy phòng khám Trung Quốc mà ngành y tế quản lý không xuể và để các sai phạm kéo dài? Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM Phạm Kim Bình cho rằng thanh tra đã giám sát đầy đủ, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, một số cơ sở này có nhiều biến tướng, hơn nữa Thanh tra Sở quản lý quá nhiều nên khó nắm bắt được tất cả.
Chỉ là sai phạm nhỏ nhặt?!
“Tháng 10-2011, chúng tôi hậu kiểm các phòng khám Trung Quốc và phòng khám có người Trung Quốc làm chuyên môn, sau đó thanh tra đi kiểm tra. Các sai phạm chủ yếu là quảng cáo chưa đúng quy định, kê đơn không có chữ tiếng Việt, biển hiệu không đúng quy định, không sổ sách theo dõi và người hành nghề không có chuyên môn phù hợp. Ngoài ra, năm 2011, chúng tôi đi hậu kiểm, phát hiện nhiều trang thiết bị không có đăng ký lúc thẩm định cấp phép” - BS Lê Minh Hải cho biết. Còn theo BS Phạm Kim Bình thì sai phạm của các phòng khám này càng về sau càng nhiều hơn trước.
Cũng theo BS Bình, hiện đã phân cấp quản lý cho phòng y tế các quận/huyện, các nơi này có quyền kiểm tra các phòng khám Trung Quốc, nếu quá tầm sẽ báo cho Thanh tra Sở và chính quyền đến hỗ trợ. Tuy nhiên, các phòng y tế này khi kiểm tra thì phát hiện những sai phạm không nặng nề, chẳng hạn như thuốc men không nhãn mác… “Chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát kỹ các phòng khám này trong thời gian tới” - BS Bình cho biết.
Quy trình cấp phép cho phòng khám và người nước ngoài hành nghề:
Theo Thông tư 07 ngày 25-5-2007 của Bộ Y tế, cơ sở muốn đăng ký hoạt
động phải có người phụ trách chuyên môn phù hợp, có giấy đăng ký kinh
doanh phù hợp với chứng chỉ hành nghề, có cơ sở vật chất, trang thiết bị
và nhân sự phù hợp với quy mô của phòng khám. Cơ sở nộp những giấy tờ
chứng nhận này lên Sở Y tế, Sở sẽ xét hồ sơ, nếu đạt thì thẩm định thực
tế. Thẩm định là xét tính pháp lý của cơ sở. Khi thẩm định cơ sở đạt thì
Sở sẽ cấp giấy chứng nhận y, y học cổ truyền tư nhân.
Đối với người nước ngoài muốn hành nghề, trước khi được cấp chứng chỉ
hành nghề, bắt buộc họ phải có giấy phép lao động, văn bằng chuyên môn
chuyên ngành, thời gian thực hành, có hợp đồng làm việc, biết tiếng
Việt… (thực tế hầu hết người hành nghề khám, chữa bệnh tại các phòng
khám Trung Quốc đều phải qua phiên dịch, hỏi tiếng Việt họ… lắc đầu, kể
cả tiếng Anh cũng không biết - NV).
Trước 10-6-2007, Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước
ngoài. Tuy nhiên, từ tháng 10-2007 đến 31-10-2010 thì do Bộ phân cấp nên
Sở Y tế có trách nhiệm cấp cho người nước ngoài hành nghề trên địa bàn
phụ trách. Từ khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thì từ ngày
1-1-2011, Bộ Y tế sẽ đảm nhận cấp chứng chỉ này và Sở Y tế địa phương
quản lý.
BS LÊ MINH HẢI, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TP.HCM
|