Bài thi viết Cộng sản & Tôi: Ký ức năm xưa - Dân Làm Báo

Bài thi viết Cộng sản & Tôi: Ký ức năm xưa

Bùi Lộc (Danlambao) - Tôi là một trong những người bị cộng sản bắt sau cùng sau khi Ban Mê Thuột thất thủ vào tháng Ba năm 1975. Vì đó là cú sốc quá lớn trong đời: Nước mất nhà tan, gia đình phân ly đã hằn sâu trong ký ức không thể quên dầu đã gần nửa thế kỷ, mà còn như vừa mới xảy ra đây.

Các đơn vị trú phòng trong thị xã lần lượt thất thủ. Cuộc chiến bước sang ngày thứ ba, hai chiếc thiết giáp của cộng sản đã chiếm vị trí trước khu Hotel Anh đào và Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột ngay khi đợt pháo kích đầu tiên vào thị xã vừa ngưng; bắt đầu di chuyển để thanh toán những đơn vị còn lại.

Nghe thấy tiếng xích sắt và đại bác nổ trước những ụ phòng thủ của đại đội trinh sát ngay mặt đường phía trước đơn vị, chúng tôi băng phía sau và lẫn vào với đám đông qua Suối Đốc học chạy trốn. Qua một ngày một đêm, tôi tới được Kim Châu Phát, một làng của đồng bào Công giáo di cư 1954. Ba ngày sau, chúng tôi cùng đồng bào tại đây di tản qua Lạc thiện, Lạc dương để về Tuyên đức. Nhưng vừa ra khỏi làng khoảng một cây số, thì súng cối và đại liên từ hai bên sườn núi bắn xả thẳng xuống khiến cho mấy người đi đầu chết và nhiều người khác bị thương làm mọi người hốt hoảng mạnh ai nấy chạy ngược trở lại nhà lo âu chờ đón tai họa.

Chỉ mấy ngày sau, những đoàn quân cộng sản xâm nhập làng. Họ chia nhau ra từng toán nhỏ vào sống trực tiếp trong từng nhà dân. Vừa được dân cơm bưng nước rót lại vừa kiểm soát được từng nhà. Những gia đình có người tham gia nhân dân tự vệ, những đơn vị chiến đấu xa, những viên chức chính quyền, trưởng ấp, xã trưởng, phường trưởng và những quân nhân lành nạn như tôi đều bị kiểm tra và rồi bị tóm hết và phân loại.

Tôi bị giữ và đưa đi ngay nên không biết gì thêm những gì xảy ra sau đó. Ngày hôm sau họ dẫn tôi trở lại qua thị xã chứng kiến cảnh đổ nát hoang tàn, thỉnh thoảng mới thấy bóng người dân với con mắt lấm lét liếc trộn nhau, hay những con chó đói đang lùng sục kiếm ăn quanh nhũng đống gạch bể nát. Mãi tới chiều, chúng tôi mới đến một đồn điến cafê, mà tôi không xác định được phương hướng về phía nào của Ban Mê Thuột vì thực ra đây là lần đầu tiên tôi tới thị xã này, chỉ trước Tết năm 1975 chưa đầy ba tháng.

Nơi đó đã sẵn có Đại Úy Lộc, sĩ quan truyền tin Sư đoàn 23 và một người sắc tộc được nghe nói là Đại tá Siu Che của Lực lượng Fulro. Không biết ông có biết tiếng Việt hay không, nhưng cộng sản hỏi gì ông cũng chỉ trả lời tiếng Pháp.

Sau khi đã ghi danh và các thủ tục bàn giao, những cán binh cộng sản tiếp nhận chúng tôi. Họ cho chúng tôi hay chính chỗ này là nơi tập trung tất cả các quân nhân “Ngụy” đã được đưa về đây sau trận chiến Thị xã Ban Mê Thuột vừa qua. Cả ngàn người mới được đưa đi mấy hôm trước. Rồi các anh cũng sẽ được đưa đi và gặp họ.

Hôm sau, cũng đã gần trưa, khi toán cán binh canh gác chúng tôi chỉ còn hai hay ba người, một anh cán binh còn rất trẻ đã lân la lại gợi chuyện với chúng tôi. Anh nói tối hôm qua, em phải gài mùng lại cho các anh vì chân các anh ló ra khỏi mùng và ở đây rất nhiều muỗi. Chúng tôi ai cũng dè dặt ít nói và chỉ lắng nghe.

“Riêng em, em chẳng hề oán thù các anh, mặc dầu anh ruột của em đã chết trong trận chiến này. Nếu em ở vào hoàn cảnh các anh, em cũng sẽ phải cầm súng chống lại cách mạng thôi.

Có một điều em rất bất mãn với mấy ông sĩ quan cách mạng. Nghe đến đây tôi thật sự bàng hoàng và cố lắng nghe những lời nói tiếp của anh cán binh trẻ măng này và anh nói tiếp:

“Có một ông đại úy cách mạng, trong ba buổi chiều liền khi các anh quân nhân của Thị xã còn bị tạm giữ tại đây thì ông uống rượu mặt đỏ kè và lè nhè nói với anh trách nhiệm coi các anh ở đây: Tụi bay cho tao một thằng. Chẳng ai trả lời và rồi ông khoa khoa cây súng ngắn chỉ đại một người bắt ra khỏi hàng và ông dí đến chỗ đằng kia và ông bắn.

Đấy các anh thấy đấy, ba chiếc mộ mới là ba sĩ quan VNCH nằm dưới đó. Em cảm thấy thật bất nhân, nhưng làm gì được vì ngay anh đội trưởng trinh sát của em đây cũng đâu giám có phản ứng gì. Tôi hy vọng những dòng này đến được tay ông đại úy cách mạng đã bắn ba sĩ quan VNCH tại đồn điền Cafê Ban Mê Thuột sau trận chiến tháng 3 năm 1975 này.

Cán binh trẻ này đối xử rất tử tế với chúng tôi. Anh nói các anh ai còn tiền và cần mua gì ngoài thị xã thì đưa em mua hộ. Tôi còn hơn trăm bạc sót lại trong túi, đưa anh và nói anh mua hộ lon sữa đặc. Anh Lộc nhờ mua thuốc lá. Đại tá Siu che vẫn không hề mở miệng, ngoài câu chửi thầm: "merde” Sau khi đi chợ về anh đã đưa cho chúng tôi những gì cần mua và trả lại tiền dư. Bảo anh giữ lấy, nhưng anh từ chối.

Trước ngày chuyển giao để đưa chúng tôi đến trại tập trung, anh đã cho tôi một chiếc tô bằng sắt và dặn kỹ: “Anh nhớ giữ kỹ chiếc tô này, vì trong tù, bọn chúng không cho các anh cái gì đựng cơm hay thức ăn. Tù nhân phải dùng lá cây, mũ nón hay ngay cả tay không và loay hoay là phải nhịn đói luôn.

Chỉ với thời gian rất ngắn trong thân phận một tù nhân thất trận, trải nghiệm sự tàn ác của anh đại úy cách mạng đã bắn chết ba tù nhân không còn khả năng tự vệ trong cơn say xỉn và tấm lòng tử tế của một cán binh rất trẻ đưa đến cho tôi nhiều suy tư.

Chúng tôi được đưa đi tập trung tại Ea sup, một trại tù mới thiết lập. Hàng rào tre, mái tranh còn mới. Vừa đến nơi tôi gặp lại tất cả những quân nhân bạn bè tại Ban Mê Thuột. Khoảng hơn hai tuần sau, một vị chuẩn tướng và bốn đại tá phải di chuyển ra Bắc. Cuối tháng Tư, chúng tôi cũng được di chuyển đến Đức Cơ, sát biên giới Miên. Nếu không có biến cố gì xảy ra, có lẽ nơi đây sẽ là nơi chỉ định cư trú cho bản thân và gia đình chúng tôi.

Trong thời gian này, chúng tôi vẫn mang danh “Tù binh” và do một đơn vị quân đội cs canh giữ và ngày đầu tháng 1.5.1975, ngày Quốc tế Lao động cũng có tin đồn sẽ có những tin tức đặc biệt, và cũng có thể có người được phóng thích vì cộng sản đã chiếm được cả nước. Nhưng rồi ngày Quốc tế Lao động cũng bốc hơi vào dĩ vãng. Đó chỉ là giấc mơ mong manh của những người đang trong bước đường cùng hay tin vào những lời đồn đoán có khi do chính anh em mình suy diễn hay phịa ra.

Chúng tôi chỉ phải kê khai lý lịch cá nhân, cũng chưa phải học tập, chỉ đôi ba lần nghe về những chính sách của đảng đối với tù binh. Thỉnh thoảng trại trưởng mới gọi một người lên phỏng vấn.

Tôi còn nhờ trại trưởng là Thượng sĩ Phụng. Anh cho cán binh gọi tôi đến gặp anh lúc nửa buổi. Tôi rất dè chừng với những câu hỏi của anh. Nhưng sau cả tiếng đồng hồ, tôi thấy anh có vè muốn tìm hiểu hơn là điều tra và nghĩ mình như cá nằm trên thớt, trước sau gì họ cũng sẽ biết rõ về mình nên tôi mạnh dạn nói lên những lập trường của mình.

Câu chuyện giữa anh và tôi, không phải là tranh biện nhưng sau cùng là cùng thảo luận tìm hiểu về ý nghĩa cuộc chiến. Một cuộc chiến “Ý thức hệ”. Hai khối Tự do và Cộng sản, quân viện cho mỗi bên và sau cùng những ai mới thực sự đã quyết định trong cuộc chiến này. Tôi không biết anh có biết rõ mọi thông tin về cuộc chiến này hay không, nhưng phần tôi, tôi thường xuyên theo dõi kỹ những tiến trình đàm phán Paris, những chuyến công du của TT Nixon sang Mascova, Bắc Kinh, những chuyến đi lại con thoi của Kissinger, và những ép buộc của ông với Chính phủ Saigon, cũng như những lần ông gặp những giới chức cs Hà Nội và nhất là Hiệp định Paris, một hiệp định “Đình chiến Gia Beo” khôi hài, vô lý, một bản hiệp định đầu hàng, ép buộc và thua thiệt cho VNCH.

Anh rất chú ý lắng nghe tôi trình bày. Tới giờ cơm, cảnh vệ đã ba lần mời thủ trưởng tức là anh dừng để dùng cơm, nhưng anh ta đã nói các đồng chí cứ ăn đi, tôi ăn sau. Cuộc thảo luận đã kéo dài tới gần hai giờ chiều. Sau cùng anh hỏi tôi, anh có điều gì quan tâm và lo lắng nhất trong cuộc đời kể từ sau khi anh bị bắt?

Tôi nói với anh: “Đời tôi kể như xong, hoàn toàn do các anh quyết định, tôi làm gì còn sự lựa chọn nào. Nhưng tôi lo ngại cho con cái tôi, chúng sẽ khổ ải cả cuộc đời vì lý lịch của cha nó.” Và anh có nói với tôi rồi sẽ khác, anh cũng không nên lo lắng nhiều.

Có lẽ anh cũng đã tìm hiểu nơi nhiều người. Thay vì chửi bới chúng tôi như những người cs khác, anh tỏ ra có thiện cảm nhiều với chúng tôi. Anh cao ráo, hơi đô con và có gương mặt khá điển trai. Khi câu chuyện đến chỗ thẳng thắn tự nhiên, tôi thấy anh chân thành và tôi nghĩ có lẽ anh thuộc thành phần gia đình trí thức hay con chàu địa chủ bị đấu tố trước đây.

Tháng bảy, 75, khi biên giới phía Tây có những dấu hiệu biến động, chúng tôi được di chuyển về Quận Thanh an, Pleiku và bàn giao cho đơn vị khác. Trại trưởng mới tên là Đại úy Hân, người xứ Nghệ, cay cú và vô cùng ác nghiệt. Đúng là hậu duệ giai cấp bần cố. Đi lao động về đến cổng trại chỉ vài lá cải trời cũng bị xét và lấy quăng đi.

Thăm nuôi, không cho nhận giấy đi cầu. Sinh hoạt buổi tối, trước mặt mọi người, anh lên lớp: "Cách mạng còn khó khắn, mọi người đi ỉa dùng que, sao một thiểu số lại có thể dùng giấy mềm mịn. Những lối sống tư bản này phải dứt khoát bỏ ngay. Khi nào đất nước ta giàu mạnh ta sẽ bỏ que và mọi người sẽ cùng dùng giấy khi đi ỉa."

Vào một buổi chiều, anh Phụng xuất hiện, đứng xa ngoài đường nói với bọn tù binh chúng tôi đang cuốc đất:

“Tôi muốn vào thăm anh em mà thằng Hân nó không cho. Thằng khốn nạn thật, thôi không vào được, mong các anh luôn khỏe mạnh và cho gửi lời chào đến các anh em khác và chắc không còn dịp nào gặp lại anh em nữa đâu. Anh vẫy tay, cúi đầu lầm lũi rồi khuất dạng.

Tối đó chúng tôi ngồi ôn lại thời gian gần một tháng tại Đức cơ và nói với nhau thái độ đối xử khác cộng sản của anh Phụng với đám tù binh chúng tôi.

Đến trại mới Thanh Bình, cuộc đời tù bắt đầu hom hem đi xuống. Thân thể một ngày một teo tóp, da bắt đầu xuống sắc, vàng ủng. Trung úy Tâm, Pháo binh, đẹp trai, ca hay, kiết lỵ, mở màn đi vào cõi vĩnh hằng.

Nhân ngày Tết, đi lao động qua nhà một người dân tên Trường, trại trưởng Hân hỏi ông, sao Tết này có vui không. Ông trả lời, Tết này vui lắm cán bộ ơi, vì không bị bọn cộng sản pháo kích, băn giết, đặt mìn xe đò bừa bãi nữa. Trại trưởng Hân quê quá, gằm mặt bỏ đi.

Đại Úy Tải, Quận trưởng Thanh An cũng tù chung với chúng tôi. Cộng sản nói toán tre đan làm một cái giỏ có quai xách dài và một cây gắp xong giao cho anh và nói anh đi quanh trong xóm gắp hết cứt chó về giao cho đội rau. Mục đích để hạ nhục anh vì trước đây anh là Quận trưởng của vùng này.

Tối anh em gặp nhau hỏi thăm anh công việc ra sao. Anh cười và nói cũng đỡ. Mấy người trong xóm mình gặp ai cũng cảm thương. Người lén cho cái bánh ú, người cho củ khoai. Ăn không hết lại giấu mang về chia cho anh em. Cũng nhờ vậy ông cũng phần nào rõ được tình hình ngoài xã hội: Ai cũng oán than.

Một anh bác sĩ cộng sản ở Hà Nội mới vào đến thăm trại tù vời vẻ mặt và thái độ đắc thắng và tự mãn, có những lời răn dạy tù nhân sau khi được phóng thích cho về lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa nhớ đừng vứt đi những chiếc mùng cũ, phải giữ lại cho vợ hay con gái dùng khi cần, nếu không biết giữ gìn vệ sinh những ngày đó nguy hiểm cho sức khỏe, rồi không đi lao động được. Có anh tù ngồi sau nói nhỏ sao không lấy băng “Bạch tuyết” bịt mồm thằng bác sĩ này lại. Anh chàng vào Sài Gòn thăm một số bệnh viện mấy tháng sau trở lại trại mặt cúi gầm.

Đợt phóng thích đầu tiên vào giữa năm 1977, số còn lại thuộc các diện: An ninh, Tình báo, Chiến tranh chính trị, Tuyên úy. Khoảng gầm trăm người được di chuyển và dồn xuống trại tại An Trường, Quy nhơn.

Các quân nhân viên chức chính quyền Miên Nam ở trại này vẫn chưa ai được phóng thích. Mấy tháng sau, toàn trại lại di chuyển về Củng Sơn, Tuy Hòa và sau cùng tất cả lại được tập trung về A 30, Tuy Hòa do công an quản lý.

Trại trưởng tên Đại úy Hạnh, người Bình Định, lùn, nhỏ con, nhất lé nhì lùn. Tay này có một xe du lịch mầu trắng, chắc do tù hiến tặng không rõ hiệu gì, lúc nào cũng có một tù nhân lau rửa và đánh bóng. Nghe nói tay này rất mánh mung, kiếm được khá bộn trong những chuyện tù tội và vượt biên.

Đại úy Hạnh nói năng thấm nhuần tinh thần đạo đức bác Hồ, đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại, thương yêu các anh chị em trong đội văn nghệ, được săn sóc có chế độ ăn uống riêng. Tuồng “Dương Vân Nga” được diễn đi diễn lại nhiều lần. Những chiếc đầu bạc trắng uốn éo với ngón trỏ, chạm khóe môi: “Đêm qua em mơ gặp bác hồ. Râu bác dài tóc bác bạc phơ. Em âu yếm hôn lên má bác. Em vui múa là em vui hát. Bác mỉm cười bác khen em ngoan, bác gật đầu bác khen em ngoan...” Coi các cụ biểu diễn rất “mignon, very cute”. Châm biếm hay nuôi hy vọng được phóng thích sớm qua tích cực cải tạo và chân thành giác ngộ cách mạng.

Một hôm nghe nói có một tù bị rắn độc cắn. Anh y tá tù nói gì với quản giáo sau đó cầm nắm bông vội nhảy sang đội nữ. Háy háy một nữ tù ra cửa nói nhỏ. Nữ tù nghe xong, hớn hở để em. Mấy tù nữ khác chạy theo hỏi nhỏ và sau cùng đem ra cho anh một nắm “bông hôi” để đi chữa rắn độc cắn. Chẳng biết ai bị rắn cắn và kết quả chữa trị ra sao. Nhưng sau này người ta chỉ để ý tới chuyện thần dược trị rắn cắn thôi.

Phó trại là Đại úy Bính, người Tuy Hòa, chuyên chính, sắt máu, mặt lúc nào cũng nhăn như bị táo bón kinh niên hay khỉ bị quét mắm tôm vô mũi. Mắt cú vọ, không bao giờ tươi lên được. Sau khi tù đã vào hết trong các làn và cửa đã được khóa lại, anh ta về thật khuya, thường đi quanh từng làn trại, dò la nghe ngóng xem tù thầm thì gì bên trong, nhất là vào những ngày lễ lớn như Tết hay Giáng sinh, Phục sinh.

Tiến, nghe nói là trung úy ban Năm, Bảo lộc, Công giáo, được chọn làm trật tự, nên anh ta biết người Công giáo có thói quen xưng tội trước Lễ Giáng sinh và Phục sinh. Lễ Phục sinh năm 1980, một lô tù bị gọi điều tra làm kiểm điểm vì hôm trước đã đi dạo cùng với Cha Thoại, cựu Tuyên Úy Hải quân. Mãi sau mới biết thằng Tiến chỉ điểm.

Có một hôm, toàn thể sĩ quan cải tạo được lệnh không phải đi lao động, ở nhà, quần áo sạch chuẩn bị lên hội trường.

Mọi người đoán già đoán non, có biến. Sau khi đã lên hội trường nghe chửi:

“Cách mạng sẽ tống khứ hết những thành phần cặn bã, rác rưởi ma cô, đi điếm ra khỏi nước. Và cũng liệt kê những thành phần Ngụy tay sai đế quốc các anh cũng chỉ là những rác rưởi của xã hội nếu các anh không cố gắng phấn đấu lao động và học tập để trở thành những công dân tốt trong xã hội mới.”

Thực hư không xác định được. Tôi chỉ biết và thường xuyên nghe họ nói cách mạng sẽ tống cổ bọn rác rưởi ra khỏi tổ quốc và luôn mồn nói chúng tôi là một trong đống rác bẩn thỉu đó. Một hy vọng giúp chúng tôi vượt qua những vất vả lao động và cuộc sống tù tội o ép, vô cùng khó khăn thiếu thốn hằng ngày.

Đấy là câu chuyện của tôi với cộng sản, không phải chỉ có người dân bây giờ mới bất mãn và chửi cộng sàn, mà ngay những người trong hàng ngũ cs trước đây cũng đã thấy được những cái ác, cái sai quấy, cái gian ác của cs nhưng họ không dám công khai lên tiếng vì an toàn cá nhân, một số khác vì quyền lợi. Cộng sản thực trong cả nước bây giờ có đốt đuốc đi từ Nam ra Bắc cũng không kiếm nổi một mống. Chỉ toàn còn loại nhân danh cs để mánh mung, hà hiếp và chiếm đoạt theo kiểu “quyền lợi ắt qua tay mình”.




_____________________________________



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 25/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo