Nguyễn Thị Ngọc (Danlambao) - Sau khi chồng tôi bị áp giải vào Công an huyện một thời gian, tôi cố nghe ngóng xem người ta đã đưa anh đi đâu nữa rồi, nhưng hoàn toàn mất tin tức. Về sau, tôi mới nghe biết anh đã bị tống vào trại tạm giam tỉnh. Hàng ngàn quân-cán-chính VNCH cũng vừa bị đẩy vào đây sau ngày 30/4/1975, ngày Tướng Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng.
Bằng những bản chính sách năm điểm, bảy điểm, chín điểm, mười điểm..., người ta cam kết hứa hẹn thời gian học tập cải tạo “ba tháng”. Nhưng rồi ba tháng trôi qua, “ngụy quân" được thả chỉ vài anh lính tò te mới cầm súng; còn "ngụy quyền" thì cũng chỉ vài ba anh chị đánh máy hay chạy công văn với một số ít người lính hay nhân viên cấp thấp đã giải ngũ hay nghỉ việc từ cả chục năm về trước. Người được thả phải biết ơn đảng “chiếu cố khoan hồng”. Về địa phương không được nói ra hay kể lại bất cứ những gì mắt thấy tai nghe trong nhà tù.
Dầu vậy, nhiều chuyện lỡ khóc lỡ cười trong các trại giam lúc bấy giờ vẫn được truyền miệng rộng khắp. Theo thông cáo, người đi “học tập cải tạo” phải mang nộp cho trại tiền và gạo ăn cho 3 tháng. Bọn cai tù ở tỉnh tôi thu gạo, thu tiền, nhưng không cho mở bếp nấu ăn trong nhà tù. Không biết bằng hợp đồng hay bằng lệnh bắt buộc, dân các thôn ấp xung quanh trại luân phiên nhau nấu cơm và đưa cơm vắt vào tù cho tù nhân.
Mỗi ngày, tới giờ ăn, xe lam ba bánh chở cơm vào trại giam. Cai tù tập họp tù nhân ngồi bệt giữa sân để nghe chúng mắng nhiếc chửi bới nham nhở trước khi phát cho mỗi người tù một vắt cơm nho nhỏ kèm theo một gói muối hầm!
Suốt mấy tháng bặt tin chồng con, các bà mẹ và bà vợ vô cùng sốt ruột, chạy ngược chạy xuôi vô vọng. Nhưng rồi đâu đâu cánh đàn bà cũng liều làm dữ, đòi phải được đi thăm chồng con. Sau đó, có tin truyền miệng: Chính quyền địa phương bắt đầu cấp giấy phép cho thân nhân đi “thăm nuôi tù cải tạo”.
Khẩu chiến với cáo chồn
Một ngày vào cuối tháng Tám 1975, sau khi nắm được giấy phép thăm nuôi chồng, tôi thuê xe thồ Honda hai bánh chở tôi đi thẳng tới cổng trại tạm giam tỉnh, dĩ nhiên có mang theo ít thức ăn phù hợp với hai từ THĂM và NUÔI.
Mới tờ mờ sáng đã đông nghẹt các bà các chị gồng gánh tụ tập trước cổng nhà giam, chờ thăm con, thăm chồng. Cai tù thu hết giấy phép thăm nuôi, lùa tất cả chúng tôi dồn vào một khu đất trống bên ngoài cổng nhà tù, bảo ai nấy ngồi im chờ gọi tên. Bọn cảnh vệ kết thành vòng đai vây bọc chúng tôi, trong khi một vài tên khác len vào giữa chúng tôi, dò xét từng người!
Các bà, các cô lúc ở địa phương không dám hé răng vì sợ lỡ lời dễ bị khép tội phản động, và như vậy chồng con mình khó thoát vòng lao lý. CS lúc bấy giờ cài đầy ăng-ten mật thám khắp Miền Nam Việt Nam khiến người dân không còn ai tin ai để mà trao đổi điều gì riêng tư hay gửi gắm niềm tâm sự. Vợ chồng nghi kỵ nhau, cha mẹ sợ cả con cái mình, anh em, họ hàng, bạn hữu mất hết tình nghĩa với nhau dưới bầu trời u ám của quyền lực Satan! Chưa có chế độ nào làm cho người dân sợ nhau đến mất tin nhau như vậy.
Chị em chúng tôi, những người mẹ, người vợ tù đều mang nặng nỗi ức chế vì không thổ lộ được những gì mình muốn tỏ bày. Bây giờ gặp gỡ nhau, cùng một cảnh ngộ, cùng một nỗi đau, các bà các chị hết e dè, tha hồ trút cạn cho nhau những ấm ức dồn nén bấy lâu nay. Một chị liều lĩnh châm ngòi pháo đầu tiên ném thẳng vào mặt bọn cán bộ trại giam: “Các người bảo là học tập ba tháng! Đã hơn ba tháng rồi các người vẫn còn nhốt con người ta trong nhà tù mà bảo là học tập à?”
Một chị khác la lên: “Đồ cái thứ chính phủ - chú phỉnh!”
Các bà, các chị nhao nhao! Bọn cảnh vệ chĩa nòng súng vào đám phụ nữ. Chúng la hét, buộc chúng tôi ngồi im, câm mồm! Cai tù dọa đóng cổng nhà tù, đuổi các bà về, “không cho thăm nuôi thăm dưỡng” gì hết. Một tên cai tù tuổi trung niên chắp tay sau đít đi qua đi lại oai phong lắm. Hắn luôn mồm nhai đi nhai lại như nhai giẻ rách cái bài học thuộc lòng “tội ác của bọn Mỹ ngụy và chính sách khoan hồng của cách mạng”. Cũng một luận điệu, một lối nói gắt gỏng mất dạy như bọn cán bộ “giảng bài” ở xã phường mà chúng tôi từng nghe hằng đêm từ sau 30/4/1975.
Bọn công an có súng, có đạn và hùng hổ như cọp đói chực vồ nuốt mồi. Chúng tôi đành “chịu thua” chỉ vì đang sốt ruột nóng lòng sớm nhìn tận mặt chồng con.
Cái bàn rộng đặt giữa sân nhà giam dùng làm “ranh giới” ngăn cách người thăm với người được thăm khi gặp nhau. Nhất nhật bất kiến như tam thu hề. Thế mà hai bên mặt giáp mặt xa xa nhìn nhau chưa nói trọn câu đã bị phân cách! Đúng năm phút, anh thì bị lôi về phòng giam, chị thì bị đuổi ra khỏi cổng nhà tù!
Những món “thăm nuôi” nào bị cai tù cho là “đồ ăn nuôi béo kiểu tư sản” đều bị hắt đổ dưới nền đất tại chỗ. Họa hoằn lắm mới có một hai cảnh vệ còn chút tình người, đã đưa trả cho người đi thăm nuôi mang về. Một chai nước mắm pha chanh ớt cũng bị kết là “đồ ăn tư sản.” Những lọ thuốc ho, thuốc cảm thì bị tịch thu, bảo đó là thuốc độc “âm mưu đưa vào dầu độc cán bộ hoặc cho tù nhân uống chết để đổ tội cho cách mạng.” Các loại thức ăn “khả nghi” cũng như các loại bánh trái đều bị cai tù cắt làm ba làm bốn, hoặc dùng que cây hay cọng thép thọc vào quậy nát!
Bọn cai tù chửi bới xỏ xiên:
- Cách mạng đâu để chồng con các người đói như bọn Mỹ-ngụy ác ôn đã từng bỏ đói cán bộ “Cách mạng”.
Chị em chúng tôi vô cùng hậm hực và chua xót trước những lời mắng mỏ cọc cằn xấc xược thô lỗ của bọn cai tù CS dốt nát mất dạy. Nhưng là kẻ thất thế, chúng tôi biết làm gì hơn!
Sau lần thăm nuôi này, hầu hết các cựu viên chức và sĩ quan bị chuyển trại, đưa sâu vào rừng, xa hẳn khu dân cư. “Trại cải tạo lao động” được dựng lên ở đó. “Trại cải tạo”? Cải tạo ai? Cái tạo cái gì? Không! Đó là “trại tù khổ sai”, trừng trị những người thất thế... Không cần tắm máu. Chỉ cần hành hạ! Vắt cho cạn kiệt sức lực!
Rừng sâu núi thẳm
Trại “cải tạo lao động” nằm sâu trong khu rừng già thượng nguồn một con sông của tỉnh. Người tù tự đốn cây, phát quang, dựng lều trại để ăn ngủ và lao động. Đây là chỗ núi non hiểm trở, tù nhân không dễ gì tìm ra ngõ ngách mà trốn trại. Hơn nữa, người tù bị chuyển trại bí mật giữa đêm khuya trên những chuyến quân xa molotova phủ vải bạc kín mít. Lộ trình di chuyển ngoằn ngoèo, lúc lên đèo, khi xuống dốc, có lúc lại băng qua các khe suối, người tù không đoán được xe chở mình đi về đâu. Đường đi lẽ ra chỉ mất độ 2 tiếng đồng hồ, nhưng xe chuyển tù chạy lòng vòng cả đêm, mãi gần sáng mới tới nơi.
Suốt hai tháng đầu, vợ con các “tù cải tạo” không biết chồng cha mình bị giam giữ ở đâu. Các bà mẹ và các bà vợ thương con, thương chồng nhất quyết liều chết lặn lội dò tìm cho ra ngõ ngách dù phía CS cố tình giấu kỹ. Các bà các chị không thua, cuối cùng đã tìm ra trại mới của người thân.
Không bỏ đói?
Trong “trại cải tạo”, người tù ban ngày lao động nhọc nhằn, ban đêm mặc muỗi rừng đốt, phải ngồi hàng giờ nghe bọn cai tù giảng bài chính trị “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Bò cạp, rắn rết và thú dữ đêm nào cũng rình rập.
Cai tù dựng lên “tổ anh nuôi” từ trong đám tù nhân lo việc nấu ăn cho anh em mình. Họ chỉ lo chuyện bếp núc. Sổ sách chi thu và việc cân đo đong đếm, giá cả thì đều do cai tù quyết định. Gian lận từ A đến Z, cân non cân già, tráo đổi chất lượng hàng, tráo đổi giá cả. Rốt cục, tiêu chuẩn ăn uống của người tù đã thấp, càng bị hạ thấp. Cụ thể, tiêu chuẩn khẩu phần ăn quy định là 15kg mỗi tháng (1) cho mỗi tù nhân gồm phân nửa là gạo và phân nửa là độn khoai hay bo bo. Cái tiêu chuẩn này (không biết do lệnh trên hay do cấp dưới tự tung) “cải biên” thành 1 phần gạo + 9 phần khoai hay bo bo. Gạo là gạo mốc. Khoai là củ mì (sắn) hay khoai lang hư thối phơi khô nấu cho heo (lợn) mua giá cực rẻ ngoài chợ trời. Bo bo từ Liên Xô thì còn nguyên vỏ, ăn vào thế nào, thải ra thế ấy.
Tất cả mọi loại rau trái và cả lúa gạo trong trại đều do người tù làm ra. Những gia súc: bò, gà, heo, vịt cũng đều từ bàn tay người tù vỗ béo. Nhưng còn lâu người tù mới được hưởng những “thành quả lao động do tay mình làm ra”. Cái khẩu hiệu phù phiếm và lừa lọc “lao động là vinh quang” phải chăng đã là phần thưởng?
Y sĩ rừng rú và chiếc hái tử thần
Có tin dịch sốt rét ác tính hoành hành dữ dội ở trại tù. Nhiều tù nhân ngã chết không kịp trối và đều được tặng một chiếc áo quan gỗ xẻ thô sơ đóng ráp vội vàng, giao cho tù hình sự khiêng đi chôn lấp sơ sài giữa rừng già, không để lại dấu vết gì, đánh lạc hướng người nhà nạn nhân tìm cách cướp xác!
Cả trại tù chỉ có mỗi một phương tiện chuyên chở duy nhất là chiếc máy cày cũ kỹ đoạt của nông dân. Chiếc máy cày này bọn cai tù triệt để khai thác, sử dụng tối đa vào mọi công việc y như họ khai thác sức lao động của tù nhân. Phụ tùng máy móc hư hỏng hay thậm chí chưa hư hỏng vẫn bị bọn chủ mới tháo gỡ đem đi bán phế liệu kiếm tiền bỏ túi, rồi đi mua phụ tùng cũ hoặc thứ phụ tùng dởm do Trung Cộng chế tạo thay thế. Chiếc máy cày vốn đã ỳ ạch, càng trở chứng “nằm vạ” liên tục. Hỏng thì sửa. Sửa xong lại hỏng. Càng có lý do để sửa đi sửa lại mãi… rút được nhiều tiền bỏ túi!
Bệnh viện của tỉnh ở cách xa trại giam hàng chục kilômét. Trong khi đó, rất hiếm khi chiếc máy cày rỗi việc hay có thể nổ máy để chở bệnh nhân đi cấp cứu. Bệnh nhân nào được máy cày chở đi cấp cứu là tốt số! Nhưng cũng khó mà hy vọng sống sót sau khi được “nhập viện”. Bởi lẽ những “y bác sĩ cách mạng” tay nghề rừng rú, vừa dốt về y khoa vừa tắc trách về nhiệm vụ, thậm chí luôn luôn vòi vĩnh cho được tiền đút lót mới chữa trị. Trong khi các y bác sĩ có lương tâm và lành nghề của VNCH, kẻ thì bị đuổi việc, người thì đã trốn ra ngoại quốc, một số người khác bị tống vào trại giam. Những vị bác sĩ được “lưu nhiệm” thì lại chỉ được giao các phần vụ không thuộc chuyên môn của mình.
Xã hội không còn nữa bóng dáng “lương y như từ mẫu” mà dẫy đầy những tên lưu manh sát nhân đội lốt thầy thuốc! “Gian y hơn ác mẫu!”
Dụng cụ y khoa và âu dược trước 30/4/1975 được trang bị đầy đủ cho các bệnh viện ở Miền Nam VN nay trở thành chiến lợi phẩm của tân chế độ, hầu hết bị tuồn về miền Bắc xhcn. Số còn lại thì hoặc bị phá hỏng hoặc bị sử dụng bừa bãi khiến chúng nhanh chóng trở thành hàng phế liệu, giấy vụn, nhựa vụn, thủy tinh vụn và sắt vụn.
Thuốc tây trong bệnh viện, người ta đua nhau vơ vét mang đi bán chợ trời với giá cắt cổ. Nhiều khi lại vớ phải thuốc quá hạn, thuốc giả, tiền mất tật mang!
Bệnh ruột thừa, trước 30/4/1975, giải phẫu dễ dàng như mổ thiến gà, nhanh chóng và an toàn, bây giờ cứ 100 bệnh nhân mổ ruột thừa thì đã trên dưới 8-9 chục người lăn ra chết bất đắc kỳ tử do “thầy thuốc rừng” mổ xẻ vô trách nhiệm, mất nhân tính và mất cả vệ sinh cũng như mù tịt về phương pháp phẫu thuật.
Bệnh sốt rét trước năm 1975 là thứ bệnh cũng hết sức dễ chữa, nhưng nay bệnh nhân sốt rét đưa vào bệnh viện là hết số! Gian y phủi tay, đổ lỗi cho sốt rét “ác tính”. Ở trại tù khổ sai, không ít nạn nhân mất mạng vì “sốt rét ác tính”! Bác sĩ tù nhân chỉ làm nhiệm vụ trưởng bệnh xá trại tù. Bệnh xá thì làm gì có âu dược, làm gì có dụng cụ y khoa! Thuốc toàn “chế” từ cỏ lá rừng làm thành những viên “thuốc tể” chẳng biết công hiệu hay tác hại ra sao, khi được cấp, bệnh nhân phải uống tại chỗ, cai tù giám sát! Do đó, mỗi lần nhắc tới trại lao động cải tạo là mỗi lần tôi rởn gai ốc, sợ chồng mình nhỡ có đau bệnh gì như đau ruột thừa hay sốt rét rừng e cũng sẽ ra đi không lời giã biệt. Bệnh ghẻ lở trong trại cũng là thứ bệnh lây lang bất trị.
“Đến buồn đi ỉa…”
Ở trại tù, người ta gia tăng hành hạ người tù mỗi ngày một tàn nhẫn hơn. Người tù vẫn bị xếp ngang hàng với trâu bò, bị sử dụng thay cho trâu bò để kéo cày, kéo bừa, kéo xe, vỡ hoang, khai hóa, kê vai “chuyên chở” những vật nặng thay cho xe bò, xe trâu; song quyền ăn uống, nghỉ ngơi thì hoàn toàn bị cướp đoạt. Cuộc sống của tù nhân tồi tệ gấp bội so với con trâu con bò. Nhọc nhằn khuân vác đất đá gỗ súc vừa xong thì bị lôi đi phá rừng, xẻ núi, đào kênh, lấp hố, vỡ ruộng, chặt tre… Tù nhân đổ ra không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu, nhưng mức đền bù vẫn cứ là 15 kg củ mì, củ lang mỗi tháng (mỗi ngày ½ kg cho 3 bữa ăn), có khi đột nhiên hạ xuống dưới mức 13kg một tháng. Nếu ai nhỡ bị bệnh hay bị “kỷ luật” thì… tiêu chuẩn chỉ còn 9 cân/tháng… nghĩa là húp cháo lỏng!
Cộng sản chiếu phim cho tù nhân xem cảnh người nông dân Việt Nam thời thực dân Pháp thay trâu bò kéo cày bừa. Nhưng dưới thời Tây đô hộ, cứ đến mùa thu hoạch, người dân còn có lúa, có gạo mang về nuôi cả nhà cho đến kỳ giáp hạt. Còn bây giờ, thời đại xã hội chủ nghĩa theo chế độ Cộng sản, người tù cải tạo lẫn người nông dân ngoài đời đều trở lại kiếp sống trâu bò. Mọi thứ người tù hay người dân làm ra đều bị coi là “tài sản xã hội chủ nghĩa” để đảng và nhà nước cộng sản CSVN cướp sạch.
Nhắc tới cuộc sống của các tù nhân trong nhà tù cộng sản, tôi nhớ HCM lúc ở trong nhà tù thực dân Anh bên Tàu có bài thơ độc đáo: “Đến buồn đi ỉa cũng không cho”(2). Bài thơ này chỉ phản ảnh một phần nhỏ thân phận các tù nhân cải tạo trong đó có chồng tôi. Rõ ràng các tù nhân trong nhà tù Cộng sản không phải chỉ “đến buồn đi ỉa cũng không cho” mà còn phải ỉa đái lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật trước mặt đồng đội mình. Muốn hay không muốn, những đồng đội ấy cũng phải hít thở trọn vẹn cái mùi xú khí xông thẳng vào mũi họ đang lúc họ lao động! Lần lượt kẻ trước người sau đều vậy cả!
Bên trong trại, tù nhân phải giải quyết chuyện ỉa đái của mình trên một dãy “sàn cầu” dài để dễ bề canh chừng nhau, kiểm soát lẫn nhau! Chất thải từ bụng người trút vãi ra dưới đất được dùng làm phân gọi là “phân bắc” tức phân cứt người, khác với phân chuồng (cứt gia súc) và phân xanh (lá ủ). Chất thải của người bệnh kiết lỵ, bệnh ỉa tháo, bệnh sán lãi, bệnh tiểu đường… thảy thảy là phân bắc. Một vài tù nhân bị phân công phụ trách đi gom thu các thứ phân bắc này. Phân bắc pha với nước tiểu khuấy nhuyễn tưới lên những đám rau xanh trong vài ngày lá rau phát lớn, một phần nhỏ loại còi cọt bán cho bếp trại tù, phần tốt mang bán chợ trời, giám thị trại thu tiền bỏ túi, gọi là “cải thiện”! Ban đêm, nhà trại khóa cửa. Tù nhân cũng giải quyết “việc riêng của mình” như vậy, và dĩ nhiên trại có thêm lượng “phân bắc” cho canh tác.
Cơm chan nước mưa hòa cùng mồ hôi và nước mắt
Một cảnh tượng khác của lao động khổ sai xã hội chủ nghĩa: Vào giờ ăn trưa, khi tiếng còi báo ngưng lao động, tù nhân tập hợp từng tổ để mỗi người nhận phần ăn trưa, ăn ngay tại chỗ, bất luận trời nắng hay mưa. Dưới nắng hè nóng như thiêu hay trong cơn mưa tầm tã, mặc cho mồ hôi và nước mắt hòa cùng cơm canh với nước mưa, tù nhân phải nhai, phải nuốt, phải thanh toán phần ăn của mình để còn sức lực mà lao động tiếp cho tới chiều mới về trại. Khoai lang, khoai mì hòa cùng nước mắt, mồ hôi và nước mưa… mặn mặn chát chát cũng rán mà nuốt!
Nhiều tù nhân ngả bệnh và chết vì cảm lạnh sau mỗi ngày bị hành hạ dày vò như vậy!
- Lao động là vinh quang! Làm nhiều hưởng nhiều. Các anh làm ra, các anh hưởng.
Đó là khẩu hiệu mà bọn cai tù đắc chí nhai đi nhai lại. Nhưng người tù chẳng thấy cái vinh quang nó nằm ở xó xỉnh nào mà chỉ thấy những gạo thơm, gỗ quý, dầu bạc hà, bông vải, trái ngon, thịt gà, thịt heo béo tốt do công lao mồ hôi nước mắt mình làm ra đều biến hết vào mồm, vào túi cán bộ từ cấp thấp tới cấp cao!
Bóp chết tình người
Ngoài ra, việc bỏ đói tù nhân còn có mục đích khác thâm hiểm hơn: “dập tắt tâm thức nổi loạn” nơi người tù hầu “tiểu trừ mầm mống mưu toan phản động!”
Người tù ăn khổ, ăn đói, suốt ngày quần quật cày sâu cuốc bẫm dưới nắng mưa, gió bão, đến tối lại bị bắt buộc ngồi khoanh chân bó gối hàng giờ để làm cái công việc gọi là “kiểm điểm, phê bình và tự phê” hạch tội nhau: một âm mưu gieo rắc ngờ vực, đố kỵ, chia rẽ dẫn tới hiềm khích hận thù giữa các tù nhân với nhau! Cho nên, mọi nhà tù CSVN dựng lên để “cải tạo” những người quân-dân-cán-chính VNCH thua trận đều là những trại khổ sai trừng giới độc ác nhất, giết dần giết mòn cả thể xác lẫn tinh thần người tù, làm mất đi tình người cũng như tình đồng đội cũ giữa những con người bất hạnh này.
Xa cha, xa mẹ, xa vợ, xa con, xa người thân quyến, xa cả xã hội xóm làng, người tù chỉ còn lại chút tình huynh đệ chi binh với nhau, thì cái tình này lại là mối nguy đe dọa nghiêm trọng nhất cho chế độ CSVN, nên bọn cán bộ nhà tù CS quyết bóp chết nó bằng biện pháp cấm “tụ tập” quây quần bên nhau để “to nhỏ âm mưu phản loạn”. Thô bạo và tinh vi nhất là thủ đoạn gieo ngờ vực giữa tù nhân với nhau, gây đố kỵ, chia rẽ và căm thù giữa họ với nhau, một mối thù dai dẳng ăn sâu vào tim óc, huyết quản từng người, không sao giải tỏa được.
Nhọc nhằn đường thăm nuôi!
Sợ chồng con mình kiệt lực trong nhà tù vì thiếu ăn, các bà mẹ và vợ của các tù nhân ở nhà dù cơ cực đến mấy cũng tiết kiệm từng đồng tiền, từng hạt gạo, đếm từng ngày mong kỳ thăm nuôi mau tới, tiếp tế lương thực cho chồng con và nhìn tận mặt người thân.
Phần tôi và các con tôi, ngay sau đợt thăm nuôi trước đã lo tới chuyến thăm nuôi sau. Mẹ con cùng ráng nhịn bớt phần ăn mỗi bữa của mình, dành dụm tiền để mua sắm đồ thăm nuôi tiếp tế cho chồng-cha. Ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng nọ, mẹ con tôi cứ liên tục cơm độn, rau luộc chấm mắm, chẳng dám đụng tới miếng thịt hay lát cá.
Thấm thía lắm câu nói: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Tôi chỉ tâm niệm một điều là đừng vì ngại núi e sông mà bỏ bê chồng, sợ khi chồng mình đã đi vào cõi âm ti mới hối tiếc thì sự đã muộn. Không phải chỉ vài ngày, vài tháng, nhưng là năm này sang năm khác, “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”, miễn sao trong chốn lao tù chồng mình không phải đói khổ nhọc nhằn, cạn mòn sức lực, trở nên thân tàn ma dại hay chết bụi chết rừng.
Phương tiện giúp đưa chúng tôi đi gặp chồng sau mỗi hai tháng thường thường là chiếc xe chở gỗ súc cũ kỹ cà rịch cà tang. Nó đã lỗi thời và lẽ ra đã vất vào đống sắt phế liệu nếu không có ngày 30/4/1975. Máy nổ của chiếc xe cổ lỗ ấy phát ra tiếng ầm ĩ đinh tai điếc óc như động cơ máy bay phản lực chiến đấu gầm thét.
Khi xe lăn bánh, người ngồi trên xe có cảm tưởng như bộ bánh của chiếc xe chực văng ra khỏi xe. Chiếc xe bò lê nặng nề, lắc lư chậm chạp băng qua những chặng đường đồi dốc gập ghềnh hoặc hì hục khổ sở lội qua các khe suối hiểm trở. Lúc leo đèo hay lao đầu xuống triền đồi, chiếc xe trườn tới rồi giật lui như muốn trút ào mọi người xuống hố sâu, thỉnh thoảng bất ngờ tăng ga rồi đột ngột kẹt thắng, khựng lại, rung lắc mạnh hơn.
“Khách” trên xe ngả nghiêng ngã ngửa trong thùng xe, níu kéo nhau kêu la thất thanh! Tội nghiệp đám con nít đi theo bà, theo mẹ để gặp mặt cha! Chúng sợ hãi kêu khóc inh ỏi thật đáng thương. Ba đứa con dại của tôi lần đi thăm nào cũng khốn đốn như vậy, song mỗi khi tới kỳ đi thăm nuôi… chúng vẫn một mực đòi đi gặp mặt cha cho được.
Một hôm, chiếc xe chở khoảng vài chục đàn bà chúng tôi cùng một số trẻ con đi thăm nuôi ngồi chen nhau như nêm giữa đủ thứ “hàng thăm nuôi” lổn ngổn. Xe bò lê lên một sườn đồi bỗng đứt thắng tuột dốc. Ai nấy trên xe hồn xiêu phách lạc, ơi ới kêu Chúa, kêu Phật. Đám trẻ con hốt hoảng la khóc thất thanh. Nhưng may mắn chiếc xe đang đà chạy thụt lui thì đụng vào thành núi đất bên đường thay vì đổ nhào xuống hố. Tỉnh hồn, mới hay mình còn sống!
Sau cơn ác mộng tai nạn xe chở gỗ súc dùng làm xe chở khách thăm nuôi, tôi không dám đi loại xe ấy nữa. Mỗi lần đi thăm chồng, tôi thuê xe đạp thồ chở tôi và các con tôi cùng các thứ thức ăn nuôi chồng theo định kỳ hai tháng một lần. Đi xe đạp thồ vất vả gấp trăm lần đi xe chở súc, nhưng yên ổn cho con nít hơn. Vào thời gian này, các loại xe bốn bánh - kể cả mấy chiếc xe lẽ ra đã phế thải từ lâu như xe chở gỗ súc cũ kỹ trên, đều bị trưng thu. Còn các loại xe máy nổ hai bánh của người dân Miền Nam dần dần cũng biến mất vì dân chúng Miền Nam không được cấp phiếu mua xăng, không được phép đăng bộ xe gắn máy… Họ đành bán đổ bán tháo xe mình cho cán bộ CS miền Bắc.
Đi xe đạp thồ lên đồi xuống dốc, vượt suối, lội sông vất vả lắm, nhưng tôi không nản chí!
Tại khu thăm nuôi trại, một chiếc bàn dài rộng ngăn cách vợ chồng chúng tôi, kẻ bên này, người bên kia chiếc bàn, chúng tôi gọi là” bên này sông, bên kia sông”, chỉ nhìn thấy mặt nhau và nhanh chóng trao gửi cho nhau đôi lời cần nói trong vòng 5 phút! Các con tôi đứng bên tôi, nhìn cha chúng nó chờ người cha ôm hôn, nhưng người cha chỉ rưng rưng nước nhìn con bởi đã có lệnh cấm “quan hệ tình cảm linh tinh”…
Bao lần đi “thăm nuôi” chồng, tôi nghe mãi lời mắng mỏ của cai tù: “Cách mạng đâu có bỏ đói chồng con các người!” Không bỏ đói? Tại sao lại có chuyện “thăm-nuôi”! Không đói, chỉ cần thăm, sao cần nuôi? Không bỏ đói, nhưng người tù nào không được người nhà “thăm nuôi” đều trở thành thứ “con bà phước” sống nhờ vào tình thương của những bạn tù được thăm nuôi hoặc phải tìm cách “cải thiện” từ cọng rau, cọng cỏ, củ khoai, củ mì, con chuột, con rắn!
Cải thiện là cái chi chi?
Lần nào đi thăm nuôi chồng, tôi cũng nghe các bà, các chị kháo nhau về chuyện người tù “cải thiện” mưu sinh. Tôi không hiểu người tù “cải thiện” làm sao, mưu sinh cách nào trong khi hết thảy người dân Miền Nam đang đói meo, dở sống dở chết ngoài xã hội. Người dân ngoài đời còn chưa kiếm được thứ gì ở bất cứ đâu để mà mưu sinh, thì những người bị đọa đày trong lao tù CS lấy gì và bằng cách nào mà cải thiện, mưu sinh?
Xưa nay ở Miền Nam Việt Nam dân đồng ruộng có bao giờ thiếu gạo ăn, kể cả những khi hạn hán kéo dài hay bão lụt nặng nề gây mất mùa trầm trọng. Vậy mà bây giờ chính bản thân người nông dân là kẻ làm ra lúa gạo lại phải chảy nước mắt nhai cơm độn khoai mì, khoai lang, bo bo, bữa no, bữa đói, đói nhiều hơn no, huống hồ là người tù chính trị.
Thế nhưng có phải vì bản năng sinh tồn, người tù vẫn có cách của họ để “cải thiện” mưu sinh dù bị kiểm soát nghiêm nhặt và có thể phải nhận những trận đòn trừng phạt man rợ chỉ vì “cải thiện”?
Dưới chế độ Cộng sản, từ ngữ “cải thiện” mất đi cái nghĩa “sửa đổi cho tốt hơn” về mặt tinh thần như dân Miền Nam từng hiểu. "Cải thiện" bây giờ mang một ý nghĩa hoàn toàn vật chất, xấu nhiều hơn tốt. Khi người cộng sản nói “cải thiện” có nghĩa là làm một cái gì đó bất luận lương thiện hay bất lương để bù vào cái mà Nhà nước cấm cách hay đã “quy hoạch vào diện quốc doanh”.
Phải “cải thiện” mới có thêm cái ăn, cái mặc, cái tiêu dùng hằng ngày mà chế độ không "phân phối" đủ, hay phân phối không đồng đều, không đến nơi đến chốn do phân biệt đối xử căn cứ vào thứ tự cấp loại ưu tiên của sổ lương thực, phiếu mua hàng. Nhiều người dân, nhất là đám tiện dân bị liệt vào thành phần “ngụy” hầu như chẳng mấy khi có được cái cơ may mua một món hàng cho ra hàng theo chế độ phân phối. Họ bắt buộc phải “cải thiện” thôi!
Sự cải thiện của họ rất thực tế và ngay lành: “cải thiện” một con cá dưới sông, dưới biển, hay gieo trồng một luống rau… vậy mà vẫn không yên. Hết du kích xã tới quản lý thị trường, rồi thuế vụ, công an luôn rình rập, bắt bớ, kết tội “xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa” hay tội “phá hoại kinh tế quốc doanh”. Ghê gớm chưa? Trong khi đó, cán bộ đảng, cán bộ nhà nước ngang nhiên khai thác tối đa cái quyền “cải thiện” bằng những hành vi cắt xén, trộm cắp đầy gian trá. Chẳng những không bị trừng phạt, họ còn được thăng quan tiến chức vun vút và được báo đài tôn vinh chúc tụng “người tốt việc tốt”.
Khi cán bộ cải thiện
Không ít cán bộ tranh nhau mang heo, gà vào nuôi trong trường học, bệnh viện rồi đưa cả phân người, phân gia súc vào những nơi đó làm phân bón cho rau cải họ trồng, làm mất vệ sinh môi trường, thế nhưng họ lại hãnh diện rằng là cải thiện chính đáng. Cân bán một con heo nái, phân đôi cân lượng, ghi vào chứng từ mua bán là 2 con heo thịt! Giá heo hơi thịt cao gấp đôi gấp ba giá heo hơi nái. Gian lận “đội giá” kiểu đó, họ cũng bảo là “cải thiện”. Cắt xén lượng hàng hay mặt hàng trong các cửa hàng quốc doanh, cải thiện đấy. Đánh tráo cân lượng lúa gạo và hàng hóa các loại để ăn gian ăn bớt của dân nghèo: cải thiện. Ăn cắp công quỹ hay công sản quốc gia: cải thiện…
Đó là chưa kể tới vô số gia đình cán bộ đảng viên CS các cấp thừa thắng xông lên sau 30/4/1975 từ Miền Bắc tràn vào Miền Nam mà người ta gọi là cuộc di dân lấn chiếm nhà cửa đất đai vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Cướp của, đoạt nhà, chia nhau của cướp dưới danh nghĩa “phân phối”. Có được nhà, dọn vào ở, mọi thứ trang trí hay trang bị đắt tiền của chủ cũ đều bị vơ vét mang đi bán chợ trời, biến cái cơ ngơi đầy tiện nghi của người ta thành nhà không vườn trống khoác chiếc áo bần cùng “chuyên chính vô sản”, bên trong đủ thứ kiểu “cải thiện” quái gở: Heo, gà, vịt ung dung chung sống với người. Phân người, phân gia súc được tích trữ để “cải thiện” mấy đám rau xanh gieo trồng bừa bãi khắp sân trước sân sau nhà và cả nơi sân thượng của những nhà cao cửa rộng cướp đoạt. Phố thị Miền Nam chẳng những mất đi hoàn toàn cái vẻ mỹ quan quen thuộc trước đây mà còn liên tục xông ra mùi xú khí gây ô nhiễm cho cuộc sống con người.
Người tù cải thiện
Người tù đi làm khổ sai vất vả, đói khát. Cái “cải thiện” của người tù có thể đơn giản là lén lấy lại chút mồ hôi nước mắt mình làm ra như củ khoai mì, khoai lang, cây mía, trái bắp, trái ớt, cọng rau chẳng ra gì. Nhưng thật vô phúc cho người tù nào bị cai tù bắt được đang “cải thiện”, dù món cải thiện chẳng đáng ba xu ba hào. Bọn cai tù trừng phạt người “vi phạm” bằng những nhục hình rất dã man, trong khi những món mà người tù “cải thiện” chưa chắc đã bù đắp được một phần nhỏ công lao khó nhọc mồ hôi, nước mắt và cả máu họ đã đổ ra để làm nên những sản phẩm ấy.
Trong nhà tù cộng sản, khi đi lao động, tù nhân lén kiếm ít rau trái trong rừng, câu lén một vài con cá dọc bờ sông hay mương lạch chẳng qua cũng chỉ là những cải thiện lặt vặt, thứ cải thiện lương thiện hơn gấp bội so với các loại “cải thiện” ăn cắp, cướp giật bất lương của bọn cán bộ đảng viên cộng sản. Thế nhưng những việc cái thiện chơn chất ấy của người tù thì lại bị bọn cai tù nhiếc mắng “cải tạo linh tinh” và từ đó người tù lại bị gán ghép hết tội này tới tội khác, toàn là những thứ tội trời ơi đất hỡi để cuối cùng thành tội “chống cải tạo”!
Gia súc gia cầm trong trại do người tù chăn nuôi, bọn cai tù đều xí phần, coi là của riêng, liên tục giết gà, giết vịt, mổ heo, một phần dùng để chè chén với nhau, còn lại phần lớn thì mang đi bán chợ đen, thu tiền chia nhau bỏ túi. Họa hoằn một hai lần một năm lễ lạt, bọn cai tù cho tù nhân nếm một miếng thịt heo nhỏ bằng đầu ngón chân cái thì lại kể ơn kể nghĩa “đảng quan tâm, chiếu cố”.
Đến khi gia súc gia cầm bị dịch bệnh, bọn cai tù lại đẩy cho nhà bếp trại giam những con vật sắp chết, đang giãy chết hay vừa lăn ra chết, bắt phải nấu cho tù nhân trong trại ăn. Và người tù phụ trách bếp ăn phải ký nhận vào ghi sổ mua hàng nhìn nhận đó là những “thịt tươi sống” mua từ thị trường ngoài xã hội. Cai tù “cải thiện” như vậy đó, cải thiện trên xác chết người tù!
Mới hay chữ nghĩa của CSVN vừa thâm vừa độc. Cải thiện không còn cái ý nghĩa cải sửa cái xấu, làm cho kẻ gian ác thành người thiện hảo. Ngược lại, nó tạo điều kiện cho kẻ ác càng thêm gian ác!
Những tờ chứng tử đểu cáng
Một câu chuyện mà người tù cải tạo đã kể lại cho thân nhân mình, ai nghe chắc cũng động lòng thương kẻ xấu số và căm thù bọn người lòng lang dạ thú: Có người tù kia vì đói quá khi đi lao động đã “cải thiện” vài củ khoai mì thì bị bắt gặp. Bọn cai tù bắt người tù ấy quỳ mọp giữa sân dưới nắng hè, giang hai tay ra, lòng bàn tay để ngửa, hai cục đá nặng đặt vào lòng hai bàn tay người tù ấy. Người tù mỏi quá chịu không thấu, nhiều lần buông hòn đá ra, bọn cảnh vệ đến đánh đấm túi bụi, rồi cuối cùng dùng chiêu ác độc khác phạt người tù.
Một tên cảnh vệ lấy hai củ mì sống nhay vào mồm anh tù, bắt anh phải nhai sống cho hết, trong khi anh tù không được buông tay đánh rơi hai hòn đá. Khoai mì này là loại khoai mì Ấn Độ, chỉ dùng trong chế biến công nghiệp, trâu bò ăn vào còn ngộ độc nằm lăn ra mà chết, huống chi con người.
Anh tù thọ phạt nhai chưa hết củ mì đã ngã vật xuống đất sùi bọt mép bất tỉnh. Bọn cảnh vệ kéo anh dậy không phải để giải thoát anh mà lôi anh xành xạch, tống vào biệt giam. Vài ngày sau, có tin nạn nhân đã chết, cai tù bí mật sai tù hình sự khiêng xác anh đi chôn trong rừng. Gia đình nạn nhân không hề biết người thân của mình đã ra người thiên cổ.
Một tuần lễ sau, cai tù gọi bác sĩ tù nhân phụ trách trạm xá lập “vi bằng chứng tử.” Vị bác sĩ nói người chết đã chôn, làm sao chứng tử được? Cai tù nói: “bảo viết, anh cứ viết, không lôi thôi gì cả!” Bác sĩ tù nhân viết xuống dòng chữ: "chết vì kiệt sức"; ông cho rằng cách chứng nhận ỡm ờ đó vừa được lòng cai tù mà không hại người bị nạn, lại không phạm tới đạo đức nghề nghiệp. Nhưng tên trưởng cai tù xé toạc tờ chứng tử, quát mắng vị bác sĩ tù nhân, bắt ông viết lại tờ chứng tử: "Chết vì sốt rét ác tính."
Thời kỳ sau 1975, con muỗi anophen tái xuất khắp Miền Nam Việt Nam. Vi trùng sốt rét hoành hành trong khi các bệnh viện trong khu vực đều thiếu thuốc trị bệnh sốt rét rừng khiến nhiều nạn nhân chết chỉ vì sốt rét. Mà hễ chết vì sốt rét thì đương nhiên là do “sốt rét ác tính,” một phương thức “hóa giải” gọn nhất, ổn nhất để che đậy tội ác sát nhân của bọn cai tù.
Một cựu giáo sư Đại học Khoa học tại Sài Gòn bị bắt về tội vượt biên. Ông Giáo sư ở tù xa nhà, không ai thăm nuôi, nhưng quyết giữ phẩm chất một nhà giáo VNCH, không cậy dựa vào người khác. Ông luôn tự cảnh giác: “Miếng ăn là miếng tồi tàn”! Ngày này sang ngày khác ông chỉ biết cơm độn, muối hầm và “canh toàn quốc” (canh toàn là nước) do trại cung cấp. Ông trụ được hơn một năm thì kiệt sức. Cai tù bảo ông giả bệnh trốn lao động, tống ông vào biệt giam, ăn cháo lỏng. Ông chết! Bác sĩ tù nhân được gọi đến lập chứng tử. Vị bác sĩ viết: “Chết vì suy dinh dưỡng”. Cai tù ra lệnh viết lại: "Chết vì sốt rét ác tính."
Cùm sắt (3)
Nhắc lại chuyện người tù lăn chết vì một củ mì, tôi không thể quên chuyện cái cùm trong trại tù CS mà bất cứ người cựu tù nào cũng rùng mình khi nhớ tới, nhắc lại.
Thời chế độ thực dân Pháp, người dân Việt Nam khốn khổ không ít với mấy chiếc cùm gỗ. Cùm thực dân làm bằng hai mảnh gỗ, mỗi mảnh được đục khuyết hình nửa vành trăng cách khoảng nhau chừng mười phân. Cái bán nguyệt mỗi mảnh ghép lại thành vòng tròn. Phạm nhân ngồi bệt xuống tra chân vào vòng tròn này.
CSVN thì “tinh vi” và “khoa học” hơn thực dân Pháp về phương pháp áp dụng nhục hình độc ác cho kẻ thù. Thay vì cùm gỗ, họ cho thợ rèn rèn những khoen sắt, luồng hàng chục cái khoen sắt ấy vào một thanh sắt dài gọi là “cây thông nòng”. Cây thông nòng đâm xuyên từ vách này sang vách khác của dãy biệt giam dài hàng chục phòng. Chân tù nhân bị tra vào các khoen sắt vừa bằng cổ chân, tội nhẹ thì cùm một chân, tội nặng thì cùm cả hai chân. Một lời nói bâng quơ bị diễn dịch thành ý đồ chống phá: Cùm. “Cải thiện linh tinh”: Cùm. Gì cũng có thể tra chân vào cùm. Khi bị cho là ngoan cố, nạn nhân bị cùm chéo hai chân! Chân cùm trong khoen sắt rèn, nhất cử nhất động cọ xát, đau đớn dường nào. Những người tù bị cùm khi được thả về phần lớn mang thương tật đến cuối đời. Có người về mắc chứng hoại tử cả hai chân, rồi chết thảm.
Chết trên đường thăm nuôi
Một người bạn của tôi tên DTM đi thăm nuôi chồng. Tuy trèo đèo vượt suối khốn khổ trăm bề, song giống như nhiều bà mẹ và vợ tù khác, không kỳ thăm nuôi nào chị M không đem theo ba đứa con mọn của chị để chúng gặp mặt cha.
Một sự rủi ro trở thành tấn thảm kịch đau thương cho gia đình chị M: Trên đường trở về sau chuyến thăm nuôi, chiếc xe tải chở người đi thăm nuôi bị tụt dốc, lăn kềnh xuống dốc Đèo Cả (ranh giới Phú Yên-Khánh Hòa). Cậu con trai đầu của chị tử thương, nó mới 5-6 tuổi! Chị và hai đứa con khác may mắn thoát chết, nhưng đều mang thương tích. Chồng chị ở trong tù chỉ nghe kể lại loáng thoáng về cái chết của con mình cho tới ngày anh về nhà mới hay biết mọi sự!
Một thiếu phụ khác tại một tỉnh ở Miền Nam có chồng bị đưa đi “cải tạo” tận miền Bắc. Vì sa cơ thất thế và lâm cảnh nghèo túng sau 30/4/1975 đổi đời, người phụ nữ đáng thương ấy hiếm khi đi thăm nuôi chồng.
Một hôm, được tin chồng bị bệnh nặng, thập tử nhất sinh, chị quyết đi, hy vọng gặp mặt chồng để nói lên lời chào biệt lần cuối hay ít ra khích lệ tinh thần chồng mình. Chị ráng tiết kiệm, dành dụm tiền để mua quà và thuốc trị bệnh cho chồng. Nhưng sau khi mua sắm đồ thăm nuôi, chị không còn tiền để đáp xe từ Nam ra Bắc hàng ngàn cây số. Thời kỳ đó, xe khách Bắc-Nam lại hiếm hoi, giá chợ đen rất cao. Được bạn bè mách nước, một hôm chị mon men ra quốc lộ đón xe bộ đội, năn nỉ chú bộ đội lái xe cho quá giang, dĩ nhiên dúi vào tay chú lái xe ít tiền “cà phê cà pháo.” Chuyện “đi nhờ” xe bộ đội với tiền trà nước song phẳng là chuyện thường ngày ở Miền Nam VN sau 30/4/1975. Hàng lậu, hàng cấm gì cũng “an toàn trên xa lộ” tùy theo giá cả trà nước.
Vừa chạy ra khỏi thành phố Nha Trang độ chừng vài chục kilômét, chiếc xe bộ đội bỗng loạng choạng rồi đổ nhào, có lẽ do tài xế ngủ gục, bạt tay lái. Chị chết tại chỗ, có lẽ do chấn thương sọ não. Bộ đội lục túi chị, thấy giấy tờ chứng nhận chị đi thăm chồng - “sĩ quan ngụy đang cải tạo”, sợ liên quan phản động, mấy chú bộ đội lấp vội xác chị ở bìa rừng, xa chỗ xe bị tai nạn nhằm phi tang dấu vết, rồi lên xe nhà binh khác trốn mất dạng!
Mấy hôm sau người dân lao động gần đó phát hiện tử thi người thiếu phụ xấu số sình lên bốc mùi thúi. Dân chúng góp tay mua quan tài chôn cất chị. Họ cắm một khúc cây để làm dấu. Dường như có người biết cái chết ấy do xe bộ đội gây ra rồi vất bỏ, nhưng thời buổi ấy đâu ai dám hé môi tố cáo tội ác của người CS. Ách giữa đàng quàng vào cổ, nguy lắm!
Chồng của người đàn bà xấu số không hay biết gì về tai họa xảy ra cho vợ mình. Ra khỏi tù, trở về nhà với thân tàn ma dại, anh đi tìm kiếm…, nghi vợ mình “sang ngang”. Về sau có người mách cho anh biết, anh đến tận nơi đào hài cốt thì mới vỡ lẽ!
Chưa tốt chưa về!
Mỗi lần đi thăm nuôi để thấy mặt chồng, tôi cảm nhận một chút an ủi xoa dịu con tim đau nhói của mình. Nhưng lần nào cũng vậy, nhìn thấy chồng trong thân phận lao tù, tôi không thể không bật khóc.
Chính sách của chế độ CS ngày nào cũng lặp đi lặp lại trên các loa phóng thanh: "Ngụy quân, ngụy quyền tập trung cải tạo ba tháng.” Nhưng thời gian tù tội và lao động khổ sai của quân-cán-chính VNCH đã nhân lên tới gấp hai, gấp ba, gấp bốn, hay gấp hàng chục lần cái mức ba tháng, vẫn chẳng mấy ai được về! Sau nhiều lời giải thích ngụy biện dối trá lố bịch khoái chấp nhận, đám quan chức Cộng sản tự bào chữa trâng tráo:
- Cải tạo chưa tốt, chưa về.
Hoặc:
- Các bà mẹ, các bà vợ chưa chấp hành tốt đường lối chính sách ở địa phương, "nhân dân chưa cho chồng-con các người về”!
“Nhân dân” nào ác ôn và ngu xuẩn đến độ đè đầu bóp cổ chính mình? Chỉ có Đảng Cộng sản gian manh và hiểm độc mới “gắp lửa bỏ vào tay nhân dân” vậy thôi!
(Cuối Tháng Tư 2015)
__________________________________________
Chú thích:
(1) Đó là tiêu chuẩn khẩu phần bình thường. Chỉ những tù nhân đi đốn cây gỗ quý trong rừng mới được tiêu chuẩn việc nặng 21 kg/tháng. Những tù nhân không lao động (do đau bệnh chẳng hạn), tiêu chuẩn 13kg/tháng. Tù nhân trong biệt giam chỉ 9kg/tháng, gọi là tiêu chuẩn cháo lỏng và không có phần ăn sáng! Thời VNCH không hề phân biệt hạng loại như vậy, mọi tù nhân đều hưởng đồng đều tiêu chuẩn 21kg/tháng, gạo trắng thơm.
(2) Đau khổ chi bằng mất tự do
Đến buồn đi ỉa cũng không cho
Cửa tù khi mở không đau bụng
Đau bụng thì không mở cửa tù
(3) Khi viết về cùm sắt, tôi lấy làm tiếc không có được hình ảnh minh họa. Ngày 20/4/2015, đọc Blog AnhBaSam, thấy hình vẽ trên bài “Về phát biểu của pgs/ts Vũ Quang Hiển”, mạn phép sử dụng hình vẽ ấy ở đây. Cám ơn.
*
...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: