Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Chuyện chiếc cầu mang sắc tím - Dân Làm Báo

Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Chuyện chiếc cầu mang sắc tím

Đinh Nguyễn (Danlambao) - Sau năm 1975, có rất nhiều xóm nhỏ được hình thành gần ven suối, sát rừng. Cái xóm Sài Gòn nhỏ này cũng thế nó gắn liền với cầu Suối Sim mang màu sắc tím buồn, cây cầu được lắp ghép bởi ba tấm ván mỏng khoảng 2p5, rộng 30p xếp hàng dọc. Đi từ cái cầu chênh vênh gập ghềnh Suối Sim lên về phía Bắc khoảng 50m là tới xóm này. Xóm dài lên phía Bắc khoảng 600m là tới rừng, ngang về phía Đông khoảng 300m, sau xóm là một vùng trũng làm được lúa khoảng đâu trên 150 mẫu chạy dài theo dòng Suối Sim. Xóm này xưa kia có dân Thiểu Số Châu Ro ở họ làm lúa cái đầm rộng lớn sau xóm về phía Đông, song song với với Suối Sim. Vì họ có cuộc sống du canh du cư, ngày nào biết ngày đó, cần rượu đến đâu bán đất lúa đến đó, nên dân trong làng chúng tôi mua ruộng của họ từ từ. Trước ngày 30-04 họ còn ở đây khoảng 20 gia đình, nhưng khi mấy anh vô đây "giải phóng" họ âm thầm rút về nơi đầu nguồn suối Tầm Bó. Cách nơi đây khoảng 5 cây số.

Cũng nhờ chính quyền mới có chính sách quá nhân đạo?!!! Trước đưa người đi cải tạo, sau dụ dỗ, đe dọa bằng mọi cách ép cho được dân thành phố đi kinh tế mới mà họ gọi bằng chính sách giãn dân. Họ đưa về nơi đây khoảng trên trăm gia đình ngụy quân, ngụy quyền ở Sài Gòn nên nơi đây trở thành một xóm Sài Gòn nhỏ, tuy sau này những người cùng khổ phía Bắc gồm các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh vào lập nghiệp rồi cũng nhập vào đây. Nhưng cái tên xóm nhỏ Sài Gòn đã chết tên trên mảnh đất sỏi đá cằn cỗi này.

Đầu năm 1976. Tôi nhớ ngày đó là ngày chủ nhật, nghỉ làm việc ngày chủ nhật giống như một cái lệ của làng tôi, thậm chí chợ cũng không họp. Bình thường thì tôi đã dắt chó vào rừng chơi cho khuây khỏa, nhưng sao hôm nay tôi lại ở nhà để chứng kiến một chiếc xe lô (loại xe thể thao Fancon, 4 chỗ, được chế lại để chở khách sau 30-04) đậu lại ngay trước nhà tôi, cuốn theo một lớp bụi mù. Đầu tiên xuống là 2 người đàn ông, tiếp xuống thêm 3 người phụ nữ, tiếp thêm 4 đứa nhỏ ba trai một gái, cuối cùng là một cô gái khoảng 17 tuổi, lúc đó da xanh mét vừa lúc mấy ông đã bước ra sau xe để đưa đồ xuống, em bước đi được vài bước bỗng ngã quỵ. Mấy người đàn bà xúm lại. Tôi đật đật chui cổng chạy ra (Cổng là hai thanh tre gài ngang một trên, một dưới). Có một người đàn bà khóc thút thít. Tôi vội len vào và xin mấy người cho tôi đưa em vào thềm nhà tôi (nhà của gia đình tôi có thềm cao thoáng mát). Mẹ tôi phải đưa hũ dầu cù là con hổ mà bà rất quí ra xức cho em. Cỡ chừng 10 phút sau em mới tỉnh.

Hỏi ra mới biết nhóm người này là 4 gia đình vì không chịu đi kinh tế mới, bám trụ vào cái nơi họ được sinh ra, bị chính quyền thúc ép và đe dọa đủ bề cùng quẩn quá nên bây giờ mới xuống tới đây. Chị vừa rồi khóc thút thít có con trai là cô của em (chồng cải tạo). Họ cùng vào trong xóm nhỏ Sài Gòn. Tôi thấy họ, nào mùng mền chăn chiếu, nồi niêu xoong chảo, gạo lỉnh kỉnh đủ mọi thứ, làm sao họ di chuyển vào xóm đó tuy chỉ cách làng tôi trên cây số, lại phải qua một con suối Suối Sim có cái cầu "Dập Dềnh". Tính toán trong chớp mắt, tôi nói họ chờ tôi chút, tôi chạy đi kiếm xe bò chở họ vào xóm, làng chúng tôi đã sinh sống đây lâu rồi nên có vững vàng hơn chút nên hễ thấy ai khó khăn là giúp đỡ liền. Tôi chạy đi một chút là có 4 xe bò cho 4 gia đình đi vào xóm nhỏ.

Hạ Chi là tên người con gái tôi đã bồng ẵm vào thềm nhà tôi để cấp cứu, làm quen, nói chuyện với em trên một chiếc xe bò, cọc ca, cọc cạch đi qua vùng hoa nắng nhảy múa tung bay vòng vòng như thép gai bung trong thời chiến, tuy giờ không còn lửa đạn nhưng đã đốt cháy, cào rách hết tâm tư của chúng tôi, chúng tôi sẽ phải vượt qua khó khăn như những con bò phải giựt sục ở dòng suối buồn mang sắc tím để về nơi xóm nhỏ, sát bìa rừng, có một mái nhà tranh bốn bề trống hoác.

Hạ Chi là người đã gieo vào lòng tôi cảm giác êm đềm yên ả, đã làm trong tôi sống lại cái cảm giác muốn bảo bọc, chở che của một đấng nam nhi, đã gieo ấn tượng đẹp trong tôi từ cái nhìn đầu tiên trong cái xã hội rối ren thằng lên làm thầy này. Bên em tôi tự nhiên thấy mình muốn sống, muốn cống hiến hết khả năng cả đời này cho em, cho gia đình, xã hội. Cũng chẳng phải vì gương mặt thanh tú, cặp mắt to đen giống như của Lụy, tình yêu đầu đời của tôi, chẳng phải vì vầng trán thông minh, hai môi mọng ướt hay làn lông măng đều mượt trên hai cánh tay của em. Có một cái gì đó tôi nghĩ mãi không ra nguyên nhân. (Có thể vì em là người con gái luôn thùy mị, dịu dàng rất phụ nữ, cuốn hút thế thôi). Nhưng với bất cứ lý do gì tôi chẳng cần biết, tôi chỉ biết một điều, em đã chiếm trọn tấm chân tình của tôi. Sau ngày gia đình em chân ướt chân ráo về đây, chúng tôi đã đi phát rãy chung, đất lúa cũng làm chung. Lẽ dĩ nhiên công lao động chính vẫn là tôi. Nhưng tôi cảm thấy vui khi được phục vụ cho nàng. Trong lúc làm lụng chung chạ như vậy chúng tôi cũng có những kỷ niệm hay hay. Từ đó tình cảm ngày càng thêm nặng sâu. Có em, tôi đã quên Lụy. Trong ngất ngây, dẫu rằng sau ngày nghiệt ngã 30-4 nước Việt là cả một trời nước mắt đau thương, dân đen chúng tôi cùng chung số phận như vậy, sống trong thiếu thốn tứ bề, thiếu trước hụt sau, bữa cơm được vài ba con cá trích (chúng tôi đặt tên là cá Long Hội - Lôi Họng) là đã quí.

Mỗi lúc đi làm dân làng chúng tôi phải qua con suối này, hầu như mỗi gia đình trong làng tôi ít nhiều đều có ruộng lúa, có rãy mới khai hoang nơi đây. Ngược lại dân Xóm Nhỏ này, cha mẹ, con cái muốn đi chợ, đi ra huyện, đi học, đi bệnh viện cũng phải qua con đường độc đạo này để vào làng rồi mới ra huyện.

Chứng kiến cảnh các bà, các cô gồng gánh thấy thương chi lạ, đã có nhiều người té xuống suối, cảnh gánh đồ ăn trưa cho chồng con đổ vương vãi với những giọt nước mắt tủi hờn, cảnh những bé học sinh đi học phải bò trên cầu qua suối, di chuyển mùa màng về rất khó khăn. Mỗi lúc đi qua nơi đây tôi đều thấy sục sôi ở tận đáy lòng.

Đầu năm 1977, thời điểm này trong làng, tính ra người có con chữ một chút vẫn là tôi và Đại. Vì lớp đàn anh chúng tôi người thì Võ Bị Đà Lạt, Thủ Đức đều phải đi cải tạo, có những người Quốc Gia Hành Chánh vẫn vậy. Nói chung không ngụy quân cũng ngụy quyền. Nên mấy bô lão trong làng có họp lại với nhau, gọi hai đứa tụi tui đến. Đề nghị giúp họ làm cây cầu để người dân được đi lại dễ dàng, vận chuyển lương thực được gọn ghẽ.

Thời gian qua chúng tôi cũng đã bị bầm dập khổ đau với cái chính thể này quá nhiều, nhưng chẳng lẽ buông lỏng hai tay cho các cụ già. Vả lại cái lý tưởng phục vụ cho thế nhân, cái nhiệt tình muốn cống hiến sức lực cho xã hội của tuổi trẻ đang còn tiềm ẩn nơi chúng tôi quá nhiều, mà làm cầu là làm cho chúng tôi, cho con em chúng tôi, không cho tụi nó. Thế là sau 1 tuần bàn thảo, bản vẽ cây cầu được Đại hoàn tất (Năm 75 Đại đang học dở năm thứ nhất ngành cầu cống, hệ 4 năm tại Kỹ Thuật Quốc Gia gần trường đua Phú Thọ), với nguyên liệu là gỗ căm xe, một loại gỗ chịu đựng nắng mưa, mối mọt chê, sức chịu đựng rất bền, ngâm dưới nước vài chục năm cũng không suy chuyển. Kỹ thuật là Đại còn tôi là người lo vật liệu như gỗ, những con đỉa để ghép lại chúng với nhau, liếp sắt lát mặt cầu ..v.v..

Cái căng nhất là gỗ. Nhưng tôi đã liên lạc được một số bạn hồi xưa không lên Sài Gòn học như tôi và Đại. Ở nhà họ vào Nghĩa Quân, nhờ sư đoàn Úc ổn định tình hình, đẩy du kích rút vào tới mật khu Mây Tào, nên khu rừng nơi đây yên ổn. Rảnh thời gian, họ vào rừng cưa gỗ be. Họ biết lối có những cây căm lóc, bây giờ họ rất sẵn lòng đóng góp công vào với làng nước. Chỉ cần chúng tôi cho kích thước là họ vào rừng cưa, rồi nhờ máy cày kéo về. Trong làng có hai người có máy cày, họ cũng ủng hộ hết mình. Nói chung trên dưới một lòng.

Chúng tôi quá thơ ngây cứ nghĩ đây là việc công ích, ai mà làm khó dễ.

Thế mà ngày đầu tiên đưa gỗ về, chưa kịp đưa xuống bãi gần suối, thì đã có mươi thằng du kích đợi sẵn. Tất cả về xã. Về đến xã, trưởng CA xã và chủ tịch nông hội cũng có mặt. Họ hỏi: Ai đã cấp phép cho các anh cưa cây rừng? Cưa nhiều như thế để làm gì? Chúng tôi trả lời về làm cây cầu Suối Sim. Trưởng CA xã phán: các anh hãy xuống cây. Những cây này các anh khai thác không phép xã sẽ trưng dụng. Vì là lần đầu, không giam giữ máy cày cùng các cưa máy của các anh. Xong. Đợt đầu tiên (Chúng tôi chưa xong cầu mà tụi nó đã bán cho một xưởng cưa).

Phải sau ba ngày vất vả chạy lên, chạy xuống, cà phê, cà pháo chúng tôi mới có được giấy của chủ tịch nông hội và công an. Chỉ có một chữ ký như con giun và một cái dấu cộng. Chẳng có mộc. Hỏi thơ ký thường trực ủy ban. Thơ ký nói ai bắt mà lo, khỏi mộc. Đúng là cộng!

Sau thời gian khoảng một tuần lễ vất vả trong rừng sâu, chúng tôi cũng đã đưa được số gỗ về bãi gần suối. Tuần lễ thứ hai chúng tôi chia công ra. Tôi phụ trách các mảng thuê thợ rèn làm các con đỉa như đỉa đóng ghe nhưng to và dài hơn gấp đôi. Đi lên Rú Đất, nơi xưa sư đoàn Úc làm căn cứ có sân bay, để mua cho được 25 tấm liếp sắt. Trong khi đó Đại chỉ huy rọc cây theo thước tấc đã được tính toán. Được cái rọc cây ra gỗ chúng tôi cũng rọc bằng cưa máy nhưng dũa sên ngang thật ngang. Rọc như vậy thì mệt, nhưng rất mau. Để lại tám cây đường kính từ 45-50, dài 5m50, được vót hơi nhọn đầu gốc làm cột trụ cho cầu.

Ngày khởi công đào các hố cột để đóng các cột trụ, chúng tôi thấy ông chủ tịch nông hội đi cùng một anh máy ảnh ra chụp hình vung vít. Kệ. Chúng tôi làm cho chúng tôi, cho dân chứ không làm cho ai cả. Kệ bà chúng nó, chẳng ai để ý hỏi han. Việc chúng tôi, chúng tôi cứ làm.

Sau hơn hai tháng đầy khó nhọc, đổ rất nhiểu mồ hôi, thậm chí cả máu. (Có hai người bị thương vì sơ sểnh khi đóng đỉa). Chúng tôi đã hoàn thành được cây cầu khá đẹp, chắc chắn. Trọng tải trên 5 tấn, bề ngang là bề dài của liếp sắt, bề dài cầu 9m, có 3 nhịp, có thành cầu đàng hoàng. Có thể ngồi trên đó với đôi chân đong đưa.

Tuy mới về cái xóm nhỏ Sài Gòn mới hơn năm, nhưng ông Thành (cha của Hạ Chi) được toàn thể xóm bầu là xóm trưởng, ông cũng đã cắt công bữa thì được dăm bảy người, bữa thì vài ba người giúp dân làng chúng tôi làm cầu.

Làm xong cây cầu này là niềm vui sướng không những với con dân làng tôi mà còn với cả xóm Sài Gòn. Nhưng lại là thảm kịch cho gia đình em và tôi.

Ngày ăn mừng cây cầu được hoàn thành. Xóm nhỏ Sài Gòn nướng một con heo lớn, làng tôi vật con bê to. Cất chòi và lều ngay gần cây cầu, các bà các cô đang chuẩn bị nấu nướng từ sáng sớm, dự định 11g trưa khai trương, chương trình sẽ cho một cụ già đánh chiếc xe bò đầu tiên đi qua cầu, và quay lại rồi vào tiệc (không băng đỏ). Rất đơn giản vì thời kỳ này đang thiếu vải trầm trọng, vải được mua rất hạn chế, mỗi người một năm được mua hai thước ở các cửa hàng thương nghiệp, không đủ may một bộ quần áo, mà vải mặc được vài ngày nhăn nhúm từng nếp gấp nên chúng tôi gọi là vải lò xo, cả nước đều như vậy.

Đến khoảng 10g sáng, lại ông chủ tịch nông hội (Hai Dân) và trưởng công an, công an du kích xã đến với khoảng trên 20 người, súng ống đầy đủ.

- Ai cho phép các ông tổ chức tiệc tùng thế này?

Ông trưởng làng của chúng tôi nói:

- Chúng tôi có xin phép giấy tờ làm cầu từ ông mà. Ông đưa ra tờ giấy.

Chủ tịch nông hội nói:

- Đây là giấy làm cầu, không phải giấy ăn uống, làm tiệc, làm cầu là làm cầu, còn ăn uống cũng phải xin phép. Đất nước ta là một đất nước có tự do, nhưng là tự do trong khuôn khổ, nông hội đại diện cho bà con, bà con muốn làm gì, tổ chức ăn uống ra sao cũng phải thông qua nông hội chứ. Trong lúc đó thằng trưởng công an ra lệnh tịch thu con heo nướng được bọc giấy đang nằm trên bàn (chúng tôi là người công giáo không cúng vái, nhưng những người ở xóm nhỏ phần đông là đạo Phật, muốn xin điều gì, tạ ơn các chư thần họ đều cúng vái). Ông Thành, trưởng xóm nhứt quyết không cho vì đây là của tất cả nhân dân xóm góp lại, tuy mỗi gia đình chỉ là một ít, nhưng vẫn có những gia đình rất khó khăn, chung phần vào đây là một sự cố gắng đến khôn cùng.Nó ra lệnh cho du kích, công an bắt luôn ông Thành và trưởng làng chúng tôi về xã. Chúng tôi đành bỏ mặc đó, các bà tính sao thì tính, các bô lão và chúng tôi theo luôn về xã. Mãi đến 3 giờ chiều tụi nó mới thả trưởng làng của chúng tôi, nhưng còn ông Thành tụi nó vẫn giữ lại. Mãi đến 5 giờ hết giờ hành chánh họ đóng khóa các phòng ban, thậm chí phòng công an tuy chúng nhốt ông Thành trong đó cũng khóa trái lại luôn. Chúng tôi đành ra về trong đói lả mệt nhoài.

Chiều hôm đó chúng tôi đã chia nhau, chỗ thì dăm ba người, chỗ thì mươi người ăn những thức ăn hồi trưa còn đó. Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy rượu cay thế nào và thức ăn đắng ra sao?! Tôi uống, uống mãi cho đến khi không còn biết cảm giác. Các thần kinh tê đi trong tủi nhục, hôn mê.

Sáng tỉnh dậy thì được tin ông Thành đã được thả về khoảng đâu 1-2g khuya. Tôi thấy đây là một sự lạ, có một cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ, đánh răng súc miệng xong tôi liền vào xóm nhỏ. Đến nhà ông Thành. Không có một ai. Cửa khóa, nhìn qua khe thấy đồ đạc vẫn đang còn trong nhà. Cũng hơi yên tâm một chút, nhưng trong tôi đã thấy có một sự gì nghiêm trọng xảy ra đâu đây? Một sự trống vắng xâm chiếm tâm hồn, tôi cảm thấy bơ vơ lạc lõng, trống vắng, nhìn vào đám ruộng chỉ còn trơ những gốc rạ ngả nghiêng, vàng úa. Đời tôi sao giống gốc rạ như thế này?!

Khoảng tuần sau gặp ông về một mình trước cổng nhà tôi, ông có vẻ bối rối nhưng không nói gì. Tôi lấy xe đạp chở ông vào xóm. Về đến nhà, nhìn ngôi nhà ông bật khóc. Tôi run rẩy cõi lòng, sao vậy? Hỏi ông, ông chỉ lắc đầu. Ông nhờ tôi kêu người bán đi trăm thùng đậu phụng mới làm mùa rồi còn dự trữ để ăn dần dần trong mùa tới. Ngạc nhiên nhưng tôi vẫn đi kêu người bán. Hỏi ông bán để làm gì? Ông nói lo tiền viện phí. Cho ai, chẳng lẽ cho Hạ Chi? Ông nói nó hiện đang nằm Chợ Rẫy. Tôi vội vàng về sửa soạn đồ đạc nói thật với mẹ. Bà đã đưa đưa cho tôi một số tiền kha khá thời đó, để sáng mai tôi cùng ông lên bệnh viện thăm Hạ Chi.

Hình như đó là một con người khác, với nước da xanh mét, mắt trũng sâu, người em giờ chỉ còn chưa tới 40kg, đó không phải là cơ thể của cô gái 18 tuổi thì phải? Thấy tôi, đôi mắt em chợt tuôn ra những dòng lệ nóng hổi, nghẹn ngào. Em chỉ nói: Hãy tha tội cho em. Em tội gì mà muốn anh tha? Hãy quên em đi! Quên sao được hả em, đã từ lâu rồi, anh luôn coi em là vợ của anh. Em không còn xứng đáng với anh nữa! Em cứ nghĩ tầm bậy không hà, hãy ráng tịnh dưỡng, mau khỏe, không nên nói nhiều.Vừa lúc đó, nhân viên bệnh viện thông báo em phải chuyển viện sang bệnh viện Nhiệt Đới (Chợ Quán cũ) để điều trị chứng sốt rét, vì chứng này tiềm ẩn nơi người em, nay cơ thể có chấn thương, suy nhược, được dịp bùng phát mạnh mẽ. Vội vàng cùng ông Thành làm các thủ tục để chuyển viện. Sang đến bệnh viện Nhiệt Đới thì em đã lúc mê, lúc tỉnh. Sau khi xét nghiệm bệnh viện thông báo bệnh sốt rét của em đã biến chứng thành sốt ác tính, di căn lên não. Tôi đề nghị với bác sĩ hãy dùng thứ thuốc đặc trị hiệu quả cao nhất, dù đắt bao nhiêu tôi vẫn lo đủ. Nghe đâu họ đã dùng cả fansidar và chloroquin kết hợp. Nhưng cơ thể em vẫn không có một phản ứng. Em vẫn mê man. Em chẳng nói gì. 

Trong lúc em mê. Ông Thành mới thú thật với tôi mọi chuyện. Con ông bị thằng trưởng công an, 2 nhân viên và 2 thằng du kích hiếp dâm. Khi chúng thả ông về đến cầu, ông thấy con gái ông lõa lồ nằm ngất xỉu trên cây cầu mới làm còn trinh nguyên mùi hương của gỗ. Ông cõng con ông về, lát sau tỉnh, khóc lóc thảm thiết nói rằng đã không còn xứng với tình cảm tôi dành cho em. Ông vội vàng gom quần áo, lưng cõng con gái, tay dắt con trai đi trong đêm tối mịt mù ra bến xe của huyện cách khoảng 5 cây số, đi chuyến xe sớm nhất lên thành phố vào nhà bạn ông xin trú nhờ, để trị bệnh cho con (nhà ông đã bị chúng lấy mất rồi). Nguyên 4 ngày đầu Hạ Chi không chịu vô bệnh viện, chịu đựng mãi những cơn đau xé lòng, những cơn sốt hành hạ. Lúc thấy con chịu không nổi nữa ông vội ôm con vào bệnh viện mặc cho con phản đối, rồi mọi sự sau đó tiến triển cho tới hôm nay. Nghe xong câu chuyện, ngực tôi tự nhiên như có một cục đá dằn lên, đầu tôi bốc hỏa, tôi thề tôi sẽ giết thằng này cho dù nó là dân đặc công thứ dữ đã chuyển ngành. Hình như ông Thành sợ có phản ứng không hay xảy ra. Ông chỉ khuyện: Thôi con ạ, cuộc đời này, chế độ này nó thế, nếu con giết được nó họ cũng hành hạ con đến tột cùng của sự đau đớn mà thôi.

Trong ít phút cuối cùng của sự sống, em đã tỉnh lại, chào cha, em xin thứ lỗi đã không làm tròn bổn phận của người con. Cuối cùng em muốn tôi ôm em vào lòng. Tiếng nói em nhẹ, hơi thở mong manh như tơ trời. Em cám ơn tôi đã dành cho em một tình cảm chân thành. Rồi em lại mê. Em ra đi sau đó 1 giờ. Trời đất hình như đã sập xuống trong lòng tôi, tôi cảm thấy tôi có lỗi vì đã không bảo vệ được nàng, tôi như một người say bồng bềnh, tôi như người mộng du, mụ mị, làm việc nhưng chẳng biết việc mình làm. Chúng tôi thuê một chiếc taxi con cóc, tôi ngồi ôm em, chở em về giữa đêm khuya sương gió mịt mù. Đã có nhiều tài xế không chịu chạy. Nhưng chúng tôi lại gặp được bác tài người công giáo, ông không kiêng kỵ gì, chở một xác chết với ông như làm phúc nhưng đường quá xa ông chì xin thêm chút. Lúc xe chở xác về tới cầu là lúc bình minh vừa ló dạng. (Nhờ có cầu và chở thêm sạn đổ, đường đã thông thương, tuy còn rất gập ghềnh. Rất cám ơn người tài xế tốt bụng). Ôi đau đớn cho thân phận con người ở xứ tôi, luôn luôn ước mơ thấy một ánh bình minh tươi đẹp sáng sủa mà chẳng được! Như em tôi. Đã có những giọt nước mắt trôi đi dưới lòng suối, những dòng nước mắt ngược vào lòng tủi nhục. Ngước lên tôi thấy có tấm bảng màu xanh có chữ màu trắng “Cầu Hai Dân” hàng chữ nhỏ hơn bên dưới “trọng tải 8t”. Hơi ngạc nhiên tí nhưng phải chôn cất em cái đã.

Lúc đưa em vào đến nhà thân thể em đã cứng đờ, người cong lại, hai đầu gối đưa lên ngang ngực, vì phải ngồi xe. Người chết còn phải ngồi! Tắm hết một can rượu 20 lít em mới duỗi thẳng người yên nghỉ. Ra đi rồi còn sợ hãi, đau khổ thế sao em?!

Chôn cất em xong việc đầu tiên tôi làm là mài lại con dao đi rừng của tôi, lưỡi dao dài 25 phân, cán tôi gọt đẽo rất vừa tay. Tôi sử dụng con dao này rất điệu nghệ, một con rắn trên cây, cách xa tôi hơn mười mét tôi có thể phóng ngọn dao làm nó rớt đầu. Sau đó tôi lận lưng quần đi kiếm thằng trưởng CA suốt một tuần lễ. Tôi chỉ đi ban đêm, vì chỉ có đêm tụi nó mới không ngờ. Nhưng không gặp được nó, nó đã lặn mất tăm. Sau này tôi biết nguyên seri của nó phải đổi đi nơi khác. Nhưng trong lòng tôi đã thề nếu không gặp nó thì thôi, gặp bây giờ dù đã có tuổi, đã xuống sức tôi vẫn chơi nó như tôi đã hứa với lòng. Không gặp nó nhưng tôi vì đi giữa sương đêm đã lâm bệnh nặng chích gì cũng không được. Sau gặp được ông thầy thuốc bắc, ông nói tôi bị nhiễm thương hàn. Tôi phải uống hết 20 thang của ông mới khỏi.

Trị bệnh xong tôi như người mất hồn, cứ lang thang làng trên, xóm dưới, tới đâu tôi cũng thấy em, thấy nụ cười thơ ngây trong sáng của em. Có đêm trăng tôi và Đại ra ngồi trên thành cầu mình đã góp công bỏ sức hoàn thành, hai đứa ngồi trên thành cầu đung đưa đôi bàn chân. Liền nhớ tới em cũng có một ước mơ nhỏ nhoi cùng tôi một đêm trăng như thế này, cùng ngắm dòng nước bạc màu nhân thế, đong đưa đôi bàn chân trong không khí trong lành. Cầu đã xong rồi đó, em đang ở nơi nao? Lòng tôi chợt thổn thức, có một dòng nước ấm từ đâu trong người xông lên mí mắt, làm nghẹt hai lỗ mũi. Tâm hồn tôi như đang rơi vào khoảng không yên tĩnh. Tôi như thấy thiếu em cho khung cảnh nên thơ này. Ôi, người em gái của tôi, người phụ nữ nhỏ bé của tôi chẳng dám làm phiền ai, xúc phạm ai dẫu chỉ bằng một lời nói. Sống thanh đạm, nhịn nhục và những mơ ước thật nhỏ nhoi. Sao những người ấy lại đối xử với em như thế chứ? Hôm nay Đại cũng có kể là sau khi tôi đi cùng ông Thành lên bệnh viện một ngày, ở xã họ tổ chức mừng cây cầu được hoàn tất với sự chỉ đạo của chủ tịch nông hội. Ăn uống linh đình lắm (hình như có các nhà báo về chụp hình), sau đó chủ tịch huyện muốn lấy tên ông đặt cho cây cầu này, hy vọng các cán bộ khác sẽ noi gương ông, một lòng vì nước vì dân?! Hai Dân. Lúc đó đã gần 9g đêm, tôi bắt Đại giữ xe đạp, tôi đứng trên yên sau xe, lấy đầu nhọn con dao, cạo hết sơn màu xanh, thành một dấu chấm trắng dưới chữ Hai ở cái bảng cắm nơi đầu cầu. Rồi hai đứa tôi về làng trong sương mù dày đặc thương đau.

Tranh của họa sĩ Hà Cẩm Tâm



____________________________________



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo