Người Việt - Tổng công ty nhập cảng dầu Việt Nam, Petrolimex, mở cuộc đàm phán với đại xí nghiệp dầu khí Trung Quốc, PetroChina, về việc thiết lập đường ống dẫn nhập cảng trực tiếp dầu từ xưởng lọc của Trung Quốc.
Hiện các loại sản phẩm xăng dầu nhập cảng của Việt Nam đều qua đường biển.
Theo bản tin của công ty truyền thông Platts thuộc hãng tư vấn thông tin đầu tư Mỹ McGraw-Hill, nếu xong thỏa thuận, đường ống sẽ bắt đầu từ xưởng lọc của đại công ty Trung Quốc đặt ở Khâm Châu, một thành phố trong khu trự trị Quảng Tây Choang của tỉnh Quảng Tây, dẫn về cơ sở của Petrolimex ở tỉnh Quảng Ninh.
Cuộc thảo luận này diễn ra vào lúc hai nước đang có nhiều căng thẳng vì chủ quyền biển đảo mà người Việt biểu tình liên tiếp 5 Chủ Nhật vừa qua ở Hà Nội và Sài Gòn, khiến người ta ngạc nhiên. Nhưng cũng vì vậy không hề thấy báo chí ở Việt Nam loan tải một thứ tin nhậy cảm như tin này.
Việc xây dựng đường ống dẫn sẽ “giúp bảo đảm sự cung cấp các sản phẩm xăng dầu lâu dài và bền vững cho khu vực phía Bắc Việt Nam với giá cạnh tranh nhất”. Một viên chức của Petrolimex nói như vậy hôm 5 tháng 7. Bản tin của Platts không nêu tên viên chức này.
Khách hàng đang đổ xăng tại một cây xăng do tổng công ty xăng dầu quốc doanh làm chủ phân phối. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
Theo nguồn tin này, Petrolimex dự trù sẽ mua xăng và dầu diesel từ nhà máy lọc ở Khâm Châu của tập đoàn PetroChina dẫn tới thành phố biên giới Móng Cái. Ðầu tư thiết lập đường ống dẫn tốn khoảng $212 triệu USD và dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2014.
Trong một phần của dự án, một khu bồn chứa, đặt tên là K1, sẽ được xây dựng ở huyện Hải Hà của tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn đầu của cơ sở này sẽ có bồn chứa 60,000 m3 xăng và 90,000 m3 dầu diesel, viên chức của Petrolimex cho hay.
Kho chứa xăng dầu ở Hải Hà sẽ được nối liền với cơ sở kho chứa K130 ở Hạ Long với khả năng chứa lên hơn 150,000 m3. Theo nguồn tin, nhà cầm quyền Việt Nam dự tính nâng khả năng của các bồn chứa ở K130 lên tới 412,000m3 vào năm 2020, theo viên chức tỉnh Quảng Ninh.
Hiện đã có đường lộ nối liền Khâm Châu với thành phố Ðông Hưng (Trung Quốc) đối diện với thành phố Móng Cái của Việt Nam nên nếu thiết lập đường ống có thể được dễ dàng hơn.
Ðường ống nối từ Khâm Châu sang Việt Nam dài khoảng 200 km và có khả năng chuyển vận từ 3 triệu đến 3.5 triệu tấn dầu hàng năm, theo Petrolimex.
Cho tới nay, tin của Platts nói, không rõ Petrolimex hay một liên doanh giữa Petrolimex và PetroChina sẽ đầu tư để làm phần ống dẫn dầu ở Việt Nam hay không trong khi cũng không có tin tức gì về đầu tư cho đoạn ống dẫn trên phần đất Quảng Tây.
Xưởng lọc dầu của PetroChina ở Khâm Châu, khu tự trị Quảng Tây Choang, sản xuất 10 triệu tấn xăng dầu một năm.
Hiện nhà cầm quyền Hà Nội đã có dự án xây dựng nhà máy lọc dầu với khả năng sản xuất từ 8 triệu tấn đến 10 triệu tấn xăng dầu mỗi năm đặt tại Nghi Sơn, Thanh Hóa, cung cấp cho nhu cầu xăng dầu phía Bắc. Tuy nhiên, tới nay chưa khởi công nổi dù dự trù sản xuất từ năm 2013.
Dự án hơn $6 tỉ USD này, tin tức chính thức từ đài phát thanh VOV ngày 16 tháng 5 thì “Hiện nay dự án vẫn còn vướng mắc khi chưa có sự thống nhất trong việc triển khai gói ưu đãi của chính phủ” dù “đang được các bên gấp rút triển khai” như Ðinh La Thăng, chủ tịch hội đồng thành viên Tập Ðoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN), nói trong cuộc phỏng vấn.
Hiện nhà máy lọc dầu Dung Quất nếu hoạt động hết công suất, Việt Nam cũng mới tự cung cấp được khoảng 5.3 triệu tấn xăng dầu dùng cho giao thông vận tải trong tổng nhu cầu 15.5 đến 16 triệu tấn xăng dầu. Vì vậy, Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu ít nhất 2/3 nhu cầu xăng dầu từ nước ngoài để phục vụ nhu cầu trong nước.
Dự án lọc dầu Nghi Sơn là một dự án lọc hóa dầu có tổng vốn đầu tư 6.2 tỷ USD và có công suất 8.4 triệu tấn dầu thô trong một năm giai đoạn đầu và có thể nâng cấp lên 10 triệu tấn dầu thô một năm. Chủ đầu tư là một công ty liên doanh gồm: Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (21.1% vốn), công ty Dầu mỏ Kuwait (35.1%), công ty Idemitsu Kosan, Nhật Bản (35.1%) và công ty Hóa chất Mitsui, Nhật Bản (4.7%).
Một dự án lọc dầu thứ ba dự trù đặt tại đảo Long Sơn trong cửa biển Vũng Tàu, công suất tương đương với Nghi Sơn. Cả hai nhà máy Nghi Sơn và Long Sơn đều có thể nâng cấp, đưa sản xuất lên gấp đôi.