Lê G. (Danlambao) - Tự do và dân chủ không thể nào được ban phát. Phải đấu tranh giành lấy nó. Mỗi người hãy cố gắng góp một viên gạch, một hạt cát bé nhỏ ngay từ lúc này. Tương lai của đất nước, của dân tộc, của con cháu, của tiếng Việt, của văn hóa Việt nằm trong chính hành động của chúng ta hôm nay. Với nỗ lực của tất cả mọi người, ngày đoàn tụ với các anh chị em anh hùng Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Đoàn Văn Vươn... sẽ không xa...
*
Những hiểm họa:
Hiểm họa thứ nhất: TỤT HẬU
Hiểm họa này đã, đang và sẽ tồn tại ở Việt Nam nếu chúng ta không hành động. Nhờ sự lãnh đạo “tài ba” của đảng CS mà chúng ta đã TỤT HẬU so với các nước quá nhiều và quá xa. Nông nghiệp: Tuy có xuất khẩu gạo nhiều, nhưng nông dân chúng ta vẫn phải canh tác và thu hoạch bằng những phương tiện rất thô sơ. Còn dân chúng lại ăn uống rất nhiều thứ ngoại nhập độc hại. Công nghiệp: chúng ta chưa hề sản xuất một cái máy nào ra hồn. Khoa học: không có một đội ngũ khoa học mạnh trong tất cả các ngành. Hiện tượng sao chép, đạo văn rất phổ biến. Giáo dục và đào tạo: rất cồng kềnh, học sinh sinh viên học vất vả nhưng kiến thức nhận được không là bao. Sử nước Việt hầu như bị quên lãng. Y tế: chậm tiến, phụ thuộc và quá tải. Kinh tế: nhờ vào những quả đấm của Chính phủ mà nền kinh tế chúng ta lụn bại, nợ nần chồng chất, không phương cứu chữa và là gánh nặng cho thế hệ mai sau... Chúng ta đang TỤT HẬU TOÀN DIỆN.
Hiểm họa thứ hai: BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN CỒNG KỀNH, QUAN LIÊU, THAM NHŨNG VÀ BẤT LỰC
Để đối phó với những hiểm nguy cho đảng, đảng CSVN phải tạo ra những cơ quan hưởng lợi trên tiền thuế của dân để thực hiện duy nhất việc bảo vệ đảng. Đảng phải cho họ nhiều bổng lộc để đổi lấy sự trung thành. Sự quan liêu và tham nhũng thì quá rõ như ban ngày. Từ thời ông Đỗ Mười, tham nhũng còn ít mà ông ta còn tặng 1 triệu đô thì đến thời của Thủ Tướng X mức tham nhũng đã lên đến báo động. Điều nguy hại lớn là vì ăn cắp, ăn cướp được số tiền để vinh thân phì gia cho đến hàng mấy thế hệ rất dễ dàng nên quan lại không còn có khả năng tư duy, họ trở nên càng ngày càng trì trệ, bảo thủ và không coi bất cứ ý kiến đóng góp nào của dân ra gì cả.
Hiểm họa thứ ba: MẤT NƯỚC
Hiện tại chúng ta chưa mất nước trên danh nghĩa nhưng sự xâm lược và mất độc lập tự chủ đã và đang xảy ra. Về chính trị, Trung Quốc đã can thiệp vào nội bộ tổ chức đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam. Về ngoại giao, Việt Nam hoàn toàn không có đường lối ngoại giao độc lập vị sợ phật lòng 4 Tốt và 16 chữ vàng (khè). Về kinh tế, chúng ta đã bị xâm lược quá sâu. Đa phần các mặt hàng được dùng trên đất nước Việt Nam này đều được làm ở Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc trúng thầu vào các dự án lớn ở Việt Nam càng ngày càng nhiều. Thật chua xót khi hàng thực phẩm của Trung Quốc lại tràn lan chiếm lĩnh thị trường cua một nước thuần nông như Việt Nam. Về quốc phòng: Trung Quốc đang ngự trị trên các đỉnh cao chiến lược của Việt Nam như rừng đầu nguồn phía Bắc, cao nguyên Tây Nguyên miền Trung. Về chủ quyền lãnh thổ, chúng ta đã mất nhiều lãnh thổ, lãnh hải. Nói ra càng đau lòng. Đau xót nhất là đảng và Nhà nước Việt Nam đã HÈN VỚI GIẶC, ÁC VỚI DÂN VÀ CAM TÂM BÁN NƯỚC.
Hiểm họa thứ tư: LÒNG DÂN LY TÁN, RÃ RỜI
Người dân ta được đảng cho hưởng hết quả lừa này đến quả lừa khác đã không còn một lòng tin nào nữa. Nguy hiểm nhất là để sống chung với đảng dân bắt buộc phải dối trá, sống hai mặt. Và ĐẠO ĐỨC GIẢ LÊN NGÔI KHÔNG PHƯƠNG CỨU VÃN. Ngày ngày, báo chí của đảng vì không thể viết cái gì khác nên phải khai thác các chủ đề hình sự như đâm, chém, hiếp, lộ,... nên người dân vừa tha hóa hơn vừa sợ hãi hơn. Từ ngày đảng cộng sản lên nắm chính quyền đến nay, dân Việt Nam ta chưa có được một ngày bình yên thì làm sao mà không rã rời, ly tán. Rồi chứng kiến bao nhiêu hiểm họa đang lơ lửng trên đầu như đã nói trên mà chính quyền càng ngày càng bất lực, ý kiến nhân dân càng ngày càng bị khinh rẻ thì lòng dân làm sao mà khỏi ly tán, rã rời. Hiểm họa này mới cốt lõi, vì thế nếu khi đấu tranh mà không chú ý đến điều này thì hiểm họa MẤT NƯỚC tất yếu sẽ xảy ra kể cả khi chính quyền nhân dân thực sự được thiết lập.
Trong mấy năm gần đây, ai ai cũng chứng kiến sự bất lực và bảo thủ của chính quyền độc tài, nhưng nếu chúng ta những con dân nước Việt cũng buông xuôi thì ai sẽ là người cứu nước?!
KHÔNG!
CHÚNG TA PHẢI HÀNH ĐỘNG!!!
Chúng ta không còn chỗ để lùi nữa!
CHÚNG TA PHẢI HÀNH ĐỘNG!!!
Chúng ta không thể nào làm ngơ trước tương lai của con cháu chúng ta, của tiếng Việt, của văn hóa Việt!
CHÚNG TA PHẢI HÀNH ĐỘNG!!!
Khi đã nhận thức tầm quan trọng của việc nhất định phải hành động thì chúng ta hãy cùng nhau chung sức bằng mọi giá để hành động. Bằng mọi giá không có nghĩa là đòi hỏi mọi người ai cũng phải cống hiến hết, sẵn sàng mất hết để đánh đổi cái gì đó. Không, điều chúng ta cần làm chỉ đơn giản là HÃY LUÔN SUY NGHĨ, TÌM TÒI ĐỂ HÀNH ĐỘNG KỊP THỜI.
1. MỤC ĐÍCH HÀNH ĐỘNG:
Có ba mục đích chính:
- Hạ bệ Chính quyền độc tài đảng trị.
- Thiết lập chính quyền dân chủ có uy tín và trách nhiệm thật sự.
- Phục khí dân tộc, chấn hưng quốc gia.
2. PHƯƠNG THỨC HÀNH ĐỘNG:
Như trên đã nói, vì lòng dân đã quá rã rời và ly tán rồi nên nhất thiết phải chọn phương thức đấu tranh tránh đổ máu và huy động được sức lực của toàn dân. Chúng ta không thể để cho lòng dân bị hoang mang rã rời thêm sẽ tạo tiền đề cho chúng ta MẤT NƯỚC thật sự. Vì thế, phương thức hữu hiệu nhất bây giờ là: ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG. Tuy nhiên, không loại trừ các phương thức khác tùy theo nhu cầu từng giai đoạn của cuộc đấu tranh.
Tuy gọi là bất bạo động nhưng phương thức này rất tích cực, có thể tạo được thế đấu tranh ôn hòa cho toàn dân, ai ai cũng có thể tiến hành được. Với điều kiện Internet hiện nay thì thậm chí có thể ngồi ở nhà, ta cũng có thể tiến hành đấu tranh. Ngài Gandhi đã giành lại độc lập cho Ấn Độ bằng phương thức đấu tranh này.
Thật ra, phương thức này đã có từ thuở xa xưa, thậm chí có từ trong máu của từng người chúng ta và ngay lúc này đây ai ai trong chúng ta cũng đang thực hiện nó mà không nhận ra. Ví dụ, trẻ con khóc hờn để yêu sách bố mẹ chính là phương thức đấu tranh bất bao động, Chu Văn An treo ấn từ quan là đấu tranh bất bạo động, quý bà áo mặc trắng diễu hành ở La Habana là đấu tranh bất bạo động.
Vì vận dụng được ý chí, sức mạnh và trí tuệ toàn dân nên phương thức này biến hóa khôn lường và luôn gây cho đối phương những bất ngờ khốn cùng.
3. MƯỜI TÍNH CHẤT CỦA ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG:
3.1 Công khai. Cuộc đấu tranh này là công khai. Đối phương tuy biết trước một số điểm nhưng sẽ hoàn toàn bất ngờ về quy mô, vấn đề được đề cập lẫn thời điểm.
3.2 Số đông. Khi ta không tấc sắt nào trong tay hiển nhiên để đấu tranh bất bạo động thành công thì phải nhiều người cùng đồng lòng thực hiện.
3.3 Lây lan. Vì thực hiện bởi số đông nên cơ hội truyền trao hay lây lan rất lớn. Thứ nhất là nhờ vào mối quan hệ của người tham dự và người chưa tham dự, thứ hai, là nhờ vào trường thông tin đã được mở rộng và được phát đi với cường độ mạnh (vì nhiều người nên bàn được nhiều vấn đề và cùng rỉ tai cho một người càng nhiều). Ví dụ, trước đây, có người còn chao đảo thì họ ít gặp những người khác để trao đổi về hướng ngược với chính quyền còn bây giờ số người đối lập với chính quyền càng ngày càng nhiều. Thực tế đã chứng minh điều đó.
3.4 Bền bỉ. Để đấu tranh với chế độ độc tài kiên quyết giữ quyền lực, xảo quyệt và sẵn sàng chà đạp lên đạo đức thì đám đông phải đấu tranh bền bỉ.
3.5 Đơn giản. Không cần phải nhọc sức để chế tạo súng ống, xe tăng, tàu chiến. Vì tận dụng trí tuệ toàn dân nên việc nghĩ ra các hình thức đơn giản là việc làm không quá khó.
3.6 Thích nghi. Điều kiện của xã hội thay đổi đến đâu thì đấu tranh bất bạo động cũng thay đổi đến đó. Ví dụ, với điều kiện Internet bây giờ thì đấu tranh bất bạo động được thực hiện bởi hàng trăm ngàn bloggers và những bình luận viên.
3.7 Liên tục và bám chặt. Khi đối phương đưa ra bất kỳ động thái nào thì cộng đồng tranh đấu bám chặt lấy đó để bình luận, chế giễu, bác bỏ... Và việc đó phải được làm liên tục, phủ khắp các vấn đề. Ví dụ vụ Chính chủ, vụ sửa đổi hiến pháp,…
3.8 Giữ vững và phát huy. Khi đối phương nhượng bộ một vấn đề gì đó thì giữ chắc thành quả tiếp tục triển khai các hướng khác. Cũng vì là cuộc đấu tranh của toàn dân nên đối phương lúc này khó lật lọng và cuộc chiến lại cam go ở những vùng tranh chấp khác.
3.9 Cộng hưởng. Yếu tố này cực kỳ quan trọng. Đấu tranh bất bạo động muốn thắng lợi thì phải có cộng hưởng tạo nên cao trào như vũ bão. Ví dụ như cao trào cách mạng màu của các nước thuộc Liên Xô cũ, cách mạng hoa nhài... Muốn có cộng hưởng thì việc trước tiên phải đồng bộ, cùng nhịp. Tiến thoái phải có chủ đích. Khi bị đàn áp bắt buộc phải thoái cũng cần nghĩ ngay đến cách đấu tranh để tránh đàn áp; khi tiến thì chiếm lĩnh, bám chặt chờ thời cơ chín muồi lúc đối phương rối ren, gây sai lầm tai hại trên nhiều vấn đề thì đồng loạt tấn công như vũ bão, liên tục không được phép cho đối phương ngừng nghỉ. Khi sức mạnh đấu tranh đạt cực điểm chạm đến tuyến phòng ngự yếu nhất của đối phương thì đó là lúc đối phương phải chọn lựa hoặc đem súng ra để bắn vào dân thì trước sau cũng mất hết (như trường hợp Gaddafi), hoặc thương thuyết thì sẽ gỡ gạc phần nào.
3.10 Dứt điểm. Dứt điểm là đặc tính của các cuộc đấu tranh thành công nói chung chứ không riêng gì đấu tranh bất bạo động. Nhưng trong đấu tranh bất bạo động, cơ hội Dứt điểm lớn hơn nhiều. Vì thế khi chúng ta đã chọn phương thức này thì phải kiên trì, bền bỉ để giành đến thắng lợi cuối cùng. Dứt điểm ở đây không có nghĩa là tiêu diệt hết phe chính quyền độc tài mà chỉ là đạt được ba mục đích đã nói trên.
4. CHỦ THỂ CỦA HÀNH ĐỘNG:
Hiển nhiên đó chính là tất cả chúng ta, là toàn dân Việt Nam đang bị sự áp bức của Cộng Sản. Nói đúng ra, chúng ta vừa là CHỦ THỂ vừa là ĐỐI TƯỢNG của hành động. Khi ta đã hiểu rõ bản chất Cộng sản sẵn sàng tham gia vào đấu tranh và có ý lôi kéo một ai đó cùng hành động thì ta là CHỦ THỂ còn ai đó là ĐỐI TƯỢNG. Nhưng khi họ đã tham gia thì họ cùng chúng ta là CHỦ THỂ. Thậm chí cùng một lúc chúng ta có thể vừa CHỦ THỂ vừa ĐỐI TƯỢNG. Ví dụ, ta chỉ tham gia mục đòi cải thiện đời sống cho công nhân, chúng ta cổ xúy cho công đoàn độc lập ngoài vòng kim tỏa của đảng cộng sản nhưng chúng ta không thích tham gia vào đấu tranh dân chủ. Dần dà chúng ta nhận ra nhờ sự truyền bá cua người khác rằng đảng sẽ không chấp nhận Công đoàn độc lập vì điều đó làm lung lay vị trí độc tài của đảng. Lúc đó chúng ta nhận thấy không đấu tranh cho Dân chủ thì Công đoàn độc lập cũng không khi nào được có.
Cụ thể, theo tôi có ba lực lượng chính sau:
- Nhân dân trong nước. Lực lượng này là Nòng cốt.
- Kiều bào sống hải ngoại. Lực lượng này có nhiều thuận lợi khi tiếp cận thông tin và nguồn lực khác. Có tự do để không e ngại bất cứ thứ gì và Lực lượng này không thể thiếu vì nó là cầu nối rất hiệu quả giữa Lực Lượng thứ nhất với Lực lượng thứ ba đầy quyền lực. Tuy nhiên, vì sống trong lòng các nước Dân chủ lâu ngày nên lực lượng có nguy cơ “Giáo điều Dân chủ”. Tại sao gọi là “Giáo điều dân chủ”? Vì cứ nghĩ các nước như thế thì tại sao ta không được như thế và cái đà suy nghĩ bám chấp này nó quay lại làm cho lực lượng này không hiểu thấu đáo được hành động của Nhân dân trong nước. Từ đó dễ gây nên một nguy cơ lớn có ảnh hưởng đến “Cộng hưởng” (ở trên) là Lực lượng này không hòa nhịp với Lực lượng trong nước.
- Các Tổ chức quốc tế. Đấy là các nước dân chủ, các tổ chức đa quốc gia như Hội văn bút thế giới, hội ân xá, Tổ chức minh bạch, Tòa án nhân quyền... thậm chí là các công ty đa quốc gia như Apple, Google…
Vì nòng cốt là Nhân Dân trong nước, vậy nhóm trọng tâm để ta bắt đầu phản ứng dây chuyền là những nhóm nào? Theo tôi có ba nhóm chính họ vừa là CHỦ THỂ vừa là ĐỐI TƯỢNG của cuộc đấu tranh bất bạo động:
- Những người yêu Dân chủ, Nhân quyền và Đa nguyên. Ví dụ, nhóm 8406 thuộc nhóm này.
- Những người yêu nước Việt Nam, căm thù giặc Trung Quốc xâm lược. Ví dụ, nhóm nhân sỹ biểu tình chống Trung Quốc thuộc nhóm này.
- Những người bị áp bức, hà hiếp, bóc lột bởi chính quyền các cấp. Bà con nông dân Văn Giang, Dương Nội, các dân oan đang ở các vườn hoa Hà Nội thuộc nhóm này.
Dĩ nhiên, không có nghĩa người yêu Dân chủ thì không yêu nước hoặc ngược lại. Nói như vậy để cho thấy từng nhóm có một mối quan hệ đối kháng riêng đối với chế độ độc tài. Để tiện việc đấu tranh, kích thích, chúng ta cần chú ý một điểm khác biệt cơ bản giữa các nhóm là: nhóm một gồm nhiều trí thức trung lưu không phải đảng viên sẵn sàng đối đầu với đảng cộng sản khi cần thiết; nhóm hai gồm nhiều trí thức thượng tầng, có nhiều đảng viên, hầu hết những người trong số họ đều có bổng lộc từ Nhà nước (chiêu bài Sổ hưu cũng ảnh hưởng mạnh đến nhóm này) nên ngại đối kháng trực tiếp với chính quyền cùng với nhóm dân thường; nhóm ba lại là tầng lớp dưới bị áp bức đến bần cùng, bị hà hiếp đến oan khiên, một số họ là đảng viên nhưng cũng chán đảng và tự ra khỏi đảng từ lâu. Điều này cho ta thấy một điểm quan trọng là sự bất bình với đảng thống trị đã nằm ở diện rộng và sâu.
5. BẢY PHƯƠNG PHÁP ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG:
5.1 Tỏ thái độ:
Tỏ thái độ phản đối hoặc không đồng tình với Chính quyền, tỏ thái độ đồng tình với những người đối lập với chính quyền. Hình thức và nội dung của phương pháp Tỏ thái độ rất đa dạng và phong phú. Có thể lấy câu tục ngữ xưa chín người mười ý thì chín người có mười cách (hay nhiều hơn) tỏ thái độ.
Biểu tình là một cách tỏ thái độ. Cách này đem đến thắng lợi của các cuộc cách mạng màu và cách mạng Mùa xuân Ả rập.
Hiệp thông với nhau như các linh mục hiệp thông với Thượng Tọa Thích Không Tánh cũng là tỏ thái độ. Sự thăm hỏi động viên của các trí thức và bà con Văn Giang, Dương Nội với gia đình anh Vươn là một hành động tỏ thái độ bằng hiệp thông. Hiệp thông có thể nói là một trong các cách thức mạnh nhất, hữu hiệu nhất để đấu tranh bất bạo động.
Đem đặt vòng hoa với mục đích mà chính quyền không thích cũng là cách tỏ thái độ.
Cởi trần truồng như hai mẹ con bà nọ cũng là cách tỏ thái độ.
In biểu tượng No U lên áo mình – tỏ thái độ.
Viết bài ca “Anh là ai” – tỏ thái độ.
Viết bài “17.02 - Ngày ấy và bây giờ” – tỏ thái độ.
Chào nhau bằng hình ảnh hai ngón tay chữ V (Việt Nam - Victory - Ý tưởng của nhóm Ta Là Một) - tỏ thái độ.
In biểu tượng tẩy chay hàng Trung Quốc như vợ chồng Thành Nguyễn và Trịnh Kim Tiến cũng là cách tỏ thái độ.
Tạo những trưng cầu ý kiến trên mạng là cách tỏ thái độ.
Sáng tác một clips hay một tác phẩm hài để giễu là cách tỏ thái độ.
v.v...
Lưu ý hai điểm:
a. Tỏ thái độ bằng bất cứ cách gì. Khi đã tham dự vào đấu tranh bất bạo động, chúng ta phải tỏ thái độ. Bạn có thể tìm cách phù hợp cho mình nhưng không nên im lặng. PHẢI TỎ THÁI ĐỘ.
Điều này rất đơn giản vì bạn có thể chọn lấy cường độ Tỏ thái độ của mình.
Ví dụ, trường hợp xe chính chủ:
Những người ở hải ngoại có thể viết: Ôi bọn Cộng nô tiêu xài hết tiền rồi xoay qua bóc lột thêm những người có xe khốn khổ.
Những người có khả năng viết lách thì viết: Tại sao khi ban hành chưa điều nghiên cho kỹ càng, tại sao dân chúng đã khó khăn rồi còn muốn cho dân khó khăn hơn…
Hoặc sáng tác Clip: “Hitler chống chủ trương xe chính chủ” như trên Youtube có chiếu.
Nếu bạn e ngại, bạn có thể đơn giản viết trên FB của mình: “Chính chủ - Chỉnh chú thì có!!!”, “Chính chủ - chết thật, lại mất tiền”...
Thêm một ví dụ nữa:
Nếu có lời kêu gọi như sau: “Nhân ngày xx.yy.zzzz kỷ niệm 5 năm vụ án bỏ túi của Cộng sản đưa anh Cù Huy Hà Vũ vào tù, tất cả chúng ta ra đường bằng bộ áo quần sọc đen trắng.”
Có người thì mang đúng bộ áo tù. Có người điều kiện hôm đó không thể mang được thì có thể dán trên xe của mình bộ áo tù và hình ảnh của anh Cù Huy Hà Vũ. Còn nếu ai đó còn e dè nữa thì đơn giản thay đổi avatar hoặc ảnh trên trang chính FB mình bằng hình gì đó chỉ ngục tù trên đấy ghi ngày tháng anh Cù Huy Hà Vũ vào tù - chỉ cần như vậy thôi không cần tên tuổi của ai.
KHÔNG IM LẶNG - PHẢI TỎ THÁI ĐỘ!
b. Với bất kỳ cách nào thì ảnh hưởng của Tỏ thái độ mạnh lũy tiến theo số người tham dự. Điều này quá là hiển nhiên. Ví dụ khi có cuộc phát động “Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong trận chiến giữ Hoàng Sa kêu gọi mọi người tham dự đặt vòng hoa tại tượng đài Nguyễn Huệ. Khi đi mang áo trắng và có cài miếng vải hình thoi màu đen”, bạn có thể đi tham dự, nếu không thì cố mang áo trắng có cài tấm vải màu đen, bạn có thể sáng tạo thêm là in trên miếng vải màu đen ngày 19.01, chữ NVT, chữ HS,... Nếu có con cái đến trường thì mang đồ trắng cho chúng và đính kèm tấm vải màu đen... Hoặc nếu không tham dự, cũng không tiện mặc đồ trắng thì hãy đội mũ, đeo găng tay màu trắng, cài biển đen trên áo có in các hàng chữ như trên cũng như có thể biểu thị chúng trên phương tiện đi lại của mình. Nếu chúng ta đồng lòng làm, lúc chứng kiến trên đường phố Hà Nội rợp màu trắng thì đó không khác gì một bản tiến quân ca hùng tráng. Do đó, chúng ta nên bằng mọi cách thuyết phục người khác cùng làm theo. Bạn có thể tag, share hình ảnh, bài viết nội dung nhẹ nhàng lên trên FB hay blog của bạn mình.
5.2 Yêu sách:
Viết thư ngỏ, kiến nghị, yêu cầu, tuyên bố, thông cáo... để đưa ra yêu sách của mình. Việc đưa Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp của các nhân sỹ vừa rồi chính là sử dụng phương pháp Yêu sách. Nên lưu ý hai vấn đề: thứ nhất, yêu sách phải đúng với tên gọi của mình. Theo tôi, nếu yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên thì nên dùng kiến nghị hoặc thư yêu cầu, còn do Hiến pháp là của toàn dân, biểu thị quyền lực của Nhân Dân thì phải viết thông cáo để đòi. Thứ hai, không để bất cứ yêu sách nào vào quên lãng. Kiến nghị được biểu tình của Nhóm 42 là một ví dụ đã bị vào quên lãng. Bọn độc tài vì quyền lợi của mình chúng sẽ loanh quanh, im lặng. Nhưng chúng ta không được phép làm thế cũng vì quyền lợi của chúng ta. Chúng ta có thể tăng cường độ hoặc đổi hình thức chứ không để bất cứ yêu sách nào trôi vào quên lãng. Ví dụ, sau khi nhận thư trả lời Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp vừa rồi của ông Phan Trung Lý thì nhóm nhân sỹ trả lời ngay thế là hợp lý. Có thể tiếp tục viết bài giải thích cho nhân dân thấy hành động của ông Phan Trung Lý là hành động bất tuân pháp luật. Và tăng cường độ lên bằng Bản Tuyên Bố: Nhận thấy rằng... Chúng tôi tuyên bố hành động kêu gọi sửa đổi Hiến Pháp là hành động mị dân, đánh lừa dư luận quần chúng... Sau Tuyên Bố có thể ra Thông cáo phủ nhận Hiến Pháp... Rất nhiều hình thức do các bộ óc của Nhân dân chọn lựa. Nhưng phải liên tục và bám chặt.
5.3 Đáp trả:
a. Đáp trả lại khi Chính quyền không thỏa mãn toàn bộ hay từng phần yêu sách của chúng ta. Ví dụ, khi họ không chấp nhận Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp thì chúng ta cũng có thể Đáp trả bằng Tuyên bố việc kêu gọi sửa đổi Hiến Pháp là hình thức, mị dân và bịp bợm.
b. Đáp trả những hành động khủng bố mà chính quyền gây nên cho một hay nhiều thành viên trong phong trào. Để đáp trả chúng ta cần có những biện pháp hỗ trợ tôi viết ở mục dưới. Ví dụ, khi người ta tuyên bố án tù cho anh Điếu Cày thì tất cả các lực lượng nội công ngoại kích đều lên tiếng bằng các hình thức: lên án, kêu gọi thế giới lên án, viết bài phản bác bản án, tuyên bố và lấy chữ ký bác bỏ phiên tòa bất công, các bloggers thì bằng nhiều hình thức phản đối, nếu bạn chưa đủ dũng khí thì chỉ cần đăng lên blog cua mình hình cái điếu cày và một câu comment I love you chẳng hạn. Một hình thức khá mạnh nữa là kết án ngược lại. Tức chúng ta dùng e-tòa án hay e-tư pháp để kết án tên chánh án, những tên thẩm phán và bọn công an dưới quyền đang kèm kẹp anh Điếu Cày. Bất cứ một hành động thô bỉ nào đối với những cá nhân hay tổ chức có uy tín của phong trào cũng phải có ngay động thái đáp trả. Ví dụ tên bịt miệng Linh mục phải bị đưa ra e-tòa án để xét xử và kết tội Tay sai cho hắn. Hãy làm cho chúng run sợ (sợ miệng thế gian lẫn sợ bị xét xử thật sau này) từng cá nhân cho đến cả tập thể đảng cầm quyền.
c. Đáp trả lại những chiêu bài, luận điệu mị dân. Khi gặp một bài viết quá thối của bọn văn nô, bưng bô có thể chúng ta kêu lên: “Ôi dào, bài viết tệ thế này mất công phản bác làm gì!”. Tôi cho rằng đó là một tư tưởng sai lầm. Chúng viết tệ nhưng chúng có một đống phương thức tuyên truyền hiệu quả và người dân không phải ai cũng có trình độ cao để nhận thấy những luận điệu sai lầm của chúng. Hãy phản bác chúng dưới nhiều góc độ cho chúng thấy dương dương tự đắc là không được. Ví dụ, việc tấn công tên PGS TS Tú và mụ đạo diễn Lan như vừa rồi là đúng cách. Mạnh hơn nữa hãy tổ chức phiên tòa kết án tội “Tay sai” hay tội “Văn nô bưng bô” cho chúng (một lần nữa sử dụng e-tòa án). Thậm chí, tổ chức nhiều giải như “Bưng bô hạng nhất”, “Vô lại hạng đặc biệt”… cho tất cả bọn chúng khi có dịp (vào cuối năm chẳng hạn). Bọn văn nô và bưng bô phải nhận lấy những hậu quả do việc làm chúng gây nên. Điều này có tác dụng răn đe để chúng run sợ, thậm chí dần dần quay đầu về với nhân dân.
5.4 Bất tuân phục
Bất tuân phục là chúng ta bằng nhiều cách không phục tùng mệnh lệnh của chính quyền. Các hình thức: lãng công, đình công, bãi thị, bãi học... Ví dụ như trường hợp đi đặt vòng hoa ở trên: nếu bạn vì lý do gì đó không đi được thì bạn có thể đấu tranh bằng cách bất tuân phục như: học sinh, sinh viên thì nghỉ học; giáo viên thì cáo ốm không đến trường trong ngày hôm đó.
5.5 Bất hợp tác
Đây là một phương pháp rất hiệu quả và tích cực. Phương pháp này cô lập và cắt bớt vây cánh của chính quyền độc tài. Có rất nhiều cách thức bất hợp tác như bất hợp tác xã hội, bất hợp tác kinh tế, bất hợp tác chính trị và thậm chí bất hợp tác quân sự.
Tẩy chay các hoạt động của chính quyền độc tài là một bất hợp tác chính trị với mục đích chỉ rõ ra những động thái này của chính quyền chỉ lừa bịp vào mị dân. Nếu như vừa rồi các trí thức nhân sỹ không làm Kiến nghị mà làm tuyên bố tẩy chay thì gây ảnh hương mạnh hơn nhiều. Có thể tẩy chay bầu cử, tẩy chay những hoạt động văn hóa…
Ra khỏi hàng ngũ của đảng cầm quyền hoặc ra khỏi hàng ngũ chính quyền. Một lời tuyên bố của một nhóm lớn nhân sỹ trí thức ra khỏi hàng ngũ của đảng cầm quyền sẽ gây tổn hại uy tín của đảng một cách trầm trọng, đôi khi là không phương cứu chữa vì có thể xảy ra các phản ứng dây chuyền không kiểm soát được tốc độ.
Không hưởng bổng lộc của chính quyền độc tài. Nếu anh kiên quyết ra khỏi hàng ngũ cua chính quyền thì anh cũng nên cắt đứt đi sợi dây nối bức thiết giữa anh với người anh chống đối.
Không giao du hoặc làm ăn với những công bộc của chế độ và tất cả thành viên trong gia đình họ. Có thể bạn thấy khó hoặc tự nhủ rằng nếu mình không làm với nó thì thằng khác làm nhưng một khi bạn ý thức được tầm quan trọng của việc này thì bạn có thể hạn chế. Hạn chế được 10% thì nguồn thu của các công bộc sẽ giảm đi 10%, được 50% thì sẽ giảm 50% và đây là đòn kinh tế đánh vào các công bộc này.
Giáo dục cho con cháu chúng ta tinh thần bất hợp tác với Đảng cầm quyền và các công bộc của đảng cầm quyền. Khuyên con cháu không vào Đảng, khuyên chọn ngành nghề nào đó để dễ tìm việc ở các công ty tư nhân,...
Tẩy chay dùng hàng Trung Quốc. Vì các quan chức lãnh đạo đều có lợi nhuận từ hàng hóa Trung Quốc tuồn vào Việt Nam nên tẩy chay hàng Trung Quốc chính là bất hợp tác kinh tế diện rộng đánh vào chính túi tiền của các quan tham.
Tẩy chay dùng những sản phẩm của các công ty mà chủ của chúng là những văn nô bưng bô, tay sai cho chính quyền độc tài. Chúng ta có thể không làm gì được những tay văn nô, bưng bô này nhưng chúng ta được quyền chọn sản phẩm mình tiêu thụ và để trừng phạt chúng thì chúng ta tuyệt đối không sử dụng sản phẩm của chúng. Đây là đòn trừng phạt nặng nề. Ví dụ, cách thức này một số người đã thực hiện cho vụ Ecopark mới đây. Hoặc Techcombank, Bản Việt, Phương Nam là những ngân hàng tập trung nguồn lợi của nhóm 3X thì chúng ta có thể tẩy chay hoặc kêu gọi tẩy chay trong lẫn ngoài nước.
Hạn chế nhu cầu của bản thân và gia đình. Đây cũng là cách bất hợp tác kinh tế. Lực lượng hải ngoại cũng chú ý, nếu các bạn muốn giúp đỡ người thân của mình ở Việt Nam nên hạn chế lại ở những khoản giúp bức thiết nhất.
Đào ngũ.
5.6 Tấn công trực diện
Phương pháp này tạo ra một làn phân cách thật sự giữa hai bên. Có thể có những cách thức giống như Đáp trả nhưng ở đây được tiến hành quyết liệt hơn, đối đầu và sẵn sàng chấp nhận hy sinh và tổn thất nếu có. Nói như vậy không có nghĩa không có cách tấn công trực diện mà vô hại.
Làm việc rõ ràng Chính quyền không thích. Ví dụ việc ứng cử vào Quốc Hội của anh Cù Huy Hà Vũ là một cách tấn công trực diện. Họ phải loay hoay tìm cách xử lý và thường là họ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Lên án nhà cầm quyền.
Lập một tòa án công khai (e-tòa án) để xử án cả chính quyền hoặc thành viên chính quyền.
Khiếu kiện. Ví dụ, việc anh Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là cách tấn công trực diện.
Khiếu kiện lên tòa quốc tế. Ví dụ như vụ chị Bùi Thị Minh Hằng có thể đưa ra tòa nhân quyền mà kiện. Xác suất thắng chính quyền Việt Nam khá lớn. Và các chế tài của tòa thì không chính quyền nào có thể bỏ lơ được. Cộng sản Việt Nam đã bị mấy vố rồi như vụ ông Trịnh Vĩnh Bình hoặc vụ luật sư người Ý Liberati. Hoặc vụ Lê Anh Hùng vừa rồi, ông ta có thể khiếu kiện chính quyền; nếu không tự làm được thì có thể ủy quyền cho người khác khiếu kiện.
Tuyệt thực để phản đối hay yêu cầu.
Kêu gọi tẩy chay hay biểu tình. Việc tham gia tẩy chay và biểu tình là việc cá nhân mỗi người nhưng kêu gọi tẩy chay thì đó là động thái thách thức với chính quyền nếu điều này nguy hại đến an ninh chính trị và kinh tế của họ.
Kêu gọi các thành viên công quyền như bộ đội, công an, công chức rời khỏi chức vụ và trách nhiệm trong chính quyền độc tài. Điều này có thể làm gãy cơ cấu hệ thống công quyền và làm yếu dần sự vận hành của nó.
Thiết lập bộ máy công quyền song song. Cách này nhằm chứng tỏ cho thấy nhân dân Việt Nam không chấp nhận quyền lãnh đạo của Đảng, chính quyền do Đảng lập nên là ngụy quyền không phải là Chính quyền nhân dân. Cách thức này đã từng xảy ra ở nhiều nước, ví dụ tại nước Nga năm 1993, Quốc hội tuyên bố cách chức Elsin và chuyển giao quyền Tổng Thống cho Ruskôi, nhưng bộ máy hành chính thực sự vẫn nằm trong tay Elsin. Trường hợp của Việt Nam khó xảy ra trên thực tế thì tất cả chúng ta cùng đồng lòng xây một e-Nhà nước có e-Hiến pháp, e-Tư Pháp, e-Hành Pháp. Ví dụ, bước mở đầu chúng ta có thể viết Hiến pháp, sau đó đưa ra tuyên bố như sau: chúng tôi là …. đã chứng thức thông qua Hiến Pháp này và có ký tên thật. Đây là hình thức ngoảnh lưng khỏi Hiến Pháp của chính quyền độc tài.
5.7 Thương thuyết
Tùy vào đối tượng thương thuyết mà chúng ta có thuyết phục chính lực lượng phe đối lập, thuyết phục nhóm chao đảo và thương thuyết với cá nhân hay tổ chức đại diện chính quyền. Thuyết phục chính bên phe đối lập: đề nghị tăng cường mức độ đấu tranh ví dụ là trả thẻ Đảng, đề nghị nắm vai trò lớn hơn ví dụ yêu cầu nắm chức vụ trong e-hành pháp hoặc đề nghị tham gia đấu tranh rộng hơn- ví dụ trước đây chỉ tham dự biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì nay thêm mở blog thông tin đến cho nhân dân những mặt trái của nhiều vấn đề trong xã hội (giống như hai chị Phương Bích và Bùi Thị Minh Hằng đang làm) và sâu hơn-ví dụ trước đây chỉ biết ký tên trong các kiến nghị thì bây giờ có thể viết và khẳng định lý do mình tham dự kiến nghị và bước tiếp theo mình sẽ làm cái gì. Thuyết phục nhóm chao đảo: phân tích cho họ thấy họ có thể tham dự rất đơn giản như tỏ thái độ không đồng tình với chính sách nào đó của chính quyền, trang bị cho họ những kiến thức pháp luật phổ quát để họ tránh được sách nhiễu của chính quyền hoặc chính chúng ta bằng biện pháp tag, share và comment những thông tin chỉ trích rất nhẹ nhàng hoặc vui đùa trên blog của họ. Thương thuyết với cá nhân hay tổ chức của phe chính quyền: phân tích cho họ thấy làn sóng đổi thay không thể nào cản nổi, thuyết phục và kể cả thương lượng với họ ngay bây giờ đây họ cần phải quay về với nhân dân, còn nếu bất đắc dĩ phải phục vụ chính quyền thì phải xa rời những hành động ác hại đến nhân dân để hòng giữ được phần nào uy tín và địa vị trong xã hội vào tương lai (ví dụ ta có thể thuyết phục ông Nguyễn Văn Khanh ở Tiên Lãng).
Tùy vào số lượng người mà ta có thương thuyết với cá nhân hay thương thuyết tập thể. Thương thuyết với cá nhân như gây áp lực kinh tế, chính trị và tình cảm, có thể dùng cách thức khích qua các đối tượng thân thuộc của họ như mẹ, vợ, con cái. Ví dụ, trường hợp đồng chí Cái Tự do Vũ Văn Hiển có thể tạo áp lực chính trị là anh ta sẽ được gắn danh hiệu Tay sai hạng Nhất, hoặc gọi điện liên tục chất vấn vì sao phát ngôn như vậy, hoặc có ai biết đường mẹ và vợ anh ta hay đi lại thì nói bâng quơ kiểu như: “Chà cái ông Hiển ăn nói bậy bạ quá, trên mạng người ta chửi cho không vuốt kịp mặt.”. Trong Thương thuyết tập thể, chúng ta phải tham dự với họ vào các cuộc vui chơi, diễn đàn, tranh luận. Đôi khi chỉ cần gợi mở cho họ bằng những câu hỏi hơi tế nhị nào đó hoặc kể chuyện tiếu lâm có dính dáng đến những vấn đề thời sự trong nước. Ví dụ, trong trường hợp xe chính chủ chúng ta chỉ cần mở Clip “Hitler phản đối xe chính chủ” cho tất cả cùng xem. Nói Thương thuyết tập thể nghe to tát nhưng những việc làm đều nhỏ bé như thế thôi. Quan trọng là liên tục và bám chặt; mỗi ngày một việc bé.
Tùy vào thời điểm mà chúng ta có thương thuyết giai đoạn và thương thuyết chung cuộc. Từng giai đoạn đấu tranh chúng ta có những mục tiêu nhỏ khác nhau vì thế sẽ có những thương thuyết giai đoạn với chính quyền hoặc với công bộc của chính quyền. Ví dụ khi tuyệt thực để đòi giảm án cho anh Điếu Cày, nếu chính quyền chấp nhận giảm án thì chúng ta hiển nhiên kết thúc việc tuyệt thực hoặc điều đó cũng có thể được chấm dứt nếu chúng ta đạt đến mục tiêu nhỏ hơn là chính quyền sẽ cải thiện đời sống trong tù cũng như chế độ thăm nuôi cho anh Điếu Cày. Khi kết thúc một giai đoạn tranh đấu này thì ngay lập tức chúng ta mở giai đoạn tranh đấu khác. Để tránh đổ máu không cần thiết thì những người lãnh đạo cuộc đấu tranh phải tỉnh táo trong thương thuyết chung cuộc (điều này xảy ra cho các cuộc cách mạng màu các nước Liên Xô cũ nhưng không được trọn vẹn ở cuộc cách mạng Mùa xuân Ả rập).
Cần lưu ý là tất cả các phương pháp tùy vào tình hình mà được sử dụng song song hoặc từng phần để tăng dần cường độ hay áp lực lên chính quyền.
6. CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ:
- Người đánh nhịp. Như trên đã nói, điều tối quan trọng của đấu tranh bất bạo động là cần tạo nên cộng hưởng. Phải cần một người, một tổ chức phối hợp hay đánh nhịp. Trước đây, các tổ chức, các website mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy truyền thông. Bây giờ nhu cầu cấp bách của cuộc đấu tranh bất bạo động là cần phối hợp nhịp nhàng. Vậy ta có cần người lãnh đạo cụ thể không? Theo tôi, giai đoạn này không cần. Chỉ cần các trang web nổi tiếng như Dân Làm Báo, Boxitvn.net, Anhbasam, Dân Luận, X-Cà phê, Người Việt cùng với các bloggers nổi tiếng khác như xuandienhannom, Phạm Viết Đào, Quechoa,... thống nhất với nhau sẽ truyền thông những lời kêu gọi, yêu cầu, kiến nghị, thông cáo,... đồng thời. Tuy là không có lãnh đạo nhưng hiệu lệnh của các trang web nổi tiếng cùng sự hưởng ứng các nhân sỹ sẽ tạo nên một e-lãnh đạo tuy vô hình nhưng lại hữu thực. E-lãnh đạo sẽ có hai mặt tốt: thứ nhất, không phải là các Đảng phái trong hay ngoài nước nên tránh được sự kèn cựa bấy lâu nay giữa các Đảng phái với nhau; thứ hai, vì không phải dưới ngọn cờ của đảng nào khác nên các thành viên trong Lực Lượng nòng cốt trong nước cũng không ngại ngùng và tránh được sự đổ bẩn của chính quyền là họ hoạt động bất hợp pháp, là tay sai của đảng này đảng nọ. Tất nhiên, tùy vào nhu cầu và đến lúc chín muồi tự thân phong trào sẽ tìm thấy người lãnh đạo đích thực của mình.
Cần thống nhất với nhau kế hoạch trong đó có những hướng dẫn cụ thể cho cách tỏ thái độ: cách đưa lên blog cho những người còn e dè, các biểu tượng tranh đấu của lần kêu gọi (ví dụ ngày 19.01 thì phải mang áo màu gì, dùng biểu tượng gì...) Nhóm Dân Làm Báo có khá nhiều họa sỹ thiết kế (tôi thích đọc Dân Làm Báo còn vì những tranh biểu tượng từng bài của nó) nên có thể đảm nhiệm khâu biểu tượng. Tôi nghĩ cần sự góp tay của các luật sư để đưa ra những mẫu chuẩn có sẵn để người đấu tranh có thể tin chắc là mình góp phần nhưng sẽ không bị sách nhiễu.
- Tạo một website có tên là Tòa án Nhân Dân (tòa án của chính quyền độc tài tuy gọi là Tòa án Nhân dân nhưng không phải là của Nhân dân) để xét xử tổ chức hay cá nhân phục vụ trong chế độ. Hiện tại, chúng ta nên gói gọn ở các tội danh: bán nước, tham nhũng, tay sai, chó săn, văn nô. Trong website này cũng có phần xây dựng e-Hiến pháp, những tuyên bố phủ quyết những bản án của chính quyền dần cho những người đấu tranh trong nước. Có thể có thêm mục trao giải thưởng giễu cho các cá nhân phục vụ chế độ.
- Tạo một website để bất cứ đảng viên nào cũng có thể tuyên bố trả thẻ đảng CSVN và về với Nhân Dân. Ví dụ có bảng: tên tuổi, quê quán, vào đảng cộng sản ngày nào, trả thẻ đảng vì lý do gì… Theo tôi, quan trọng đối với những đảng viên cộng sản không phải là cần báo cho đảng biết là mình từ giã đảng cộng sản mà là báo với Nhân Dân biết là mình đã quay về với Nhân Dân. Ở website cũng cần có mục từ nhiệm để các quan chức trong bộ máy công quyền có thể tuyên bố là họ tự nguyện từ nhiệm khỏi chức vụ nào đó và sẵn sàng không nhận bổng lộc của chế độ với một lý do nào đó. Ở trang này ngoài thông tin còn có những lời kêu gọi rời bỏ đảng cộng sản, rời bỏ hàng ngũ công quyền.
- Tiến tới tạo một website gọi là Chính quyền Nhân Dân mà tạm thời cư dân của nó chỉ là những người có đăng ký hoặc những người hay comment trong các website nổi tiếng khác cộng lại. Chính quyền Nhân Dân sẽ tuyên bố vô hợp hiến hay vô hợp pháp những nghị quyết của chính quyền hiện tại. Hoặc Chính quyền Nhân Dân sẽ tranh luận công khai với chính quyền hiện tại những quyết sách đối nội, đối ngoại, an ninh quốc phòng…
- Các website, blogs nổi tiếng bây giờ đã trở thành tài sản quý báu của cuộc đấu tranh bất bạo động vì thế cần phải nhân rộng chúng lên. Các chủ nhân chắc hẳn không có thời gian chăm sóc cho nhiều blog cùng một lúc. Vì thế, những người khác có thể với sự chấp thuận của chủ nhân làm nhiều bản sao khác nhau trên những mạng cung cấp blog nổi tiếng hàng đầu hiện nay.
Tự do và dân chủ không thể nào được ban phát. Phải đấu tranh giành lấy nó. Mỗi người hãy cố gắng góp một viên gạch, một hạt cát bé nhỏ ngay từ lúc này. Tương lai của đất nước, của dân tộc, của con cháu, của tiếng Việt, của văn hóa Việt nằm trong chính hành động của chúng ta hôm nay. Với nỗ lực của tất cả mọi người, tôi tin rằng ngày đoàn tụ với các anh chị em anh hùng Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Đoàn Văn Vươn… sẽ không xa.
ĐỘC TÀI PHẢI BỊ CHÔN VÙI! CHÚNG TA CÓ CHÍNH NGHĨA! CHÚNG TA PHẢI HÀNH ĐỘNG!
___________________________________
Đọc thêm:
- Cuộc cách mạng của Sợ Hãi (phần 6) - Dilemma Action
- Góp sỏi lót đường...
- Hành động! Hành động! Hành động!
- Cách mạng phải có tổ chức
- Góp sỏi lót đường...
- Hành động! Hành động! Hành động!
- Cách mạng phải có tổ chức
___________________________________
Tài liệu về bất bạo động:
Robert L Helvey. Về đấu tranh bất bạo động chiến lược: Suy nghĩ về những vấn đề cơ bản. Viện Albert Einstein. Hoa Kỳ. 2004.
Gene Sharp. Những phương pháp hành động bất bạo động.
BBC. Trò chuyện về đấu tranh bất bạo động. Lê Quỳnh phòng vấn Gene Sharp
Nguồn từ điển mở wikipedia: