5. Đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả? Ai là nạn nhân, ai là thủ phạm?
a. Lịch sử đàn áp Đạo tràng Út Trung
Hiện nay chính quyền Việt Nam chỉ công nhận duy nhất Ban Trị sự Trung Ương của Giáo hội PGHH Trung ương (quốc doanh) và bắt các tín đồ PGHH phải gia nhập vào đó. Nhiều tín đồ PGHH cho rằng Giáo hội PGHH Trung ương đưa ra những khuôn khổ sinh hoạt chật hẹp và không theo đúng tôn chỉ của PGHH nên họ hoạt động tôn giáo hoàn toàn độc lập với giáo hội này và bị đàn áp.
* Bài đã đăng:
Bài 1: Kế hoạch đàn áp tôn giáo qui mô ở diện rộng
Bài 2: Các chìa khóa logic
Bài 3: Chìa khóa logic thứ ba và cách điều tra cẩu thả
Ông Bùi Văn Trung là người sáng lập “Đạo tràng Út Trung” ở xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Đạo tràng Út Trung được dựng vào năm 2005 dựa trên quan niệm tu tại gia của PGHH. Đạo tràng Út Trung là nơi để tín đồ PGHH đến cúng Phật, tu học và nghe thuyết giảng vào ngày chủ nhật, ngày rằm và các lễ giỗ của gia đình ông Trung. Vì không chấp nhận gia nhập vào Giáo hội PGHH quốc doanh nên đạo tràng này bị chính quyền xem là bất hợp pháp. Từ lúc mới thành lập đạo tràng, chính quyền đã tuyên truyền rằng ông Trung chống lại luật về tôn giáo của nhà nước và yêu cầu tín đồ không nên đến đạo tràng. Từ đó công an đã chặn đường, hăm dọa, hành hung, tịch thu xe gắn máy, thu giữ giấy tờ xe và bắt tạm giữ những người đến đạo tràng để làm cho họ e ngại và sợ hãi. Tại nhiều buổi lễ đã bị công an dùng máy phát thanh có công suất lớn để lấn át lời thuyết giảng giáo lý trong đạo tràng. Có lúc đạo tràng bị ném gạch đá và đồ ô uế vào nhà. Đạo tràng của ông Trung bị cắt điện nên phải câu nhờ điện từ nhà kế cận. Từ năm 2012 đến năm 2016 ông Trung, con trai là Thâm và con rể là Minh đã bị giam giữ vì các hoạt động bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo. Chính quyền Việt Nam cáo buộc họ có hành vi “chống người thi hành công vụ” và “gây rối trật tự công cộng”.
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 7/2014, Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin của LHQ đã bỏ dở chương trình đi thăm tín đồ PGHH ở tỉnh An Giang để phản đối điều ông cho rằng "một số cá nhân tôi muốn gặp đã bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ, cảnh cáo, đe dọa, sách nhiễu hoặc bị công an ngăn cản việc đi lại. Ngay cả những người đã gặp được tôi cũng không tránh khỏi việc bị công an theo dõi hoặc chất vấn ở một mức độ nhất định" và như thế vi phạm các cam kết với LHQ. Báo cáo viên Đặc biệt này của LHQ đã nhiều lần yêu cầu nhà nước Việt Nam trả lời về những vi phạm đối với Đạo tràng Út Trung.
Trong thư số 09/HR.VNM.2017 của Phái bộ Thường trực của Việt Nam tại Genève trả lời văn thư số UA VNM 8/2016 của Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin, chính quyền Việt Nam cho rằng Đạo tràng Út Trung là “một tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận” và “thường xuyên có những hoạt động bất hợp pháp và gây mất trật tự tại khu vực lân cận”. Gây mất trật tự thế nào, chúng ta cứ xem những điều xảy ra trong ngày 19/04/2017 thì sẽ rõ.
Hình: Sau cuộc biểu tình, ông Bùi Văn Trung (trái), ông Đặng Thành Tân (giữa) và ông Bùi Văn Thâm (phải) cấu nguyện trong đám giỗ mẹ ông Trung tại Đạo tràng Út Trung (19/04/2017).
Hình: Khoảng 40 tín đồ PGHH vào được đám giỗ mẹ ông Trung tại Đạo tràng Út Trung (19/04/2017).
b. Biến nạn nhân thành thủ phạm
Trong vụ này hiện có 6 người bị khởi tố, trong đó có 5 người về tội “Gây rối trật tự công cộng” và một người về tội "Chống người thi hành công vụ".
Ông Bùi Văn Trung, năm nay 53 tuổi, bị bắt ngày 26/06/2017, và vợ ông là bà Lê Thị Hên, năm nay 55 tuổi, bị quản chế tại nhà từ ngày 24/07/2017. Ông bà hiện bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm c khoản 2 Điều 245.
Ông Trung, chủ Đạo tràng Út Trung, trước đây là một giáo viên, là một người thuyết giảng đạo PGHH xuất sắc. Trên Google người ta có thể nghe các video thuyết giảng của ông để hiểu sự ôn hòa và chừng mực của ông. Ông Trung mới ra tù vào ngày 30/10/2016. Ông từng bị bắt vào ngày 30/10/2012, sáu tháng sau vụ đàn áp đám giỗ ở đạo tràng vào ngày 01/05/2012. Hồi đó công an đến yêu cầu ông giải tán đám giỗ nhưng ông không chịu. Vì phản đối công an đưa nhân viên điện lực đến cắt điện đạo tràng ông bị kết án 4 năm tù vì tội "Chống người thi hành công vụ". Vụ này được quốc tế chú ý nên sau đó chính quyền đã chuyển sang phương sách ngăn chặn tín đồ đến đạo tràng.
Là chủ đạo tràng ông Trung cảm thấy có trách nhiệm đối với khách mời nên đã ra can ngăn khi họ bị chính quyền sách nhiễu. Các đoạn video clip cho thấy ban đầu ông chạy từ chỗ này sang chỗ kia để tìm cách khuyên giải một cách ôn hòa. Bị lấn ra ngoài ông vẫn kiên nhẫn thuyết phục. Theo logic ông Trung không có lợi gì khi "kích động" trong tình thế đó. Nhưng vì cảm thấy bất lực trước sự lộng hành càng lúc càng gia tăng của CSGT và nhóm côn đồ, trước cảnh nhiều đồng đạo bị đánh, bị lấy xe, lấy giấy tờ ông Trung và bà Hên định xông ra đường cho xe cán chết. CT&KLĐT đã đảo lộn hậu quả và nguyên nhân khi cáo buộc: "Ngay sau đó, Bùi Văn Trung và các con kéo nhau ra quốc lộ 91C đưa tay ra ngăn chặn xe qua lại, manh động hơn là Trung, Hên, Thâm nằm ngữa xuống đường cản đầu xe ô tô và mô tô làm ách tắt giao thông, công an và lực lượng CSGT phải liên tục phân luồng cho xe qua lại. Người dân xung quanh thấy vậy đến khuyên ngăn và khiêng họ vào lề nhưng họ vẫn cố chấp la hét, vu cáo công an cướp xe của dân." Các video tìm được trên youtube cho thấy nhiều con đồ đã kẻ lôi người kéo bà Hên khi bà định nhào ra đường tự tử.
Hình: Cảnh bà Lê Thị Hên (1) quá tuyệt vọng nên định nhào ra đường cho xe cán chết. Nhưng bà bị đám côn đồ giữ tay trái và tay phải, và lôi vào. Bà la lên là bà muốn chết để chứng minh đàn áp tôn giáo (19/04/2017).
Hình: Bà Lê Thị Hên (1) bị 2 côn đồ (A, B) cưỡng bức đi mà công an sắc phục (C, D) không can thiệp mà chỉ lo quay phim hay chụp ảnh (C). Chung quanh bà chỉ toàn côn đồ thược phe chính quyền. (19/04/2017)
Thấy đàn áp không giảm, thấy nhiều đồng đạo bị đánh ngất xỉu và chảy máu, nên sau đó ông Trung, bà Hên và một số tín đồ đã ra đường để phản đối. Theo CT&KLĐT: "nhóm của Trung quay trở lại mang theo 05 bảng giấy catton, có nội dung "Đả đảo cộng sản đàn áp tính đồ phật giáo hòa hảo" "Đả đảo cộng sản đàn áp tôn giáo, cướp xe-đánh dân", "Đả đảo cộng sản đàn áp tôn giáo, cướp xe-đánh đồng đạo", "Đả đảo cộng sản đàn áp tôn giáo, cướp xe- đồng đạo", "Đả đảo cộng sản đàn áp tôn giáo, cướp xe của dân"…". Phải công bằng nhìn nhận rằng nội dung những biểu ngữ này phản ánh đúng tình trạng đàn áp trong ngày 19/04/2017. Nói "cộng sản" là thủ phạm đàn áp cũng không sai. CT&KLĐT cho rằng ông "Bùi Văn Trung cầm micrô đi giữa nói những lời lẽ kích động, xúi giục các đối tượng hô to các khẩu hiệu trên nhiều lần." Nếu hiểu tất cả những áp bức đối với gia đình ông trong bao năm trời người ta sẽ hiểu tại sao ông Trung cầm micrô tay nói: “Tôi là Bùi Văn Trung chỉ làm đám giỗ cúng cha mẹ mà bị nhốt 4 năm, chưa đủ tôi chấp nhận chết thân này để cho đảng cộng sản được an lòng, thỏa mãn, chả nghĩ gì về thân xác hết, muốn sao cho bà con, cô bác, anh chị em và đảng cộng sản hãy quay về với tự do tín ngưỡng tôn giáo và trở về nhân quyền, trở về sống với cộng hòa của Việt Nam, cộng hòa chớ không còn đảng cộng sản nữa, một thời gian gần đây cộng sản đã tiêu diệt rồi, quý vị đừng nên theo cộng sản nữa”. Gạt sang một bên lý do bức xúc, ông Trung có quyền tự do nói lên nhận xét và ý kiến của mình nơi công cộng mà không gây rối gì cả. Nếu công bình, chính quyền phải bắt hết tất cả những hàng ngày nói to, nói nhỏ, ở chỗ riêng tư lẫn nơi thị tứ về quan điểm của họ.
Hình dưới: Ông Bùi Văn Trung dùng một micro cầm tay giải thích tại sao các tín đồ phản đối (19/04/2017).
Hình: Khoảng 8 tín đồ PGHH ra đường phản đối đàn áp tôn giáo(19/04/2017).
Hình: Đi được khoảng 30 mét và chỉ sau một phút) các tín đồ PGHH (áo tràng nâu) bị côn đồ (áo thun trắng), công an sắc phục và mật vụ (áo thun đỏ, tay trắng) chặn đường, giựt cướp và xé các tấm bảng(19/04/2017).
Hình dưới: Ông Cao Văn Hứng bị đánh ngất xỉu lần thứ 2 trong ngày 19/04/2017 và bị tiếp tục đạp vào người khi nằm xỉu dưới đất (19/04/2017).
Hình trên: Bà Lê Thị Hồng Hạnh bị đánh vào mặt trong cuộc biểu tình (19/04/2017).
Hình dưới: Ông Cao Văn Hứng bị đạp thâm tím bên sườn trong cuộc biểu tình (19/04/2017).
Kết luận
Đạo tràng Út Trung nằm ở xã Phước Hưng gần biên giới Việt - Miên là một cái gai mà chính quyền cộng sản Việt Nam tìm cách nhổ đi. Làm sao tránh tiếng đàn áp tôn giáo trong cuộc đàn áp tôn giáo? Cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng" là đòn được chính quyền ưa chuộng nhất hiện nay. Phải làm sao ném đá dấu tay, phải kích động tín đồ sa vào bẫy vi phạm hành chánh, phải cho thủ phạm mặc thường phục, phải ra tay ở những nơi cách xa cơ sở tôn giáo, phải kiên nhẫn tấn công rải rác trong nhiều tháng trời. Đó là lý do tại sao chính quyền cộng sản không trực tiếp ra lệnh cấm Đạo tràng Út Trung hay không xông vào giải tán buổi giỗ mẹ của ông Trung vào ngày 19/04/2017 mà chọn một kế hoạch tốn công tốn sức hơn nhiều. Chính quyền Việt Nam tưởng làm như thế sẽ không để lại những bằng chứng hiển nhiên về đàn áp tôn giáo và sẽ dễ trốn tránh trách nhiệm hơn.
Dư luận trong nước và quốc tế không nghi ngờ gì về ý định đàn áp tôn giáo của chính quyền Việt Nam nhưng cần bằng chứng và lý luận vững chắc để chứng minh trách nhiệm của chính quyền. Trong vụ đàn áp này, chính quyền phải chịu trách nhiệm trên cả 2 mặt: trực tiếp vi phạm nhân quyền và từ chối bảo vệ cho những nạn nhân. Nếu tin vào sự thật và quyền tự do tôn giáo hiến định thì các tín đồ PGHH sẽ trở thanh những nhân chứng cung cấp những thông tin và bằng chứng về âm mưu đàn áp tôn giáo. Các luật sư của 6 tín đồ bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” sẽ phải chứng minh ý đồ thực sự của vụ xử án này là đàn áp tôn giáo.
(hết)