Phú Thọ, ngày 10 tháng 12 năm 2016
Trước hết xin phép tự giới thiệu chúng tôi là nhóm một số bác sĩ trẻ, hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, yêu nghề, thương người bệnh, có trách nhiệm với xã hội, luôn mong ước xã hội chúng ta công bằng, dân chủ để phát triển và tiến bộ. Chúng tôi không thể nói tên của mình ra được, lý do thì chắc đã quá rõ. Chúng tôi ước mong sẽ đến lúc chúng tôi chẳng phải ngại ngần làm việc đó!
Ngày 03/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã lên thăm và làm việc với tỉnh Phú Thọ. Thủ tướng được lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đưa đi thăm Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đây, ông Nguyễn Xuân Phúc được xem và được nghe báo cáo với những kịch bản công phu đã được chuẩn bị dày công kỹ càng, chau chuốt từng tý để đón Thủ tướng. Thủ tướng và đoàn công tác có quá nhiều việc phải quan tâm, thời gian lại ít, tin tưởng cấp dưới... và Thủ tướng đã bị lừa dối đến nỗi trở nên vô cùng ấn tượng! và kết luận giao Bộ Y tế nghiên cứu, nhân rộng mô hình bệnh viện tỉnh Phú Thọ ra cả nước! Một điểm sáng về khởi nghiệp, kiến tạo của tỉnh Phú Thọ!
Ngày 10/12/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại lên thăm và làm việc tại Phú Thọ, nội dung chính về y tế. Một kịch bản lại được dàn dựng công phu. Cuối cùng Phó Thủ tướng cũng lại bị dối lừa!
Chúng tôi xem các bản tin VTV1, PTV mà giật mình, phẫn nộ, không thể tưởng tưởng nổi sự trâng tráo, liều lĩnh, bất chấp luật pháp, bất chấp lương tâm, đạo đức của lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Họ đã trí trá, dối trên lừa dưới, đưa ra những con số ma để mê hoặc cả Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thành tựu của bệnh viện. Kể ra thì nhiều lắm,chúng tôi muốn để các nhà báo tự điều tra, tìm hiểu. Vì thế chúng tôi chỉ cung cấp mấy thông tin chính để toát lên sự lừa lọc, dối trá của ngành y tế Phú Thọ:
1. Ông Ngọc, Giám đốc bệnh viện kiêm Phó giám đốc sở y tế chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị báo cáo sai sự thật để cố gắng thuyết phục, chứng minh về việc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là đàn anh về chuyên môn kỹ thuật và được Bộ Y tế công nhận là tuyến trên của các tỉnh lân cận. Lúc nào cũng quảng cáo sai sự thật là ghép được thận, mổ tim hở... Thực chất thì các phẫu thuật này luôn có các thầy ở Hà Nội đứng kế bên chỉ bảo từng tý một. Đâu đã thực sự làm chủ được mà nói như thể là chuyên gia rồi. Giá là bệnh viện tư mà quảng cáo vậy thì chắc bị phạt to rồi.
Con số bịa đặt khủng khiếp để chứng minh là số bệnh nhân chuyển tuyến từ các tỉnh lân cận gồm Yên Bái, Tuyên Quang, Lao Cai, Hà Giang, Vĩnh Phúc đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ hàng năm chiếm 30-35% tổng số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện. Thực tế như vậy không?
Không! Một ngàn lần không! Chúng tôi đã và đang tham gia làm việc tại khoa khám bệnh, các khoa điều trị, các khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện nên biết rõ tình hình bệnh nhân chứ. Có chăng chỉ một số bà con bên huyện Lập Thạch, huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc hay đi chợ bán nông thổ sản thực phẩm sang Việt Trì bị ngã, hay bị tai nạn giao thông, hoặc gặp trường hợp cấp cứu khác thì họ vào khám và điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ; chứ số bệnh nhân được các bệnh viện của các tỉnh nói trên chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu có cũng chủ yếu từ mối quan hệ cá nhân, người nhà làm ở đây gợi ý xin chuyển sang mà thôi. Mặc dù năm 2015 và 2016, Sở Y tế và Bệnh viên Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tổ chức các đoàn công tác đi thăm và làm việc với Sở y tế các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Lao Cai để giới thiệu, quảng bá và vận động đề nghị họ chuyển bệnh nhân về Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Nhưng xem ra, kết quả không như ý! Số bệnh nhân chuyển tuyến vẫn chẳng thấy đâu! Phải chăng các đồng nghiệp ở tỉnh bạn chưa phục, còn người bệnh của họ chẳng tin?
Thực ra, sự khoe mẽ, làm hàng giả này hay nói văn hoa hơn là sự quảng cáo vượt quá năng lực thực tế này thì năm nào chúng tôi cũng được nghe ông Ngọc báo cáo với các đoàn công tác của Bộ Y tế, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, hay các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn. Nhưng chúng tôi chỉ nhìn nhau cười, tặc lưỡi cho qua, không ảnh hưởng gì cả. Tuy nhiên lần này thì rất khác, bởi lẽ cố tình lừa dối Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì không được. Làm Thủ tướng tưởng thật còn giao Bộ y tế nghiên cứu nhân rộng mô hình sang các tỉnh khác nữa thì gay quá!
Để kiểm chứng thông tin này, xin đừng hỏi số liệu bệnh nhân từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ hay Sở y tế Phú Thọ (không được nghe thật đâu), mà hãy lấy các số liệu từ ngành BHXH tỉnh Phú Thọ và BHXH các tỉnh lân cận. Đơn giản thôi ạ, xin số tổng thu viện phí qua BHYT hàng năm của Bệnh viên đa khoa tỉnh Phú Thọ (có thể lấy vài năm trở lại đây để tiện biết luôn xu thế)? Trong đó số thu BHYT đa tuyến từ các tỉnh bạn là bao nhiêu (lấy số liệu chi trả BHYT đa tuyến từ các tỉnh khác để xem họ phải chi trả cho Bệnh viện đa khoa Phú Thọ là bao nhiêu mỗi năm)? Từ đó tính ra tỷ lệ chi trả cho khám và điều trị bằng BHYT của bệnh nhân từ các tỉnh xung quanh xem có vào khoảng trên 30%-35% không ạ?
Tại sao chúng tôi đặt vấn đề kiểm chứng chỉ cần lấy số bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT mà không tính số khám chữa bệnh bằng chi trả viện phí trực tiếp (đối tượng tự nguyện). Đơn giản vì những người có điều kiện, bỏ tiền tự nguyện đi khám chữa bệnh tuyến trên, không ai chọn Phú Thọ, họ sẽ về Hà Nội là đương nhiên. Hãy đặt ta vào họ xem đúng vậy không? Thực tế số này cũng có, nhưng đếm trên đầu ngón tay, vai người bệnh nhẹ, nhà gần (Lập Thạch, Vĩnh Tường), hoặc cùng lắm có bác sỹ quen ở đây, thế nên không cần tính.
2. Vay vốn xây dựng Trung tâm Sản nhi trực thuộc bệnh viện tỉnh cách khoảng 1km, lấy gần 7ha đất của Trường đại học Hùng Vương, quy mô từ lúc thì nói 300 giường bệnh, lúc thì 500 giường, lúc thì cả 1000 giường (tuỳ từng hội nghị, từng đối tác mà nổ cho oai).
Chuyện gì ở đây? Có phải lãnh đạo bệnh viện (thực chất chỉ là Giám đốc Ngọc) tư tưởng lớn, dám nghĩ, dám làm? Sáng tạo và khởi nghiệp? KHÔNG PHẢI!
Từ 2005, ông Hải (hiện đang là Giám đốc sở) khi đó là Giám đốc bệnh viện tỉnh Phú Thọ đã huy động vốn cán bộ nhân viên và vay cả ngân hàng xây 1 nhà 11 tầng nổi đình nổi đám, lắp thiết bị khá hiện đại thời điểm đó. Tổng đầu tư lúc đầu được tính 80 tỷ đồng. Sau đó khai thác đủ kiểu, cứ sau vài năm lại lắp máy này, thay máy khác, làm đủ trò hoán đối ma mãnh, dần dần đến nay tổng mức đầu tư đã lên đến cả trên 230 tỷ đồng. Với hạch toán như hiện nay, cả vài chục năm nữa không thanh toán được nợ. Gánh nặng này đè lên cổ người bệnh, không khai thác từ sự ốm đau của họ thì lấy đâu tiền trả nợ gốc, lãi? Bài học này không được học từ khía cạnh nhân văn mà được học từ khía cạnh tiêu cực, để rồi được nhân rộng ra cả một khu khác với diện tích gần chục ha, tổng đầu tư cả hơn ngàn tỷ. Vậy ai được gì/ai mất gì trong ấy? Câu trả lời:
a) Vài nhân vật trong Nhóm lợi ích Hại nước - Hại dân để thu lợi nhuận cho mình. HỌ LÀ AI? THAM NHŨNG NHƯ THẾ NÀO? - Người ra chủ trương, người quyết định đầu tư (Bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh phụ trách khối; giám đốc, phó giám đốc Sở y tế), người triển khai đầu tư (Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh) ăn đủ: từ lập quy hoạch, thiết kế, xây dựng nhà cửa, mua sắm thiết bị... cứ nhẹ thì 20%, nặng thì cả 30% mà tính. Ngàn tỷ sẽ thành bao nhiêu? Mỗi vị tuỳ theo chức sắc, theo trách nhiệm mà sẽ được chia phần nhiều ít?
Các nhà báo tìm hiểu giúp động cơ này ạ. Tiền vay ngân hàng nên vừa thật, vừa tươi, thích lắm! Lại còn tuyển nhân sự để đào tạo dần ngay từ giờ, khi xây xong cứ thế vận hành? Thật tuyệt. Bệnh viện đang tuyển gần 400 chỉ tiêu xã hội hoá, con e dân học y sỹ, điều dưỡng, NHS, dược sỹ trung học... không có tiền liệu có vào nổi không? Thôi điểm này khó điều tra lắm, chỉ nói ra các nhà báo biết thêm thôi. Đúng lý luận và thực tiễn quá! Áp dụng tốt quá!
(Nhân đây chúng tôi chỉ cung cấp thêm một chi tiết nhỏ để các nhà báo có cái nhìn thực tế hơn về chuyện thi tuyển/xét tuyển nhân viên y tế ở Phú Thọ: Bệnh viện mắt Phú Thọ tuyển nhân viên năm 2016, trong đó có tuyển 01 điều dưỡng viên hạng IV, nhưng lại đóng mở ngoặc ghi rõ "có chứng chỉ kỹ thuật đo chức năng hô hấp"! Chuyện lạ đời, đây giống như chỉ định thầu! Các nhà báo có thể hỏi Bệnh viện mắt trung ương xem họ có bao giờ thực hiện đo chức năng hô hấp ở bệnh viện mắt không mà yêu cầu điều dưỡng viên phải có chứng chỉ đo chức năng hô hấp!? Chắc cô bé ứng viên này chọn mãi không có gì khác biệt duy nhất với các ứng viên cùng dự tuyển khác, nên có gì vạt đó!? Thương thay cho con dân Phú Thọ!). Các nhà báo tìm hiểu thêm sẽ rõ. Thông tin tuyển dụng này được bày dán công khai.
b) Lãnh đạo tỉnh thì được tiếng là sâu sát, quan tâm chỉ đạo đổi mới quản lý bệnh viên theo mô hình doanh nghiệp? Trong các diễn đàn, các chương trình nghị sự lúc nào cũng nêu gương bệnh viện đa khoa tỉnh và sở y tế là tấm gương sáng tạo, linh hoạt, đổi mới, dám nghĩ, dám làm... Sợ quá! Chính quyền tỉnh Phú Thọ khởi nghiệp lấy điển hình là y tế?
Năm 2015, ông bí thư tỉnh và các giám đốc sở kế hoạch đầu tư, giám đốc sở tài chính, giám đốc sở y tế, giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh đi Đu-Bai học tập kinh nghiệm về y tế? kêu gọi, thu hút đầu tư về y tế?! Chuyến đi cả vài tỷ tiêu tốn, kết quả là các ngài đã được thấy thiên đàng ăn chơi! Doanh nghiệp có quan hệ chặt với Bệnh viện đa khoa tỉnh chi trả bao chuyến đi?! Sở y tế và bệnh viện tỉnh Lốp-bi thế mới gọi là lốp-bi chứ? Trình gì chẳng ký tuốt!
Năm 2016 vừa rồi giám đốc sở y tế lại giao giám đốc bệnh viện tỉnh tổ chức đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm về y tế tại Hoa Kỳ, một doanh nghiệp tốt tính nào đấy lại tài trợ! Đoàn đi có giám đốc sở xây dựng, phó giám đốc công an tỉnh, giám đốc bệnh viện tỉnh, giám đốc sở tài chính, giám đốc sở kế hoạch. Đi về bệnh viện đa khoa tỉnh lại mời cả dàn lãnh đạo sở y tế (5 anh hùng) tiếp các lãnh đạo các sở gồm tài chính, xây dựng, công an tỉnh. Không thiếu một ai? Lóp bi thế chứ. Sau còn ai ngáng chân, khó dễ nữa chứ?!
Vậy nên, sở y tế và bệnh viên đa khoa tỉnh luôn là đỉnh cao cho tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... Năm nào cũng có hàng chục UBND và sở y tế các tỉnh đến học mà không ai làm được. Họ không có nhân tài! Không dám nghĩ, dám chơi, dám làm!
Thế nên lãnh đạo tỉnh yêu đến nỗi còn dắt díu ô Ngọc đi họp đại hội đảng toàn quốc năm ngoái, rồi cho ông ta vào đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ khoá 2016-2021. Xã hội những nhiễu vậy, biết tin ai?
c) Người chịu thiệt thòi đầu tiên là dân, nhất là người nghèo. Nhìn vào bệnh viện thấy sáng sủa, oai phong, lãnh đạo TƯ, tỉnh cứ tưởng dân Phú Thọ được nhờ nhiều quá. Không ai để ý đằng sau đó, hoặc là dịch vụ hạng xoàng (nếu chỉ dùng BHYT), hoặc phải chi trả thêm nhiều để sang khối nhà tự nguyện. Thực chất, các khối nhà của bệnh viên đa khoa Phú Thọ hiện giờ chỉ duy nhất 1 nhà 11 tầng được xây bằng tiền XHH, các dãy còn lại đều bằng trái phiếu chính phủ giai đoạn vừa qua. Cả ngót 600 tỷ tiền trái phiếu chính phủ TƯ bố trí cho tỉnh để đầu tư mạng lưới bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã đổ dồn về đây là chính. Vậy sao dân cứ phải chịu khổ? Sau đó, còn có dự án trang thiết bị cả 15 triệu đô la do Bộ y tế đang hỗ trợ. Thế mà không hiểu mua gì, cấp gì mà không đủ, bệnh viện tỉnh, huyện vẫn bị sở y tế yêu cầu vay ngân hàng để xây dựng them nhà cửa, mua máy, thiết bị? Ai được lợi đây. Khi cấc công trình bệnh viện vừa xây xong, hay vừa mua sắm xong, bọn tớ hoặc là thăng chức, hoặc là về hưu hạ cánh an toàn rồi, các chú ở lại cứ lo mà trả nợ, các anh có ký tá gì đâu, toàn các chú cả?! Chết dân!
d) Nhân viên y tế của bệnh viện chịu đủ loại áp lực để làm sao có nhiều nguồn thu cho bệnh viện. Thu càng nhiều càng được trích quỹ phát triển sự nghiệp y tế mà trả nợ, mà đầu tư. Vì thế, các khoa bị phân chỉ tiêu bệnh nhân điều trị nội trú. Chúng tôi tham khảo nhiều nguồn tin, không nước nào làm vậy, từ Phú Thọ và từ Phú Thọ, bài học này đã truyền tới nhiều tỉnh khác rồi! Lạ quá. Các loại lý giải đều nguỵ biện cả. Không biết Chính phủ, Bộ Y tế có biết không?
Bệnh nhân vô cùng khổ:
- Vào viện bệnh thông thường thì: bác ơi, bác có thẻ BHYT ạ? Theo chúng tôi bác nên sang khu khám chữa bệnh theo yêu cầu cho đỡ vất vả, ở đấy chỗ nằm như khách sạn, thuốc tốt…….bác chỉ trả them phần BHYT không trả thôi ạ. Nếu các bác không đồng ý thì cũng không sao, nhưng chỉ dùng BHYT thì dịch vụ này ở đây (thuốc, chỗ nằm...) chỉ có vậy thôi ạ.
- Bệnh nan y, không tin tưởng, muốn xin các bác sỹ bệnh viện tỉnh cho chuyển về TƯ: bác không được chuyển tuyến về TƯ vì ở đây chúng tôi làm được kỹ thuật này rồi. Kể cả ung thư, ghép tạng, thay khớp, mổ tim... chúng tôi làm được hết, đã làm được đến 70% kỹ thuật bệnh viện hạng đặc biệt rồi ạ! Bác muốn chuyển về TƯ thì gia đình vui lòng đi bằng tự nguyện thôi ạ. Không biết có tỉnh nào bệnh nhân xin chuyển tuyến khó như ở Phú Thọ không?
Thế mà chỉ ít người không có điều kiện mới chịu ở lại thôi, phần có đièu kiện đành ngậm ngùi bỏ đi TƯ để chỉ nhận 40% BHYT, còn lại bỏ tiền túi chi trả vì vượt tuyến. Nhưng cũng may, vì ở lại thì chắc chết sớm. Còn nhiều tin đồn về vụ tiêu cực mỗi khi xin chuyển tuyến về TƯ, nhưng chúng tôi không có bằng chứng nên thôi không nói.
Rất mong các nhà báo kiểm chứng việc này. Nhưng xin đừng hỏi các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh vì họ đâu dám nói gì khác ngoài khen. Muốn biết sự thật, xin các nhà báo hãy về Bv K, Bv Việt Đức, Bv Bạch mai... hỏi các bệnh nhân vượt tuyến về đây sẽ rõ thêm.
3. Vay vốn ngân hang và huy động vốn doanh nghiệp mở 1 phòng khám đa khoa tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Tổng mức đầu tư (cả mua đất, xây nhà, lắp đặt trang thiết bị...), chúng tôi không được biết chính xác tuyệt đối con số, nhưng chắc chắn khoảng 110-120 tỷ đồng. Bây giờ phải huy động cả mấy chục bác sỹ, điều dưỡng, KTV... bệnh viện lên trên đó. Viễn cảnh u ám quá! Động cơ ở đây là gì vậy? Chúng tôi quá rõ kiểu làm ăn này. Thực chất đầu tư chỉ khoảng 60-80 tỷ, làm chứng từ cho thành 110-120 tỷ, rút ra, chia nhau, tiền mình đúc túi đã, nợ là của tập thể, tính sau, nếu thua lỗ thất bại thì cũng là do rủi do, phải chấp nhận, làm ăn phải vậy! Thật đáng sợ. Trong khi ở ngay sân nhà còn nợ như chúa chổm, quân khổ, dân bị bóc lột mỗi khi vào viện.
Thật tuyệt vời, hành động này tiếp tục được đánh giá là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm!
4. Lãnh đạo đảng, chính phủ, các bộ, đến tỉnh uỷ, UBND tỉnh và rồi ngay giám đốc Sở Y tế, giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ luôn mồm: “cái gì dân làm được thì nhà nước khuyến khích, động viên, tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để dân đầu tư, nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực mà dân khong thể làm được...”. Thế mà ông Ngọc làm ngược lại hoàn toàn. Chuyện là thế này:
Phú Thọ có một Bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương, ở huyện Đoan Hùng. Bệnh viện này có chiến lược phát triển và quản lý điều hành rất tốt, sau hơn chục năm xây dựng trưởng thành, nay đã ngang tầm với các bệnh viện đa khoa tuyến huyện thuộc tốp đầu của tỉnh Phú Thọ, một số lĩnh vực còn ngang tầm bệnh viện đa khoa tỉnh. Ngoài chất lượng chuyên môn tốt, tinh thần thái độ phục vụ của họ quá chuẩn, vì thê họ thu hút người bệnh không chỉ của huyện Đoan Hùng, mà còn các huyện xung quanh (Thanh Ba, Hạ Hoà...) và các huyện lân cận thuộc tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái. Từ ngày có Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện đa khoa huyện Đoan Hùng “nhẹ việc” đi rất nhiều!
Đáng lẽ, nếu nói đi đôi với làm, ông Ngọc phải nghiên cứu, đề xuất với giám đốc sở xem xét khuyến khích y tế tư nhân phát triển, đỡ gánh nặng cho nhà nước. Thế nhưng, ông Ngọc lại xin phép ông giám đốc sở, điều quân lên tăng cường cho Bệnh viện đa khoa Đoan Hùng, bằng mọi cách giúp bệnh viện này lấy lại “phong độ”. Phía ông giám đốc sở thì đốc thúc Bệnh viện đa khoa Đoan Hùng tiếp tục vay vốn ngân hàng đầu tư xây thêm nhà mới, tăng số giường bệnh, mua thêm thiết bị... và cố nhiên, hàng năm ông giám đốc sở phải phân bổ ngân sách cho Bệnh viện Đoan Hùng ước khoảng trên dưới 10 tỷ đồng (tính theo giường bệnh). Nếu các ông nói và làm như nhau thì sao ông không giải tán Bệnh viện đa khoa Đoan Hùng, chắp cánh cho Bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương... riêng việc này hàng năm ông đã dành ra được 10 tỷ để đầu tư xây được cho các Bệnh viện Tân Sơn, Yên Lập, khỏi phải vay ngân hàng! Và cả trạm y tế xã nữa!
Nhìn xa hơn nữa, nếu ông làm được vậy, từ hình ảnh Đoan Hùng, các huyện sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sang bỏ vốn xây dựng bệnh viện... biết đâu sau 10 năm nữa, Phú Thọ toàn Bệnh viên đa khoa tư nhân tham gia chăm lo sức khoẻ cho nhân dân, ngân sách nhà nước chỉ còn lo cho tuyến xã, cho phòng dịch. Thế mới gọi là dám nghĩ, dám làm, đi đầu, sáng tạo chứ!
Còn làm như các ông bây giờ là sai với chủ trương của Đảng và nhà nước. Nói một đằng làm một nẻo! Ai tin!
5. Ông Ngọc, Phó Giám đốc sở y tế kiêm Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ là thu nhập trung bình hàng tháng của các bác sỹ bệnh viện đa khoa tỉnh là từ 25 triệu đồng đến 50 triệu đồng?! Sự lừa dối trắng trợn.
Thực tế, nhóm chúng tôi gồm các bác sỹ đã tốt nghiệp và đi làm từ 5 năm đến 18 năm nay,người học cao đang chuẩn bị tiến sỹ, còn lại phổ biến là thạc sỹ hoặc CKI, trưởng khoa cũng có, phó khoa vài người. Thế nhưng người cao nhất, tổng thu nhập cũng chỉ 28 triệu đồng/tháng (tính cả tiền thủ thuật, tiền trực, tiền khám chuyên gia, tiền làm thêm thứ 7/chủ nhật, tiền thưởng, gần như làm 26-28 ngày/tháng), những người còn lại phổ biến chỉ từ 6 triệu đến 15 triệu/người/tháng. Vậy nên khi nghe thấy VTV1 đưa tin, chúng tôi suýt nổ màng nhĩ vì sự dối trá trắng trợn, làm hàng giả của lãnh đạo bệnh viện, của lãnh đạo ngành y tế và có lẽ cả lãnh đạo tỉnh nữa.
Thiết nghĩ để kiểm chứng thông tin này là việc chẳng mấy khó khăn đối với các nhà báo.
6. Lỡ dài quá rồi, còn một lưu ý nữa thôi, xin gửi các nhà báo để cân nhắc:
Bố vợ ông Ngọc là ông Trần Ngọc Tăng, nguyên Phó trưởng ban tuyên giáo TƯ, sau chuyển sang chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, rồi về hưu. Ông ta có mối quan hệ khá thân thiết với cơ quan quản lý báo trí và các nhà báo, tổng biên tập một số báo uy ín. Vì thế ông Ngọc chưa bao giờ biết sợ báo trí. Giải quyết được ngay. Nhưng cách làm của ông ta là mua nhà báo tác nghiệp trực tiếp trước. Nếu không mua được thì mua áp lực từ cấp trên của nhà báo đó để dẹp đi. Không biết đã tốn bao nhiêu tiền để bưng bít quá nhiều vụ (bưng bít các ca tử vong, các ca tai biến do sai sót chuyên môn..., bưng bít các dò rỉ thông tin sai phạm trong quản lý tài chính... Các nhà báo có thể tìm hiểu thêm).
Vậy nên các nhà báo phải đủ bản lĩnh mới vào cuộc thực sự để phanh phui sự thật được.
Kính thưa các nhà báo,
Từ xe Lếch-xù mang biển số xanh ở Hậu giang, các nhà báo vào cuộc và có vụ Trịnh Xuân Thanh, rồi tiếp đến một số nhân vật khác nữa. Chúng tôi kỳ vọng các nhà báo sẽ nêu gương, dương cao ngọn cờ vì dân vì nước ngay trên quê hương đất tổ.
Chúng tôi sẽ cân nhắc việc cung cấp thêm thông tin! Nhất là những khoảng tối về chất lượng chuyên môn của đội ngũ bác sỹ, những nhũng nhiễu trong quản lý tài chính và nhân sự...
Vì lý do an toàn trong công việc, cuộc sống nên chúng tôi không thể tiết lộ danh tính. Mong các nhà báo thông cảm.
Kính chúc các nhà báo sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Các bác sĩ trẻ tai BVĐK Phú Thọ
Gửi Danlambao
-->