Nguyễn Quang A - Tiền mà Bộ GTVT chi cho PMU-18 là tiền của nhân dân (dù là tiền vay ODA của nước ngoài, người dân vẫn phải đóng thuế để trả nợ). Như thế, nhân dân có thể yêu cầu Bộ GTVT (và tất cả các cơ quan nhà nước khác) công khai việc chi tiền của dân.
*
Vụ PMU 18 đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực. Nay Toà án Nhân dân Hà Nội đang xử Bùi Tiến Dũng, nhân vật số 2 của vụ PMU-18 và 7 đồng phạm về vụ việc liên quan tới PMU-18, vụ chiếm đoạt 3,4 tỷ đồng. Bộ Giao Thông Vận Tài (GTVT) bị triệu ra toà với tư cách nguyên đơn dân sự, người bị hại.
Đại diện của Bộ GTVT đã không có mặt. Hội đồng xét xử đã công bố “công văn của Bộ GTVT từ chối tham gia với danh nghĩa nguyên đơn dân sự”.
Luật sư bào chữa cho Bùi Tiến Dũng cho rằng nhiều người và cơ quan của Bộ GTVT đã “rà soát, khấu trừ lại khoản chi trước thời điểm Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra khởi tố vụ án. Theo đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy hoàn toàn không bị thiệt hại. Bộ GTVT cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại và khẳng định mình không là nguyên đơn dân sự trong vụ án”.
Nếu đúng như luật sư nói, Bộ GTVT hãy đưa ra toàn bộ các văn bản nêu trên và công khai tất cả các bằng chứng của mình để chứng minh Bộ GTVT không bị thiệt hại về vụ 3,4 tỷ đồng.
Tiền mà Bộ GTVT chi cho PMU-18 là tiền của nhân dân (dù là tiền vay ODA của nước ngoài, người dân vẫn phải đóng thuế để trả nợ). Như thế, nhân dân có thể yêu cầu Bộ GTVT (và tất cả các cơ quan nhà nước khác) công khai việc chi tiền của dân. Không thất thoát, không bị hại thì rất tốt. Nhưng để nhân dân tin, Bộ GTVT cần trưng ra tất cả các bằng chứng, chứng cứ về sự không thất thoát, không tổn hại đó và trả lời bất cứ đòi hỏi chất vấn tiếp theo của bất cứ công dân nào.
Làm như thế, uy tín của cơ quan nhà nước sẽ tăng lên. Những người chưa tin sẽ thay đổi chính kiến của mình nếu Bộ GTVT trưng ra được các chứng cớ thuyết phục.
Đấy là cách làm văn minh. Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước khác nên gương mẫu để tinh thần thượng tôn pháp luật được tôn trọng.
Nguyễn Quang A
Nguồn: Bee.net.vn
*