Bài thi viết “Cộng Sản & Tôi”: Vẫn hoài xót xa - Dân Làm Báo

Bài thi viết “Cộng Sản & Tôi”: Vẫn hoài xót xa

Phước An Thy (Danlambao) - Sau ngày cách mạng “Giải phóng” miền Nam, có một điều không nói ra, nhưng ai cũng biết, là nhà cầm quyền mới có thái độ đối xử phân biệt đối với người dân miền Nam, trước đây không ít thì nhiều cũng có liên hệ với chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhà nước bắt buộc mọi người phải kê khai lý lịch, ghi nguồn gốc xuất thân gia đình trước 1975 để các cơ quan, tổ chức xem xét, kiểm soát chặt chẽ mọi thành phần trong xã hội, nhằm cho gia đình có công với cách mạng được hưởng đặc ân và để ngăn chặn cơ hội phát triển của các thế hệ thuộc chế độ VNCH.

Lý lịch của tôi thường được chính quyền địa phương phê, “Cha ông có nợ máu với nhân dân, thành phần bản thân không rõ”, dù cha tôi đã chết năm tôi 8 tuổi. Tôi phải bỏ học, mướn xích lô đạp kiếm tiền phụ gia đình gồm ông bà nội già yếu, mẹ bệnh lâu nay. Áo quần đạp xích lô của tôi là bộ đồ lính nhàu nát lúc nào cũng ngửi thấy mùi chua nồng, đầy những dệt mồ hôi khô trắng loang lổ. Áo được mẹ tôi chăm chút vá víu bằng những mẫu vải nhiều màu, quần mục vá hôm trước, hôm sau đã mòn rách lòi cả quần đùi bên trong. Tuổi đang lớn, nhưng tôi tái xanh như chuối non ủ rơm chín ép, mặt nhăn nhó, thân hình già hóp, choắt lại khiến ít người có cảm tình khi gặp mặt lần đầu. Tôi hay lo sợ bất an, nghĩ ngợi lẩm cẩm như, ăn gì ít tiền mà no lâu, cử động thế nào để áo quần bớt rách mất công mẹ lại phải khâu vá, sợ bánh xe mòn, sợ bệnh không đạp xích lô được. Tôi bòn rút, ki cóp từng đồng bạc lẻ, không dám ăn no, lo không có tiền mua thuốc cho mẹ. Tôi mặc cảm khi gặp các bạn học xưa, tủi nhục khi những người bạn cũ, đang nịnh hót quanh những người bạn mới, con cán bộ, cười chế giễu tôi. Tôi tự ti khi phải chở những bộ đội, những thủy thủ người miền Bắc mặt hớn hở, áo quần bảnh bao đi ăn nhậu, đi kiếm gái. Tôi đâm ra rụt rè, chán nản, biết rằng một người thanh niên không nên có thái độ bi quan, nhưng biết làm sao được khi tôi đang nghèo khó, lúng túng không biết làm gì trong xã hội mới, trong thành phố bỗng dưng xa lạ và thân xác luôn mệt mỏi rã rời.

Tôi thường kiếm khách ở ga xe lửa vào ban đêm. Ở đây có những con người thức suốt đêm, âm thầm vất vả làm việc để kiếm miếng ăn dưới ánh đèn vàng vọt, trong không khí đậm đặc, mùi lưu lại từ hàng thập kỷ và mùi đủ loại hàng hóa ngầy ngậy trên sân ga. Những người xích lô xe thồ, những người bán hàng rong tới lui chào mời, những người già, trẻ em cúi gằm mặt mình trên những đống rác, họ nhanh nhẹn móc bao ni lông, nhặt tìm những gì có thể bán được. Mọi chỗ trên sân ga đều được dùng để làm nơi nghỉ ngơi, mọi người mệt mỏi nằm ngồi la liệt sau một chặng đường dài, thậm chí có nhiều người tay ôm hành lý lĩnh kĩnh, nằm ngủ vật vờ ngay cửa nhà vệ sinh khai nồng mùi phân và nước tiểu.

Tranh thủ thời gian tạm yên ắng giữa các chuyến tàu đến và đi, tôi lim dim cố ngủ lấy sức. Những lúc không ngủ được vì đàn muỗi đói, tôi tới quán của Mùi uống cà phê. Nói là quán, nhưng thật ra chỉ có một cái bàn xếp, vài chiếc ghế đẩu, một bếp lò nấu nước sôi, mười mấy cái ly vừa lớn vừa nhỏ trên bàn. Đã ba năm nay, cứ sáu giờ chiều, tôi chở hai mẹ con Mùi ra sân ga bán cà phê, đến bảy giờ sáng hôm sau, khi mọi người trên sân ga lục cục thức dậy, tôi dọn dẹp bàn ghế, chất lên xe chở hai mẹ con nàng về.

Sau khi cha Mùi đi “học tập cải tạo”, hai mẹ con nàng bị đuổi ra khỏi nhà trong khu gia binh. Hai mẹ con Mùi theo bà con cùng cảnh ngộ, lên đồi Trại Thủy, ngoại ô thành phố Nha Trang, làm nhà để ở. Đồi Trại Thuỷ bây giờ không còn vẻ hoang sơ, thơ mộng như trước nữa, nhà cửa chen nhau mọc lên một cách hỗn độn, đến mức những con đường mòn nhỏ đi và ít lại. Hàng mấy trăm căn, vừa nhà vừa lều chòi mọc lên quanh đồi, san sát nhau, nền nhà này cao ngang với mái nhà kia. Quanh xóm rác xả khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên từ các nhà vệ sinh tạm bợ và nơi những lùm cây, bụi cỏ. Người dân ở đây quá nghèo, nhiều nhà không có bàn ghế, giường tủ gì, chỉ chiếc chiếu trải chồng lên những tấm bìa giấy các ton trên mặt đất, những thùng gỗ chứa áo quần, thùng giấy chất những bó nhang và rổ rá đựng chén bát. Dân trên đồi hầu hết không có hộ khẩu, không có việc làm thường xuyên, họ sống bằng nghề đạp xích lô xe thồ, buôn bán lặt vặt, lấy nhang của nhà chùa đi bán, làm thuê mướn độ nhật. Nhà của hai mẹ con Mùi nằm cheo leo trên triền đồi, gần chùa Long Sơn, mà Mùi gọi là chùa Phật Trắng. Căn nhà nhỏ xíu, phải gọi là lều hơn là nhà, thấp lè tè như cây nấm xiêu vẹo dựa vào một gốc cây, nếu không có gốc cây chắc nó sẽ sụm xuống liền, mái nhà là bốn tấm tôn khác loại, vách che vụng về bằng những tấm ván, bên trong chỉ có một cái bàn thấp ngang đầu gối, mấy chiếc ghế đẩu ọp ẹp và chiếc giường tre. Phía sau có một nhà tắm nhỏ không mái, chung quanh che bằng những tấm nhựa mỏng.

Tôi và Mùi thường lên đỉnh đồi, đến dưới chân tượng Đức Phật ngồi uy nghi trên đài sen, giữa trời mây mênh mông để ngắm cảnh thành phố. Từ thành phố náo nhiệt lên đến đây, bỗng có một khoảng không gian rất riêng biệt, yên bình, gió biển nhè nhẹ mang hơi mặn lùa vào lồng ngực thật khoan khoái. Tiếng chuông chùa văng vẳng vang xa trong không gian tĩnh lặng, tưởng như mình không còn ở nơi trần tục, làm cho tâm hồn thanh thản, tạm quên đi những nhọc nhằn cơm áo đời thường.

Thời gian gần đây, gã công an, phó trưởng đồn nhà ga hay ra ngồi uống cà phê, Mùi không còn nói chuyện, cười giỡn với tôi mỗi khi có gã ngồi đó. Thấy Mùi nói chuyện thân mật với gã, buồn và giận nàng tôi bỏ sân ga đến mấy ngày. Nhớ nụ cười trong trẻo của Mùi, nụ cười làm tôi quên hết mệt mỏi, khổ đau, tôi lại đến quán tìm nàng, nhưng chỉ thấy có mỗi mẹ nàng bán cà phê. Tôi đi lên đồi đến nhà Mùi, song không thấy nàng. Tôi hỏi mẹ Mùi, bà nói: “Nó về quê thăm dì, vài tháng rồi sẽ về”. Nhiều tuần sau chưa thấy Mùi về, lòng tôi thắc mắc, không biết lý do gì Mùi đi mà không nói một câu, cứ như nàng đang tránh gặp tôi. Mùi có người yêu khác chăng? Mình làm gì nàng buồn không, hay bởi tôi là gã đạp xích lô không có tương lai? Những câu hỏi không ai trả lời, luẩn quẩn trong đầu tôi, trở đi rồi trở lại, nhưng vẫn không sao tìm ra nguyên nhân.

Một hôm tôi đến sân ga thì không thấy mẹ nàng bán cà phê nữa, tới nhà chỉ thấy một bãi đất trống không, căn lều như mọc cánh bay đâu mất. Gặp một ông già đang nhặt phế liệu trên các nền nhà bỏ hoang, tôi hỏi: “Bác có biết những gia đình sống ở đây đi đâu hết rồi không bác?”. Ông lão thủng thẳng nói: “Họ đi kinh tế mới chứ đi đâu. Chính quyền cưỡng bức, bắt đi kinh tế mới hết đợt này, tới đợt khác”. “Họ đi kinh tế mới ở đâu hả bác?”. Ông lão xua tay: “Khi thì nghe nói đi ra Tuy Hòa, khi lại nghe vào huyện Khánh Sơn hay lên tới tỉnh Lâm Đồng, chẳng biết đâu mà lần”. Tôi ra ga hỏi thăm gã công an đồn phó: “Anh có biết mẹ con cô hàng cà phê trước sân ga đi đâu không?”. Gã nhếch mép cười khẩy: “Không biết”. Tôi lên đồi nhiều lần tìm Mùi không thấy, buồn chán tôi tự an ủi, thân mình còn lo không nổi làm sao lo cho nàng được, rồi cố quên, không có người yêu này thì tìm người yêu khác, hơi đâu mà thất tình bi luỵ cho phí sức.

Năm sau, đạp xích lô qua đồi Trại Thủy, tôi gặp Mùi mặc bộ đồ bạc màu, ngồi bán thuốc lá lẻ bên đường, trông nàng khổ sở và tiều tụy quá. Mùi giấu mặt sau tủ thuốc lá dán đầy bìa bao của các loại thuốc trên mặt kính, mới nhìn thì tưởng tủ đầy thuốc lá, nhưng bên trong chỉ có bốn năm gói thuốc không đầu lọc, loại rẻ tiền. Có nhiều điều muốn nói, muốn hỏi, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, tôi hỏi: “Sao em không bán cà phê nữa mà lại bán thuốc?”. Mùi có vẻ thẹn vì áo quần của nàng quá cũ: “Em không còn vốn để sắm đồ nghề bán cà phê”. Tôi hỏi: “Mẹ em đâu rồi?”. Mùi đưa tay chỉ lên đồi: “Mẹ em bệnh nằm ở nhà, cũng ở triền đồi, nhưng phía khác”. Im lặng một lúc, tôi nói: “Anh muốn nói chuyện với em, em nghỉ bán hôm nay được không?”.

Tôi chở Mùi ra bờ biển, không khí biển ban đêm trong lành, gió ngoài khơi thổi vào mang theo mùi muối mặn, nghe tiếng sóng rì rào vỗ bờ làm lòng thanh thản, bình yên. Ánh sáng từ các đảo không xa đất liền mấy, ánh đèn các tàu lớn, ghe nhỏ câu đêm ngoài khơi và ánh sáng của muôn vì sao, tạo nên một khung cảnh lung linh. Không gian mát dịu bao trùm lên những người đi dạo dưới bóng hàng cây dọc theo bờ biển.

Tôi và Mùi ngồi dưới gốc cây bàng, tôi hỏi: “Bây giờ, em kể cho anh biết điều gì đã xảy ra với em vậy”. Mùi nhìn ra biển, nói: “Em không còn như xưa, em hổ thẹn với anh”. Tôi cầm nhẹ tay Mùi: “Anh cứ tự hỏi, không biết tại sao em lại bỏ đi như vậy?” Mùi kể: “Khi ấy các nhà trên đồi bị giải tỏa, nhà em buộc phải đi kinh tế mới. Anh Trào nói, cặp bồ với anh, anh sẽ can thiệp với bạn bè giúp nhà em được ở lại”. “Anh Trào nào?”. Tôi ngạc nhiên hỏi. Mùi nói: “Anh phó đồn công an ở ga xe lửa đó, anh ta mua quà dụ dỗ, rồi răn đe nếu em không cặp bồ với anh ta thì nhà em bị đi kinh tế mới ngay lập tức. Lúc đó, em không còn thời gian, lòng dạ để nghĩ đến chuyện gì khác, chỉ còn biết làm theo lời anh ta, hy vọng sẽ không bị đi kinh tế mới”. Mùi ngập ngừng kể tiếp: “Một hôm em bệnh nằm nhà, anh ta đến hiếp em. Người em khi đó mệt lả, em chống cự hết sức, nhưng không nổi và la cũng không được. Sau đó anh ta còn cưỡng ép em nhiều lần, đầu óc em rối loạn và lòng bị tổn thương”. Miệng khô đắng, tôi nhắm mắt không biết nói hay phải làm gì nữa. Mùi nói: “Cuối cùng nhà em cũng bị đi kinh tế mới vì anh Trào chẳng giúp gì hết. Em hỏi thì anh ta trơ trẻn trả lời, tôi làm gì có quyền mà giúp, chẳng qua thấy em cả tin nên lợi dụng vậy thôi, tôi đã có vợ con rồi nên em đừng có mơ mộng hão huyền”. Mùi nhìn tôi, nói: “Em trốn anh vì không muốn anh nhìn thấy sự nhục nhã của em. Bây giờ anh biết hết chuyện rồi đó, anh có khinh rẻ em không? Kể ra được với anh, lòng em nhẹ đi, bớt buồn khổ hơn rồi”.

Tôi bùi ngùi hỏi: “Đi lên kinh tế mới, rồi sao em và mẹ lại trở về sống ở đây?”. Mùi dựa đầu vào vai tôi, bật khóc: “Ba em chết rồi! Ba em trốn ra khỏi trại tù cải tạo, nhưng bị bắt lại và bị đánh đến chết. Xác ba em chôn trên trại cải tạo đó, mẹ và em không có tiền để cải táng ba về. Mẹ em bị suy sụp tinh thần, thêm nữa lại bị bệnh sốt rét hành hạ liên miên. Lên kinh tế mới, vùng rừng thiêng nước độc, ăn toàn khoai sắn, hết khoai sắn tươi thì lại ăn khoai sắn khô. Mẹ bệnh, nhưng không có thuốc men gì ngoài thuốc xuyên tâm liên của trạm xá. Thấy nhiều người trốn về, nên em bỏ lại hết vật dụng, chỉ lấy mấy bộ áo quần, đưa mẹ trốn theo hàng xóm về đây”.

Tiếng thì thầm nhẹ như gió của Mùi hòa cùng tiếng sóng biển vỗ đều đặn từng đợt vào bờ, làm lòng tôi chồng chất xót xa, như có khối nặng lớn dần đè lên ngực không sao tháo gỡ ra được. Đầu óc tôi rối bời, ngổn ngang những suy tư, tôi buồn bực vì bất lực không làm gì được cho nàng. Giọng Mùi thổn thức: “Em vẫn lên đỉnh đồi, nơi hai đứa mình từng đến, để nói chuyện với Phật Tổ cho vơi bớt nỗi buồn khổ và lấy sức để sống qua ngày. Chắc kiếp trước em phạm nhiều lỗi lầm nên kiếp này em phải khổ như vậy”. Tôi ôm vai Mùi, không muốn lạc mất nàng thêm lần nữa, người con gái có nụ cười xua tan những khổ đau trong lòng tôi.

Trăm năm gánh nỗi thăng trầm.
Long đong hạt bụi, âm thầm hóa thân.
Mong manh giữa cõi phù vân.
Sống như phút chốc, tri ân kiếp người.
Dòng đời xuôi ngược đầy vơi.
Bồng bềnh, lắng đọng, khóc cười thiên thu.




______________________________________________________ 



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo